lửa nguội giữa trời
Truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư
Mãi sau này người ta vẫn không lý giải nổi sự cố hàng không khi đó. Một
cặp vợ chồng nhóm bếp trên máy bay. Có thể sao? Đành rằng khi họ qua máy
soi hành lý, hệ thống máy tính và nhân viên an ninh chẳng xâu chuỗi,
liên kết được tính nguy hiểm từ những thứ vật chất trôi trên băng chuyền
dưới sự xoi mói không ngừng của tia X: cái cà ràng nhỏ đựng trong giỏ
nhựa giả mây, một cái chảo gang, ca mủ, ba que diêm (một trong số đó bị
lép) nép trong hộp mà phần giấy nhám thân vỏ đã mòn lớp phốt pho. Hết
thảy chúng đều ẩn hình dưới những hình khối màu vàng trong màn hình máy
tính, màu mặc định vô hại của hữu cơ. Trong bản tường trình sau đó, nhân
viên an ninh thú nhận rằng nếu chị vợ vào cùng lúc với chồng, với bó củi
chẻ nhỏ dưới đáy giỏ, phía trên nào bột bánh nào rau dưa, họ cũng không
thể hình dung ra bếp lửa sẽ được nhen lên. Chúng trông giống như những
vật thể trôi nổi khác mà bao hành khách mang theo bên mình trong cuộc
nổi trôi. Giỏi hình dung lắm thì cũng nghĩ tới cuộc chuyển nhà. Chị vợ
vào sau, khi sực nhớ quên mua hành lá. Không có hành lá pha bột thì món
bánh xèo trớt dữ, nghĩ vậy, chị xé lẻ rảo một vòng sảnh trước mong gặp
một sạp rau. “Lội muốn rã cặp giò”như chị kể lại với người quen, nhắm
không thể tìm được thứ mình muốn ở một nơi chốn như vầy, chị băng qua
khoảng sân tanh tanh nước mưa chan ngập, ra khỏi khu vực sân bay. Bên
kia đường, đi thêm một quãng nữa, chị tạt vào một quán phở nài người ta
chia lại ít tép hành.
Sau này, khi bị thuyên chuyển sang bộ phận khác, một nhân viên an ninh
trẻ trong ca trực khuya đó, viết trên trang cá nhân của mình, rằng cậu -
chắc bải hoải vì đã nửa đêm, khoảng thời gian ở giữa ca cậu thường cảm
thấy như mình mộng du - đã bỏ qua chỉ dấu quan trọng: lời của người đàn
bà khi bị thu giữ con dao cán vàng cùng chai nước mưa. Chính cậu đứng
ngay cạnh chị, chờ người đàn bà lục tung cái giỏ xách giao ra hai thứ
kiêng kị xách tay. “Rồi tụi này cắt hành bằng gì đây?”, chị thảng thốt
nói, “mà bột bánh đã được pha sẵn đâu”. Nhưng chị không bối rối lâu, khi
nhác thấy chồng đứng đợi gần đó. Ngó anh đổi chân trụ liên tục, chị bứt
mắt dứt khoát khỏi cái thùng đựng mớ vật dụng bị thu giữ. Sẽ xoay sở
được hết, ba cái lẻ tẻ này sao làm khó được mình, chị nghĩ vậy. Nước chị
mua lại từ một quầy bán thức ăn nhanh, hành lá chị bảo chồng ngắt nhỏ.
Anh càm ràm phải chị đừng cắt móng tay cho anh hồi sớm nay thì công việc
ngắt hành tiện hơn rồi. Đôi bàn tay chỉ móng hai ngón út là còn dài, anh
bảo vợ để lại, vì sắp tới anh không còn gối đầu lên đùi chị cho chị lấy
ráy tai. Từ mai anh tự làm, bằng móng vuốt của hai ngón út, thay cho cái
que ngoáy tai mà anh cự tuyệt việc tự mình chọc vào. Nhưng đúng là chúng
- thứ móng vuốt còn sót lại chỉ làm được mỗi chuyện vặt ấy. Ngắt hành
phải là ngón cái. Mặc chồng lèm bèm, chị vợ tập trung hết cỡ vào việc
nhen lửa, như thể cái lườm của mình sẽ làm mớ dăm bào tắt ngóm đi. Chị
đã dụng đến que diêm cuối cùng. May khói đã lên và lửa ban sơ.
Đó là khi máy bay đã cất cánh được một lúc. Chị vợ đã nôn xong. Chỉ chút
ít dãi nhớt bợn dạ, từ xế giờ hớt hãi có kịp ăn gì đâu. Chồng cũng đói y
chang mình, chị nghĩ. Cố nuốt cơn chạo chực, chị vén tay áo, bảo chồng
lấy cà ràng xuống, kê ngay chỗ lối đi ngang cửa thoát hiểm giữa tàu bay,
chỗ rộng nhất, đỡ lo lửa ngọn bén vô vải bọc ghế.
Khi cố sự củi lửa lây lan trên các phương tiện truyền thông, người ta
đặt câu hỏi, nếu an ninh mặt đất sơ suất, hệ thống báo cháy phi cơ bị
lỗi (thật tình cờ làm sao), nhưng đội phục vụ bay sao lại tê dại chẳng
chút phản ứng nào. Bài học cơ bản mà họ được dạy, lửa khói là thứ cấm
ngặt, không phải sao? Và những hành khách còn lại, dẫu chuyến khuya thưa
khách sau những ngày bệnh dịch nhưng cũng phải tới sáu mươi bảy người cả
thảy, họ hôn mê cả rồi? “Lúc ngửi được mùi khói dăm bào, tôi tưởng đâu
mơ không chớ. Hít một hơi, nghĩ chúng được bào từ cây thao lao. Cậu ruột
tôi có xưởng mộc, giờ phá sản tan tành hết, nhưng hồi tôi chín mười
tuổi, nó làm ăn được lắm, mỗi lần tôi qua chơi ông dạy tôi phân biệt mùi
gỗ qua mấy thứ tủ bàn ông đóng”, một nhân chứng kể. Tưởng chiêm bao là
lý do của hầu hết kẻ có mặt trên chuyến khuya ấy. Những thứ khó tin quá,
hoang đường quá, thì là mơ thôi. Ai mà nghĩ được đổ bánh xèo trên máy
bay xảy ra trong đời thực. Chỉ là trong giấc mơ đó họ hết sức bất an,
bởi mọi thứ sống động, sắc nét quá. Tiếng bột loãng cháy xèo trong lòng
chảo nóng, tiếng hít hà của người đàn ông kêu bánh thơm ơi là thơm,
tiếng người đàn bà phát vào tay chồng, gắt “coi chừng phỏng kìa”, mùi
của những bọt nước sủi ra chỗ đầu cây củi ướt, mùi nghệ hăng hăng quến
vào hành, cả mùi một sợi tóc cháy, chắc là rụng từ mái đầu chị vợ.
“Nhưng biết đâu là trò thôi miên khói?”, một bài báo chừng như không
thoả mãn với giả thuyết chiêm bao, đã nhắc lại vụ án từng gây hoang mang
trên những chuyến xe đò Bắc Nam hơn thập kỷ trước. Những nạn nhân trước
khi bị mất sạch tài sản mang theo người đã bị thôi miên bằng thứ khói
xanh mỏng không mùi. Khói hít vào chưa đến phổi, cơn buồn ngủ tới. Trong
những giấc sâu trôi nổi quên mình, tuỳ vào ký ức của mỗi người mà họ
thấy một cảnh đốt đồng, chòi vó bốc cháy giữa đêm mang theo mùi khét của
những con ong bầu làm tổ trong cây ven vách không thoát kịp, mấy con cá
nướng trui dựng ngược trên đống rơm tàn. Cả người không xuất thân quê
làng, cũng trầm luân qua những ảo cảnh, một đống lá khô cháy ngún bên
đường, xề chuối nếp nướng chín vàng vỡ lớp lá gói ngoài, vảy da chết của
bà già sưởi tay trên bếp lửa dưới dạ cầu ngày đông giá.
“Không có kí ức thì thôi miên không tác dụng, có thể ấy là lý do
em bé duy nhất trên chuyến bay không bị mê sâu”, bài báo chốt hạ một
câu, “nếu đứa trẻ chín tháng tuổi đó không ngộp khói khóc um lên, khiến
cả khoang bừng tỉnh, thật không dám hình dung thảm hoạ gì xảy ra sau
đó”, bài báo kết luận.
“Ủa hoạ gì là hoạ gì, tụi tôi chỉ có nhiêu củi đó thôi, tráng chừng năm
bảy cái bánh xèo là hết, giữa trời vầy củi quơ đâu ra mà bếp đỏ lửa
hoài”, chị vợ nói trong đoạn phim ghi lại cuộc truy vấn. Lúc hành khách
chạy dồn về phía cửa thoát hiểm phía sau đuôi máy bay, những tiếp viên
gào thét vừa cầm bình chữa cháy xịt xối xả vào cà ràng, chị còn mắc
cười. Dụi phần củi cháy vào tro là lửa rụi, làm chi ô dề vậy. Cứ như vợ
chồng chị đốt máy bay không bằng. Chị chỉ linh cảm xấu khi những người
khách, sau khi định thần rồi, trong lúc trở lại chỗ ngồi, liên tục ném
vào bọn chị cái nhìn giận dữ. Vài người giơ điện thoại quay phim chị với
chồng, lúc này bị dí vào hàng ghế cuối, trước sự canh chừng cẩn mật của
vài ba người đàn ông tình nguyện cùng một nửa đội tiếp viên. Và chị sợ
rụng rời khi nhìn thấy chồng gần như bị lôi xểnh khỏi máy bay, trong
vòng vây đầy vẻ trấn áp, uy hiếp của đội an ninh mặt đất. Suốt đường đi
từ cầu thang máy bay đến phòng truy vấn, vài lần chân chị vấp vào chân.
Nhưng khi vào phòng họ ấn anh chồng ngồi cạnh bên, chị - vẫn gá mông một
chút ở mép ghế - thôi bấu hai tay vào ống quần mình, mà lần tìm tay anh,
nắm lấy cái ngón út vẫn còn đoạn móng thuôn dài sớm nay anh nài chị đừng
cắt. Ngón út nhắc chị nhớ anh vẫn còn chuyến bay nữa, một mình. Chị chỉ
tiễn được đoạn này thôi. Ngó về góc phòng, nơi mớ vật dụng bếp núc của
mình bị gom thành đống, một đầu rau cà ràng đã biến mất, không biết gãy
lìa lúc nào, vài cọng củi cháy dở, rau dưa nhân bánh cùng mớ bột pha
chưa kịp chiên tráng giờ thành một khối bết dính hỗn độn, chị sực nhớ
hai cái bánh mình đã chiên khi nãy, không biết chúng nằm lẫn ở đâu, vẫn
còn ăn được hay lấm lem bụi cát. Đã bảo chồng ăn trước rồi, nhưng anh cứ
nằng nặc đợi. “Còn lâu lắm tụi mình mới được ăn chung bữa”, anh nói, tay
bẻ rìa bánh mỏng bỏ vào miệng nhâm nhi. Cho tới lúc đó anh vẫn tin, rằng
mình đi rồi quay lại, mấy hồi. Không hay vợ mình giấu trong lòng hai chữ
thê lương: “bữa cuối”.
Phải chiếc ghe tải không bị phá nước bất ngờ, phải vợ chồng chị không
mất thời gian dời dạc mấy khối cát ướt của khách lên bờ, thì đã có bữa
ăn chia tay tử tế. Bọn chị sẽ nhen lửa đổ bánh chỗ kè bê tông dưới dạ
cầu Xóm Cũ, chỗ ghe chị hay neo lại sau mỗi lần giao gạo cho vựa xong.
Sẽ nuốt uống vào lòng không chỉ thứ bột nghệ được chiên giòn mình trong
đáy chảo, gói cùng với rau rừng, trước khi đẫm mình vào nước mắm chua,
mà còn là tiếng đũa người kia, tiếng chép nuốt, cách người kia cắn ngập
trái dưa leo, mảnh rau nhỏ giắt răng, cách liếm mấy ngón tay dính dấp
chút bột nghệ nhão chỗ bọc lấy phần nhân bánh, đầu lưỡi phè phỡn đảo một
vòng môi thu vén những béo ngậy của dầu chiên. Vào những thời khắc kiểu
vậy, khi cuộc chia tay mang đầy dự cảm bất an, cảnh sắc xung quanh được
thiêng liêng hoá, con người ta sẽ trở nên tham lam vô độ, sẽ nhồi nhét
vào mình cả hình ảnh mấy tờ giấy kiếng màu, loại gói hoa, nửa bay nửa
liệng trên bến, và gió tháng Mười thốc lên từ mặt sông xông thẳng vào
cái cà ràng làm nên cơn mưa tro nóng hổi. Mớ củi đã dụi tắt lửa vẫn còn
vài sợi khói.
Nhưng bữa cuối thành ra nông nổi vầy rồi. Chị liên tục đưa mắt giữa cây
kim giây giật nảy trong cái đồng hồ treo tường và mớ hành lý loạn lạc
của mình. Chắc cuộc truy vấn sớm kết thúc thôi, họ hết biết tra gạn gì
khác, hỏi hoài chỉ bất nhiêu câu. Ai là chủ mưu? Đây có phải là biết mà
cố tình làm trái quấy? Hết chuyện rồi sao mà nấu nướng trên máy bay?
“Nấu trên ghe được, máy bay mắc gì không? Ủa?!”, trong đoạn phim mặt anh
chồng vẫn còn vẻ gì đó trẻ con, dù xùm xoà râu tóc, trong khi chị vợ mặt
mũi khằn thấy rõ. “Trên trời thì như sông thôi, tôi thấy hoài trên
truyền hình mấy ông phi hành gia trôi nổi. Máy bay như chiếc ghe thôi
chớ gì mà làm quá”.
Những chữ cuối cùng dây thanh quản anh chừng như rung quá mức, âm vống
lên một cách khoa trương. Dấu hiệu anh đang cãi cùn. Như cuộc nói chuyện
với vợ anh (lúc ấy hãy chưa là vợ), một buổi trưa nào đó, khiến cả khúc
sông đều nghe thấy, rằng lệch gần hai chục tuổi thì có sao đâu. “Tui mà
nuôi râu, là tụi mình già như nhau”, anh nói, chân đạp xô mũi ghe ra
cùng lúc liệng cái túi đựng quần áo vào sâu trong mui, như thể bằng cách
đó chị không thể xua đuổi anh được nữa.
Về sau anh thú nhận anh biết chớ sao không, máy bay đắt đỏ gấp tỉ lần
chiếc ghe tải chở hàng mướn của vợ chồng anh. “Mua được cặp vé muốn mạt
luôn”, anh nói, “Bước lên nó cũng bị năm soi bảy xét, dễ đâu”. Sao giống
một chiếc ghe thả lỏng, mở lòng. Như một đêm nào đó anh, lúc đó vẫn còn
là cậu thanh niên bốc vác cho nhà máy xay xát gạo, tuồn mình xuống ghe,
tốc mùng đè lên chị chủ đẫy đà. Theo cách một mảnh sắt áp vào thỏi nam
châm.
Ảnh chụp đôi vợ chồng không che mặt truyền khắp mạng xã hội, người ta
thấy anh chồng nhìn quen lắm. Nhận ra anh từng xuất hiện trên sóng
truyền hình, trong chương trình “Tìm lại tình thân”. Trong vòng vây nước
mắt của bà mẹ mà anh đã thất lạc mười chín năm, anh cứ rướn cổ ngó về
cánh gà bên phải. Vợ anh đang ẩn mình trong đó. Cuộc tìm mẹ cho anh là
chị khơi, gọi điện cho chương trình là chị, cũng chị lén lấy mẫu xét
nghiệm huyết thống từ chồng. Vào cái đêm đầu tiên khi anh trằn trọc miết
mãi đôi vú mình, chị nhận ra anh nhớ mẹ. Vô cùng.
Và bữa bánh xèo nhân thịt vịt, như anh đòi ăn cho bằng được, là để tiễn
anh về nhà, sau cuộc sum họp ngắn ngủi được truyền hình làm chứng trước
đó. Nhà anh xa đến nỗi anh tin bên đó không có bánh xèo, hoặc có thì
cũng chẳng kiếm đâu ra mớ lá đa hương vị ăn kèm, những đọt lụa chua, lá
cách dày mùi, lá đinh lăng hăng chát. Và bởi nhà anh xa quá, chị nghĩ
mình quá già để cùng đi. Nghĩ mình sẽ già sọp ngay trên chuyến bay dài
đó, bao thuốc nhuộm trôi hết bày ra mớ tóc bạc thê lương, và khi bước ra
phi trường bên kia bán cầu, cái nắng ôn đới xa lạ không chút vị tình
chiếu thẳng vào từng bó cơ chảy sệ. Ngồi một chỗ đợi thôi mà chị còn e
là mình quá già để đợi một người đàn ông trẻ trung quay lại. Và trong
lúc ngồi chờ nhận lấy trừng phạt cái tội nhen lửa trên trời, mà không
biết lệnh cấm bay có thời hạn có thể được thực thi ngay lập tức, chị vẫn
hy vọng hai cái bánh xèo chưa thiu. Chồng có thể mang chúng lên ăn ở
chuyến bay kế tiếp. Chị đã hỏi cặn kẽ rồi, bánh xèo thì được phép.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
Bản
Tư gởi ngày 18-1-2023
|