Lời nhắn
tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư


Hỏi thế này có khi không phải, nhưng anh có nghe lòng xao động khi nghe tôi nhắc tới X không, anh có thân thuộc như đấy là quê hương, là nhà của mình không, có cảm giác người dân ở đó hiền hậu bao dung giống hệt như người cha người mẹ, cô em gái nhỏ… của mình không ? Tôi hỏi vậy, là vì, nếu như anh đã từng ở trong vùng căn cứ đó suốt một thời chiến tranh, đã từng được người dân hy sinh mạng sống để che chỡ cho mình, nếu anh nghe thân thuộc từng cái tên nghe giản dị như Thị Tường, Giáp Nước, Rau Dừa, Phú Mỹ, Đất Cháy, Vịnh Dừa… rất có thể anh là người chị tôi quen.

Tôi không nhớ chị tên gì, ờ là Duyên, Diệu, Xuyến, Nương, hay Bé Ba, Bé Bảy… Tôi không hỏi chị đã bao nhiêu tuổi, chị nói chị có cháu ngoại rồi mà cái cười tươi rói, nét mặt hiền hậu, trong trẻo, ngời ngời. Tóc chị dài, bới gọn trong bao lưới, ở đó, nó thầm lặng bạc theo ngày tháng. Chị ưa mặc áo bà ba màu nâu, có cái đã bạc màu, có cái được vá khéo dăm ba chỗ. Quê chị nghèo, gần ba mươi năm sau giải phóng, quê vẫn còn những cây cầu khỉ, những con đường đất, lầy lội, đứt đoạn mỗi lúc mưa về. Ngoài vườn, cây trái xác xơ, những đầm nước phơi mình chang chang trong nắng đỏ. Nhà còn chừng ba ký gạo, chị hối con dâu nấu cơm, rồi lấy tay lưới ra kinh giăng bắt cá phi kho mắm đãi khách Cà Mau.

Chị nói nghe hai tiếng Cà Mau sao nghe thương quá chừng, nghe gần xịt một bên lòng như xuống xuồng chống vài ba sào sẽ tới. Là vì ở Cà Mau chị có rất nhiều người quen, cái tánh chị rất kỳ, đất nào có người quen ở, dầu chưa tới cũng nghe thương. Anh Hai ở Tỉnh uỷ nè, anh Bảy ở Uỷ ban, thêm một anh Hai nữa ở tỉnh đội, anh Mười ở công an… Còn nhiều người nữa, người mất, người còn… Trước giải phóng anh nào cũng có ở nhà chị đôi ba tháng, ăn cơm nguội với ghẹm muối, ngủ hầm, thấy thương thì thôi đi. Chị nói với giọng trìu mến, như người mẹ nói về đứa con gái út đi học xa nhà, như cô em nhắc tới người chị lấy chồng xứ khác. Rồi chợt chị day qua tôi hỏi, em ở Cà Mau mà, chắc là biết mấy ảnh hả. Tôi cười, thiệt khó trả lời, người chị quen là ai trong số những hình ảnh quen thuộc trên tivi, trên mặt báo, quen thuộc đến từng nốt ruồi, từng chấm tàng nhang, từng vết sẹo trên khuôn mặt mà mỗi cái tên tôi vẫn nghe xa lạ quá chừng.

Câu chuyện xoay quay những người vắng mặt rộn ràng bên mâm cơm lỡ bữa. Chị biểu sắp nhỏ đem chai rượu ra, chị cười, em uống thêm ly nầy, chị gởi cho anh Hai, ly này chị gởi anh Bảy, anh Chín, anh Mười. Ờ, ly nầy chế gởi cho anh Hai Tỉnh uỷ nghen, hồi đó ảnh có về thăm một lần, hồi ba má chế còn sống lận, mười một năm rồi. Quỷ thần ơi, bữa đó vui thấu trời luôn. Má chế nhậu cà xình cà xang nhắc chuyện xưa mắc cười lắm, má nói thằng Hai hồi đó sợ phải lòng con gái Giáp Nước nên ăn rau răm thấy mồ tổ luôn. Chế khờ lắm, chế hỏi, ảnh ăn rau răm làm chi, má chế cười ngất, để bớt muốn vợ. Chế nghĩ, hèn chi, hồi đó mình thương thầm ảnh muốn chết mà ảnh không thương lại.

Nhắc lại, chị cười, rạng rỡ như thể ngày vui cũ với người xưa vẫn còn trước mắt.

- Mà, lâu lắm rồi, ảnh không về Giáp Nước, làm lãnh đạo, chắc là mắc công chuyện dữ lắm. mấy chế bên Vịnh Dừa, Xóm Huế gặp nhau nhắc hoài, nhớ mấy ảnh quá hà, nói chừng nào rảnh lên Cà Mau thăm mấy ảnh một bữa. Em về nhớ nhắn cho tụi chế gởi lời thăm mấy ảnh khoẻ nghen, nói với mấy ảnh, tụi này không lên thì thôi, lên rồi ở chơi hai ba bữa mới dìa.

Tôi thương chị muốn rơi nước mắt, chị bao nhiêu tuổi, bốn mươi, năm mươi hay sáu, bảy mươi, sao tấm lòng chị chấc phác, hồn hậu đến trong ngần ? Chị Tâm, Hường, Pha, Chi, Hiền hay Bé Năm, Bé Chín ơi…, biết người còn nhớ chị như chị nhớ người, biết người xưa còn thích nhắc chuyện xưa? Nếu nhớ, hẳn chị và anh đã từng gặp lại nhau, ít nhất một đôi lần, dù hoàn cảnh có trẹo ngoe, ví dụ như lúc anh ghé ngang nhà đúng lúc chị mắc đi đám giỗ bà nội chồng, ví dụ như mình chờ ở cửa này, người ra bằng cửa khác, như mình đứng ở dưới đường, trông hoài mà không biết người đã đi qua, trên chiếc ô tô sang trọng, được bọc bằng tấm kính sẫm màu.

Nên tôi nhận lời nhắn mà bần thần. Tôi không thường đi hội họp, không chơi tennis vào mỗi sáng chiều, không thường họp mặt để uống rượu Tây, sao gặp được các anh mà chuyển lời. Không được mấy dịp đó, hỏng lẽ xông vô cơ quan người ta chỉ đế nói, chị ấy nhắn như vầy nè. Mà, nói thiệt chưa chắc mấy anh bảo vệ cho vô, lý do gì mà lãng òm.

Tôi uống với chị thêm chút rượu nữa rồi về. Chị bơi xuồng đưa tôi qua kinh, sợ tôi say rồi không đi cầu khỉ được. Nước đang ròng, chị vo quần nhảy xuống, lội ọp ẹp, đẩy mũi xuồng rướn lên bãi. Tôi bảo, thưa chị em về. Chị cười, Ờ, em về Cà Mau khoẻ nghen. Mà, cho chị gởi lời nhắn mấy ảnh, có rảnh về cứ chơi, để mai đây tụi chị già rồi, theo ông theo bà mất đất. Nói vậy chứ… nghèo quá hà… tụi chị tới mấy ảnh… cũng khó. Có lần mấy chị em đi chợ, ghé chỗ anh Hai, mà không gặp được. Tôi hỏi tại sao, chị thoáng nghẹn ngào nhưng rất nhanh, nhanh như một cái chớp mắt, chị lại cười, tại bữa đó nắng dữ quá.

Tôi đi được một đỗi đường thì nghe bụng cồn lên chạo chực. Tôi quỳ bên đường nôn mà nước mắt ràn rụa, những ly rượu chị gởi… thôi rồi… Chỉ lời nhắn tôi vẫn giữ trong lòng, lời nhắn bình dị, nhỏ nhoi như hạt cát mà đau rát dạ con trai.

Tôi xin mạn phép gởi câu chuyện của chị lên trang giấy. Nếu anh đọc được mấy dòng này, rồi tự dưng nghe kỷ niệm của miền đất cũ dâng lên đầy mắt, rất có thể anh là người quen của chị. Anh ạ, chị nhắn như vầy…