Láng giềng một thuở…

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

Sớm mai cầm chổi ra quét sân, thấy cửa nhà hàng xóm mở toang, đằng trước sạch bong, chị lấy làm lạ. Bên ấy thường chỉ hé cửa lúc sắp trưa, và cái cửa chỉ mở đủ cho một người lách qua là dấu hiệu duy nhất cho biết cả nhà họ đã thức dậy. Đấy là hình ảnh duy nhất, còn âm thanh duy nhất là tiếng nhạc lúc chói lói, lúc rền rền. Ít nghe người nói cười. Họ sống im lìm, mờ nhạt và khép kín.

Nên có gì đó thật khác thường, bỗng dưng bên căn nhà chung vách giòn tan, rầm rập tiếng trẻ con chạy giỡn. Cầm chổi ngó nghiêng, gặp một người phụ nữ lạ hoắc, chị ta nhoẻn cười, xởi lởi, “dì Sáu em đi Mỹ chơi rồi, vợ chồng em ở trong quê ra giữ nhà dùm. Chế thứ mấy ? Em kêu cho tiện…”. Vậy là quen nhau, chị bồi hồi khi nghe người phụ nữ gọi “chế Ba à, chế Ba ơi…”, bồi hồi vì mình có thể nhanh chóng thân thiện với người mới gặp. Như thể nghi kỵ, dè dặt chưa từng là thói quen. Chị hớn hở vào bảo với chồng, nhà kế bên tạm đổi chủ, mắc cười lắm, dân nhà quê.

Nhà quê chính hiệu. Điều đó mà chị thấy yêu họ, thấy thú vị, vui vui. Dù đôi lúc cũng bực mình. Chị ghét cảnh những buổi chiều gặp chị vợ cùng hai đứa trẻ ra đằng trước ngóng trông, hỏi chờ gì, chị ta ngỏn ngoẻn cười, “em đợi ảnh về ăn cơm”. Chị cau mày, bỏ vô nhà, lòng nghĩ, đói thì cứ ăn, chờ đợi chi phiền phức, cầu kỳ. Rồi cho thằng con ăn xong, nó cặm mặt vô ti vi, một mình ngồi trước bữa cơm, nghe bên vách chén đũa khua trong tiếng nói cười rôm rả, cả tiếng cạo cơm cháy cũng vui, chị thẩn thờ nhớ chồng giờ nầy chắc đang lu bù với khách.

Có láng giềng mới, chị phát hiện ra bức vách ngăn giữa hai nhà quá mỏng. Nên họ nói cười, cãi cọ… cứ sôi lên như đang ở nhà chị. Họ mở cải lương suốt ngày, toàn những vở hương xa trước và hồi đầu giải phóng, ca từ trong vắt, mùi mẫn. Chị nghe cả tiếng anh chồng vỗ đùi khi Minh Cảnh xuống mùi, còn chị vợ thì ấm ức đòi vặn cổ một nhân vật nào đó ngăn trở mối tình lâm ly của Minh Vương - Lệ Thủy. Cao hứng, chồng còn ca vống lên, làn hơi ấm và mộc mạc như đất. Những trưa, vợ cũng hay dỗ con ngủ bằng những khúc vọng cổ không đầu cuối, nhớ tới đâu hát tới đó, giọng hơi khàn, thỉnh thoảng đứt quãng, nhưng rất ngọt ngào.

Có láng giềng mới, chị phát hiện ra mình hay bị… ngạc nhiên. Toàn vì những chuyện đâu đâu. Hàng xóm làm chị thẩn thờ, cười trừ khi hỏi nhà ở cuối đường ai vừa chết ?! Vợ hàng xóm trố mắt, “Chung xóm mà không biết, ngộ vậy?”. Sáng sau, khi vẹt cửa chào nhau ngoài sân, chị đã có đầy đủ thông tin về người quá cố. Vợ hàng xóm còn thắc thỏm, “lát nữa, cơm nước cho mấy đứa nhỏ xong, em đi giùm đám. Tội nghiệp, nhà họ ít con cháu nên bếp núc không ai lo…”.

Chị ngẩn ngơ. Và ngẩn ngơ là cách duy nhất chị có thể làm khi hàng xóm bưng cho tô bí hầm dừa “ăn lấy thảo”, khi mùi tóp mỡ kho quẹt dậy động sang, khi chị qua nhà họ chơi, ngó mớ rau luộc chấm tương kho trên mâm cơm ban chiều. Khi nhìn con châu châu thắt bằng lá dừa đã khô quắt mà đám trẻ nhà họ cho thằng con chị, khi thấy chúng chơi trò trốn tìm cùng nhau, chị vui muốn khóc, ngó con mình xa được cái ti vi, nhễ nhãi mồ hôi, hăm hở, “Năm, mười, mười lăm, hai mươi…”. Lẫn trong giọng trẻ con là tiếng chim cu gáy gù gù, chị vợ bảo, “Ảnh đem con cu cườm này ra cho đỡ nhớ nhà…”.

Gặp nhau trên vuông sân những buổi mai, mỗi ngày hỏi vài câu, chị biết vợ chồng nọ cũng nghèo. Nhà lá, nền đất, ruộng ít, vườn hẹp. Ở chợ nhưng nhìn mưa rơi hay thắc thỏm, “kiểu này chắc chìm đìa…”. Anh chồng thường phải đi đi về về để trông nom nhà cửa. Và khi bọn trẻ đem cho trái dừa khô đã gọt láng o, mớ mồng tơi non mởn, hay mấy củ khoai mì, khoai lang, củ chuối đã luộc sẵn, chị biết bên ấy có người vừa từ quê ra. Biết nhau chỉ đôi ba tháng mà như đã một thuở là láng giềng gần.

Hàng xóm cũ vẫn chưa về. Căn nhà ấy vẫn mở rộng lòng, nhưng mỗi lần nhìn sang, chị thấy thót ruột vì nghĩ tới cái ngày người chủ cũ quay lại.

Khi ấy, nắng đã vắt qua nửa mùa. Chị cầm chổi ra sân quét lá, nhìn nhà bên cửa đóng then gài im ỉm, nghe thương nhớ ngùi ngùi…

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
 

Lên trang này ngày 18-10-06
(Dùng bản Tư gởi)