làm tổ cho nhau

Nguyễn Ngọc Tư

 

Tự dưng anh nhớ một bữa nào đó, cũng mới hừng đông như vầy vợ đã hối anh, vợ nhắc bữa mình làm nhà, chưa rõ mặt người thằng Út đã tới. Hôm nay thằng nhỏ đó cất nhà ra riêng, mình đi sớm vần công coi mới được. Ở xẽo Rô này, một đôi vợ chồng trẻ làm tổ mới cũng làm chộn rộn người trong xóm.

Tràm và so đũa trong vườn, đốn xong ngâm dưới đáy ao, giờ lặn ao lấy lên đủ làm bộ cột. Chặt đám lá ngoài sông đem xé, phơi cho héo đủ lợp mái, dừng vách. Chừng ấy chưa thành ra một mái nhà nếu không có hàng xóm phụ tiếp một tay. Chuyện vần công cất nhà ở xẻo Rô không biết có từ hồi nào, cũng không biết đã bao nhiêu gia đình được ấm nơi ấm chỗ nhờ bà con tiếp sức.

Hồi anh ra riêng, từ lúc lên đòn tay cho tới cửa nẻo tươm tất chỉ trong vòng ba ngày. Đám đàn ông chia việc nhau người lợp mái người ven vách. Cánh phụ nữ trong nhà lo việc trà nước, nấu cơm. Ai rảnh tay thì chẻ lạt, tề đầu lá. Má anh đông con, mỗi đứa tách ổ bà già chỉ cho được mỗi nền nhà. Cây lá nhặt nhạnh của xóm, cố gắng lắm đủ cất căn nhà hai gian cột cặm, “mai mốt khấm khá mình xây tường, mấy hồi”, anh bảo vợ dù biết chị chỉ cười và nói có sao đâu, xóm này đâu phải ai cũng nhà lầu. Suốt mấy bữa làm nhà, ngoài cơm sáng cơm chiều vài ba món, buổi xế nào chị cũng đãi đám bạn chồng tới vần công bằng một nồi cơm nếp đậu, đổi bữa bằng chè khoai môn, cháo cá. Buổi cuối cùng, khi vách buồng, vách bếp cũng đã dựng xong, vợ anh luộc cặp vịt đãi cả đám nhậu quắc cần câu. Ngồi với nhau trong ngôi nhà mới tinh từng nuột lạt, trong mùi lá dừa nước thơm phức đồng bãi bờ sông, mùi bùn ai ái trên những cột kèo, nhậu đã gì đâu.

Người xẻo Rô vẫn nhắc làm nhà cho anh là vui nhất, lúc đó ông già Ba Rạ còn sống, ông hay ca mà ca cũng hay. Ngồi trên nóc nhà chờ người bên dưới đưa lá xóc nóc, ông đưa hơi một câu trong tuồng Đêm lạnh chùa hoang, nghe tiêu tan mệt nhọc. Giọng sang sảng vậy, ai ngờ năm sau ông về đất, bà con xây chỗ trú cuối cùng cho con người đã từng vần công làm nhà khắp xóm. Hình ảnh ông già vui tánh lúc nào cũng chỉ bộ đồ xám thâm kim, ngồi trên mái nhà vừa lợp vừa vô vọng cổ còn lảng vảng rất lâu trên những nóc gia. Và không chỉ vợ ông nhớ khi đi qua một căn nhà nào đó từng ấm bàn tay chồng, mà xóm giềng cũng nhớ khi những trưa nằm đưa võng.

Nhìn nhà nhớ người, cảm giác đó cũng góp phần làm hòa mau mấy cuộc đôi co cãi cọ. Thật khó khăn khi để bụng kẻ đã từng phụ giúp mình dựng lên mái ấm, hôm đó bạn còn bị giập móng tay, suýt té vì thang gãy. Nửa chừng thiếu cây cặp vách, bạn chạy về đốn trúc đem qua. Giờ chỉ là lấn cấn cái mương ranh, hay vì một vài tiếng nói sao đành phủi sạch. Đâu chỉ vần công mà còn góp nhặt cho nhau chút lá chút cây, những thứ ấy nếu tính bằng tiền thì không bao nhiêu, nhưng sao trả nghĩa cho nhau hoài vẫn nghe nặng nợ.

Làm nhà vần công, đã có nhiều đôi thành vợ thành chồng. Lá lợp đều, thẳng và đẹp mắt cũng là một trong những tiêu chuẩn của ông bà già nào có con gái đang tuổi gả đi. Một cậu con trai thu hút ánh nhìn của thiên hạ, ngoài vẻ mặt ưa nhìn, cậu chẳng ngán ngại nắng trưa, chuyện gì cũng biết làm, kể cả không biết thì cũng hau háu muốn học, nhiệt tình kết tổ giùm cho người dưng như của chính mình. Đi đổi công thay cho người cha bắt đầu ngấm độc của tuổi già, cậu được trao cái tư cách một gã đàn ông trưởng thành, đáng tin cậy. Và cái vỗ vai nặng trịch, giọng cà rỡn nửa thiệt nửa chơi “Ê nhỏ, ưng con gái tao thì lên tiếng nghen” bắt đầu cho một nhân duyên.

Đi qua vuông sân trải đầy lá, và mớ cây róc vỏ nửa chừng, người ta nhận ra dấu hiệu sắp xuất hiện một nóc gia, hoặc ai đó chuẩn bị sửa lại mái nhà ọp ẹp. Chủ nhà chưa kịp ới lên, bên xóm đã hăng hái tính chuyện góp công cho việc hệ trọng của xóm giềng. Trên cái đất xẻo Rô này, phụ giúp bà con làm nhà cũng là một kiểu thảo thơm, như một nhà nấu chè bưng cho năm ba nóc gia khác cùng ăn, bánh của bữa giỗ đầu xóm gởi đều đến từng người cuối xóm.

Mười lăm năm sau, vợ cũng hối anh mau đón xe lam ra chợ lợp quán cho đứa em bạn dì. Ý tưởng mở cái quán nhậu hương quê, nhà sàn với vách và mái lá, nó nhờ vì giờ không tìm đâu ra người biết lợp lá khéo như anh. Em họ anh cũng từ quê ra, nhưng lúc lớn lên cả xóm đã rục rịch xây tường, lên lầu sau vài mùa tôm đầu trúng đậm. Họ thuê thợ thầy chuyên nghiệp, không cần láng giềng đổi công. Đám lá ngoài sông xáng múc chỉ còn chừa vài ba bụi. Những cái nhà từng ấm bàn tay xóm giềng dần mất, năm ngoái một cơn lốc dọn dẹp sạch mấy căn cột cây mái lá còn lại. Xếp xong tàn tích, vợ chồng thằng Út cũng nhổ xứ đi cạo mũ cao su tận miền Đông.

Phải Út còn ở nhà, anh đã rủ nó đi ra chợ lợp quán cho vui. Cuộc đời đổi thay chóng mặt, ở chợ nhà lá mới là chịu chơi, quê giờ ngồi nhậu giữa bốn bức tường.

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 16-1-14