Lại những diêu bông

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Trong lá đơn được trình bày ở kỳ họp giữa năm, chị gởi tới đôi bờ lời xin lỗi cho sự bỏ cuộc ra đi, cho sự dang dở và buông xuôi này. Lá đơn được trình bày bởi một người đồng nghiệp khác, vì hôm đó chị vẫn còn trong kỳ nghỉ phép, xem truyền hình trực tiếp, chị thẹn thò nghĩ, nếu có mặt mình sẽ nhận được bó hoa và những tràng vỗ tay chào từ biệt, nhưng đến hai điều nhỏ nhoi đó mình cũng không đáng được nhận.

 

Chị thường ví mình là một cây cầu dang dở, nên chưa nối được nhà nước với dân, chị vẫn muốn có thêm thời gian để xây, cố gắng làm được nhịp nào hay nhịp ấy, nhưng giờ thì chị buộc phải chấp nhận một sự thật, cây cầu đó sẽ không bao giờ hoàn thành nhịp cuối cùng. Xấu hổ và bẽ bàng, chị đi.

 

Đi và chưa kịp một lần cùng với chị em bạn gái tíu tít với nhau chuyện quần quần áo áo, son son phấn phấn giữa giờ giải lao. Cũng chưa lần nào xán lại tán gẫu với các anh về trận bóng đá tối qua, cuộc nhậu tối qua… Chị tự rời ra bởi câu hỏi, ủa mình ở đây làm chi? Để thêm một gương mặt, để góp một bàn tay đưa cao cao?

 

Câu hỏi đó vẳng đi vẳng lại, vào mỗi kỳ họp. Chị ngồi ở nghị trường và cố gắng tránh né ống kính của mấy anh truyền hình. Chị tê dại trong nỗi sợ bà con ở cái vùng Đồng Trũng xa xôi sẽ nhận con Hà Há Ha, người đại diện của họ, người gánh vác cái gánh tâm tư trĩu nặng của họ rõ ràng đang ngồi đó, mà ngóng hoài không thấy nó nói giùm vụ những dòng kinh không có cầu bắc qua báo hại trẻ con tới trường phải qua những chiếc đò đầy, nó không nói giùm họ về những khúc xóm bị bỏ quên không đường, không điện, nó không nhắc giùm vụ trạm y tế đang xuống cấp, sắp sập đến nơi rồi… Những chuyện này chẳng phải họ đã vượt mươi cây số đường đi tới cuộc gặp cử tri, để nói chị hay, nhưng giờ thì chị ngồi đây, trong nghị trường này, nếu không sột soạt lật tới lui tài liệu, dò coi người trên bục đọc tới đâu rồi, không hý hoáy sửa mấy lỗi chính tả trong văn bản… thì chị là bức tượng, không hơn.

 

Chỉ câu hỏi là lồng lộng thổi dọc thổi ngang, làm ngã nghiêng những ảo tưởng, những giá trị. Nó ngợp trong chị khi họp tổ thảo luận chuyện này nọ, bỗng dưng người ta nói, vụ này cấp ủy hôm trước nhất trí rồi, thôi khỏi bàn chi. Xin ý kiến thông qua một nghị quyết, người ta nói cái này chỉ nên đề nghị chỉnh sửa câu cú, chấm phẩy thôi, chớ thay đổi cả nội dung, thì kẹt. Những lúc như vậy, chị thấy mình trong veo, tay này sờ tay kia mà không cảm giác.

 

Nhưng bản tin tối trên truyền hình vẫn rành rạnh gương mặt chị trong nghị trường, hôm đó. Chị nhìn ti vi và hình dung cảnh bà con Đồng Trũng cũng đang xem chương trình thời sự  trong lúc ăn bữa cơm chiều trễ tràng sau một ngày đồng áng, họ thấy chị, họ kỳ vọng những thua thiệt, khúc mắt, ấm ức của dân xứ mình sẽ vọng tới ‘ở trên’, sẽ theo chị vượt qua cánh cỗng thâm nghiêm của công quyền, một cánh cỗng mà không phải ai và cái gì cũng dễ dàng qua lại.

 

Và họ lại đội mưa đội nắng đi tới cuộc hẹn hò, với mong mỏi chị mang về những tin vui, những lời hứa hẹn. Có điều để đợi, để hy vọng còn hơn không. Và chị lại ngượng ngịu ngồi đối mặt với họ, nhìn những gương mặt khắc khổ, những bàn tay chai sạn xương xẩu khô queo, những vai áo bạc sờn lam lũ, những đôi chân bùn đóng vảy… Nhìn và chua chát nghĩ, họ như những người đi tìm lá diêu bông, ngơ ngác tin yêu và mơ mộng.

 

Nhưng chị đã phụ họ trước cả ngày thứ nhất, trước cuộc gặp gỡ đầu

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 1-6-09
Dùng bản Tư gởi