Khúc hát lên
đường
Nguyễn Ngọc Tư
Có lần, giữa lưng đèo ở núi rừng Tây Bắc, xe bị mắc lầy, kẹt giữa con dốc dài, trong đống bùn nhão, bụng thì đói khủng khiếp, bên đường chỉ vài căn nhà lúp xúp của đồng bào, mà họ cũng đóng cửa đi nương. Đoàn người ngồi lê ngồi lếch, vạ vật dưới chân núi, chờ xe chuyên dụng đến gạt bùn giải cứu.
Em kéo tôi đi dạo, em nói ở đó nhăn nhó cũng vô ích. Chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ xuống thung lũng, bên những cái rào hờ hững là vạt cải đang lên, mầm xanh nhuốt dưới mưa sương. Có một chòm nắng quét qua thung lũng, làm những rặng cây dưới kia cũng đổi màu. Em chắc lưỡi, hít hà, đẹp quá chừng ta ơi. Tôi gật đầu, và trong cái khoảnh khắc đó, tôi quên mình đang đói và chiếc xe đang nằm ì trên đống bùn. Tôi chỉ biết mình đang đứng trước vẻ đẹp chưa từng có trong đời. Một cậu bé từ trong con đường mòn trơn ướt từ dưới thung nhấp nhô hiện ra trong mưa lay phay, mắt cậu đen sâu hút, cây rựa cong cong vung vẩy trong tay, và trên vai là con gà trống ung dung đậu. Cậu đi qua, mắt hơi cười, và khi người khuất sau rặng cây rồi, tiếng gáy của con gà vẫn còn đọng từng giọt trên những dấu chân nhỏ. Em ngó tôi, hỏi, “cứ ngồi than thở trên kia thì làm sao thấy được những cái đẹp tình cờ này, hả chị?”
Tôi không trả lời, ngượng nghịu vì mình đã mất nửa giờ gắt gỏng, lo âu. Tôi tự hỏi, trong ba mươi phút đó, mình đã mất bao nhiêu cơ hội để khám phá vùng đất này. Tôi day qua định cảm ơn em, nhưng em đã phăm phăm đi đằng trước, cái ống quần kaki rất ngầu quệt vào cỏ, bê bết nước và bùn.
Chính em rủ tôi đi chuyến này. Lúc em gọi điện, tôi đã hỏi, sao đi được hả nhỏ ? Em nổi quạu, dễ lắm, chỉ cần xếp vài bộ đồ, nhịn nhậu nhẹt vài cữ, với chút tiền dành ra ấy, quảy ba lô lên vai, là tụi mình có thể tới bất cứ đâu bất cứ lúc nào. Không biết đường đi, thì hỏi. Sợ gì.
Lâu lắm tôi đã không đi, mất cảm giác. Bởi đi không phải là nhu cầu tối thiểu, như ăn, ngủ. Hôm nay đi không được, thì mai, thì mốt. Mà, lần khân tới khi già khú đế, không đi được cũng chết vì bệnh tật chứ không phải chết vì không đi. Vậy nên, tôi luôn bỏ lỡ những chuyến đi của cuộc đời mình. Đôi lúc, đã lên kế hoạch đi đâu đó, ừ, ngày mai đi. Quãng thời gian chờ sáng, tôi ôm cái gối ôm của mình, nghĩ, trời ơi, mai đi rồi, mình sẽ xa cái chỗ nằm quen, quán cafê quen, những bạn bè quen. Xuất hiện cái rào đầu tiên, sự quen thuộc bị xáo trộn. Rào thứ hai: đường xa, sông sâu cách trở. Rào thứ ba: nhớ nhà. Rào thứ tư: không ai đưa rước con đi học (hay lý do tương tự, không ai cho đàn gà ăn). Rào thứ năm: tiếc tiền. Và rào thứ sáu, thứ bảy thứ n quây kín tôi lại. Chuyến đi vào lúc sớm mai trở nên tuyệt vọng, mù mịt xa.
Và sự khao khát khám phá thế giới chung quanh đã không đủ mạnh để thôi thúc tôi lên đường. Nhưng nếu tôi vượt qua tất cả những cái rào đó, lúc bước chân lên xe, trong tôi sẽ xuất hiện một cái rào khác, khiến tôi trùng trình, nơi mình đến, có cái gì hay không ta? Mình đi xa vậy, mắc công vậy, tốn tiền vậy mà không có thu hoạch gì thì tiếc. Tiếc lắm.
Tôi cũng hỏi câu đó khi em sắp gác máy, em cười “có ai mà gặt được trước khi gieo hôn, hở chị?”. Tôi cũng cười. Em chuyên viết ký du khảo cho báo địa phương, đi nhiều, căn phòng em trong cơ quan ít khi mở cửa. Nghe nói có hồi em định lấy chồng, má em khóc quá chừng, “tội nghiệp con nhỏ, rồi phải chôn chân ở nhà”. Trong ý nghĩ của người mẹ, nếu con gái mình không đi lang thang điều đó đau khổ ngang bằng… chết. Nhưng có một vài trục trặc khiến đám cưới không diễn ra. Em đi rong để quên buồn, rồi sau này đi rong vì nghiện, không đi bứt rứt không yên. Những lần em chuẩn bị lên đường, tôi hay dặn, đi về nhớ kể cho nghe. Em cười, coi đó như một lời hẹn hò, khi về, sẽ có bữa ăn nhậu gì đó nho nhỏ, gọi là tiệc đón.
Không hiểu tại sao em chẳng nghĩ câu nói đó theo đúng nghĩa của nó. Việc đi để kể lại là không thể sao? Tôi tự hỏi khi xốc hành trang lên vai, đi cùng em.
Dẫn đoàn, đóng vai trò “cục đường” kéo mấy con kiến đằng sau là một anh nghệ sỹ nhiếp ảnh. “Cục đường” thường ngồi ở một ngọn đồi nào đó tiễn mặt trời chìm xuống dòng sông và sáng sau luôn dậy sớm chờ mặt trời lên. Tôi hay bước lên xe với cái mặt ngái ngủ. Một người viết văn thì cần những khoảnh khắc đó làm gì, tôi nghĩ. Em thì khác, xăng xái, nôn nao, em nói, “ba trăm sáu mươi lăm ngày mặt trời mọc ba trăm sáu mươi lăm kiểu khác nhau, thì như hôm qua em bị nhức đầu, nên mặt trời lên thấy khác, bữa nay đúng lúc mặt trời lên, biết đâu sẽ có đàn chim bay qua...”. Có lần, chúng tôi đi đón bình minh. Tôi ngủ gà gật, lâu lâu mở mắt nhìn thấy đang đi trên con đường nhỏ, lướt qua những ngôi nhà nhỏ, cái miếu thờ cũng nhỏ. Mở mắt ra lần nữa thấy mình đứng trước một cây cầu ọp ẹp bằng tre bắc qua kinh trên con đường dẫn ra một vùng đầm phá. Mùi rêu tanh nồng. Một cái chợ nhỏ họp bên bờ đầm. Mấy bà cụ bán khoai, bán xôi cười khoe hàm răng đen bóng, giọng Huế trên môi có vần có điệu, có ngằn có ngữ, nói như hát. Ngồi cạnh là mấy chị phụ nữ với những cái rổ con con cùm nụm cùm nịu ít cá tôm. Vài tia nắng lên xiên qua làn sương mỏng. Trẻ con xoắn quần đi lại dưới đầm, chân chìm vào mặt nước dày đặc rong tảo, thong dong như đi trên bộ. Đứa bé gái bồng em nhỏ đã ngủ say trên tay, như mèo con ì ạch tha chuột, đi về phía xóm.
Tôi đứng đó, ngây dại trước một bình minh trong vắt. Nhìn người dân thong dong lội lỏm bỏm dưới đầm, tôi hỏi, “ủa, đất ở đây không lún sao ta?”. Em cười, xoắn quần, tháo giày lội xuống. Một cách trả lời. Tôi làm theo, dầm chân vào buốt lạnh của nước và cát, thảng thốt nghĩ mình từ nay không còn thản nhiên, hài lòng với những bộ phim quảng bá du lịch chiếu trên ti vi.
Bởi cái vị nồng của biển, cái rộn rã ban mai, cái không khí trong lẻo này, hay sự buốt lạnh truyền lên từ gan bàn chân không ai kể cho ai được. Những năm dài quẩn quanh nhàm chán từ nhà tới cơ quan, từ cơ quan tới quán café, lười nhác đến nỗi chỉ ngồi ở một góc quen, với cái bàn quen, tôi khoe khoang là mình đã biết Huế với những bộ phim, những cuốn sách, với lăng tẩm cung điện, và vào một buổi sáng không hẹn, tôi đứng nhìn sự biết của mình tan đi trước cái đẹp của một miền quê.
Em thì đang hăm hở lội tuốt đằng kia, chào hỏi một chị mua nước ngọt chở ra căn chòi nhỏ giữa đầm khơi. Đó những người dịu dàng, em kể khi quay lại, vì họ ít khi nào để nước sánh ra khỏi những cái thùng.
Tinh tế đến từng chi tiết. Bỗng dưng tôi nhớ những lần dặn “về nhớ kể nghe chơi”, bản thân việc đó gây buồn, cho em và cho tôi. Sẽ không khó khăn gì, nếu em thuật lại, ngày thứ nhất đến đâu, nơi ấy có những cảnh đẹp nào, món ăn gì, cùng vài chuyện đáng nhớ nho nhỏ. Tiếp theo là hành trình của ngày thứ hai, thứ ba… Dĩ nhiên, những bức hình chụp bằng cái máy ảnh cà tàng của em cũng là một cách kể. Thác nước, khúc sông trôi, hoa phượng tím, bên bờ rào thưa có đứa trẻ chăn bò… Tôi gật gù gật gù, ừ đẹp quá, mắc cười quá, dễ thương quá.
Nhưng em đã mang về một dòng suối, cánh rừng, dòng sông… câm lặng. Em không thể xê dịch không gian và thời gian để đưa tôi tới cảm giác tan đi dưới dàn đồng ca rền rĩ, buốt nhức của những con ve mùa hạ, lẫn trong nó là cái âm thanh trong lẻo thanh thoát của dòng nước chảy lỏn lẻn qua khe đá. Và gió và nắng, chúng lung linh, sống động đến nỗi, ở trong nó người ta không bắt kịp bằng tất cả các giác quan của mình.
Sau vài chuyến đi rong, tôi nói tôi phải bắt đền em, vì mỗi sáng ra đường đúng lúc máy bay cũng ngang qua, tôi chênh chao quá. Bởi với tôi, nó là biểu tượng xê dịch, là bài hát lên đường. Em cười, lại rủ rê, “vài bữa xuống Rạch Gốc nè, xách ba lô đi cho vui”. Cái xã ven biển tôi đi công tác cả chục lần, nhưng đi với em mới thấy nó… đẹp đến giật mình. Em khiến tôi từ bỏ thói mặc cả, kiểu như nếu tôi đi thì tôi sẽ được gì, tôi “hy sinh” nhiều vậy thì tôi “có” gì? Đông Bắc hứa có núi và rừng. Dãi đất miền Trung hứa hẹn cát trắng và biển cả. Tây Nam Bộ hứa bằng những con người tử tế, dễ thương. Nhưng em chứng minh được một điều, nếu không nhận được lời hứa nào, tôi cũng thấy mình có nhiều. Đi là tới, là được, là có. Chẳng thể hứa một buổi trưa nóng rẫy, chúng tôi nhìn thấy bụi cỏ bên đường nở hoa trắng muốt, dù lá cỏ bị giẫm nát bởi những dấu chân trâu. Chẳng ai hứa, những gì chúng tôi sẽ nhìn thấy, cảm nhận suốt cuộc hành trình, tổ chim sẻ chon von trên vai pho tượng Phật, bài hát của những người yêu nhau trên những ngọn núi cao, những cụ già mót khoai bên rẫy, nụ cười của em bé Simacai khi một tay cầm chim đứng đái, tay kia vẫy khách không ngừng. Ai mà hứa được những cái đẹp, cái chua xót, xốn xang không ngừng tuôn chảy trên mỗi bước đường?
Và cứ mỗi lúc tôi đứng ngây ra trước vẻ đẹp bình dị của vùng đất nào đó, em kín đáo ngó tôi cười tinh quái, “mê rồi hả chị?”. Trong ba lô em có cái bản đồ xếp làm tám, mỗi khi em chỉ vào một chấm nhỏ nào trên đó, “chiều mai mình sẽ tới đây nè”, bỗng dưng tôi cảm giác có sương rơi.
Nhưng không phải lúc nào cũng có sương, có hoa, có nắng, có những cái đẹp rạng ngời. Luôn xảy ra những trục trặc không lường trước. Chẳng nhằm nhò gì, em biết thiền theo kiểu của mình. Không thèm nôn nóng hay cáu giận bởi những bất trắc, chiếc xe chết máy, bể bánh, hay khi lỡ chuyến tàu, hoặc thời gian chờ đò quá lâu… em sẽ rảo quanh, trò chuyện với người dân ở đó, tìm hiểu tên gọi của một loại hoa cỏ lạ. Có lần xe dừng trước đèn đỏ, em chỉ vào những người nhăn nhó sốt ruột đi xe máy đứng quanh, khều tôi “mắc gì phải vậy. Để dành ba mươi giây chờ đèn đỏ để nhớ tới một đứa bạn đã xa, hỏng phải tốt hơn sao?”.
Có cảm giác em không để trống bất cứ giây phút nào. Em luôn trong trạng-thái-sống. Em nói, còn sức thì đi rong ruổi xa xôi, đến khi ngồi xe hết nổi, em lội bộ lòng vòng ngắm tất cả những hẻm hóc, ngóc ngách trong thành phố. Và khi chân quá mỏi, em cũng bắc cái ghế ngồi trước cổng để nhìn mấy bà bán phở, bán tàu hủ, bán trái cây… mưu sinh trên đường.
Cả những vẻ đẹp bình thường quen thuộc đó, cũng phải biết khao khát, tìm kiếm và trải nghiệm mới có. Em nói vậy mặc dù không nói vậy.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Lên trang này ngày 26-1-08
|