Khói lời
Truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư
Lúc khóa cổng thấy trời kéo mây, hơi nước rười rượi. Lên xe mà gặp mưa thì may, bốn bề nước bôi trắng. Rèm mưa che đi cái cảnh nhà mình nhỏ dần nhỏ dần rồi mất hút, như đoạn kết thường nghe từ những bài hát bolero.
Sào phơi đã gom hết quần áo, nhưng mưa qua biết đâu nhà nảy ra vài chỗ dột. Năm nào tắm mưa đầu mùa xong, cái mái nhà đã khô cong suốt một mùa nắng cũng hớ hênh để nước chảy xuống nhà. Lấy xô chậu đón nước, phân vân không biết có nên nói chồng hay.
Anh ơi nhà dột. Bốn chữ gọn đeo. Mà ngập ngừng đến hết bảy cơn mưa tương đương với bảy lần rải xô chậu đầy nhà, chồng muốn vào nhà tắm phải lượn hình số chín để tránh. Anh đảo chân cũng khéo, không vấp lần nào. Bữa mượn cái thang bên xóm để trèo lên mái trét mấy chỗ thủng, tôn gỉ cào rách gối, nghĩ bụng thôi thì lần sau sẽ nói. Cũng đã nuốt hết nhụy của chữ ‘dột”. Cổ họng còn nhân nhẩn.
Nhưng không phải chuyện gì cũng có lần sau. Hôm cưới, lúc ông chủ lễ kêu trao nhẫn trước bàn thờ, tự dưng muốn nói hay là thôi, anh ! Ý nghĩ xuất hiện đột ngột, nên tay bất giác níu chặt bó hoa vải đỏ, anh không thấy chìa ra nên tự kéo lấy, lồng nhẫn vào cái rụp. Người lớn hai bên bồi hồi vỗ tay mừng chuyện gia thất tụi nhỏ cũng xong. Tấm ảnh chụp giây phút đó, mặt cô dâu chú rễ hơi bàng hoàng.
Mười tuổi đã biết gặm nhấm lời của chính mình. Tưởng dứt được khi bắt đầu yêu anh. Hồi hai đứa đang chờ việc, hình như đã từng nói chuyện vô cùng dễ, kiểu như em vừa dầm mưa nên bị cảm rồi. Đôi giày mua ở chợ đêm không ngờ đi ba bữa đã sứt quai. Hôm qua em run quá, đến nỗi không còn biết mùi vị ra làm sao, thấy ân hận vì nụ hôn đầu là thứ không thể làm lại… Líu lo lúc ở cạnh nhau, qua điện thoại, tin nhắn.
Chuyện mình, chuyện hàng xóm và cả những chuyện tào lao trên báo. Sau này chạy vạy được một chỗ làm, anh chỉ có thời gian nói “ừ”, “vậy hả ?”, “rồi sao ?”. Hoặc gom ba món đó thành một câu năm chữ cùng một dấu câu mà âm thanh của nó khó phân biệt là chấm than hay chấm hỏi. Có lần nửa đêm gọi điện để kể mẹ - người chưa từng bật ra câu nào kiểu mọi người mẹ thường nói với con, chỉ những lời mà xe ôm cũng lên tiếng được, thí dụ như “Dậy, tới giờ đi học rồi”, “thi không đậu thì đừng về nhà nữa”, “đầu óc để đâu mà không khóa cửa, hay hẹn trước với thằng ăn trộm nào ?” – người mẹ ấy vừa vào phòng và bảo thương ai thì kêu người ta cưới cho rồi, đừng để lỡ lầm như mẹ. Cái vuốt tóc kèm theo làm em muốn khóc. Anh nói, “ừ, vậy hả, cưới thì cưới !”. Giọng anh chìm nhanh trong tiếng gõ bàn phím lách tách. Chắc phải ngoẹo cổ giữ điện thoại. Lại một công trình gấp gáp nào đó phải làm xuyên đêm. Có thể hình dung căn phòng bị rách bởi ánh sáng từ hành lang len qua khe vách cắt vào, quần áo rối nùi đầu giường, khăn ướt ròng nhỏ nước xuống kệ ti vi. Những bàn phím trước mặt anh tróc lở mặt chữ, khe phím đầy những tàn thuốc lá, màn hình chờ là một cái mê cung trình chiếu bằng hình ảnh ba chiều một người bạn anh cài cho hôm chủ nhật, ngày mười ba tháng sáu. Một ngày chẳng có ý nghĩ gì trong cuộc tình nhưng không quên được, đúng trưa ấy nói nhớ anh quá, giọng bên kia rạo rực lạ lùng, “Ờ, đang ở trong cái mê cung mà không muốn ra chút nào. Đẹp quá, tụi công nghệ giỏi thiệt !”
Sau đó chắc là không nói nhớ anh lần nào nữa, vì đám cưới chấm hết sự xa xôi. Chung nhà thì nảy ra nhiều chuyện khác cần nói hơn. Áo em lại bị tàn thuốc anh làm cháy. Chắc phải đóng lại hàng rào, tụi con nít quỷ bẻ mấy chùm khế trong sân đã làm sập bẹp. Em không thích kiểu cừu hay nhện gì đó, lần nào cũng thấy không thoải mái với ý nghĩ hai đứa giống hệt những đôi chó rên ư ử ngoài đường. Một bữa quờ quạng tìm áo để mặc lại, phát hiện ra mớ lời ấy vẫn đang trong miệng mình. Ngậm lâu nên chúng bợt bạt, tả tơi. Hèn gì cứ muốn hứ hư hứ hự cùng anh cho vui mà răng nghiến sít.
Hèn gì bữa sửa rào búa đóng đinh nhằm tay, nghe miệng mặn và tanh mùi máu. Anh về hơi ngà say, hỏi mướn ai làm mà hàng rào xấu vậy ? Bệnh cũ trở lại, lời nói vừa chực trào ra lưỡi giữ rịt, liếm láp, mút mát đến sạch bách. Hương vị chúng bao giờ cũng xộc vào thật gắt, rồi bả lả dần cho đến khi mòn đến lỏi. Chữ ơ của “bơ vơ” với chữ g của “nguội” vị khá giống nhau : giữa ngọt là chua, cạn đến hạt thì chát, sau chót lại bùi. Nhưng không phải lời lẽ nào cũng dễ tách bạch mùi vị, chúng râm ran thoắt hiện thoắt tan, dắt ta đi vào những ngõ ngách xa lạ.
Một bữa chóng mặt không mở mắt được vì lỡ ngậm từ “chia tay”, nghĩ chắc phải nói với chồng về chứng bệnh có từ hồi nhỏ. Áo rách không kêu mẹ, tự vá chằng đụp vụng về. Bụng đói không kêu mẹ, trèo nóc tủ lấy mì tôm ăn sống. Chưa từng kể anh nghe vì hình dung anh sẽ phá lên cười khi biết vợ (trước đây là người yêu) bị cái tật nhai lời, lúc chúng chưa thành tiếng nói, chưa thấy mặt trời. Hoặc anh sẽ bảo ừ, rồi sao? Cơm trưa giữa chừng, quyết định nói “anh ơi, em đang bị bệnh kỳ lắm, như con mối gặm sách”, bỗng mớ từ đó vỡ ra giữa hai hàng răng ê ẩm. Mùi vị của cà pháo quá lứa đem muối xổi, thừa ớt thiếu chua.
Thỉnh thoảng cũng trông anh hỏi em dạo này sao mà mặt mũi cứ vơ vất đâu đâu, chỉ cần vậy chắc câu nọ ríu câu kia ngay lập tức sẽ tuôn ra hàng thúng. Hoặc anh chỉ việc nhìn thẳng vào vợ bằng ánh mắt ân cần. Đơn giản hơn, chẳng phải hỏi han hay nghiêng ngắm, anh cứ về nhà đúng giờ đúng lúc câu nói nào đó tanh tách búng mình. Nhưng những gì muốn nói y hệt mâm cơm, dọn nửa giờ đã mỏi mòn nguội lạnh. Giờ thì thôi hy vọng, nghĩ chẳng ai chết vì ngậm lời, sợ khỉ quéo gì. Coi kiếng thấy xương quai xanh cao sắp chạm cằm. Không có cảm giác đói cồn cào nữa. Bạn cùng cơ quan dần ít rủ ra ngoài ăn vặt, vì cái mặt mình coi bộ lạc lõng, họ tưởng đối phương tách bầy. Tự dưng nhận ra những cuốn gỏi chấm tương hay xoài ngâm nhấm nháp không mê hoặc bằng lời. Chúng bảng lảng và chậm rãi len vào từng kẻ răng, cạnh lưỡi, đắng nhẹ kiểu như khói. Thơm ngọt thì không, nhưng bùi ngùi khó tả.
Mẹ hỏi có thèm chua không, tưởng con gái ốm nghén. Qua nhà mẹ, chưa kịp nói “mẹ ở lại mạnh giỏi”, thì thấy một người thanh niên từ trong buồng trễ nãi bước ra. Nói vói theo tấm lưng dài thượt, giọng mẹ ướp đường phèn “dọn cơm sẵn rồi đó, ngủ gì mà quên trời đất, đói vậy mà không chịu dậy, bụng dạ nào chịu nổi ?!”. Không biết lúc nhà vắng khách mẹ xưng hô sao với Lưng Dài. Nghĩ tới đó bỗng miệng tê mê một vị ngọt tội lỗi. Ngập ngừng muốn kể mẹ nghe chuyện nhỏ sinh viên ở trọ trong hộp diêm gần nhà mình có bồ. Hai đứa hay rúc rích ôm nẹo ngoài băng đá vào những ngày hộp diêm bốc khói vì nắng nóng. Thằng đó tay chân lanh lợi sờ soạng khắp người con bồ, chứ không uể oải như ở với mẹ, mỗi lưng dài là không thay đổi. Giữa đường lấy điện thoại ra nhắn cái tin, lúc gửi đi rồi mới kịp nghĩ những chữ chạy đi chỉ là dư vị, xác chúng mình đã nhấm nháp sạch rồi. Người ta có từ bỏ những cái cầm nắm được, vuốt ve rạo rực được vì một vài dư vị không ?
Câu hỏi đó lại vo ve trong đầu khi thả chìa khóa nhà vào túi rác. Ngó căn nhà lần nữa, ngập ngừng không biết có nên gởi anh cái tin. “Cổ áo anh thường vướng mấy sợi tóc, em đo hoài mà chúng vẫn dài hơn tóc của em. Kể cả khi em để tóc dài thì tóc ấy vẫn dài hơn”. Ngậm hai câu cứng đanh ấy không biết bao nhiêu lần, rồi nuốt trộng, lần nào cũng mắc nghẹn muốn nín thở. Tối qua cắn nhằm chữ “tóc”, mẻ luôn miếng răng cùng.
Lên xe rồi, cái tin nháp nằm nán trong điện thoại. Hay là xóa chúng để viết ba chữ “em đi đây”. Có khi chẳng cần viết gì, chẳng cần nói gì. Căn nhà vắng cất lên tiếng nói, bằng khói của lời. Cả xóm chắc sẽ kéo lại coi, vì náo động.
|