Hư ảo rồi tan... Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư Cuối cùng, mình đã biết mình có nhiều chỗ không giống... người ta. Như sớm nay, thấy người bưng thúng củ kiệu qua nhà, đáng lẽ, phải nghĩ ngay tới món dưa kiệu chua hay kiệu xào tép mình lại chớm nghẹn ngào. Ui chao, tội ông Táo nhà mình, Tết này lên trời biết nói gì về gia chủ ? Kể chuyện mình chuẩn bị một bài phỏng vấn cho báo Tết từ hồi... đầu năm ư? Bài phỏng vấn mà mình mường tượng trước là sẽ hay lắm, gay go lắm, trò chuyện tay đôi một quan chức gần đầu tỉnh chứ giỡn à. Mình sẽ hỏi những chuyện thường thôi, những chuyện mà phóng viên khác không thèm hỏi, chẳng hạn như ông có mệt mỏi không với những cuộc tiếp khách triền miên, có khi nào ông nhớ một bữa cơm gia đình, ông thường chơi môn thể thao nào, thí dụ như ông trả lời là chơi tennis (như giới quan chức vẫn thường yêu thích), mình (tưởng tượng) sẽ “bẻ” ngay, “sao ông không chạy bộ lúc sớm mai (trời ơi, chạy bộ sẽ biết được nhiều thông tin, sẽ hiểu nhiều nỗi lòng của dân lắm nghen). Mình đọc tham khảo cả một cuốn sách dày “Sáu lần gặp PUTIN” chỉ để rút ra câu hỏi hơi... cà chớn, “Tại sao có nhiều người chức càng cao bụng càng to ?”. Mình sẽ hỏi về những trăn trở, âu lo, những buồn vui vô cớ, mối tình đã qua, rung động đầu đời...mấy cái này coi bình thường vậy mà ăn khách lắm, mới mẻ lắm, đồng nghiệp chưa làm (thì giở báo ra họ toàn hỏi ông kết quả thực hiện nghị quyết, phương hướng sắp tới ra làm sao, chỉ tiêu đặt ra như vậy có gì khó khăn không. Ông này cũng trả lời cực kỳ hành chánh, nào là nhìn chung khả quan, tổng thể khách quan, cũng còn hạn chế, có ưu điểm nhưng cũng tồn tại khuyết điểm..). Lâu nay, báo chí xứ nhà ít viết về chân dung các nhà lãnh đạo, một chân dung gần gủi, đời thường như bác nông dân, như chị bán khô khoai, khô mực... Nên nghĩ tới bài phỏng vấn mình thấy sướng rơn lên, thậm chí nhắc tới tên ông, tim có chút đỉnh xao xuyến (chết thật, tại nhập tâm quá ấy mà) Nhưng cuối cùng mình có làm được bài phỏng vấn mơ ước ấy đâu. Chưa kịp viết gì, ông lãnh đạo nọ đã ra đi khỏi trái tim mình, bằng vài chuyện sai lầm mà… ông Táo không hiểu nổi. Mình thấy lòng toang hoác, bẽ bàng (lặng lẽ vẫn tay chào thần tượng vừa rụng như sương, vừa chết ngắc bên đường mà mình chẳng dám tin, tưởng đâu…). Báo hại, ông Táo không thể tâu với Ngọc Hoàng về câu chuyện dỡ dang này của mình (mặc dù đáng kể nhất trong năm). Nhưng ông Táo sẽ ấm ức lắm, ông tự hỏi sao nhỏ gia chủ không lăn lộn vào cuộc sống nông thôn mà viết, như năm ngoái năm kia, ông đã tự hào với Ngọc Hoàng biết bao nhiêu khi nó nói lên được cái cực nhọc, cái đói nghèo của người nông dân đang bời bời đi qua những cơn bão rớt. Sao nó không viết một mùa lúa “ngã về không”, một mùa trắng tay vì hạn sớm của bà con Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời… Những nỗi niềm trần ai, những nỗi đau đắng đót của người oan khuất. Sao con nhỏ gia chủ không viết về bà con nông dân cho chắc ăn, hay nó nghĩ đề tài đó không sang trọng, nó thay đổi rồi. Ông Táo nghĩ vậy chẳng oan chút nào, mình cũng thấy không giống chính mình, lúc trước. Đám giỗ nhà má, mình đủng đỉnh nhón món này, nếm món kia, mà không biết keo đường, hủ muối nằm đâu khi có bà con hỏi (góc bếp đó ngày xưa mình gắn bó biết chừng nào). Bỗng thấy mình là con mà như khách, như người dưng, như kẻ qua đường... Mình mất hết bạn bè vì tính lợt lạt, dửng dưng và tuỳ hứng. Chớ chuyện như vầy thì sao hàn gắn được, ba năm tụi mình mới có dịp gặp nhau tưng bừng, vậy mà tối đó mình bỏ đi ngủ (nghĩ còn mai, còn mốt), nhưng sáng mở mắt ra bạn đã đi rồi, chẳng uống được chén rượu tiễn đưa, để say ngà ngà, thảng thốt đọc câu thơ “sao lại chia tay ngỡ ngàng như dễ...”. Như nước chảy qua cầu, mãi mãi không trở về được, có dựng lại khung cảnh ấy với những người ta yêu mến ấy cũng lạt nhách cảm tình. Đã thấy thời gian ghê gớm vậy rồi mà mình có tỉnh ra đâu (nên ông Táo mới tức cành hông). Mình bỏ mặc bụi đóng lớp trong nhà, bỏ ông Táo dơ dáy, xo cò trong gian bếp lạnh, tối ngày chổng mông vô xấp Tạp chí về nhà đẹp, vườn đẹp, phòng đẹp để… tham khảo. Nhà mình ấy à, sẽ là một ngôi nhà mặt trước ấn tượng với những mảng màu, phòng ngủ ở tầng trên cùng, giường, tủ giống hệt như trong phim Hàn Quốc, tầng lửng đặt ti vi màn hình phẳng và dàn âm thanh hi-end, phòng khách trang trí sang trọng với bộ bàn ghế màu mỡ gà, có hòn non bộ, nước chảy róc ranh dưới chân cầu thang. Và còn một căn bếp sáng choang với hàng hàng tủ kệ, ông Táo tha hồ ăn sung mặc sướng ( Nhưng ông chỉ lắc đầu, sao không làm ơn quét bụi, dọn dẹp nhà cửa, móc rác dưới tủ chén ra dùm tui, lo chăm chút chi ngôi nhà mơ ước còn thăm thẳm trên… trời). Mình háo hức dạo cửa hàng, đi shop chỉ để ngắm quần xanh áo đỏ (cho thoả mãn nỗi thèm thuồng chớ tiền đâu mà mua), tội chồng con ở nhà ăn mặc nhếch nhác, nhăn nheo. Áo chồng đứt chỉ, áo con đứt nút mình quấn xà nùi để đó, chúi đầu vô coi những bộ phim mà chỉ cần giới thiệu diễn viên là đã biết tỏng tòng tong tình tiết, cốt truyện, biết luôn đoạn kết ra làm sao. Rốt cuộc, mình không làm gì coi cho được (dù chút xíu thôi, để làm thuốc). Chắc ông Táo không đành lòng nhìn gia chủ chìm lút trong hư ảo. Ông khiến chuyện này chuyện nọ để cảnh tỉnh con nhỏ đang sợ sống… Ông cho mình gặp Chị, cho mình than, ui, thời gian trôi thiệt là mau. Và Chị cười, đâu phải vậy nà. Bốn mươi tám tuổi, Chị chưa chồng, mùa cưới năm nào cũng đùa cợt dẳng dai. Quẩn quanh bên giường bệnh của má, Chị thấy một năm qua lâu thật lâu, bằng những khắc khoải, lo âu khi má nói má đau, khi má ho khan lúc trời trở gió. Mới rồi má về với đất, Chị đùm bọc đám em khờ, và năm tới của Chị sẽ qua thật lâu vì nhớ má. Thời gian chẳng là gì cả, khi người ta sống hết mình. Như người bán vé số đã đi đến tận cùng ngày, mang chút tiền lời mua gạo nuôi con. Như người nông dân nhọc nhằn đến cuối mùa, mong thay lá mới cho căn nhà đã dột. Như… Chắc ông Táo xui gió Chướng rập rờn qua cửa, xui người rinh thúng củ kiệu đi qua để cho mình đắng đót buồn, mai tới rồi, đã hết hôm nay mà mình chưa kịp sống.
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 10-2-2005
|