|
||
Ảnh do Nguyễn Ngọc Tư chụp |
Ghi trên điểm gãy
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư
Tôi dừng chân ở một cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt lớn mang tên “chia cắt”.
Người ta dựng mảng rào ở cuối một nhịp cầu nhỏ, trên đó, họ buộc oằn những mảnh vải bạc màu. Chữ trên hàng triệu mảnh vải cũng phai những lời khấn nguyện hòa bình, sum họp, những dòng nhớ thương khắc khoải. Một cây cầu khác rơi mất nhịp ở hai đầu đứng chơ vơ trên cánh đồng hoang vắng trãi rộng đến một con sông, bên kia sông là dãy núi xa mờ.
Một tháp chuông với những cái diềm mái trang trí theo kiểu cổ, vài đại tự bản xứ mang nghĩa “Hòa Bình”. Một đầu tàu kéo theo mấy toa hiu hắt hướng về Bắc. Đài quan sát hướng dãy ống nhòm về Bắc. Những ánh nhìn vọng phía Bắc… Trong vòm cây, bài hát thương nhớ Bắc réo rắt nao lòng. Và như một chi tiết tinh tế trong cuộc trình diễn đó, vài em bé thót người, nhón chân, đu trên cái ống nhòm. Tôi đứng giữ máy ảnh giữa mưa rơi lắc rắc để ghi khoảnh khắc em nhìn về phía núi. Bỗng thấy cuộc trình diễn này biến tôi thành một chi tiết của nó mất rồi. Thấy mình là một cây kim trong cái la bàn, cũng ngẩn ngơ đau đáu run rẩy về Bắc.
Dưới đồi, hồ nước nhân tạo mô hình bản đồ đất nước Triều Tiên (trọn vẹn) bị mùa thu trải sương mưa lên mù mù, ủ ê, lạnh buốt. Có thể mưa cũng là chi tiết trong cuộc sắp đặt. Như tôi, như những em bé kia, như hàng ngàn người có mặt ở đây trong ngày thu buồn bã này. Cảm giác mưa cũng gãy, cũng bị chặn lại ở bên kia núi, bên kia biên giới.
Người ta làm mọi thứ trông thật, tinh tế, đến từng chi tiết nhỏ. Cả hàng rào kẻm gai, cả người lính canh đang khép cổng cũng làm cơn đau nào đó cuộn lên trong tôi. Sắc nhọn. Của một cánh đồng không gieo trồng, một dòng sông không trẻ chăn trâu trầm nghịch, một cây cầu dang dỡ, một đoàn tàu đã hơn năm mươi năm không lăn bánh, tháp chuông cũng từng ấy năm chưa được ngân lên hai tiếng hòa bình. Ở đây, dường như không có cái gì sống đúng bản chất của nó, kể cả những con người-chi-tiết đang có mặt ở nơi này, cũng kìm nén, ấm ức, ngột ngạt. Cũng buốt nhức cái nỗi niềm nhớ thương những người thân mà không được gặp. Cũng thấy cái biên giới này là một vết thù vô lý, nhưng không ai biết cách, không ai dám vượt qua, và chấp nhận sống cùng nó, đau đớn cùng nó.
Cuộc trình diễn bắt đầu từ năm 1953, nửa thế kỷ sau, khi tôi đến, bối cảnh có nhiều thay đổi. Một khu vui chơi giải trí được dựng lên. Dãy hàng quán bán thức ăn và đồ lưu niệm. Người bạn tôi ái ngại, xây công viên làm chi vậy trời, chỗ này đâu phải chỗ chơi. Ai lại vui chơi trên chính vết thương hở miệng của dân tộc mình ?!
Nhưng người ta vẫn sắp đặt ở đây những nụ cười, những tiếng reo vui. Nhiều đôi trai gái thầm thì yêu thương trên ghế đá cạnh lối đi. Đám trẻ con chạy giỡn bên đài phun nước. Vài gia đình bày thức ăn trên bãi cỏ quây quần dùng bữa chiều. Và những chi tiết sắp đặt này vẫn sắc nhọn, gây đau như mảng rào cầu nguyện, hay dòng sông, cánh đồng…
Vẫn nằm trong một kịch bản xót xa về những lát cắt, giữa quá khứ và hiện tại, giữa nhớ và quên, giữa chiến tranh và (ảo tưởng) hòa bình. Đâu đó, người ta bắt gặp cảnh đứa cháu gái đang lim dim mắt ngún nguẩy theo điệu nhạc từ cái ipod đeo trên cổ trong khi người bà lụm cụm đang níu mãi cái ống nhòm nhìn về phía núi, bên kia dãy núi đó, có những người thân thuộc ruột ràng của bà, có một phần đất nước. Cô gái trẻ không quan tâm điều đó, cô hoàn toàn không có ký ức với những gì thuộc phần đất xa xôi kia. Tôi cũng không, nhưng vì tôi liên tưởng đất nước từng bị chia cắt của mình nên mới thẫn thờ.
Chiến Tranh, kẻ bày ra trò sắp đặt này, cùng với những kẻ phụ việc mang tên Tham Vọng, Định Kiến, Thù Hận… ít nhiều đã thành công. Người ta đến đây, tự biến mình thành một chi tiết cho cuộc trình diễn nhói đau, tự mình là nhựa, ứa ra trên điểm gãy của cành. Sông là dao, núi là dao, và cánh đồng, cây cầu, mảng rào, cánh cổng, con tàu đều bén ngót, cắt ngọt.
Giữa cơn mưa chiều, tôi buộc mảnh ý nghĩ của mình lên mảng vách oằn những lời thương nhau, với nguyện ước, cầu mong những dòng nhựa ứa đau dai dẳng cho cuộc chia cắt này sớm một ngày khô. Đồng loại tôi kéo chéo áo mà lau nước mắt sum vầy.
Tôi ngoái nhìn lại tác phẩm gợi nhiều cảm xúc của Chiến Tranh, tôi biết những hình ảnh xao xác đó không xuất phát bởi tấm lòng người nghệ sỹ, bởi nghệ sỹ chẳng bao giờ lại nhẫn tâm gây đau cho đồng lọai của mình. Nhưng nghệ sỹ mang tên Hòa Bình bao giờ mới đến làm nên cuộc trình diễn của riêng mình?!
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Lên trang này ngày 23-10-07 |