Email thứ bảy
Nguyễn Ngọc Tư
Phương thích nghe vọng cổ không? trong nhà có cất giữ bài ca vọng cổ nào không? Tôi hỏi vậy, vì tôi đang nghe một bài vọng cổ, rất buồn, về thân phận của cô gái đi ở mướn. Buổi trưa khi ngủ dậy, sợ cái nắng vàng ngoài sân bóp nghẹt mình, tôi thường giả vờ bận rộn, ít nhất là làm cho ý nghĩ mình bận rộn. Tôi nghĩ về bài vọng cổ, về chữ “nàng” mà một tác giả tôi chưa biết tên đã dùng, để gọi cô osin, cô ở mướn.
“Nàng” là một chữ mà với tôi dội lại rất nhiều hình ảnh. Nó gợi lên trong tôi vẻ đẹp, sự sang trọng, thanh thoát, nhã nhặn, hơi cầu kỳ và xa vời. “Nàng” thuộc về tầng khác, lớp khác. Tôi thường mắc cỡ chết giấc khi có ai đó đùa gọi, nàng ơi! Chữ “nàng” không thuộc về tôi, như không thuộc về người quét rác, người buôn gánh bán bưng, người gặt lúa trên đồng… Tôi từng nghĩ vậy, nhưng người nghệ sỹ viết bài “người ở mướn” làm tôi ngơ ngác, khi viết rằng, “vì nỗi khó khăn nàng lìa xứ xa nhà…”. Nghe đầy vẻ trân trọng, nhiều thương cảm, không có gì nghịch lý, mỉa mai. Tôi bỗng dưng nghĩ, người viết lời ca này hẳn là người nhân hậu, dịu dàng.
Tôi nhớ nhà thơ già mà tôi gặp ở Quy Nhơn, trong một sáng lấm tấm mưa. Ông đi xe đạp lại chỗ tôi, uống cafê bên biển. Gặp ông chỉ một lần, năm năm trước, trong buổi buffet chiêu đãi của một tờ báo mà ra về tôi và ông đều đói, tội, quê mùa quá nên lóng ngóng. Năm năm, hai ngón tay kẹp điếu thuốc đã khô queo quắt, mỗi làn khói bay ra từ miệng ông, có cảm giác như xương thịt ông cũng đang bốc hơi đi. Giữa những lời thăm hỏi, ông ngó tôi, chậm rãi, “văn chương và người làm văn chương đều rất đẹp, cháu à, chỉ là một số người khiến nó không đẹp nữa…”.
Tôi nghe điều đó đã nhiều lần, người ta còn viết những bài dài xưng tụng cái đẹp cao quý của thi nhân. Vẻ đẹp được chảy tràn trên giấy, còn họ giấu bia chiêu đãi trong túi áo, họ đánh nhau, họ nhục mạ nhau, sao chép tác phẩm nhau… Tôi tin rất ít, giờ tôi đã tin nhiều, vì ông. Người viết ra những bài thơ tôi ghi chi chít trong sổ tay, “Trong hoa/tôi nhìn thấy những bàn tay người trồng hoa lấm bùn đất/nhìn thấy những người bình thường đã tạo ra những vẻ đẹp khác thường…”(*). Câu từ giản dị và trong lành, ông mang vẻ đẹp của người phụ nữ bán bánh mì, chị công nhân quét đường, người trồng hoa, bà mẹ tảo tần quang gánh… đến cho tôi. Như cái sáng mưa ấy, ông khăng khăng bảo tôi cứ ở khách sạn và chờ ông đạp xe tới. Xe không chống chân, ông dựa nó sát hàng rào. Ông đẹp hơn cái đẹp mà tôi lưu giữ trong lần gặp đầu. Ông đứng về phía những bài thơ của mình, ông đẹp như chính những câu thơ về thân phận những người bình thường, thương khó.
Hôm đó, ông kể về người bạn quá cố của ông, Trần Quang Long, người viết bài thơ Tố Chân, “Maria Tố Chân/ Anh yêu em vô cùng…”, rồi đọc mấy câu từ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của người bạn cũ Trần Vàng Sao “Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ/Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu/Một vết bùn khô trên mặt đá/Không có ai chia tay/Cũng nhớ một tiếng còi tầu…” . Ông nói về sự quyến rũ đến từ những điều giản dị, thơ bạn bè ông thô mộc nhưng đọc tới đâu thấy run rẩy tới đó. Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng. Buổi sáng biển mù, ông kể chuyện quê nhà, Huế và mẹ già, về cô em họ mỗi lần ra thành phố rực rỡ áo pull quần bò, một bữa ông về làng, cô chở rơm trên xe bò, áo rách và nón rách che lấy mặt. Ông dừng lại bảo, nghèo nên mặc xấu, việc gì phải ngượng. Ông kể cái làng Niêm Phò nghèo đến nỗi, cho người dì đau yếu hai mươi ngàn, dì thảng thốt, cho chi mà nhiều rứa, con.
Ông ngước ra biển, như tránh nhìn vào ly cafê đắt tiền mà ông đang uống. Và cho tới khi ông cọc cạch đạp xe ra về, ông không nói bằng lời, mà sao tôi nghe rõ từng tiếng một, người nghệ sỹ, người viết đẹp luôn nhớ và ở lại người nghèo, dù cho đám đông đã thực sự rời xa và quên lãng họ.
Lời dặn dò này ông đã gửi đến tôi, trong từng bài thơ ông thủ thỉ với cuộc đời. Và đôi lúc, tôi nhớ tới điều đó khi mở ra những trang báo, nhìn bức ảnh những đứa trẻ đi nhặt rác, ngắm bức tranh tường rêu phố cổ với người bán hàng rong ngồi xa vắng, hay trong bài vọng cổ trưa nay.
Bài ca hay quá, Phương ơi.
(*) Thơ Lê Văn Ngăn
|