Duy đi chợ


Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Câu chuyện của tôi xin được bắt đầu từ một sáng chợ đông, bắt đầu từ cái bóng người bé nhỏ đang lon ton luồn lách giữa các lối đi chật hẹp và tăm tối. Cậu bé mua ít thịt nạc, khoai tây, và một ít tép bạc, loại nhỏ. Cái máy ảnh tôi dõi theo đằng sau nó làm cả chợ rộn ràng, mấy chị bán cá quen cười, ghẹo “thằng nhỏ Duy này ngon quá ta, bữa nay được chụp hình lên báo …”. Rồi có chị ngoảnh lên, hỏi tôi, “nó đi chợ hồi ba bốn tuổi, bộ lạ lắm sao?!”.

 

Không, như bất cứ người nào từng lui tới cái chợ phường 1 này, tôi quen cái cảnh Duy ăn sáng một mình nơi góc chợ. Cái bàn ăn cao lé đé gần đến cổ Duy, lúc đó nó chưa đầy bốn tuổi. Dưới ghế, cạnh chân Duy là mấy cái túi nilong đựng cá, rau… Duy đi chợ sớm, trên đường đi làm, tôi ghé ngang qua, thường nhìn thấy Duy men theo vỉa hè, hai tay xách lặc lè, lách mình bên những tủ thuốc lá, những chiếc dù che nắng. Nó cao, gầy gò, mớ tóc vàng hoe chấp chới theo mỗi bước chân. Bóng nhỏ tăm tăm.

 

Đứa trẻ mang họ mẹ…

 

Bây giờ, Duy lên sáu, mỗi khi nhìn nó lắc xắc giữa những sạp rau cải, hình ảnh đơn giản đó bỗng truyền vào lòng tôi hàng trăm hình ảnh khác, dội lại âm ỉ những số phận. Tôi nhớ gương mặt mủm mỉm của đứa em họ, mười bảy tuổi hay vắng nhà, la cà bè bạn, tụm năm tụm ba ăn vặt ngoài đầu hẻm. Có một dạo thấy mình mập, tròn vo, nó đi mua vòng về lắc. Con nhỏ càng lắc vòng eo càng vượt trội. Chạy bộ cũng không ăn thua. Hôm tới phòng khám, nghe bảo mình mang thai, con nhỏ còn nự nự, hết chuyện nói giỡn rồi sao. Nhưng máy siêu âm thì không biết giỡn, nó báo thai nhi sáu tháng tuổi.

 


 

Nhân vật chính của bi kịch bắt đầu “phát biểu” bằng những cú quẫy đạp trong bụng một đứa trẻ khác, đang lo lắng cho cái tương lai mù mịt của mình. Thằng bạn trai rũ bỏ trách nhiệm, sau khi đem tới món tiền “để mai mốt đi sanh…”. Hai triệu đồng như một cái vẫy tay. Cha của cậu ấm này là một nhà thầu làm các công trình giao thông đình đám ở Cà Mau. Người ta nói rằng cứ chiều chiều tới các quán nhậu – ca cổ nổi tiếng trên đường Nguyễn Du thì gặp ông, và bất cứ cô tiếp viên nào cũng biết số điện thoại của vị khách hào phóng.

 

Thuận miệng thì kể chơi thôi, chuyện của Duy thì không liên quan đến người đàn ông ấy. Mặc dù đôi lúc tôi nghĩ, giá mà người ta được nhìn Duy hôm nó mới ra đời. Một đứa bé đẹp như thiên thần, như trong lịch Tết, đẹp đến ngạt thở. Đẹp đến nỗi tôi phải vịn cái bụng đã đội áo của mình, một cách tuyệt vọng, kêu thầm, “trời ơi, giá mà con mình đẹp được như vầy…”. Hôm tôi thăm, vài chị lạ mặt lượn lờ lại nhìn, đứng mê mẩn hồi lâu, sau ra sân thầm thì, rồi lại quay lại nhìn. Họ muốn xin đứa bé. Mẹ - mười - bảy hẹn ngày mai, “cho nó ngủ với con đêm nay nữa thôi…”. Sáng hôm sau thì số phận Duy được gắn chặt với con hẻm, cái chợ và người bà mù lòa, mẹ Duy giữ nó lại, dù mới mười bảy tuổi, dù vẫn còn dài những cuộc chơi.

 

Hai tháng sau con tôi ra đời, mẹ Duy đã lại lông bông với đám bạn ngoài đầu hẻm, ăn quà vặt, ném trả bọn con trai chọc ghẹo mình bằng mấy câu mắng mỏ vu vơ, ánh mắt nguýt dài. Gặp tôi mẹ Duy khoe, “thằng Duy biết lật rồi, bữa đó em đi chơi về, thấy nó lật mình ên, tức bụng khóc quá chừng…”. Những khi bận rộn, không tới nhà Duy, tôi nhìn con mình lớn lên và biết Duy cũng lớn lên. Tôi hay hình dung cảnh mẹ Duy đi chơi về và hết hồn hết vía thấy nó bò lủm củm dưới sàn, hay một bữa nào, bà mẹ trẻ nhảy cẩng lên mừng khi thấy con lững đững đi ra cửa đón. Đôi lúc thấy Duy mặc bộ đồ thun rẻ tiền ngắn ngủn, tôi tự hỏi có phải bộ này mẹ Duy mua vào một hôm ngẫu hứng nào, khi mang về mới hay đứa con trai đã cao?!

 

Cái ý nghĩ  sau này lớn lên, Duy sẽ rất buồn khi nhìn thấy hình ảnh mình, lát cắt cuộc đời mình ghi lại trong tờ báo cũ, khiến tôi vài lần bỏ dỡ bài viết này. Nhưng rồi tôi lại tiếp tục, vì mảng ký ức tuổi thơ của Duy mà tôi trân trọng lưu giữ hôm nay, đáng tự hào biết chừng nào.

 

 

Nhìn đời cho cả hai người…

 

Sáu tuổi, có hai người mẹ Duy lần lượt dắt về vào bảo nó gọi cha. Tôi hỏi Duy, thích cha không, Duy lắc đầu, “con kêu nó mà nó không trả lời”. Xen giữa những cuộc đi mãi miết, làm đủ thứ nghề lặt vặt như làm móng, làm nhân viên matxa, có dạo mẹ Duy mướn nhà ở chung với anh thợ hớt tóc nào đó, rồi hai đứa bỏ nhau, lại yêu anh chàng khác, giờ thì lên Cần Thơ kiếm sống. Duy sống với bà ngoại, tôi gọi bằng dì. Dì mù, do biến chứng của căn bệnh thủy đậu lúc nhỏ. Cô độc, không chồng, nhận mẹ Duy về nuôi để hủ hỉ lúc về già, dì  đã không ngờ đến những cuộc đi. Nhưng Duy còn ở lại, nó an ủi dì theo cách của nó, một tiếng khóc đòi ăn, một cái quần sũng nước đái, một cái nhảy mũi... Dì lật bật xoa dầu, thay quần, giặt tả, rồi day qua khuấy bột. Dì bận rộn lắm, bận như cái hồi nuôi mẹ nó. Dì biết nó gầy bằng những ngón tay, nhận ra tiếng khóc nó giữa đám trẻ chơi đằng xóm bằng đôi tai tinh nhạy, gói nó vào lòng khi đêm xuống.

 

Cho đến khi Duy trở thành một gã đàn ông đĩnh đạc cầm tiền tự ăn sáng và đi chợ. Lúc đầu, Duy còn đi theo mấy dì hàng xóm, sau thì tự đi. Duy muốn ăn gì, thì mua cả bà cháu cùng ăn. Một tháng có sáu ngày bà ngoại ăn chay, Duy cũng ăn chay, rau dưa qua bữa. Sáu tuổi, Duy biết nấu cơm, làm cá, rửa chén, hâm nóng thức ăn bà ngoại nấu, lúc đói, trèo lên bếp nấu mì gói. Có khi đang chơi vui, bỗng dưng bỏ đi tắm. Chẳng ai bảo, tự mình xoay trở, mãnh liệt và hồn nhiên như cỏ mọc trong vườn.

 

Cuối năm vừa rồi, bà cháu Duy dọn đi khỏi con hẻm nhỏ đến một nhà khác cũng gần đó. Bà ngoại làm quen với nơi ở mới bằng đôi mắt của Duy, nó dắt ngoại đi khắp cái nơi xa lạ mà cánh cửa, cái bậc thềm, bộ bàn ghế… đều là bẫy đối với người khiếm thị. Phơi đồ chỉ Duy mới trèo lên gác được. Những lúc rảnh rỗi Duy hay ra trước cửa nhìn bên đường, mặt mông lung như con hổ nhớ rừng, như một gã giang hồ nhớ những chuyến đi. Mà, Duy là giang hồ thứ thiệt rồi còn gì, những con hẻm lẩn khuất, chằng chịt sâu hút quanh đây Duy đã đi chơi khắp. Gã có nhiều bạn bè, gã giang nắng chửi thề. Kỳ lạ, nắng chỉ làm vàng thêm tóc, nhưng da vẫn trắng như con gái. Và bất chấp những thiệt thòi,  cái miệng nhỏ với đôi môi đỏ vẫn hay cười, mỗi lúc gọi Duy ơi, gã ngước nhìn, mắt đen tròn, trong vắt và sâu thẳm.

 

 

Xóm hẻm, và cả cái chợ thực phẩm nhỏ giờ cách Duy một con đường lúc nào cũng gầm gừ xe cộ. Duy phải nhờ người lớn dắt qua. Nhiều lần, đưa Duy qua đường, nhưng chưa bước lên vỉa hè, Duy đã xé tay tôi ra lủi thủi chạy vào trong chợ. Vài lần, tôi chở con trai tôi và Duy đi chơi loanh quanh ngoài đường, nó ngồi phía sau, phải nhắc rất lâu nó mới chịu vòng tay ôm đầy ngượng ngập. Tôi cũng ngượng ngập, bởi cái bàn tay nhỏ nhắn này, tôi đã từng nắm lấy rồi lại buông ra, khi Duy lên hai lên ba. Nhưng từ bây giờ, tôi sẽ tập nắm tay Duy, hy vọng đến giữa mùa thu năm nay, Duy sẽ cho tôi một cơ hội được dắt nó vào tận cửa lớp trao cho cô giáo, như hàng trăm đứa trẻ khác có người thân đưa đi trong ngày tựu trường…

 

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 2-4-08
Dùng bản Tư gởi