Đường xa đã mỏi…
Tạp văn
Người thím dâu đứng chờ trước nhà anh lúc trời mờ sáng, đem theo một xấp hồ sơ, nhờ đứa cháu làm giùm thủ tục chuyển hộ khẩu cho cô con dâu, “bây “dính chân” nhà nước, cũng dễ…”. Anh buồn cười, anh đã sống hơn nửa đời công chức, đôi lúc thấy nó lóe lên một tí ý nghĩa vì những họ hàng như người thím này đây. Anh rót ly nước mời bà, bảo, “để con lo”, mặt mũi không giấu được chút tự hào.
Thừa những mối quan hệ chằng chịt để gởi gắm cho bộ hồ sơ đi con đường suôn sẻ, nhưng anh lại chọn con đường mà không có anh, thím anh cũng phải đi, vì một ý nghĩ bất chợt, bỗng dưng, anh muốn làm dân trơn tuột, dân đen, dân nghèo thử một lần.
Anh bắt đầu từ xã A, người quản lý hộ tịch ở đó xem qua, bảo anh trở lại UBND xã B, chỗ người em dâu sống hồi chưa lấy chồng. Anh chạy xe tới B, cách thành phố anh sống gần năm mươi cây số. Tới nơi đã xế trưa, mắt mũi tèm nhèm vì bụi đường, anh bước vào một phòng làm việc vắng hoe, chỉ duy nhất cô gái đang loay hoay tính toán, cô nói người phụ trách hộ tịch hộ khẩu vẫn chưa tới, ảnh đi đám giỗ hồi trưa tới giờ, chú ngồi chờ chút. Anh chờ ngót một giờ đồng hồ, bỗng dưng mong ngóng một người xa lạ, giờ này người đó không biết đã rời bàn tiệc chưa, không biết còn tỉnh táo hay xỉn cà xình cà xang, dọc đường từ chỗ đám giỗ đến đây không biết bao xa, không biết có bất trắc gì không? Cô nhân viên chắc cũng ngại, bèn nhấc điện thoại lên gọi, chẳng rõ người bên kia nói gì, cô bảo, thôi, chú gởi lại cho cháu, dù gì mấy vụ hồ sơ này cũng phải coi kỹ, mai nghỉ lễ, mốt chú quay lại.
Đúng hẹn anh quay lại, vẫn bấy nhiêu cây số, trong lúc giũ bụi bám từng vệt trên tóc, gấu quần, thấy người của xã đang “tưng bừng” khoá các cửa, ai đó thấy vẻ ngơ ngác của anh, nói to, bữa nay còn nghỉ lễ, không làm việc, chú ơi. “Ủa, anh buột miệng, vậy bữa trước người ta hẹn tôi tới làm chi?” Trả lời anh chỉ có những cái cười trừ. Hụp hửi mấy lần, rút kinh nghiệm, anh chờ năm ngày sau quay lại cho chắc ăn, gặp được người cần gặp, anh này trao xấp hồ sơ cho anh kèm theo lời dặn, cô em anh đi lâu quá, tụi tui cắt hộ khẩu rồi, giờ anh quay lại A, kêu họ làm mấy mẫu tui ghi trong này. Anh ta chìa ra mẫu giấy xé tay tả tơi nhỏ xíu như tấm vé số chữ kín chi chít. Anh bước ra sân, thấy mình đang dẫm lên dấu chân của mình. Bỗng dưng ngán ngược chặng đường năm mươi cây số.
Anh thấy bần thần, chỉ vì ít khi anh cảm thấy mình chông chênh như một người đi mà không biết cái gì chờ mình ở phía trước, không biết điểm đến là ở đâu. Để kết thúc cái cảm giác khó chịu đó, anh gọi điện cho người quen, “tui có vụ này, nhờ ông…”. Xoa tay, vậy là xong, thế nhưng anh vẫn không nhẹ lòng.
Vì con đường mà anh vừa thử đi, con đường ngày ngày phần đông dân số đất nước này phải đi sao mà gập ghềnh, trúc trắc đến vậy, sao mà phải lộn ngược lộn xuôi, vòng vèo xa ngái vậy. Không một ngã nào đơn giản, dễ dàng cho dân mà tệ như một viên chức quèn như anh cũng có thể. Giữa quyền lực hay không quyền lực, “dính chân nhà nước” hay “không dính chân nhà nước” có một sự khác biệt mà anh chưa biết hết.
Ví dụ anh là một quan chức cấp cao, anh đi thăm Z nào đó. Sớm mai, lúc anh đang dùng bữa sáng thì cấp dưới sai xe phun nước cho đường sá sạch bong, không tí bụi. Anh lên xe, phía trước đội cảnh sát bắt đầu hụ còi dẹp đường, anh chặc lưỡi “bà con mình được con đường như vầy, đỡ khổ rồi, đây nè, từ X đến Z chỉ nửa giờ đồng hồ…” Nhưng nếu anh là dân, anh đi rất chậm vì bụi mịt mù, ràn rụa nước mắt, vì xe cộ đông đúc, chen chúc, vì kẹt phà kẹt bắc, vì những bất trắc không lường được. Cũng quãng đường từ X đến Z, nhưng thân phận người khác nhau nên độ xa gần lâu mau cũng khác.
Ví dụ anh là dân nghèo trơ nghèo trụi, không thân thế, anh và đứa con nhỏ chỉ có thể đứng ngoài rào một ngôi trường điểm khang trang nào đó mà ngó vào, ước ao. Ví dụ anh không phải là công chức lâu năm, bây giờ nhà anh vẫn còn nằm tuốt trong một con hẻm lầy lội, tối mò mà còn cúp điện liên miên chứ không ở trên con đường rộng, luôn sáng đèn. Và xin cho đứa em một việc làm, giấy phép xây dựng, làm giấy hồng giấy đỏ… cũng có thể lấy làm ví dụ. Đó là những ví dụ mà anh đương nhiên biết, và vô tận ví dụ mà một viên chức nhạt nhẽo như anh không biết. Anh không kể lể thêm nữa bởi thấy mình giống như kẻ một cái bảng so sánh có hai cột: một bên là anh, bên kia là những người dân nghèo; và chúng chạy miết từ hàng trăm trang giấy, không đoạn nào hai cột nhập làm một, chúng cứ song hành, nhìn thấy nhau, tương phản nhau, soi rọi phận nhau.
Và anh tìm thấy một kết luận từ câu chuyện nhà người thím khi anh mang mớ hồ sơ trao lại cho bà. Bà kể, “thằng Út của thím sắp ra trường rồi, có mấy công ty tư nhân ở Sài Gòn rủ rê nó, hứa trả lương cao, thím cản, tiền ít thiệt nhưng làm cho nhà nước có “thế” hơn, như con vậy …”
Anh gượng cười. Người phụ nữ này xem ra cũng mòn mỏi trên con đường của mình.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Lên trang này ngày 2-6-07
|