Đường về Xẻo Đắng

Truyện ngắn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Chợ Vàm Nước Chảy đang ở trước mặt. Đây về nhà chừng non tiếng đồng hồ ngồi tàu cao tốc, nhưng trên chiếc xuồng máy Koler nghẹt mũi ho gà này năm chục cây số dằng dặc. Nghĩ chỗ đông người Quý không thoải mái, nên chị lấy xuồng máy cũ ở nhà. Xế chiều nắng xéo, hàng cây tràm nước đổ bóng dài xuống bãi sông. Đám cây kia là chỗ chị từng buộc xuồng dẫn Quý đi chợ Tết. Giữa Chạp, xuồng người này buộc níu xuồng người kia, chuyền qua năm bảy chiếc chân mới chạm bờ. Quý kêu nắm tay tui cho chắc.

Lần đó sắm cho Quý bộ đồ mới. Người ta biểu ê thằng nhỏ trật quần ra thử cho chắc, nhưng Quý lắc đầu, nói vừa rồi, vừa lắm, nhìn cái đã biết vừa. Mấy ngày sau đi ngang sào mới biết Quý phải khâu lận hai bên hông để quần khỏi rớt khỏi thân.

Quý, đi theo chị.

Không biết Quý lớn từ tết đó, hay từ cái tối lấy xuồng ra đầu kinh đón anh Hội về. Trời mưa, anh Hội nói sẵn ướt rồi anh lái máy cho, hai chị em cứ trùm áo cao su cho khỏi lạnh. Áo nhỏ,  kéo Quý vào lòng, nhưng Quý cứ xích ra, người nóng đến mức mưa sượt qua vai bốc khói. Chừng nào anh Hội chưa đi Quý còn ngủ ngoài nhà củi. Anh Hội nói kệ nó, vách buồng mỏng quá, thằng nhỏ ngủ nhà anh thấy nhột lúc giường kêu.

Bên nhà chị ai cũng khen Quý trổ mã mau. Họ vẫn đọ đứa bé ốm teo vạch quần đái vô cây ớt nhà chị hôm rước dâu với Quý sau này, như phù phép của ông trời. Cứ cách tuần đã thấy khác. Thằng nhỏ lớn như thổi, cách nói của họ làm chị nghĩ tới một ngày nào đó Quý sẽ nổ tung.

Quý, đi theo chị.

Vừa nãy qua Ông Đơn. Xứ mình lơ ngơ đi dễ lạc. Những ngã ba sông thường giống nhau, cũng mấy chòm nhà, vài tiệm tạp hóa, một cây cầu trắng toát bấm ngón nhón hai bờ, ở giữa là nước chảy, đất lở xồm xoàm. Lần đó nhớ anh Hội quá, đi lên huyện thăm mà không cho anh hay trước. Từ hồi lấy anh, chưa bao giờ chị có cảm giác căn nhà cuối dãy tập thể ấy là mái ấm của mình, khi bất ngờ xô cửa vô vừa hay linh cảm đó là thật. Xõa trên bắp tay anh là một mái tóc đẫm mồ hôi khác. Cả anh cũng không phải của mình, chị nghĩ vậy, bỏ về. Không nhớ trôi giạt kiểu nào mà lạc tới miệt đồng Chó Ngáp. Cái mặt ràn rụa nước mắt chị gỡ ra quăng xuống nước, lay lắt chìm dần. Con đàn bà đó tận tụy làm dâu, vắng chồng suốt năm năm, giờ chết nước.

Quay lại nửa đường thì gặp Quý chạy trên bờ, mừng quýnh nói “má lo”.  “Còn Quý ?”, chị hỏi, và nhận lại một cái nhìn không đáy.

Quý, đi theo chị.

Quãng này hồi Quý đi còn vắng, vạch đám lá ra không thấy mặt người, giờ nhiều quán xá mọc hai bên sông. Con bạn chị cũng cất tiệm tạp hóa ở đây. Bận đi chị đã tấp vô đổ dầu cho đầy, chuyến về có Quý không tiện ghé. Bạn ái ngại hỏi có phải đi đón thằng Quý ? Chị gật đầu, chuyện Quý về có gì phải giấu. Con bạn lèo nhèo, “Đáng lẽ ông Hội phải đi, em ruột ổng mà…”.

Chồng tao mắc coi đám kiểng, chị nói, giọng không chút mỉa mai. Anh Hội bận uốn tỉa mớ cây chùm rụm thành rồng phun ngọc, nai ăn cỏ. Từ ở huyện về, anh Hội cự tuyệt việc ngẫng đầu lên. Đánh cờ cúi mặt, ăn cơm cúi mặt, thời gian còn lại anh cúi mặt lụi hụi với mớ cây. Chẳng biết vì không muốn nhìn mặt chị hay sợ ánh nhìn ngờ ngợ của xóm giềng. Bán loạt kiểng này lại chăm chút cho loạt khác. Những cái cây, như anh Hội nói không biết phản bội bao giờ, uốn bề nào tụi nó xuôi theo bề nấy. Vai chị gánh một phần của câu nói ấy, phần còn lại chia cho mớ nhân loại đã xui đàn bà giăng bẫy hắt anh về vườn, làm tan tành giấc mơ quan huyện.    

“Không ai  muốn có đứa em như tôi”, có lần chị đi thăm, Quý nói vậy. “Quý thì có sao ?”, chị hỏi. Quý cụp mắt xuống đôi bàn tay chai, “Tụi mình biết mà”. Anh em Quý không giống nhau, nhưng cái cười nghiệt ngã thì một khuôn, xách méo biến dạng cả gương mặt. Lúc bước qua cánh cửa sắt, Quý quyết liệt bảo, “Đừng tới thăm tôi nữa. Nhìn thấy chị tôi muốn chết”. Nhưng giờ chị không đi đón Quý thì còn ai, má cũng về nằm trong đất rồi.

Quý, về với chị.

Bữa họ đưa Quý đi, chị đã chân không đi theo tới cây ô môi gãy ngọn đứng kia. Không phải vì vượt qua cái cây là ra khỏi Xẻo Đắng mà chị dừng lại. Chỉ vì ở đó tiếng ca nô thật sự tuyệt mù, cả sóng cũng không còn gợn. Mặt sông yên, rách bao nhiêu nó cũng tự vá lành. Người ta mà làm được vậy hay biết bao nhiêu. Không oán không thù.

Bộ đồ Quý mặc hôm đó, sáng nay nhận lại, chị thấy vẫn mới tinh từng nếp gấp. Họ nói gã bạn tù truyền mầm bệnh sang Quý cũng đã chết cách đây một năm. “Về nhà trước hạn”, họ đùa và kịp nhận ra chẳng vui gì. Chị nói, “Quý không oán gì người đó đâu”. Kịp dừng lại, không thì đã nói chuyện Quý cũng chẳng oán cái án oan mười bốn năm tù. Chữ “oan” đó, ai nghe cũng phì cười. Quý nhận tội rồi, oan ngã nào.

Quý, đi theo chị.

Bên bờ ai đó ới lên, “Thằng Quý có dưới xuồng không ?”. Nghe thương xót nhuốm trong giọng nói đó, tuyệt không có chút nào ghét bỏ. “Dạ Quý ở đây”, tiếng chị mở đường cho những bước chân rùng rùng về phía nhà, cùng chiều với hướng mũi xuồng lướt tới.  

Lúc Quý bị đưa đi cũng tở phở xóm làng. Người ta đổ ra bến. Mấy đứa con nít biếng ăn bị dọa sẽ bị ném xuống ca nô đó, không có ngày trở về. Những hạt rơi vãi được xâu thành một chuỗi mang tên tội ác. Cái áo Quý đẫm máu người máu mình chôn dưới gốc quao. Xác con gái ông chủ nhà máy đường nằm cách chỗ ấy đúng một công đất. Buổi sáng hai bên đôi co chuyện mấy công mía bị dìm giá. Vai Quý còn những vết cào xước của móng tay. Một người câu đêm thấy Quý ghé ghì chặt người đàn bà, rồi biến mất trong khu mả lạng. Cả đêm ấy Quý không về.

Không phải Quý đâu, chị nói. Mấy ông pháp luật cười lạt, đâu chỉ nói tin là đủ. “Bà già nói cô về bên nhà ăn giỗ, chứng cớ nào lại dám chắc như bắp rang ?”. Nhưng cả đêm qua tôi ở cùng với Quý. Trong những giấc mơ chín năm qua, tiếng thét đó rúm ró giữa ngàn con mắt trong cây trong đất, mắt Quý đầy vẻ khẩn cầu kệ tôi đừng nói mắt Hội vằn tia máu định vùi tôi xuống sình sao mắt mẹ đục ngầu ông trời có thấu. Tiếng dội của nó rách vách lòng. Không bao giờ vượt thoát qua môi.

Quý, đi theo chị.

Bến nhà mình đây, xóm giềng đây, Quý sẽ thấy ngờ ngợ nửa lạ nửa quen vì Xẻo Đắng đã đón về nhiều dâu rễ mới. Anh Hội kia, người vừa ngẩng lên ba mươi giây để chém chị bằng một nhát nhìn bén lẹm “vừa lòng cô rồi đó”. Và đây là khu mộ, nơi Quý sẽ nằm lùi sau ba má vài bước chân. Cuối liếp là bào thai tám tháng tuổi chết lưu chị chưa kịp đặt tên. Thêm Quý nữa, tất cả những gì liên quan đến một đêm đều rã rơi thành đất. Chỉ là không tin được vùi dưới kia là cậu con trai mới lớn đã nổ tung trong chị, đến nỗi không hay vai xước, sương khuya và áo xống bỏ quên lại trên gò.

Đường về qua nhiều ngã ba ngã bảy, chị phải gọi suốt vì sợ Quý đi lạc, biết đâu mà tìm. Sợi hồn thì mỏng và xanh.

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 14-10-13