đường dài bao nỗi Nguyễn Ngọc Tư
Phải tới khi đứa con gái bỏ xứ theo tình lặn vào đất Sài Gòn, bà mẹ mới
thấy đường xa. Cũng ba trăm bảy mươi cây số từ xứ Cuối này tới bến xe
miền Tây thôi, quãng đường mà hồi trái tim trở chứng, bà cũng đi lại
bệnh viện tuyến trên suốt. Bà rành hãng xe nào chạy đúng giờ, hãng nào
đưa đón tận nơi, ngồi hàng ghế phía sau thì rẻ hơn một vài chục bạc,
xuất phát giờ nào thì kịp vào phòng khám xếp hàng lấy nhóm số đầu. Khám
sớm thì được về sớm, thêm bảy tám giờ đồng hồ quay lại những con đường
giờ phơi trắng dưới ánh mặt trời, không chút nào uẩn khúc. Nếu không
phải ngủ, bà mẹ nằm nhìn quán xá dọc đường, đếm coi cả thảy có bao nhiêu
cây cầu, lụi hụi tới nhà hồi nào không hay.
Nhưng cũng quang cảnh đó thôi, từ Út Nhỏ quăng mình vào xứ người, bà mẹ
càng ngó càng thấy đường xa. Chuyến về phải dài gấp mười lần bận đi, khi
cái nơi chốn mà bà mới vừa rời khỏi, nó vẫn còn dậy động. Cháu thơ hơn
tuổi gào khóc đòi ngoại ở chơi, căn trọ chật đi qua phải nghiêng người,
thằng rễ thất nghiệp ngồi rít thuốc suốt ngoài hiên, đứa con gái đi dọn
dẹp nhà theo giờ ở mấy chung cư gần đó. Không lần nào mọi thứ ở nhà Út
Nhỏ không rối bời, khi bà mẹ rời đi. Có nán lại thêm một ngày một đỗi,
thì cũng chẳng làm sao thu xếp đâu vô đó nổi. Cho cháu ăn bữa sáng, pha
sẵn chai sữa để đó, bà không biết khi mình về rồi, ai đút cơm thằng bé
ăn cử trưa, chiều. Không biết sữa có kịp không, hay nó phải đợi, phải
khóc đòi đến khản tiếng. Không biết chiều nay chủ trọ có ghé qua nặng
nhẹ vì chậm tiền nhà. Không biết con Út Nhỏ có kịp ăn gói xôi cuối buổi.
Càng nghĩ, đường càng dài. Mong mau tới nhà cho rồi, để ào vào mấy giồng
cải xanh đang tới lứa, căn bếp bừa bộn trước sau, mớ trứng tụi gà mái đẻ
rải khắp vườn, và ông chồng càu cạu, lần nào vợ đi thăm con cũng làm mặt
chầm dầm như thể đã phản bội ông, rõ ràng là ông từ mặt đứa con gái đó
rồi, khi nó trốn theo trai không đợi cưới. Vấp vào khung cảnh quen
thuộc, làm lụng luôn tay, bà mẹ sẽ nguôi quên phần nào cái tổ của con,
nơi nhìn đâu cũng thấy đắp vá, tạm bợ. May mà tụi nó yêu thương nhau, mợ
nghĩ, thấy an ủi chút nào. Chẳng phải mợ với ông chồng cũng từng đỡ đần
nhau qua quãng gian khó đó sao.
Tưởng vì con vất vả mình mới nặng nỗi đường xa, bữa rồi bà mẹ chung xe
với một ông già Huế vào thăm con nơi xứ Cuối, ông cũng than nước mình
dài quá, đường xá thăm thẳm chiều trôi. Công việc ổn, lương cao, thằng
con còn lấy vợ, sắm nhà, nhưng mỗi khi rời khỏi tụi nó, ông cũng nặng
lòng kiểu chi đó. Cảm thấy mình đã bỏ rơi chúng lại, lại cảm thấy mình
trốn chạy. Ông kể đường ngoài Trung lâu lâu có núi, có biển, lấy đó làm
mốc, cảm thấy mình cũng đi được một đỗi nào, còn đường miền Tây bằng
chang cũng đồng ruộng ấy nhà ấy chợ ấy, càng đi càng vời vợi. Miền này
như bị bỏ rơi, chục năm rồi lộ làng vẫn lộ làng. Bà mẹ nghe bạn đường
nói, nhìn ra những chuyến xe đò xuôi ngược ngoài kia. Nghĩ chắc xe nào
cũng có người giống như mình, canh cánh. Chỉ vì máu thịt của họ cứ văng
mình vào những nơi chốn xa xôi. Con đường vài trăm cây số ngắn với người
này, dài với kẻ khác, không cách nào bằng chằn chặn được. Ai đó vừa phát
hiện ra khối u trong phổi, chưa biết lành hay ác, đường dài. Ai đó sắp
lên máy bay đi chu du thiên hạ, đường ngắn nôn nao.
Út Nhỏ có lần nói, “Sài Gòn tưởng xa vậy thôi, bước lên xe coi như tới”,
lúc đó nó đã lén gói gém đồ đạc xong xuôi, giấu dưới gầm giường, chờ bồ
phóng xe qua đón. Nó tin thằng bồ ở đâu là nhà ở đó, mọi sự xa gần đều
chẳng nghĩa gì. Từ đi con nhỏ chưa về quê chuyến nào, không hẳn vì ông
cha từ mặt. Nó biết một khi xui đứa trẻ lon ton chạy vào sân gọi ông
ngoại ơi ông ngoại, cơn giận nọ, vốn đã bị mài mòn bởi thời gian, sẽ tan
veo. Cha con mà, tánh khí ra sao nó thông thuộc hết. Nhưng bà mẹ, Út Nhỏ
không hiểu sao mỗi lần thăm nó về, tóc bà lại bạc nhiều thêm. “Đường xa
quá”, bà nói, khi lúi húi cất mấy chục trứng gà vào ngăn tủ.
Rồi Út Nhỏ cũng hiểu ra, đó là khi nó đem con về gởi cho cha má. Xin
được chân phụ bếp nhà hàng, nó phải đi làm từ sớm đến nửa khuya, con gửi
hàng xóm ốm như cây kiểng còi. Bữa Út Nhỏ trở ngược Sài Gòn, đứa nhỏ
đang viêm phổi. Nó tiễn mẹ bằng cơn ho rũ người, đến trào ngược bữa cháo
ra, Út Nhỏ trèo lên xe ôm ngoái lại nhà thấy cha già lê đôi khớp gối đau
tập tểnh dọn bãi nôn, mẹ già ôm cháu chạy ra sàn lãn rửa mũi dãi lẫn
trong nước mắt, và tiếng khóc của đứa bé vẳng theo mãi khi người đi đã
qua cầu.
Lần đầu tiên, Út Nhỏ ngồi chuyến xe tưởng như dài bằng cả năm, thao láo
mãi mà chưa tới. Chỉ bữa trước thôi, chuyến về nó thấy mau quá mau, sao
không kẹt xe gì để trì hoãn thêm được chút nào, cho những vết bầm trên
người nguội bớt, và chẳng ai nhận ra nó bị người đàn ông mình yêu trút
đòn vào. Lúc đó Út Nhỏ không khóc, về tới nhà cũng không khóc, vẻ mặt
như đang vui hưởng ấm êm, “vừa mới đi là ảnh gọi nói nhớ rồi, nào giờ có
xa đêm nào đâu”. Chuyện nứt gãy chắc lâu mới vỡ ra, bà mẹ phải chăn giữ
cháu sớm chiều, đâu còn ngồi xe vượt đường dài đi thăm con gái.
Những chuyến xe hun hút ấy, giờ là của đứa con.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
Dùng bản Tư gởi
|