Đôi bờ thương nhớ
Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Bạn biết tôi thương bạn nhiều mà bạn làm khổ tôi chi vậy.

Như thường lệ, bạn vẫn viết thư cho tôi. Thư nhận chiều qua, bạn viết : “Mình sẽ cố thu xếp trở về cố hương. Có xa xôi gì mà mất mười hai năm ly xứ...” Rồi bạn kể ra một dọc những cảnh moi từ ký ức cũ, nào là những tàng cây trứng cá đằng góc sân, hàng điệp đỏ de mình ra mé nước che cái bến, mấy chiếc xuồng ba lá buộc dập dềnh vào chân cầu. Con đường đất đỏ pha nâu dẫn vào căn nhà cất theo kiểu cổ, hàng lơn nước trước hàng ba ngoại úp cái gáo thâm màu đất...

Tôi luôn nhớ về bạn nhiều nhất trong đám bạn cũ. Với tôi, những người xa xứ, lìa quê luôn luôn tội nghiệp. Bây giờ, tôi lại càng thương bạn hơn bởi những gì bạn nhắc, bạn nhớ đã không còn nữa.

Xóm của K., cái xóm Hòa Trung nằm bên bờ con kinh xáng Đội Cường đã không còn nữa. Mà, có riêng gì cái xóm cũ của bạn tôi, nhiều làng xóm dọc theo những triền sông lớn, những tuyến giao thông chính ở vùng đất rặt sông nước nầy đã mất dần dấu tích theo con sóng tạt ào ào vào bờ đất. Và đất theo sóng ra đi.

Có người nói ở Tân Châu (An Giang) ngủ một đêm sáng dậy thấy nhà mình trôi lềnh bềnh trong dòng nước vậy mà sướng, vậy mà “ngon” hơn ở ven các con sông Cà Mau, khỏi phải mỗi ngày nhìn thấy mảnh đất được gầy dựng từ thời ông cố, ông sơ mình từ từ, cứ từ từ chìm vào dòng nước mà không cách gì giữ lại. Đứt ruột.

Nhà cũ của bạn tôi nằm đâu ? Cái xóm nhỏ nhìn ra sông, đón nắng từ sông, uống gió từ sông đó bây giờ đâu ? Thở dài. Những ngôi nhà trống huơ, hoang tàn, trơ trơ gạch ngói, cái còn cái đã ngụp một nửa dưới nước, những cái nền gạch còn lưu dấu một chiếc ngạch cửa, một cái lan can thấp (nơi ngày xưa bạn ngồi đó bưng tô cơm, vừa ăn vừa coi trời, coi đất chơi !?). Trên nền nhà cũ, lần theo các khe nứt do đất sụp cỏ giồng trầu, cỏ nước mặn, lức dại đua nhau mọc xanh rì. Một cái sàn cây nước lộ ra cái ống sét nghẹt khi nước bắt đầu ròng. Những cây dừa, cây mấm nằm xoãi dài ra mép nước, đám rễ tuyệt vọng níu lấy chút đất cuối cùng. Đâu đó nhiều quãng hiện ra một nhà máy chà gạo, nhà máy đường, ống khói gảy gập lại, nửa nằm ngoài bãi, nữa nghiêng ngửa . Con thằn lằn lạc tắc lưỡi kêu hoài làm như tiếc rẻ cái gì. Tôi tự hỏi, nhà của bạn tôi đâu, cái ngôi nhà ký ức ấy. Nhà xưa của bạn nằm thấp thoáng sau bờ đất kinh xáng múc, cây cỏ quanh nhà rất xanh, bên gốc gừa có cái miểu ông Tà ngó xéo ra sông ... Tất cả giờ ở đâu ?

Mới đó mà chỉ hơn mười năm. Ngày bạn đi, chắc sông không rộng như bây giờ.

Bác Sáu Bé, một người già của xóm Hòa Trung cũng bảo như vậy, ông nhớ như in hàng mấm chồm ra mé nước, kế đó, trên bờ là một hàng dừa, sân rộng minh mông, trồng thiệt nhiều me, nhiều cây me già, cao thiệt cao. Ông thường trèo lên đó nghe ngóng tình hình giặc, “hễ thấy tụi nó qua Mương Điều lò dò càn vô hướng mình thì mình rút”, ông kể, “mà, hồi đó, kinh Đội Cường lớn lắm cũng bằng nửa công đất mình. Bữa nào cánh giao liên tụi tui có thơ, tui ra mé sông, kêu mấy chú mấy anh bên cơ quan ra, tui buộc cục đất vô thơ, chọi qua bển một cái gọn hơ hà. Bây giờ ông nội tui chọi còn không qua nữa chớ nói gì già cả như tui...” (Có phải ngày đó, người bên sông đã gửi sang cho bạn lời thương nhớ cũng bằng cách nầy để cho bạn nhớ thương tới bây giờ ? Tôi nghi lắm nghen !). Tôi ngồi với bác bên bờ sông, nước bắt đầu ròng, nửa cái khung của ngôi nhà cũ đã bị chồm hụp hửi vào dòng nước bắt đầu lộ ra hàng ba, bên dưới lan can là hai bồn hoa nhỏ. Bác chống xuồng ra sông, chỉ tay vào dòng nước đang chảy cuồn cuộn chỗ ngày xưa có hàng me, hàng mấm, dễ chừng có ra đến gần một nữa sông. Ở đó nhìn vào bờ, cảnh buồn như trăng lặn. Tôi hỏi bác có buồn không, bác chỉ im lặng và đốt thuốc, lâu lắm bác mới nói : “Buồn chớ, đất nầy, ông bà mấy đời để lại cho mình mà. Hồi đó, bom đạn vậy mà có ai bỏ nhà, bỏ xóm mà đi đâu...”

Nhưng bây giờ đã thực sự là một cuộc chia ly. Những hàng mấm, vẹt, đước, những rặng dừa nước vốn mang sứ mạng giữ đất đã bị bứt lìa trước tiên. Không có bộ rễ kiên cường nào có thể chịu được sức mạnh của sóng từ những con tàu. Đất bắt đầu vạt, vỡ ra, trôi đi từng ngày. Cho tới khi, mép nước đã le liếm sát thềm nhà, người ra đi. Không ai để ý chiều đó có một căn nhà không còn ở bên sông nữa, người ta có biết bao nhiêu chuyện để lo, chỉ thấy giật mình thảng thốt chiều nay ngồi tàu nhìn hai bên bờ sông, vườn thôi rộng, sân thôi sâu và xóm vắng.

Chưa có cái gì làm cho người Cà Mau vốn chịu thương chịu khó sáng tạo, cần cù lại bó tay như nạn lỡ bờ. Họ đã từng chiến đấu cật lực để giữ đất, họ cũng đã từng xây đi đắp lại hết bờ kè nầy tới bờ kè khác, đã từng hy vọng và rồi một ngày rứt ruột bỏ xóm, bỏ nhà. Làm một bờ kè bằng ráng, bụp dừa nước sẽ chịu được khoảng nửa năm. Bờ kè đổ bê tông kiên cố hơn giữ được khoảng ba bốn năm, nhưng để xây được một bờ kè như thế người dân mất khá nhiều tiền, nên những người nghèo đã phải ra đi trước tiên. Một hai căn nhà còn bên bờ sông trong cái xóm đã tiêu điều như một ốc đảo nằm thoi loi một mình, “dòm cảnh buồn muốn dọn nhà đi luôn cho rồi”.

Từ những ngôi nhà đơn sơ có, kiên cố có, nhiều hộ gia đình phải gầy dựng lại tổ ấm trên nền đất mới. Từ đơn sơ họ lại càng đơn sơ hơn, từ kiên cố bây giờ họ sống trong căn nhà cột cây, vách lá. Nhà chị Phỉ dời ra sau đê, ở đậu trên đất anh rể, góc đất nhỏ, nhà coi tum húm to hó. Nhìn qua đám dừa thưa rỉnh thưa rảng vẫn thấy sông, vẫn thấy cái nhà tường cũ, nơi chị sinh ra và lớn lên, đã sụp một phần nền. Mớ ngói Tây cũ rong rêu chị chất sát vách nhà mới, “chờ coi có cơ hội nào xây lại cái nhà không, mà, chắc làm hổng nổi nữa rồi”, chị than. Nhưng chị vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ gia đình khác, có người đã phải bỏ xóm làng định cư nơi khác vì không có đất, có nhiều nhà đất đã lỡ tới chân cột cái rồi mà chưa có tiền để dọn đi, nước tràn vô tới bếp tự nhiên như người thân quen lắm vô lục nồi.

Ngồi ở trạm kiểm soát Hòa Trung, nơi hai tuyến đường chính đi Ngọc Hiển và Đầm Dơi chia ra đi rồi lại gặp nhau để theo sông Gành Hào về thành phố Cà Mau, cứ năm phút có một chiếc canô, tàu khách, tàu vận tải cỡ lớn đi qua. Nhiều tàu đặt cả hai máy rùng rùng chạy, sóng ràn rạt. Ước tính mỗi năm có hàng trăm ha đất dọc các bờ sông trôi đi. Sức tàn phá từ sóng tàu với bờ bãi như vậy, mới hiểu tại sao bà con ở dọc những triền sông quê mình chịu bó tay. Chờ đợi một ngày đất đã thôi không còn lỡ dữ dội do lòng sông đã có độ dốc thấp đi, thì bà con không còn gì để mất nữa rồi. Biết kêu ai, bắt thường ai, mất mát như bị thiên tai vậy mà.

Trách ai bây giờ ?

Trách anh Nha nông dân nào cải tiến gắn cái máy xe ô tô vô tàu chạy, tội nghiệp ảnh, ảnh làm là để cho đời, không có ảnh làm sao tránh cảnh đò giang cách trở, làm sao đi đứng thuận tiện, mau mắn như bây giờ. Mình biết ơn ảnh không hết đó chớ.

Trách sao nhiều tàu bè tội nghiệp người ta, trên miền đất xỏ dép vô chân, bước ra gặp sông nước nầy, không có họ, không cho họ phát triển, mình đi về huyện, về quê, đi công tác, đi chơi bằng phương tiện gì bây giờ ?

Chỉ tiếc một chút quê mình ít đường giao thông bộ để chia sẽ bớt gánh nặng cho sông. Mình tiếc quê mình thiệt thòi quá, mất hai mươi lăm năm sau chiến tranh, đất quê mình mới có được những con đường lớn nhưng còn đơn sơ về năm huyện. Nhưng sau từng ấy năm, bên sông, người xưa, cảnh cũ đã không còn.

Bạn biết tôi thương bạn nhiều, tôi sợ bạn buồn, bạn ác với tôi chi vậy ?

Hỏng lẽ bây giờ tôi đi trồng lại hàng điệp đỏ, trồng lại cây trứng cá lá mềm và mịn rụng xuống sân nhà, hỏng lẽ tôi cất lại y chang ngôi nhà cũ, hỏng lẽ tôi lùa được gió sông man mác vào cái hàng ba đã không được nhìn ra sông nữa, và tôi dựng lại được cảnh những chiếc xuồng ba lá nhỏ với mấy cái lá dừa nước làm buồm trôi lơ thơ, êm ả trong nắng chiều, trời chiều. Tỉ dụ như tôi làm được những điều phi thường ấy thì bạn của tôi ơi, cái hồn quê, hồn đất năm xưa đã không còn. Mà tánh bạn cũng như tôi, khăng khăng hoài : “Hoa nào đẹp bằng hoa tuổi thơ. Ổi nào ngon bằng ổi năm xưa”(*). Kỷ niệm của những ngày tươi trẻ vô giá.

Nhưng rốt cùng tôi vẫn mong bạn trở về, dẫu đau cảnh mất người xa nhưng còn cô bác bà con, tản mác ở đâu thì tình nghĩa cũng đầy như nước dưới sông vậy, còn y chang tôi của ngày xưa. Tôi thương bạn nhiều thiệt nhiều. Tôi sẽ an ủi bạn, rằng, đi dưới sông lỡ đất tiếc một, đi trên bờ giờ như Kinh Kha qua sông Dịch, tai nạn hỏng biết đâu mà tránh, hao người còn thương tiếc nhiều hơn.

Nói vậy cũng đỡ buồn chớ.
 

NNT

(*) Thơ Lưu Quang Vũ
 

4/2001

Lên trang này: 8-6-2005

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư