Đất Cháy

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Đêm trước đi Đất Cháy, phải gọi điện thoại cho người quen hỏi nói với tàu thế nào để ghé đúng nhà bác Hai. Người ấy cười, giọng ngạc nhiên, “Trời, T quên rồi sao?”.

 

Quên thiệt sao? Tôi cũng tự hỏi mình suốt dọc đường đi. Ừ, cũng phải quên chứ, khung cảnh Đất Cháy thay đổi rồi. Không còn những vườn dừa xanh thẫm vút lên cười cợt màu trời. Suốt triền sông không thấy dây tơ hồng bò phủ lên những lùm chùm gọng, suốt triền sông chẳng nghe mùi cà bắp, mùa này không phải là lưỡi mèo phèn trổ rộ sao? Những ngôi nhà xây mới cũng nhiều như những ngôi nhà đang xập xệ, tàn lụn. Con đập kéo xuồng chẳng còn, những cái cống vuông tôm thì giống hệt nhau. Ngó lên bờ, bỗng nghĩ vẩn vơ, hồi tám tuổi, nhìn cỏ cây Đất Cháy xanh rờn là thắc mắc ngay, sao chỗ này tên Đất Cháy, kỳ cục vậy? Nhưng khi con tôi tám tuổi, tôi sẽ chẳng tốn công giải thích rằng chỗ này ngày xưa là rừng, và rừng xưa đã cháy để dành con người đất sống, thứ gì mọc ở đây cũng tốt vì đất đã được bón mùn tro. Không phải giải thích, nó sẽ chẳng hỏi gì, bởi đất này đã thật sự nóng rãy, khô cằn như đang cháy. Tàu vẫn lừ lừ đi. Vịn ký ức, nhớ một nơi nào có hàng gòn cao cao mọc đầu con kinh dẫn thẳng lên đồng, nơi có ông già Đất Cháy ngồi bên thềm trưa ngó nắng, khốn khổ, cũng chẳng thấy cây gòn nào. Nhớ biết vịn vào đâu?

 

Tôi tự tha thứ mình cho cái nỗi quên. Để khi đứng trước mặt một người Đất Cháy già nua, tôi bỗng nhận ra, mình quên nhiều hơn một con đường về, một cái bến…

 

Tôi không còn nhớ được dóc váng, khuôn mặt thời trung niên của ông, thời mà dăm ba tháng ông xuống xuồng chèo đằng đẳng từ khuya xa đến trưa hôm sau, vượt chặng đường gần năm mươi cây số qua Đầm Bà Tường, Rau Dừa, Cái Rắn chở đến nhà tôi mươi giạ lúa, mấy buồng dừa nước, một thúng nếp than hay mấy con vịt xiêm đen trũi, mớ cá đìa rọng trong thùng. Tôi không nhớ ông có lấy tay gạt mồ hôi không khi hào hển bước lên nhà, và mắt ông vui như thế nào khi chị em tôi chạy ùa ra, “A, Bác Hai lên! Ba ơi, bác Hai Đất Cháy! Bác Hai má ơi!”.

 

Ký ức tôi không còn hình ảnh nào của ông vào hồi đó. Chỉ biết ba má tôi rưng rưng, lóng ngóng hỏi một câu ngớ ngẩn, “Anh Hai mới lên? Chị Hai với mấy đứa nhỏ cũng khoẻ?”. Chỉ nhớ nếp, gạo Đất Cháy rất dẻo, thơm. Cơm nếp cháy rưới chút nước mắm, ít tóp mỡ lên ngon thấu trời thiên.

 

Nắm cơm cháy ấy là chi tiết của cái nghèo hồi ấy. Chi tiết gồm cả trái ổi đèo nghịch mùa, buồng dừa nước, con cá lóc nướng… mà dăm khi mười họa tôi mới được ăn. Nên hai tiếng Đất Cháy là nỗi… xao xuyến không tan. Như thể quê quán mình ở đó, như sinh ra ở đó, cuống rau còn chôn ở đó, như thể ông là ruột thịt của mình.

 

Sau này, biết ba và ông chỉ là anh em kết nghĩa, chỉ là văn phòng tỉnh uỷ trú đóng ở nhà ông, mỗi khi làm việc xong ba tôi theo ông vác phảng đi phát bờ, cuốc đất trồng rau, giăng câu, đặt trúm… rồi nặng nghĩa tình, cùng nhau đi qua biến cố cuộc đời, cảm giác của tôi vẫn không thay đổi. Vẫn thân thuộc, ruột ràng, ấm áp, vẫn nghĩ về Đất Cháy như một cái nhói lên, như một món nợ nghĩa tình gia đình tôi toàn là nhận. Luôn luôn nhận. Tôi vẫn nghĩ về Đất Cháy như nhà mình, vẫn thương quay quắt một lần cất lời từ giã, “Ít bữa nữa đám cưới con rồi, chắc là sau này con ít về đây…”, ông đã rơi nước mắt, như chính con gái ruột của ông sắp long đong nhà chồng (Chuyện này hẳn có người cà khịa, “T lấy chồng anh cũng khóc vậy”).

 

Nhưng điều đó không làm tôi bớt quên. Hồi ấy thì lưng ông có còng không, người ông có gầy gò đến quắt queo như bây giờ không? Hồi ấy thì gương mặt ông có buồn rượi như sớm nay không? Tôi ngồi uống trà với ông, tôi tự dặn lòng, đừng có hỏi chuyện xưa nghen. Không nhắc chuyện xưa. Cương quyết không nhắc chuyện xưa. Vậy thì nói chuyện nay.

 

- Vuông mình lúc này có tôm tép gì không, bác?

- Có ôn gì đâu. Chắc được chừng mấy chục ngàn. Thấy rầu!

- Cá ngoài đầm chắc nhiều hả bác?

- Cũng cạn rồi. Người đông vậy, tôm cá nào mà còn. Tội, bây xuống lúc này cực ăn… Giọng ông đầy áy náy. Tôi cười, “Xứ mình hồi đó cá nhiều ghê…” và thấy hối hận khủng khiếp, trời ơi, mình lại nhắc chuyện xưa rồi.

 

Chuyện gây ngậm ngùi, chuyện đã xa xôi, tuyệt nhiên không thể níu kéo, không thể quay về. Tôi lỡ tay rồi. Cái túi ký ức mở toang, hiện ra cảnh lúa mọc sát bên hè nhà ông, ngó ra cửa sau là một đồng lúa biền biệt đến chân trời. Vài người ngồi bên bờ đất thong thả vấn thuốc rê bên con mương cá ục bời bời. Mấy con cò trắng dong dãi dòm chừng vạt nắng phai. Tiếng dừa chuột khoét rụng cái đùng. Vịt kêu bầy da diết. Đám trẻ đốt lá dừa khô nướng ốc sên. Khói nghe cay cay. Chớp mắt một cái, chỉ còn vuông tôm chang chang nước, một màu trắng đục đơn điệu. Buột miệng:

 

- Đất Cháy bây giờ khác trước quá chừng. Năm nào cũng về mà con còn thấy lạ. Mấy ông hồi xưa công tác ở nhà bác về đây chắc phải la trời…

 

Ông thoáng cười. Cho tôi nhận ra mình lại lỡ lời, lại nhắc một chuyện xưa gây ngậm ngùi, chuyện đã xa xôi. Chuyện rằng, một buổi sáng có người từ căn cứ tỉnh uỷ Phú Mỹ chèo xuồng qua Đầm Bà Tường, đến ngôi nhà chơi vơi ngoài đồng của ông, cười cười đi từ đằng trước ra đằng sau, dạo một vòng ngoài hè, nghiêng ngó khu vườn, cười cười hỏi, “văn phòng tỉnh uỷ tính mượn nhà anh làm việc một thời gian, anh Hai thấy sao?”. Ông thấy mình… gật đầu. Những người khách lạ chuyển đến ngay tối ấy. Từ tối ấy, nhường cả gian nhà trên cho khách, gia đình ông bắt đầu những cuộc cho đi. Những bữa cơm canh tươm tất. Những khuya, soi đèn canh nồi cháo vịt xiêm, mà nghĩ món ăn cho đêm mai, không biết lại cháo gà, hay chè đậu trắng khoai môn cho mấy anh em đỡ lòng. Mỗi khi có cuộc dịch chuyển, bịn rịn chào nhau xong, khách đã thấy lặng lẽ dưới xuồng một hũ mắm lóc, ít buồng chuối xiêm, ít nếp mới… Khách đi rồi, trong nhà nghe chẩng hẩng, bữa cơm lạt lẽo, ngó nồi cơm nhỏ xíu thấy… vô duyên. Mới biết chưa bao giờ nhà ông coi những kẻ ra đi là khách, mới biết sự cho đi đã thành thói quen. Hôm sau, nhóm công tác khác đến, ông lại hớn hở chống xuồng đi đặt trúm, đám con hớn hở rượt bắt gà, lại bắt đầu hành trình thương yêu, bảo bọc… Rồi họ cũng rời đi, nỗi nhớ vói xa, gởi theo những người lũ lượt trở về thành phố, khi cuộc chiến đã tàn…

 

- Hồi đó, sợ người ta để ý nên bác để cho đường đi từ kinh xáng vô nhà bịt khù. Phải vẹt cây cỏ mà đi…

 

Ánh nhìn ông lấp loáng hướng ra sân. Vắng ngắt. Con đường xưa giờ thẳng thớm, quang quẻ. Nó nằm lười nhác, ngái ngủ, đôi lúc hiếm hoi, gặp gặp vài bước chân quen, nó thắc mắc, “Ủa, còn nhiều người lắm mà. Những bước chân ngày xưa lui tới hà rầm sao lâu rồi không thấy? À ha, họ quên tuốt rồi”. Ấy là một cô bé nào đó làm tập làm văn theo phép nhân hóa con đường, và con đường của cô nghĩ vậy. Con đường của cô nghĩ vậy vì cô nghĩ vậy, lớp trẻ nghĩ vậy về cha ông chúng, chẳng hiểu vì sao mà cứ tuyệt vọng trông ngóng những sự trở về. Tuyệt vọng nhìn sự lãng quên của người đời. Nhưng người già chối biến, tụi tao có chờ đợi, hy vọng gì đâu, thiệt mà. Hồi đó cho đi chớ hề nghĩ là sẽ nhận lại. Chỉ là lâu lâu nhớ anh em, không biết còn mất… Ông già Đất Cháy kể, hôm trước đi đám tang ngoài chợ, gặp một người quen cũ, mừng quá chừng. Người kia hỏi, mấy ông tỉnh có hay về thăm Đất Cháy không, rồi chậc lưỡi, “mấy thằng này tệ thiệt…”. Tôi hỏi ngay, theo thói hoài nghi mà cuộc đời đã dạy, đã sắm cho, “Vậy chính người đó về thăm bác được mấy lần?”. Ông cười. Trời, người đó quên ác liệt thiệt, cả chuyện mình cũng là thành viên trong cụm từ “mấy ông tỉnh”, cũng chẳng quay lại Đất Cháy lần nào, từ sau giải phóng, mà cũng quên.

 

Tôi bỗng nhớ tới sự quên đang tàn phá con người mình, cồn cào bởi ý nghĩ, mai nay khi ông thật sự vùi vào Đất Cháy, tôi cũng quên gương mặt chan chứa buồn của ông sớm nay? Tôi cũng sẽ quên cái lưng cong oằn, cái bụng teo hóp chỉ bằng hai bài tay nối lại?

 

Căn bệnh vô tình có còn chừa lại trong ký ức tôi cái dáng ông lom khom đi thăm lú, mong có ít tôm bạc đãi đứa cháu ở xa về? Có ăn nát vụng hình ảnh ông rơi nước mắt tiễn tôi. Cả những món quà thơm thảo suốt thời thơ ấu, có còn không?
 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Lên trang này ngày 20-1-07
(Dùng bản Tư gởi)