Cưới bóng

Truyện ngắn

Nguyễn Ngọc Tư

 

“Còn lâu mới xong đống củi đó, cá với mấy chị”

Tôi nói, mắt ngó phía vợ chồng anh Xây cưa củi bên kia, cách một con đường với bức tường nắng dựng không thấy ngọn. Bỗng cảm giác mình thành bản sao của những người đàn bà ngồi quanh đây. Giống cả cái thở dài chát ngầm sau câu nói, cả biểu cảm tức giận pha lẫn mỉa mai.

“Phải chị ta qua giữ đầu cưa bên kia, chuyện đã xong đời thuở nào rồi”, ai đó phụ với tôi mấy lời. Như mọi khi, cứ hướng về vợ anh Xây thì những cái lưỡi bén nhọn của những người đàn bà chợ ga lại khua, tôi lại có cảm giác được bầy đàn đón nhận.

Bọn tôi hay giày vò vợ anh tuần đường, những trưa bưng thùng thuốc lá kẹo thơm ra đợi tàu ghé qua. Mấy chị đàn bà vừa đưa chuyện vừa thiu thỉu ngủ, tai để mãi ở bên kia sông Cạn, nơi đoàn tàu bắt đầu chậm lại. Đó là đoàn tàu duy nhất trong ngày ghé Xép. Giữa mấy cơn ngáp dài, ngay tầm mắt bọn tôi là dãy nhà tập thể đội tuần đường, nơi vợ chồng anh Xây ẩn hiện trong cái hoạt cảnh mang tên hạnh phúc. Cặp đôi dính sít, cùng đứng cùng ngồi, cùng trét lại vết nứt vách trước, căng dây cái sào phơi, khâu lại tấm thảm chùi chân đứt chỉ. Họ trở thành món chính của những cái lưỡi buồn trưa, ưa nhấm chuyện thiên hạ. Ngó anh chị luôn tay lắt nhắt, những người đàn bà tức giận :

“Nhìn kiểu gì thì cũng thấy thằng chả chỉ một mình”

“Đúng là không nên chờ đợi gì ở cái bóng”

Sớm biết sự xuất hiện của mình ở Xép cũng là món đưa chuyện thơm ngon, trưa nào tôi cũng nhập bầy, nán cho tàn buổi. Ngồi lì ở đó, tôi trở thành một trong số họ. Chỉ cần đồng loã vào mọi xéo xắt chợ trưa, tôi sẽ an toàn trong lúc kẹt lại nơi chốn xa lạ này.

Viễn đưa tôi về Xép, nói “ở đây chờ ít bữa” rồi nhảy tàu đi mất. Cho tới khi đó, tôi không chắc Viễn là tên thật của anh. Trong nhà không có gì cho thấy anh từng là chủ nhân của nó. Tôi bấm khoá và mở vài lần, để xác nhận lần nữa, với chùm chìa khoá gỉ sét Viễn đưa, mình toàn quyền ra vào căn phòng. Món tiền anh để lại hết veo chỉ nửa tháng sau, một trưa tàu ghé có thằng nhỏ mặt mũi nhọn hoắc tới tìm đưa cho mớ khác. Hỏi Viễn đâu, thằng nhỏ quạu quọ, “chưa về là chưa về, hỏi chi cho mệt máu”. Rồi nó kịp biến mất sau cánh cửa tàu vừa khép chặt. Tôi nhìn theo, nghĩ Viễn ở trên đó, biết đâu, nhưng sao không có dấu hiệu nào, giống như anh bị con tàu tiêu hoá sạch.

Về căn phòng bìa dãy nhà tập thể, tôi dòm vào mọi gầm giường hốc tủ, đảm bảo không có bộ xương nào nhảy xổ ra. Nhưng cái mùi mà tôi ngờ mùi xương, thật ra là mùi bụi. Cửa sau cài bằng một cái chổi, tôi không thèm mở, khoả bụi không hơn một chỗ nằm, hy vọng bằng cách đó mình sẽ sớm rời đi.

“Đầu bên kia dãy nhà cô, thằng cha đó cưới bóng làm vợ”, một chị đàn bà nói, giọng thuần dè bĩu, ngay ngày đầu tôi tới.    

Cũng không có chuyện chi làm, tôi te te theo mấy chị về lại cái đám cưới bốn năm trước. Anh Xây cứng đờ trong bộ com lê đen, điệu bộ hơi căng thẳng, nhưng vui thì không giữ được trong mắt, tràn lên mặt anh thứ sương hân hoan. Giữa tiệc mấy con bò xổng chuồng ghé qua ăn mớ hoa lá giắt ngay cổng cưới. Một vụ cãi vã ngớ ngẩn không tới đâu, rốt cuộc ma thì có cắn móng tay không.

Cả bầu trời đen chừng như vô hình của tối đó, tôi cũng như tận thấy. Tiệc đãi tối, sân treo hai hàng đèn, cô dâu lúc đổ dài bài cuối sân, thoắt lại cúi xuống ân cần với một vài bà già ngồi riêng mâm chay. Chừng như cô ta không muốn bỏ quên người khách nào. Má anh Xây uống hơi quá trớn, hát ngêu ngao những lời vón cục. Thất vọng làm bà già buông xuôi, mặc cho men rượu đánh gục mình, thẳng cẳng nằm ngủ luôn bên rào xương cá.

Nghe kể má anh Xây bỏ ăn luôn vào cái lần anh nói, hết sức nghiêm túc, rằng sẽ cưới bóng mình làm vợ.

“Đàn bà con gái xứ này chết hết rồi chắc ?”

“Con thương cổ”

“Thà lấy con Lê mù đằng xóm, nó còn ra hình người”

“Tụi con sẽ cưới vào hai chín tới”

Đàn bà xóm Xép không ưa vợ anh Xây. “Tới cười cũng không thể tự cười”, họ nói. Chị quá xa cách, nhìn thấy đó mà như không có, làm thứ chi cũng nhẹ bẫng. Tách biệt với thế giới đàn bà thị trấn, đeo dính ông chồng tuyệt chẳng rời nửa bước. Hồi đầu chị còn nhận được chút trầm trồ tán thưởng, lâu dần cái sự bám chặt khiến người ta ngứa mắt, “xa đàn ông một chút, chắc trào đờm mà chết ?”.

“Cổ có làm gì đâu”, có lần anh Xây nói, gần như khóc. Anh cảm thấy bất công cho vợ mình. Đúng là chị vợ chẳng làm gì hết, chị chỉ hạnh phúc. Thứ hạnh phúc khiến người ta điên tiết. Chẳng người đàn bà nào thích ai đó hạnh phúc hơn mình. Họ cứ hắt vô mặt chị những lời đầy nọc độc. Chẳng tỏ thái độ gì, chị bày tỏ mình bằng im lặng. Sự im lặng chắc nịch bọc lấy chị, khiến chị vô nhiễm với mọi sự thù nghịch. Thật ra chị có nói, nhưng chỉ anh chồng tuần đường nghe. Người ta nhiều lần tự hỏi, chị trêu ghẹo chi mà anh tự dưng cười xòa. Lúc khác, anh tủm tỉm. Cái kiểu giao tiếp cực kỳ riêng tư của họ luôn khiến thế giới bị bỏ rơi. Như thể không khí họ thở là thứ không khí khác.

Bà mẹ bị gạt ra rìa, kêu ca con dâu cùng khắp. Nói chị ta về đèn lúc nào cũng thắp, gọi không ơi, không lần gãi lưng cho mẹ. Nói chị ta dai hơn đỉa, có phun nước miếng vào mặt cũng không nhả đàn ông. Một bữa gió Bắc, say rượu ngủ ngoài ga, bà già trúng gió qua đời. Trong đám tang ai đó kể hồi đó tàu còn ghé Xép mười lăm phút, bà già (thuở chưa già) bắt được khách là gửi thùng thuốc lá cho đồng bạn rồi đưa đàn ông vào buồng kho. Anh Xây là quà tặng kèm trong lúc gã nào đó vào ra hớt hãi, khi còi tàu đổ dài báo sắp rời đi.

Không có Viễn trong những chuyện xóm làng của mấy chị đàn bà. Tôi quyết định không chờ nữa, mua sẵn một vé tàu, thằng nhỏ mặt nhọn bỗng xuất hiện, cầm theo món tiền không dày chẳng mỏng, nhưng lem luốc như mọi khi, quạu quọ nói Viễn nhắn đợi anh ta quay lại đón. “Trễ lâu. Chắc dính bầu”, tôi nghe tiếng mình được mất trong tiếng còi tàu bải hoải. Thằng nhỏ thở hắt ra, mặt càng nhọn hơn, “lại thêm một miệng ăn”. Tối đó tôi nằm chiêm bao, thấy một đứa trẻ nhọn hoắc chọc xuyên bụng mình chui ra, tiếng khóc của nó như những mũi tên bắn khắp chung quanh, những tường vách đều lủng lổ chổ.

Không biết làm gì cho hết ngày, tôi ngồi suốt chợ ga, tự làm nhiễm độc mình bằng dè bĩu chuyện thiên hạ, đợi cho đến chị đàn bà cuối cùng đội thùng thuốc trở về nhà. Bên kia vợ chồng anh Xây cũng đóng cửa quảy túi đi tuần đường, hết chuyện coi. Tôi hẫng đi một lúc.

Không quay về căn phòng bụi, tôi đi bộ dài theo cái thị trấn Xép mặc cảm, chơi trò nhìn sào đoán cảnh. Những sào quần áo cong lại sau một ngày cháy nắng, phơi bày hết nếp sống của mỗi nhà. Áo đàn ông dính đầy mủ cao su, áo đàn bà chảy sệ, những sào đồ trẻ con chật cứng, tương ứng với tiếng tụi nhỏ khóc la gấu ó nhau. Mấy chị đàn bà có thể gọi là thiết thân với tôi, giờ chấp chới trong những căn nhà mái tôn, vách chắp vá bằng nhiều tấm ván xẻ từ những cây cao su kiệt nhựa. Không ai ngoắc tôi ghé chơi. Vừa mới tụ tập ở ga đây, giờ mấy chị coi tôi là kẻ lạ. Họ kẹt trong thế giới của mình, bận cơm chiều, làm đồ nhắm hoặc dọn bãi mửa của chồng, tét đít mấy đứa con.

Nhận ra sự rảnh rang cuối chiều của mình có thể chuốc lấy những cái nhìn thù nghịch, tôi đi ngoài rìa xóm. Vượt khỏi cái cổng chào gãy cánh là con đường nhỏ đâm ra cao tốc, và các rào chắn chắc nụi không cho phép một sự thông đồng nào. Chẳng được cao tốc mở ra chào đón, con đường như một cái cuống mỏng manh khô nhựa, vô phương gá vô cành. Đứng đó tôi không định vị được phương hướng nữa, phía nào là nhà, ý tôi là nhà mà tôi đã quên không khoá vòi nước đang chảy xuống chậu quần áo, bỏ trốn theo Viễn. Chỉ một chuyện tôi chắc chắn, đã quá trễ để quay về, nước từ cái vòi mở toang đó giờ đã ngập lụt xóm làng.

Tôi mở cửa sau. Vài cái toa tàu bị bỏ rơi, bị đám bìm bìm lợp kín, chúng nằm quây lại thành cái sân kín đáo. Vợ chồng anh Xây có một thế giới riêng ở đó.  

“Họ trồng mấy thứ rau, kê cả bộ ván dành đêm ra hóng gió”, tôi tả lại với đám đàn bà chợ Ga, “chạng vạng là họ ra nằm chồng lên nhau, khít rịt”

“Vậy luôn ?!”

“Thì đó, không mặc chi hết, giữa trời”

Chuyện thường ngày bên nhà họ lặp đi lặp lại, tôi bịa thêm cho đỡ tẻ nhạt. Chỉ tôi mới sở hữu cái cửa sau nhìn ra thế giới kín đáo của vợ chồng anh hàng xóm. Như một kỳ tích, từ kẻ lạ tôi trở thành một người không thể thiếu ở chợ ga. Nhưng rồi xế bóng, tàu ghé xong vội rời đi, và những thùng thuốc lá gần như không vơi trên tay mấy chị đàn bà trên đường về nhà sau buổi chợ. Tôi lại trơ trụi.

Một bữa nghĩ cứ lang thang dọc đường ray, biết đâu may sẽ gặp đoàn tàu nào bất thần lao tới, tôi đi một hơi, giữa hai hàng rào trúc đào độc địa, xa hơn là rừng cao su bạt ngàn ngày ngày nuốt chửng đám đàn ông của Xép, cây cầu cạn bắc qua con sông Mã Đề đã cạn trơ lòng, tới gò Ba Khúc. Ngồi bóp cặp giò mỏi rã, gặp vợ chồng anh Xây tuần đường trờ tới.

“Phải ở nhà lo cơm nước, đỡ cho thằng chồng quá”, tôi nghĩ bụng, liếc chị vợ chập chờn phụ tay chồng đắp một cục đá lên gò. Mỗi ngày một vài cục đá, lụi hụi mà cao, anh nói. Bên dưới đống đá, là cô gái đã nằm vắt ngang đường tàu, chu đáo chuẩn bị cho cuộc đi của mình, kê cái cổ mỏng manh lên thanh ray, bảo đảm không xảy ra sơ sót gì. 

“Cổ có cái đầu nhẹ hều”, anh Xây kể. Bữa đó cũng là ngày đầu tiên anh quảy túi đồ nghề đi tuần đường. Sự cố cách anh nửa cây số.

“Khi đó mắt cổ còn giựt lia lịa, hỏi tên chắc kịp, nhưng tụi tui quýnh quá nên quên”.

Tôi nhìn vào chị vợ gãy khúc trên thanh tà vẹt. Hình như chị cười, hoặc không, nhại khẩu hình trùng khớp lời của chồng, như đã thuộc lòng câu chuyện.

Lúc xảy ra tai nạn nọ, chị cũng ở đó. Nghe kể mười lăm tuổi anh Xây bị chị bỏ bùa, bằng những biến ảo theo phong cảnh chung quanh, theo mặt trời và những ngọn đèn, chị còn có thể phân thân, và thay đổi hình dáng trong phút chốc. Lúc đó anh bắt đầu rù rì nói chuyện một mình, lâu lâu lấy tay khum che nắng cho kẻ vô hình nào đó, hoặc hứng chí nhảy qua vũng nước và reo lên tui thắng rồi. Nếu bị níu lại hỏi chuyện, thằng nhỏ đó toàn ngó đâu đâu, không nhìn vào đồng loại.

Anh đâu có một mình. Sau này người ta mới biết sao suốt ba tháng thử việc tuần đường, ngày hai lượt đi về hai mươi hai cây số tẻ nhạt, không kể nắng mưa, anh không một lần kêu công việc buồn chán. Cả chuyện cô gái nhờ con tàu cắt mình ra, vào ngày đầu tiên anh đi làm, cũng chẳng làm anh hoảng loạn.

“Con người ta bị chia làm ba khúc, lúc ráp lại thấy cũng giống con tàu”, anh Xây nói, trút ngược bình ghi đông nước vào miệng. Và chị vợ, lẽ dĩ nhiên cũng há mỏ chờ. Tối thẫm như chị uống bao nhiêu nước mới đã cơn khát, tôi tự hỏi.

Một đoàn tàu sầm mặt đi qua. Tàu Bội Bạc, như cách gọi những đoàn tàu không ghé Xép của mấy chị chợ ga. Anh chị kéo tôi lùi lại. Cánh tay cầm cờ hiệu nửa như ngăn tôi nhao ra đường ray, nửa chào con rít khổng lồ. Tôi nhìn theo đoàn tàu dấy bụi bên kia cầu Cạn, nghĩ Viễn ở trên đó, hoặc không. Rồi tàu biến mất, để lại một dấu vết còn tươi ngay trước mắt tôi. Một dãi phân nhão rê dắt suốt qua vài ba thanh tà vẹt. Tôi ói tới mật xanh.

Những ngày sau, tôi cứ ói mửa chẳng vì lý do gì. Hoặc tôi đã biết lý do lại vờ như không phải. Nhưng mấy chị chợ Ga gọi đúng tên cơn nôn nao, “Nghén rồi, nặng à nghen, kiểu này nghén oặt cho coi”. Họ đoán đúng. Uống nước mửa dãi nhớt, uống không khí mửa khan, tôi thấy mình mòn dẹt sau những cơn dạ dày lộn ngược. Như thể dạ dày được treo phía trên đầu, trút sạch.  Nhưng tôi vẫn cố di cái thân tiều tuỵ qua ga, hoà vào đám đàn bà, cố căm ghét ai đó. Phải cảm xúc mạnh mới đủ liều giúp tôi chống lại sự phân rã đâu đó từ bên trong chính mình.

Mớ dãi nhớt gần như vô hạn của tôi thu hút được con chó hoang. Nó lẽo đẽo một bên, chực hờ liếm láp. Giữa những cơn nôn mửa tôi thèm lá mục, loại lá lợp nhà đẫm mùi trứng kiến, mùi mưa và nước đái thằn lằn. Không hình dung được vợ chồng anh Xây cũng bị cuộc nghén của tôi mê dụ. Chừng như đàn bà ở Xép cấn bầu và sinh nở dễ như thở, chưa ai qua cuộc nghén vĩ đại như tôi.

Anh chị hay tần ngần ngoài cửa, tê mê ngó tôi ngồi nhấm mớ lá mục vừa kiếm được đâu đó, như nhìn ngắm một tạo vật phi thường. Tôi mửa thì hai người lại kêu lên đầy thán phục “nữa, nữa rồi”. Thấy mình như một con khỉ cháy lông khi nhảy qua vòng lửa, dưới kia thiên hạ hớn hở đứng coi, nhưng tôi không hơi sức đâu tức giận. Kệ họ, tôi cứ mửa, cứ nhằn lá mục, nghe vị ngọt chúng ngấm đến tuỷ xương.

“Kỳ thiệt, ăn thứ chi kỳ”, anh nói, hoặc chị mượn cái máy môi của chồng đưa chuyện.

“Cứ nghén như tui đi, rồi biết”, tôi bực bội khẩy chân vô sườn con chó.

Sau này tôi nhớ câu nói đó của mình, khi vợ chồng anh Xây gửi chìa khoá nhà, nói sẽ đi không biết chừng về.

“Nghe nói ở núi Côi có ông già bốc thuốc nam hay lắm”, nhìn chị đang nghiêng dài trên đất, anh cười, “cổ kêu thèm con”.

Sẽ rất lâu, hoặc không bao giờ mình còn gặp vợ chồng người tuần đường này nữa, viễn ảnh đó rõ ràng như chuyện Viễn không bao giờ trở lại, làm đầu tôi mụ đi, chẳng nảy ra được một câu nào thật độc địa, “bóng mà đòi đẻ, viễn vông”. Hoặc tử tế, kiểu như “Kêu thầy cho thuốc vừa thôi, chị đẻ một hơi cả chục sao nuôi nổi”.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 28-1-2020