Cuộc diễu hành lặng lẽ
Nguyễn Ngọc Tư
Tôi cũng như những đứa trẻ nhà quê lớn lên ở xóm Bà Bèo, mỗi khi nghe hỏi tới tiệm tạp hóa của chú Mười Ba, là nghĩ ngay tới hai chữ: thiên đường. Cục kẹo đầu tiên tôi được ăn, cái kẹp tóc đầu tiên tôi được diện, cây viết chì đầu tiên tôi được chạm tay vào… đều được mua từ đây.
Tiệm mà cũng là nhà, vừa chật vừa tối, đồ đạc lộn xộn chen chúc chồng chất lên nhau, giắt trên vách, treo đòng đưa trên dây. Cần gì cũng có hỏi gì cũng thấy. Dù nhỏ xíu như cục đá lửa gắn trong ống quẹt, cây kim may tay hay những món năm khi mười họa mới có người mua như cối xay bột, lu sành… Ở nhà thiếu gì người ta chạy lại tiệm chú Mười Ba. Lúa ngoài đồng cần gì người ta cũng chạy lại tiệm chú Mười Ba. Tiệm tạp hóa có một đời sống mãnh liệt không hẳn vì xứ này xa chợ, mà người ta tìm thấy một nơi nương dựa. Mấy cụ già ghiền trầu tới tiệm tìm vôi; đàn ông nghiện thuốc lội lại kiếm thuốc gò, giấy quyến; đàn bà con gái quây quần quanh bếp núc cũng mua ở tiệm những thứ gia vị nêm đậm đà cho hai bữa cơm canh. Trẻ con thì khỏi phải nói, mỗi khi nghĩ tới, ngang qua hay bước vào tiệm chú đều cảm giác mùi vị ngọt ngào, béo ngậy của những bịch cốm ngào, kẹo dừa ứa ra trên đầu lưỡi.
Hồi nhỏ, được người lớn sai đi tiệm là quá chừng hạnh phúc, may còn chút tiền thừa mua mấy cục kẹo sướng rơn, còn không thì nhìn hủ kẹo chép miệng chẹp chẹp cũng phần nào thỏa mãn. Lớn lên mới biết cái việc nho nhỏ niềm vui cỏn con đó đôi khi là… sứ mạng, nhất là vào mùa giáp hạt.
Mùa những bồ lúa trống trơn. Mùa mua chịu. Tiệm chú Mười Ba dường như chỉ có trẻ con lai vãng. Trẻ con không biết mắc cỡ khi đi mua đồ chút dầu hôi nước mắm bằng tay không, bằng một lời hẹn mù khơi, nội con nhắn chú ráng chờ tới gặt... Trẻ con không bị tổn thương nhiều bởi túng quẩn, không quá mặc cảm bởi cái nghèo (thường kèm theo chữ hèn), tụi nó không cảm thấy ngượng ngập khi nhìn tên nhà mình được ghi trên cánh cửa tiệm trong mùa-bán-chịu.
Cánh cửa được ghép lại bằng mấy mảnh ván được bào láng, để mộc không sơn, lúc nào cũng chi chít những chữ số viết bằng phấn trắng. Mùa giáp hạt danh sách nợ nần nhiều thêm, cánh cửa trở nên quá chật, thím Mười Ba ghi tràn ra mấy thanh đố của cái kệ gỗ. Không biết do tiện đâu ghi đó, hay cố ý ghi ở chỗ dễ thấy dễ nhắc nhớ, mà chú thím làm nên cuộc trình diễn câm lặng của những người nghèo, thiếu trước hụt sau, đắp bề nào cũng hở. Những chữ số cứ ngày ngày tháng tháng diễu hành trên cánh cửa. Mùa gặt còn xa.
Mùa gặt người ta chở lúa mới qua con đập trước nhà chú Mười Ba, trên chiếc xuồng khẳm lừ có phần dùng để thanh toán nợ nần cho chú. Người ta bán lúa ngay khi chúng vừa phơi đủ nắng, còn nằm ngoài sân. Đống lúa hót bao nhiêu thì trong lòng họ như bị đẻo khuyết đi bấy nhiêu. Chữ trên cánh cửa tiệm tạp hóa đôi ba dòng được bôi xóa vội bằng tay, để lại những quầng phấn đùng đục. Buổi chiều ba mươi Tết, cánh cửa được lau bằng giẻ ướt, sạch bong, nghe đâu đó có những cái thở phào nhẹ nhỏm, thanh thản. Cũng có Tết, cửa tiệm chú Mười Ba còn sót lại vài cái tên vài con số, nom rã rời rát xót, trong xóm có nhà ăn Tết bằng từng lát thở dài, trong xóm có vài đứa trẻ không có áo mới để khoe.
Cánh cửa được ghép lại bằng mấy mảnh ván được bào láng, để mộc không sơn xanh đỏ, lại ám ảnh đeo đẳng, lại đồng hành với những thân phận nông dân cay đắng và bi tráng của cái xóm nghèo.
Xứ Bà Bèo mười sáu năm sau, khi tôi quay về, tiệm tạp hóa chú Mười Ba dỡ ra cất lại vài ba bận, cánh cửa xưa không còn. Chú giao tiệm cho con trai là Tư Giàu, cũng là thằng bạn cùng lứa với tôi. Xóm chuyển qua nuôi tôm, hàng hóa trong tiệm cũng thay đổi, ngoài vuông cần bất cứ thứ gì tiệm nó cũng có. Cái tiệm cũng như cư dân xóm, trở xoay chóng mặt để nuông chiều con tôm đỏng đảnh.
Ngồi chơi thấy nhiều đứa con nít hăm hở chạy lại mua đồ, một nửa trong số chúng mua bằng tay trắng và lời hứa, “má con nói con nước tới sẽ trả đủ cho cậu”… Giờ người ta nín thở theo trăng, không còn thắt thẻo bởi mưa mùa, gió mùa. Chỉ có tụi con nít là còn giữ nguyên niềm vui bé mọn, còn hồn nhiên làm một sứ mạng cỏn con: đi tiệm. Đám con nít đó cũng là con của bạn bè xưa, những đứa đã không đi cùng chữ nghĩa như tôi mà ở lại với ruộng đồng. Ở lại để mười sáu năm sau, tụi nó dường như vẫn còn chưa rời khỏi nơi cái nghèo diễu hành trên cánh cửa.
Thằng Tư Giàu làm một chuyện mà tôi khen là nhân bản, kín đáo ghi nợ vào cuốn sổ học trò trăm trang quăn queo góc. Nó cười khì, nói khỉ họ, tại bây giờ dân xóm mình đông, đâu có cánh cửa nào chứa nổi… Tôi cụt hứng nín thinh. Mười sáu năm, tôi từ đứa con nít hôi nắng hôi sình đã thành kẻ chợ, xóm Bà Bèo xanh rờn cây cỏ trở thành những trảng nước trắng dờ, nhưng nỗi chua xót đắng cay giật gấu vá vai trình diễn trên cánh cửa tiệm tạp hóa chú Mười Ba vùng vẫy kiểu gì, vượt thoát kiểu gì mà lại tiếp tục diễu hành trong cuốn sổ của tiệm tạp hóa Tư Giàu. Cuốn sổ ngoài bìa ghi: sổ nợ. Bằng mực đỏ. Như vết xước.
Khép sổ học trò lại rồi mà tiếng thở dài còn vang…
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
Lên trang này ngày 23-1-10
|