Cúi xuống là đất

Nguyễn Ngọc Tư

 

Cậu tôi chém một nhát dao phay vô cột nhà, tuyên bỏ từ bỏ con gái khi chị bỏ nhà theo tiếng gọi của tình yêu. Chị thương một anh chàng đào đất mướn lêu têu không nhà không đất, không biết từ đâu tới và sẽ đi đâu. Chuyện cũng đã lâu, một năm vài ba lần, ghé qua nhà cậu, tôi lại nhớ người con gái lanh lẹ, giỏi giắn, hay cười, đồng tiền lún sâu một bên má. Nhớ mà không dám nhắc, vì vết dao khắc sâu vào gốc cột, cảm giác bén lẹm ớn xương…

Cảm giác có chút đau ở đâu đó. Mười năm, ký ức về chị vẫn đứng yên, trong khi chị đã cùng thời gian đi xa lắm. Nhưng gặp lại ở một nơi bất ngờ, thị trấn cửa biển, trong xóm lao động nghèo, chị ngồi bên cái cối đá xay bột trước hàng ba, tôi không chút ngại ngần nào, lập tức gọi tên một nhan sắc cũ.

Cuộc gặp nhau mừng tủi, chị khen tôi nhớ giỏi, chứ chị giờ đen đúa, má nám, tóc xác xơ… Chỉ vào cây chùm ruột trước nhà, tôi cười, em nhận ra chị từ nó. Cái cây này trước nhà cậu tôi cũng có, và khoảng sân nhỏ nhoi ở nơi này cũng gợi nhớ nhà cậu. Chùm ruột đã cao khỏi đầu, cây mai tứ quý đèo đẹt, dây mồng tơi leo kín cái rào thấp lủn tủn ngăn hờ hững với nhà bên cạnh. Một mớ cải xanh gieo ở góc đất sát hàng ba, vài cây cuối giồng đã lên ngồng, màu hoa vàng như sắp cháy. Chị cười buồn, bảo, nhớ nhà quá, nên trồng chơi…

Mười năm lập thân, chị vẫn chưa có mảnh đất cho mình. Chồng đi biển, chị ở nhà xay bột làm bánh cam, bánh còng bưng bán dạo, chăm chút hai đứa con nhỏ. Tôi nhìn thấy cuộc đời rày đây mai đó ở hình ảnh những viên gạch tàu kê tạm bợ rời rạc trên nền nhà. Ờ, sống trên đất mướn mà, khi cần thì xếp lại, cặm đời chỗ khác. Chỉ cây ở trước nhà là không sống đời tạm bợ, chúng vẫn lớn lên dù hơi cằn cỗi, bởi gió biển bàng bạc vị muối.

Không cần chị nói, tôi cũng biết chị nhớ đất lắm, nhớ mảnh vườn mảnh sân quê nhà, nên thiết tha ân cần với cây cỏ dù đất dưới chân giờ chưa phải là của chị. Mà có hề gì đâu, đất không quan tâm mình thuộc về ai, hễ có một bàn tay biết vun xới gieo trồng, đất sẽ run rẩy nuôi cây lớn. Cây mai này đỏng đảnh lắm rồi cũng trổ mươi cái bông, cải với mồng tơi nhà ăn không hết san sẻ cho cả láng giềng, chùm ruột ra trái đã ba mùa, trẻ con cả xóm trèo hái chấm muối chán chê, số còn lại chị ngào đường để dành trong tủ. Chị cười nhẹ, “hồi đó, ba chị thích ăn chùm ruột ngào lắm…”. Chợt nhớ ra, chị hỏi, “em thấy cây chùm ruột bên nhà còn không ? ”

Không, nó bị đốn mất rồi. Ký ức của chị ở lại với ngày xưa, trong khi mảnh sân, khu vườn và cánh đồng đó thì đi với mười năm. Nhiều đổi thay, mất mát. Giờ từ ngoài đường ngó vô thông thốc, trống hoang, trụi lủi căn nhà đã già tường vôi mái ngói. Đứng dựa cửa sau, trong mắt cũng chỉ còn hình ảnh cái chòm mả trơ trọi giữa vườn. Ở đó có một ông già cứ gặp tôi là ca cẩm, càm ràm mấy đứa con. Ông ca cẩm, hờn giận luôn cái xóm Rạch Ruộng đã bỏ đất khi vẫn đang đứng trên đất.

Họ mất cảm giác đất, như cầu thủ đá bóng mà mất cảm giác với trái bóng, cứ xuôi ngược vật vờ. Sáng sớm, đi đổ lú xong, lượm được mấy con tôm bán cho vựa, bỏ túi ít chục ngàn, là xong một ngày. Vuông tôm bỏ mặc cho nắng trời, gió trời. Mọi người nằm toòng teng trên võng nghe cải lương, coi phim tình cảm Đài Loan, rồi cáp độ nhậu nhẹt, ca hát, đánh bài… Cuộc chơi bất tận. Cần một cọng hành, trái ớt, nải chuối… thì ra sông ngoắc ghe hàng bông. Ở đó cái gì cũng sẵn, và bất cứ gì con tôm cũng đổi được, nên chẳng ai còn tha thiết chuyện cuốc đất lên giồng, chuyện gieo trồng kiếm chút tiền con con. Sáng sáng ra vuông lượm tiền có phải khỏe hơn không, anh con lớn của cậu vừa nói vừa cười hệch răng vàng.

Dưới chân anh là đất, chỉ cần cúi nhìn sẽ thấy, nhưng anh không nhìn. Nên cha và con cứ hục hặc nhau hoài, bởi kẻ nhớ người quên, kẻ đi người ngoái lại . Cậu tôi nhớ, nhưng những cơn đau cột sống, đau khớp, những chứng bệnh tuổi già cứ giữ chặt cậu trong nhà. Ngoài kia là đất thênh thang, đang từng ngày bạc đi từ khi nước mặn tràn về trắng xóa. Nhớ quá, cậu lụm cụm đi trồng cây ớt, đặt mấy hom mía, tỉa mấy dây dưa gang, đi vắng ít ngày về thấy cây héo queo, người ở nhà quên tưới.

Buổi trưa, ra ngồi bộ bàn giữa uống trà, nhìn khoảng sân chang chang nắng, cậu ngậm ngùi, mầy coi, có cây chùm ruột mà thằng Hai nó cũng đốn rồi, nó chê cây này rụng lá quá, dơ nhà. Tao đi một cái đám giỗ về là thấy mất thêm mấy cái cây. Nó nói trống trải con tôm mới thở được, mới mau lớn. Tôm tép làm ra tiền nên xá gì mấy cây chùm ruột, cây vú sữa… Trời, giữ mấy cái cây đâu phải chuyện tiền bạc mậy, cứ để đó, người đi đâu xa mới nhớ đường về nhà…

Nghe mấy chữ, “người đi đâu xa…” tôi biết cậu đang nhắc tới đứa con gái lưu lạc bìa trời. Một thâm tình mà trong cơn giận hờn ông đã từng vung tay phung phí. Ông già nhớ chị, nhưng vì tự ái, vì gốc cột không chịu lành lặn lại, để xóa đi một lời thề. Bỗng dưng tôi thấy cậu già hơn cái tuổi bảy lăm. Già nua bởi bất lực và nuối tiếc.

Và trong buổi chiều ngồi kể chuyện nhà cho chị nghe, tôi tự hỏi, cái vuông sân nhỏ nhoi này, một lần nào đó nhìn thấy, có làm cậu tôi ứa nước mắt ? Mỗi lần nhìn cây nhìn đất là họ nhớ nhau, mối quan hệ cha con có đứt đoạn bao giờ đâu. Tôi hỏi chị chừng nào về nhà, về thật, bước qua ngạch cửa, chứ không phải đi ngang qua, hay đứng xa xa nhìn như những lần không cầm được nhớ chị từng quay về xóm cũ. Chị cúi nhìn cái cối xay bột, tần ngần, một cuộc ra đi gây tổn thương bằng đó, không biết lòng cha già đã lành lặn chưa, nên cứ chần chừ…

Thôi thì, tôi mang món quà nhỏ về trước. Ngó cái hủ chùm ruột ngào đường đỏ au mà tôi nói là của một người quen cũ gởi biếu cậu, ông già thoáng nghẹn ngào. Hồi lâu, cậu ngập ngừng hỏi, con nhỏ… lúc rày sống sao, làm gì. Tôi cười, chị ấy trồng cây, trái này hái từ cây mọc trên đất quê người. Nó chua, nhưng chị không quên cách làm cho nó ngọt.

Hành trình ngược về quê, không biết trái có mọc thành cây, khi mùa mưa tới.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 30-12-08