Còn gì khi vẫy chào nhau?!

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Bình thường, khách đến quê tôi rất vội, thời gian của họ đã phai và rơi rụng theo cuộc hành trình quá dài. Bình thường, khách chỉ có một mong muốn, và mong muốn duy nhất là được đi Đất Mũi, rẻo đất cuối cùng trên bản đồ Việt. Mấy mươi năm đất nước bị chiến tranh chia cắt, với nhiều người, nơi này là niềm mơ ước, là nơi thiêng liêng, là điều tâm nguyện cả đời. Bình thường, đến đó, khách thích ngồi bên cột mốc tọa độ, hay đứng dưới biểu tượng con tàu có chữ “Mũi Cà Mau” để… chụp hình. Quãng thời gian còn lại không dài, chỉ đủ khách ăn bữa cơm với cá dứa, cá nâu, nghe mấy cô phục vụ nhà hàng ca vọng cổ, làm vội mấy câu thơ, bẻ vài trái đước, trái mấm, hay nắn cục đất bỏ túi, thì tàu về lại thành phố đã réo còi.

Bình thường thì tôi, một người bản địa, kiêm hướng dẫn viên bất đắc dĩ nhìn cảnh ấy thấy lại mình, đã từng đi năm sông bảy núi, rồi thì ký ức sạch trơn. Không thể nói biết Hội An, khi chưa đặt chân qua bên kia bờ sông Hoài, không thể nói biết Sài Gòn, Hà Nội khi chỉ quanh quẩn năm ba dãy phố, không thể nói biết Quảng Ninh khi chỉ vòng vèo vài nẻo Hạ Long. Và bình thường, những lần đi cùng khách, tôi hay buồn, vì nghĩ, mai kia tấm hình phai màu, câu thơ không còn nhớ, trái đước héo khô rồi, cục đất thì tan thành bụi vụn, cái gì thuộc về quê tôi còn lại trong lòng khách ? Nhợt nhạt. Mù mịt.

Chị không thuộc về chuỗi bình thường mà tôi gặp. Chị ngạc nhiên khi tôi gợi ý đi Đất Mũi, chị hỏi “Ở đó hay lắm hả ?”. Tôi cười cười, “chỗ đó ai cũng muốn tới”. “Vậy nơi nào trên đất này mà em muốn đưa tôi tới ?” Chị hỏi.

Câu hỏi đó làm tôi sướng ngây ngất. Nhiều nơi lắm, chị ơi, tuyệt nhiên không có núi cao, hồ thẳm, không hoa thơm cỏ lạ. Nhưng có đến đó mới thật là biết đất quê tôi.

Và cả hai người đã không phụ lòng nhau. Từ lúc cùng giong ruỗi trên chiếc xe máy, chưa bao giờ mắt chị tắt ánh nhìn bỡ ngỡ, môi chị luôn đậu nụ cười, gương mặt chị lúc nào cũng như đang say. Chị luôn chắc lưỡi hít hà, khen quê tôi đẹp. Tôi không mảy may nghi ngờ rằng chị nói chỉ để xã giao.

Ra đi từ những sớm tinh mơ và trở về lúc chiều phai, cuộc hành trình của chúng tôi nhẩn nha, không vội vã. Chị trầm trồ tại sao con đường nào cũng có con sông hoặc con kinh rượt đuổi, trông theo mình. Chị bắt dừng xe chỉ để ngắm những bông lau nở trắng xóa hai bên đường, chỉ để leo lên cây cầu ván chụp hình mấy đứa con nít cất vó dưới kinh. Chị nằng nặc đòi xuống xuồng be chín, tay dầm lóng ngóng bơi đi trên con rạch rập rờn những lá bông súng nhỏ. Chị thú vị với từng chi tiết của chiếc ghe bán hàng bông, phát hiện ra tất cả vật dụng đều được thu nhỏ, cả con chó cò cũng nhỏ. Chị ngẩn ngơ hỏi tên những bông hoa dại tím ngằn ngặt bên sông, chị ghi chép, có khi vẽ cả hình, cái lu bụng tròn, còn khạp thì thẳng đuột, cây mác vót nhỏ hơn dao yếm, lại có thứ nhỏ hơn mác vót gọi là dao trầu.

Đi xe chán, tôi đưa chị xuống tàu. Chị hỏi tên tất cả con sông, tôi kể một hồi, chị kêu lên, tên sông cũng hay ghê, những Gành Hào, Bảy Háp, Ông Đốc, Cái Tàu… Trong cơn chuếnh choáng, khách thích nếm vị nước của từng con sông, ưa bồn chồn ngó qua thành tàu, giọng như reo bởi phát hiện một điều ngộ nghĩnh, “hình như trên đất này, mọi thứ đều động đậy, nhúc nhích. Sông ở đây cũng náo nhiệt, cũng đông đúc hơn những con sông miền Bắc, miền Trung mà chị đã đi qua”.

Trong cuộc đi về xuôi ngược khắp xó quê, tôi hay bất chợt ghé lại những ngôi nhà bên đường, viện cớ xin ly nước mưa đỡ khát. Và những cuộc gặp gỡ đã xảy ra (như mong muốn), những nhân vật bình dị không tên đã làm nên điều kỳ diệu, để nhớ đằm sâu trong khách phương xa. Một bà cụ đã vào tuổi chín mươi lại liệu như hát, hễ giật mình là buột miệng, “Ý đ… má mầy ra ba hồn bảy vía…”. Một em nhỏ quên chào người lạ vì bận hì hụi trên đất dùng chai sành lăn cho láng… nền nhà. Một đứa bé mới mười tuổi đầu mà thơm thảo, đãi chúng tôi món cá lóc nướng rơm, khoái chí khi thấy khách (lớn đầu mà khờ) không biết ăn theo kiểu miệt vườn, vầy nè, dễ ợt, chỉ là bẻ miếng cá nóng hổi cặp với lá chùm ruột non chấm muối ớt. Một cô gái đen giòn mắt ngước nhìn ti vi mà vẫn thoăn thoắt bó chổi rơm như thể tay cũng có mắt, thẹn thò khi hỏi tới chuyện chồng con, “em xấu ỉnh, ai mà thương”. Những anh con trai cục mịch, lầm lì, nói chẳng ra câu cụt câu què mà khi cất giọng ca bỗng trở nên đắm mê, ngọt ngào, lãng tử… Mỗi lần nắm níu từ giã, mỗi lần nghe bà con nhắn vói theo “Đi mạnh giỏi cháu ơi, cho gởi lời thăm hết thảy bà con ngoài đó” chị xao xuyến níu vai tôi, đất này, mỗi người là một kỳ quan.

Chị không thấy đằng trước, tôi hớn hở đến nỗi cười không khép miệng được. Trời ơi, sao lại có người đồng cảm với mình đến vậy. Gọi tên những miền đất đã đi qua, tôi cũng hay nhớ người ở đó, trước tiên. Những con người sống động trên cái nền phong cảnh đã mờ nhoè.

Chị không biết tôi cảm kích, tự hào biết chừng nào khi tiễn chị về, khi vẫy tay chào, khi chuyến xe chở người - khách - không - bình - thường đi khuất…

Hành trang của chị không có cục đất, bài thơ, hay tấm hình… Chị nói, chị đến với mảnh đất nầy không phải vì muốn ghi thành tích. Đến để hiểu biết, và yêu.

Quá hay !

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
 

Lên trang này ngày 26-10-06
(Dùng bản Tư gởi)