Có con thuyền đã buông bờ…

 

Truyện ngắn


Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Đàn bà, hễ mũi xấu thì mắt đẹp, mắt mũi xấu thì miệng đẹp, mặt xấu thì dáng đẹp, người xấu tâm hồn đẹp. Bằng cách này hay cách khác, họ cứ phải đẹp. Lúc giận cũng đẹp. Nho nghĩ vậy, trong lúc chạy xe theo chở Bế đi chợ.

 

Lúc đó Bế dùng dằng đằng trước, lưng cong, tay đánh đằng xa ngúc nga ngúc ngoắc. Cô đang bực mình. Hôm nay anh chủ về. Mà lúc nào cũng vậy, chưa thấy người đâu thì điện thoại đã rộn ràng, bảo muốn ăn món này món này. Anh chủ về được bảy ngày, cái thực đơn cũng dài ngoằng hai mươi mốt món. Anh nói với chị chủ, giản dị thôi em, anh thèm lẩu mắm ăn với rau đồng, kèo nèo bông súng, bánh xèo mà có đọt xoài, đọt lụa thì thích. Anh đang nhớ món lươn um lá nhào muốn chết được đây, cháo cá lóc nữa… Bế nghe nói lại, chỉ nhẩn nha hỏi “Mà ổng có nói nhớ chị không?”. Chị chủ ngẩn ra, lắc đầu. Bế nổi quạu, “Vậy ổng về là do ổng muốn ăn chớ đâu phải nhớ vợ con. Đàn ông sao mà tệ… Thôi, đừng có nấu nướng gì mắc công”.

 

Nói vậy nhưng mới mờ sáng Bé đã lên tiếng vói vào phòng, “đi chợ à…”. Tiếng dép ngún nguẩy lép bép trên mặt sân. Chị chủ nhoài đầu nhìn ra thấy Bế đứng bên ngoài loay hoay, xủng xoảng dập cánh cỗng, bộ đồ thun bông tím nhập nhòa với giàn bông tỏi tím, như hoa trên cao đang rơi xuống người cô. Chị chủ kêu thằng em mới vừa ngủ dậy, “lấy xe chở chị Bế đi chợ…”

 

Mỗi cuối tuần, không đi làm, Nho hay đưa Bế đi chợ. Coi như sáng đó vui. Nho đậu xe ở gần đó, mua tờ báo để đọc lúc ngồi chờ, nhưng đôi khi chẳng đọc chữ nào vì mãi nhìn Bế. Cô thường đủng đỉnh đi ngược xuôi mấy vòng chợ, tung tăng như là đi dạo công viên. Cô rờ rẫm mấy trái dừa khô đã lột vỏ chỉ còn cái chóp nhỏ, cô cầm bó rau ngót lên rồi đặt xuống, cười ỏ ẻ với chị bán hàng, “nhớ vườn rau dưới quê quá…”.  Nói rồi cô đi nựng nịu mấy trái khế của bà già kế bên. Có khi cô đi khỏi mấy trái bình bát chín đó rồi, cô bèn lùi lại mấy bước chân để nhìn cho kỹ. Việc không quay người lại đôi khi gây phiền, cô đụng vào người đi đằng sau.

 

Chợ họp ở trên một bờ kè cũ kỹ nằm dọc theo bến sông. Ai ngồi bán chỗ nào thì xuồng ghe xuồng buộc vô cái cọc đằng sau lưng. Phía trước là con đường đông đúc người xe qua lại. Bế lọt vào cái nơi chộn rộn nửa chợ nửa quê đó là trở nên hồn nhiên và lơ đãng. Ở nhà là một Bế khác, chỉn chu và nề nếp. Chút nữa anh chủ về chắc sẽ bị Bế rầy rà mấy câu vì đã không nói rằng anh nhớ vợ. Tính Bế vậy, thẳng đuột, nghĩ gì nói nấy. Rửa nước chợ ba năm rồi vẫn chưa hết quê. Anh rể của Nho cũng ngại cô giúp việc này, mấy lần về thăm nhà, gặp bạn cũ nhậu nhẹt, Bế cằn nhằn ngay, “Đi suốt. Có chút xíu thời gian cũng không dành trọn cho vợ con, cũng đem đi chia chác cho bạn bè…”. Anh ta ấm ức lắm, nhắc khéo, “giờ không biết ai là chủ nữa…”. Bế nguýt suýt rách đuôi mắt, có miệng làm chi mà thấy sai không nói…

 

Bế không giả vờ quỵ lụy, sợ sệt vì chút tiền công, cũng không mặc cảm cái vị trí nhỏ nhoi của mình, cô cứ ngang phè vậy. Có những ngày trống rỗng, con đến trường, chồng đi công tác, chị chủ buồn quá vô bếp nấu món này món nọ. Chị không cho Bế làm gì nhưng cô cứ lẻo đẻo đi theo. Trời, cháy chảo tôi hết rồi. Sao để khói dữ vậy, đen mấy cái đít nồi. Cái này bằng thủy tinh đó chị Hai, nhẹ tay giùm em cái. Hủ đường không phải để chỗ đó… Bế đứng đằng sau, tay chống nạnh, luôn miệng càu nhàu, như gian bếp này là của cô, những vật dụng kia là của cô, thắc thỏm như thiên đường của mình bị kẻ lạ xới tung lên. Chị chủ thì nhễ nhại mồ hôi, tóc rối xù lên, mặt mũi bê bết bột, trứng. Nho mắc cười, thấy chị gái mình giờ trở thành người giúp việc, bị hiếp đáp, cơ cực đáng thương.

 

Nho đi sớm về khuya, mấy lúc hiếm hoi ở nhà gác sách lên bụng nghe Bế đưa võng rọt rẹt phía sau, ca “Lá trầu xanh”. Đến câu cuối cùng, “mưa thu lạnh buốt khung trời, anh phụ em rồi em còn biết tin ai…” thì lần nào cũng vậy, nghe hụt hơi, nghe có chút nghẹn ngào. Có lần chị chủ hỏi sao buồn vậy, Bế nói, “bài buồn phải ca giọng buồn…”. Chị chủ cười, hay là nhớ người yêu dưới quê rồi. Bế đủng đỉnh đứng dậy, phủi đít vài ba cái, nói đi lau cầu thang, bụi quá sức.

 

Bế giữ trong lòng một vài bí mật, ngoài chuyện ai cũng biết: ba mươi hai tuổi, nhà trong đập Láng Cháo, cách thành phố này bốn giờ đi đò, thêm nửa giờ lội bộ. Chưa chồng, có vẻ ghét đàn ông. Không may Nho cũng nằm trong số đó, nên hay gặp phiền phức nếu lỡ đặt đôi giày không đúng chỗ, quần áo lộn xộn, sách vở để lung tung. Có lúc Nho cố tình bừa bộn để nghe Bế càm ràm cho vui. Nho cho rằng, chỉ có ai đó ôm ghì lấy Bế một lần, thì mới mong cô hết quay quắt, khắt khe. Trên đường qua chợ, ý nghĩ đó làm Nho buồn cười. Bế không hay gì hết, vẫn chị chị em em, ra vẻ người lớn, “bữa nay chờ hơi lâu nghen, cậu vô quán uống nước đi…”. Rất chị. Cũng phải, già hơn hai tuổi mà.

 

Bế vào chợ một mình, trong lòng bực bội đã tiêu tan. Cứ thấy những chị trong đồng ra, buôn bán thật thà, mặt mũi lam lũ là cô cảm giác đang ở quê nhà. Nên cái chỗ eo sèo đông đúc này cô coi như nơi chơi giỡn, như mọi khi. Và cũng như mọi khi, cô lơ đãng giẫm lên chân một chị, trong lúc lùi lại chỗ bán thớt mù u mà cô vô tình đi qua khỏi. Chị kia cong cái môi màu trái giếc lên, hỏi mắt để ở đâu. Thường thì nó ở trên mặt, nhưng giờ mắt Bế dán vô chỗ người đàn ông đang ngồi với những thớ gỗ tươi còn dính dấp mùn cưa, đứa bé gái ngồi dựa vào hông anh tay vịn chặt buồng dừa nước. Chỗ của họ còn bày thêm mấy nải chuối xiêm vừa chín tới. Bế hỏi vống lên, “chuối này bán sao đây?, sau khi dựng vai lên, cô nhận thấy nó chảy xuống thiểu não quá, không đẹp.

 

Anh nọ ngẩng lên, cúi xuống, lại ngẩng lên, rồi lần này thì cúi xuống lâu hơn, nói giá tiền lục bục đâu đó trong miệng. Bế trả giá bằng giọng xẵng lè, nhận được một cái lắc đầu. Bế lại nhón ngón tay ấn miết vô một tấm thớt, như đây là con cá chứ không phải là gỗ, chưa hỏi giá cô đã ngang phè chê đắt. Mặt cô tỉnh bơ có vẻ không tha thiết mua. Mặt anh nọ cũng lầm lì không tha thiết bán. Chỉ đứa nhỏ nhìn Bế, nó hỏi giọng đờ đẫn và khẽ khàng, mua dừa không cô?

 

Tất nhiên là không rồi, sáng nay Bế đi chợ để tìm lá chùm ruột non để ăn kèm món mắm lóc trộn thịt, nếu có bông so đũa thì mua một mớ về nấu canh chua. Bế không biết làm gì với dừa nước, với thớt mù u và những nải chuối xiêm thưa trái kia. Nhưng Bế không nỡ lắc đầu khi nhìn đứa nhỏ, cô nói:

 

- Mới năm sáu tuổi mà lanh quá… Giống ai mà lanh vậy con?

 

- Giống má.

 

- Ủa, má đâu không thấy?

 

Con nhỏ định há miệng ra trả lời thì người đàn ông xốc nách dựng thẳng nó dậy. Nó đờ ra, quên luôn. Bế không hỏi lại, cô muốn bỏ đi đi tìm lá chùm ruột, vì thím bán khoai lang ngồi cạnh đó đang ngó cô cười:

 

- Đừng thấy đàn ông ngồi chợ là xáp lại chọc ghẹo nghen…

 

Bế cũng cười, thấy lưng mỏi rã ra, vì đã phải dựng lên lâu quá, cô muốn thả nó trôi xuôi. Nhưng như vậy thì cô sẽ không có cái dáng dấp thong dong thành thị, cô lại ưỡn ngực và thẳng lưng lên. Bế giữ cái dáng đi mà cô cho là sang trọng, đủng đa đủng đỉnh ngược hết chợ, rồi lại quay xuống. Cô ngơ ngác ngiêng ngó, đâm sầm vào vài người trước mặt mình. Hôm nay chợ đông, và cô cứ bị xô tới, xô tới chỗ hai cha con anh thớt mù u. Cô thấy họ đang lóng ngóng dường như muốn dọn hàng đi. Bế kêu lên:

 

- Ủa, sao bỏ về sớm vậy? Tôi muốn mua cái thớt mà. Anh bào gọt kỹ giùm. Bao nhiêu tiền cũng được…

 

Người đàn ông ngó trân vào Bế một thoáng, có lẽ nhận ra cô không nói chơi, anh trùng trình ngồi lại, lục lọi cây bào cóc. Cái thớt xù xì, vỏ cây còn bọc quanh (để cho người ta tin đây chính là mù u thứ thiệt) đã giữ người đàn ông nán lại thêm chút nữa. Bế hài lòng, chẳng tỏ ra nôn nóng, dù nắng đang lên, dù bao nhiêu công việc đang chờ cô ở nhà. Cô thản nhiên ngó quanh, lúc nhìn xuống chân bỗng dưng thấy tiếc. Sáng nay cô chỉ mang đôi dép nhựa. Sáng nay cô mặc bộ đồ thu tím rẻ tiền. Lẽ ra cô thay quần jean, áo thun, chân mang giày. Và điện thoại đi động nữa, lạ thiệt,  sáng giờ không ai gọi cho cô (mà có ai ngoài chị chủ đâu). Bế nghĩ, giờ mà điện thoại cô reo một cái, cô sẽ tặng cho người gọi vài triệu xài chơi. Bế muốn gọi cho ai đó, sực nhớ từ ngày chị chủ cho lại cái điện thoại cũ này, Bế chỉ dùng chơi game và… nghe. Tài khoản trống rỗng, không còn tiền gọi đi. Nhưng Bế vẫn nhẩn nha rút điện thoại trong túi ra, nhón mấy ngón tay bấm vài phím bất kỳ, nhẩn nha nói với chính mình, em đây, em còn ở chợ, chút nữa em về, đừng có trông, vậy nghen.

 

Bế nhận ra mình chỉ có một khán giả duy nhất, là con bé gầy gò kia. Nó nhìn cô đăm đăm, mắt dại đi. Không phải vì say mê, mà nó đang sốt, đến đờ đẫn. Đôi môi nó đỏ nhừ, khô căng, như sắp rỉ máu ra. Bế kêu trời đất ơi, con nhỏ bệnh hả? Anh nọ day qua nhìn con, lặng lẽ cúi đầu. Bế lại trời đất ơi, anh làm cha kiểu gì vậy? Có cho nó uống thuốc chưa? Sáng giờ ăn uống gì chưa? Người đàn ông lại cúi đầu sâu hơn. Như thể anh mà ngước lên thì ánh nhìn Bế sẽ làm anh cháy mất, biến thành tro mất.

 

Bế khẳng khái kéo con bé lại với mình, cô xốc nó đi tới một hiệu thuốc chếch bên kia đường. Cô đi xấp xãi, lưng cong và vai xuôi. Con bé cứ nhìn cô rồi ngoái lại nhìn cha nó. Anh ta không chạy theo níu lại, anh ta chỉ trố mắt ngó theo. Bế mặc kệ, cô nắm bàn tay nhỏ nhắn và nóng ran của nó đi len giữa người, giữa xe, giữa ồn ả, giữa xô đẩy. Cô không cười khi nghe ông dược sỹ hỏi “Con chị bị làm sao? Ấm đầu bao lâu rồi?”.

 

Nho đứng bên đường, né nắng chỗ mái hiên của cây xăng, âm thầm coi kịch. Nữ diễn viên chính không thèm diễn vai thị dân nửa mùa nữa, để lại cái sân khấu là buổi chợ nghiêng nghiêng nắng, nháo nhác những gương mặt người. Lát sau, Bế quay lại với đứa bé đã hơi tươi tỉnh, sau khi ăn cháo, uống thuốc. Lúc ở quán nó còn bắt chuyện với cô, vẫn nhớ đã nợ cô một câu trả lời:

 

- Má con ở nhà, mới sanh em bé nhỏ xíu.

 

Bế ờ ờ, lúc đầu Bế tưởng má nó đã bỏ đi. Chuyện này hay xảy ra trong phim, vì không chịu được nghèo khó, chật vật, không chịu được những va chạm vụn vặt nên vợ bỏ nhà, để lại vài đứa con nheo nhóc.  Chồng hối hận lắm, vừa nuôi con vừa nhớ tiếc mấy người con gái mình đã từng thương. Chồng thấy phải mình lấy cô kia thì may phước quá. Cô đó có xấu chút xíu, nhưng nghèo khó chịu quen rồi. Cô đó chắc lẳn, gọn lỏn như hột mít…

 

Bế thấy xao xuyến, bỗng dưng nhân vật tưởng tượng trong phim đó sao mà giống… cô. Cô còn tính chút nữa cô sẽ xuống chiếc ghe nhỏ, cùng về với cha con họ... Ý nghĩ kỳ cục làm cô bật cười trong lúc dùng mấy ngón tay chải tóc lại cho con nhỏ. Trao nó lại cho anh, cô thấy đôi mắt đứa nhỏ giống hệt ba, cả đôi mày rậm rì như có hai con sâu róm đen thủi  bò ngang qua trán. Bế bỗng nói:

 

- Thôi cứ ngồi lại buôn bán đi, đừng để ý tôi, tự ái khỉ khô gì – Cô hất mặt về bên kia sông – Tôi đi về.

 

Người đàn ông chìa cho cô thớ gỗ, anh nói anh biết sự xuất hiện của mình đã làm cô mất vui, “Khỏi trả tiền, em đem về, lúc nào rảnh rỗi lấy dao ra băm nó như băm… thằng nào làm em buồn…”.

 

Bế ngó anh ta ỏ ẻ cười, hỏi nhỏ, ủa, làm vậy là hết buồn hả? Dễ ợt vậy sao? Nhưng cô vẫn sẽ sàng nhận lấy, cầm về, coi như kỷ niệm về một buổi chợ, kỷ niệm của hai cha con một người ở quê ra mà cô tình cờ gặp, kỷ niệm về một vùng đất xa xôi nào đó, có những cây mù u mọc hoang dại trong những bờ vườn, bãi sông, có những người con trai con gái e ấp khắc lên cây lời thề nguyện vợ chồng... Cô nhìn người đàn ông lần nữa, dịu dàng vuốt má con bé, chào tạm biệt nó rồi đưa tay ngoắc Nho.

 

Chở cô một đoạn, khi xe xuống dốc cầu, Nho bắt chuyện:

 

- Lúc nãy gặp lại người yêu cũ hả?

 

- Ủa, sao biết hay vậy? – Đang sững sốt, Bế bỗng trở giọng – Đâu phải.

 

“Giỡn chơi. Không phải thì thôi”, Nho nói, cảm giác gáy mình buồn buồn. Bế đằng sau thở ngập ngừng từng lát, từng lát mỏng. Bàn tay vịn vai Nho rất lạnh và hơi run. Ôi những người đàn bà, hễ mặt mũi xấu thì tay chân đẹp, cổ xấu thì lưng đẹp, người xấu thì tâm hồn đẹp. Bằng cách này hay cách khác, họ cứ phải đẹp. Lúc buồn cũng đẹp.

 

Hôm đó Nho lại nằm gối tay lên đầu lẩn thẩn lắng nghe trong bếp Bế nói dịu dàng, Bế cười nhẹ nhỏm. Trong cô có nỗi vui nào đó đang ngấm đầy dần, đầy dần. Buổi chiều, Nho giúp Bế bắc cái giàn cho mấy dây thiên lý leo qua khoảng sân, chợt cô nói nhỏ, “cây mù u ở góc ao mà chị với ảnh hay hẹn ra ngồi nói chuyện, ảnh cũng đốn rồi, thì chị còn nhớ thương chi nữa…”.

 

Từ đó, Nho không còn nghe Bế ca “Lá trầu xanh”.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 8-1-09
Dùng bản Tư gởi