Chuyện cục kẹo
Nguyễn Ngọc Tư
Có người kể tôi nghe câu chuyện cũ này, hỏi ý tôi sao.
Chuyện rằng, có bé lên ba bé… không đi mẫu giáo như lời hát trẻ con hay hát.
Em đi chợ chơi với mẹ. Đó là một ngày chiến tranh vẫn mỏi mòn chơi trò chơi bom đạn, cùng đi chuyến đó còn có bốn người đồng đội khác của mẹ em. Thì lâu lâu cũng đi chợ một lần, chuyện đó bình thường với những biệt động quân, buổi chợ này cũng bình thường, chỉ là tấn công... Ty cảnh sát thị xã Cà Mau.
Để bảo đảm bí mật, bất ngờ, để kịch bản áp sát hoàn hảo, tiếp cận mục tiêu an toàn, mẹ đưa em theo. Một bà mẹ nghèo, lam lũ ẳm đứa con gái nhỏ, gầy gò, nhà quê ngơ ngác giữa xa hoa. Bâng quơ đi đằng sau là một người con gái 21 tuổi xách cái giỏ cũ kỹ đựng khối mìn nặng gần 10kg, nhập nhòa trong đám đông đằng xa nữa là một tổ khác gồm hai người, họ sẽ chi viện khi có tín hiệu. Nhưng những người đi sau chưa qua khỏi khúc đường thì tiếng nổ đã làm rung chuyển thị xã Cà Mau, lẫn trong những thi thể kẻ thù, có mẹ, đồng đội của mẹ và em. Kế hoạch rời đi đã gặp trục trặc vì những sơ suất nhỏ, và họ chọn cho mình sự hy sinh.
Người đồng đội đó, được phong tặng danh hiệu anh hùng, mẹ em được công nhận liệt sĩ, được truy tặng huân chương chiến công hạng Nhì. Bé bị quên lãng trong nấm mồ chung, mang tên mẹ.
Nhưng không có sự lãng quên nào là mãi mãi, một ngày đẹp trời, người ta nhớ tới em. Người ta tự hỏi tại sao không công nhận em là liệt sỹ, người ta này hỏi người ta khác, tại sao và tại sao?
Rốt cuộc người ta cãi nhau, vài người bảo em vẫn còn nhỏ quá, em không ý thức, em đã đủ mười tám tuổi đâu, có lý tưởng gì đâu. Em có phân biệt được kẻ thù đâu mà đánh giặc, may lắm, thì em chỉ biết chạy trốn xuống hầm mỗi khi có máy bay. Em chết, chỉ vì em phải theo mẹ, trẻ con thì theo mẹ chứ theo ai ? Buổi sáng hôm đó, em đâu có nghĩ mình đi chiến đấu, mà Tổ quốc là gì, độc lập tự do là gì với đứa trẻ lên ba ? Em chỉ biết má với mình đi chợ, vì lúc thay đồ mới cho em má nói, mình đi chợ chơi nghen, út cưng của má.
Nhưng một số người không chịu, với họ, em là một sinh mạng, chúng ta mang một sinh mạng vào trận đánh chứ không mang theo con búp bê, thú nhồi bông, hay con chó con. Không có bé, tổ công tác đó chưa chắc tiếp cận sâu vào hang ổ kẻ thù, chiến công đó chưa chắc lẫy lừng như vậy. Nếu chúng ta chỉ xem em như là nạn nhân chiến tranh như bao đứa trẻ khác, liệu có thỏa đáng không khi em cùng mẹ đi vào trận đánh có kế hoạch tác chiến hẳn hoi.
Cuộc tranh cãi không kết thúc được vì những cái lý của những người ta. Tôi nghe xong, nuốt nước mắt vào lòng, trợn trạo cà rỡn, nói sao không kiếm nhà ngoại cảm nào thiệt giỏi tìm gặp linh hồn bé, hỏi coi bé thích gì. Tí ơi Nị ơi, Mén ơi Đẹt ơi, con thích gì ? thích là liệt sỹ hay chỉ thích làm nắm tro bụi tan rồi, phiêu lãng trong lòng đất ?
Nhưng linh hồn nhỏ trả lời trớt quớt, kon hít ăn chẹo dùa .
Tạm dịch, con thích ăn kẹo dừa. Bé không trách móc, oán giận, không kể công, đòi hỏi, không kêu lên lỗi tại ai, như người lớn. Chuyện nhỏ teo như… cục kẹo mà người lớn cứ cãi nhau. Thương làm sao những tâm hồn người lớn đã từ lâu tuyệt chủng ngọt ngào.
Cho nên đôi lúc trước trẻ con, có tôi-người-lớn cúi đầu. Lần này thì tôi cúi đầu rất thấp.
|