Chứng khoán tỉnh lẻ -
                    “sóng ở đáy sông”…

 

Tạp văn

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Thời gian gần đây, những cụm từ “chứng khoán”, “OTC”, “cổ phiếu” xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đến nỗi người dửng dưng nhất cũng phải buột miệng hỏi, không biết mấy thứ đó là gì mà người ta cuồng lên như vậy. Tỉnh bơ với chuyện làm giàu, phớt lờ những chỗ chen chúc tranh giành như mấy ông nhà thơ cũng phải thắc mắc, ủa, làm sao người ta cứ đổ xô, giành nhau mua bán những món hàng hơn cả giá trị thực của nó. Biết chết liền.

Và với phần đông dân cư tỉnh lẻ, sự tò mò đã mang những thông tin mới mẻ về một cách làm ăn mới mẻ đến với họ. Cũng giống như món ăn mới, người nào cũng muốn ngửi, muốn nhìn thấy, coi nó ra làm sao mà người Sài Gòn Hà Nội mê mẩn. Chứng khoán, vì thế cũng được dịp len lỏi đến miền đất Cà Mau xa xôi này. Đỉnh điểm, làm nức lòng người dân là thông tin về vụ chia tài sản sau ly hôn bằng cổ phiếu trị giá… 1.000 tỷ đồng. Bạn tôi như lên sốt vậy, cứ kêu trời, nói là không thể tưởng tượng được, không thể tin. Dài theo cơn sốt ở Hà Nội, Sài Gòn là những tin trên trời về địa ốc, vốn bị đóng băng nằm thoi thóp mấy năm trời, bỗng dưng nóng lại, vì nghe nói có người ra sàn giao dịch có một ngày xách tiền lời về đi mua… biệt thự Phú Mỹ Hưng chơi, chứ tiền nhiều quá cũng không biết làm gì. Vậy mới… sốc.

Mới gây cho người dân, dù dửng dưng nhất, không quan tâm hay không thèm quan tâm có thêm những khái niệm mới về làm giàu nhanh chóng, đổi đời nhanh chóng, chỉ một ngày, ít giờ đồng hồ, có khi chỉ vài mươi phút, khoảng thời gian mà ngày xưa chỉ có nước đi… ăn cướp mới có được khối tài sản đồ sộ đó. Vậy mới… sốc. Càng xa xôi, càng tỉnh lẻ, càng kém phát triền càng choáng váng, khi nếp làm ăn cũ, ky cóp cả đời mới có vài trăm triệu lận lưng, vậy mà ai đó ở nơi xa xôi nào đó lụm tiền tỷ ngon ơ, nhờ chứng khoán. Rất đường hoàng, sang trọng, chẳng làm gì bất chính. Nếu vậy, tỉnh lẻ cũng muốn giàu.

Dưới đáy sông, bắt đầu có sóng, những cơn sóng mang tên… chứng khoán. Vài người bạn làm việc ở ngân hàng chặc lưỡi, vẽ mấy đường cho con bạn khù khờ, “Thật ra, những gì tỉnh mình có, chưa thể gọi là… chứng khoán nghen, phải có sàn giao dịch, phải có cố phiếu để đưa lên sàn, tức là có… hàng hóa để mua bán mới được”. Bạn tụi nó, thuộc nhóm X sĩ, tức là văn sĩ, nghệ sĩ, thi sĩ (trừ bác sĩ ra)… những kẻ có bản năng ngu ngơ, thờ ơ, thấy hơi… rối, càng tìm hiểu càng thấy rối.

Thật ra, từ khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, người tỉnh lẻ đã bắt đầu làm quen với các cụm từ cổ phần, cổ phiếu. Và mấy anh công nhân, anh bảo vệ hay chị lao công đến nhân viên văn phòng của các công ty, xí nghiệp cổ phần hóa đã biết chơi… cổ phiếu từ hồi năm nẳm. Họ chỉ không biết đó là món hàng có thể mua rẻ bán mắc kiếm lời, có thể đầu cơ chờ thời, cứ nghĩ như gởi tiền ngân hàng thôi, mỗi tháng lấy mấy trăm tiền lãi xài chơi.

Với tâm lý đó, một bộ phận người lao động - lực lượng chính trong các đơn vị cổ phần hóa, không mặn mà cổ phiếu lắm. Tiền đó mua vàng sướng hơn, nói chung giữ trong mình là chắc ăn mà còn được… đeo, diện với người ta. Đó là lý do mà Sa, chị công nhân ở trọ gần nhà tôi có lần qua chơi, kêu bán cổ phiếu. Cũng chị, mười tháng sau ấm ức, mặt mày xanh mét như đau, như ai véo ngắt từng mảng thịt khi nghe số cổ phiếu mà công ty C. ưu đãi cho chị với giá cực rẻ là 10.000 đồng /1 cổ phiếu. Chị hí hửng bán ra với giá 18.000 đồng (thấy lời, chị còn đãi bạn ăn mấy chầu… bún riêu) bây giờ giá trên thị trường đã lên đến 450.000 đồng, làm chị choáng váng.

Đó là do tôi nói Sa mới biết chứ chị cũng ngơ ngác với mệnh giá thị giá, cũng chẳng biết cổ phiếu công ty mình đang nóng sốt, đang được nhiều người lùng mua, háo hức chờ ngày lên sàn. Sa biết ít, mà còn rấm rứt như vậy, tôi biết hơn chút đỉnh, cũng… đau thương không kém, phải chi hồi đó mình mua cổ phiếu của Sa, bây giờ đâu có ngồi viết báo kiếm tiền chi cho khổ.

Bây giờ đâu có ôm cục tức. Còn nhớ, trước tết, X sĩ – chú Hai P., than thở, nói Câu lạc bộ Hưu trí mà ông đang điều hành có một khoản quỹ chừng 100 triệu, đi mua cổ phần của công ty T. để kiếm lãi cho quỹ, năm đầu được “hai”, năm sau sụt còn “một phẩy năm” cuối năm rồi chỉ được “một”, ông già than, bây giờ muốn rút cổ phần cũng không được, vì kêu bán mà không thấy ai mua. Lúc đó chứng khoán chưa sốt, không biết sau đó ông già có bán chưa, nếu bán rồi, thì chắc là cũng đành chép miệng và… tiếc nuối.

Điều đó phản ánh thực tế, chứng khoán, cổ phiếu nóng chỉ ở một bộ phận công chức, biết chuyện, hiểu chuyện, hoặc chẳng biết gì hết nhưng rất máu… làm giàu. Và chính lúc này, họ mới cám cảnh… tỉnh lẻ hơn ai hết, mới thấy tỉnh lẻ thiệt thòi quá chừng, tội nghiệp quá chừng, có tiền cũng chẳng có “hàng” để mua. Bởi vậy, anh bạn thân nhất của tôi đã mua được cái nền nhà rất chóng vánh chỉ vì chủ đất phải gửi tiền gấp lên Sài Gòn cho thằng con trai học trên đó chơi… chứng khoán. Và chị X sĩ đồng nghiệp của tôi cũng không thể lơ ngơ được nữa khi con của chị cũng kêu nhanh nhanh gửi tiền, chứng khoán kìa, làm giàu kìa, mẹ ơi. Nghĩa là, bạn là người tỉnh lẻ thì muốn giao dịch mua bán ở sàn thì phải có… cài người ở Sài Gòn. Nghĩa là, bạn muốn nhúng chân vào mấy vụ làm ăn béo bở này chỉ còn nước mua cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước đã đang và sẽ cổ phần hóa.

Điều đó dẫn đến cuộc săn lùng cổ phiếu của các đơn vị tỉnh lẻ này cũng rất… khốc liệt. Đảo một vòng trong mấy quán nhậu, ta sẽ lượm lặt được khối thông tin chứng khoán. Nào là nghe nói công ty T. cuối năm nay cổ phần hóa, mà công ty này làm ăn thì khỏi chê, một năm nộp ngân sách mười mấy tỷ, thời tiết thất thường, mất mùa, tôm chết hay bão tố gì cũng chẳng bị ảnh hưởng, chỗ này ngon, mua được. À, mà ngân hàng V. cũng sắp cổ phần hóa, ngân hàng thì ổn thôi, chắc mẻm, công ty T. lên sàn không ai biết, công ty tỉnh lẻ mà, nhưng ngân hàng V. mà lên sàn là người ta lượm không thấy tay, vì nó… nổi tiếng. Nghe đâu công ty C. cũng đang làm thủ tục… Nghe những thông tin kiểu vậy viết báo hết nổi, vì nó hấp dẫn, vì nó khó hiểu, vì nó rối rắm và vì mình… không có tiền để lao vào phi vụ… làm giàu. Nhưng tôi có vẻ không cô đơn, vì có nhiều người cũng thập thò chứng khoán nhưng “ khả năng tài chính có hạn” đã lấy sổ đỏ cầm đất, nhà để mua cổ phiếu. Từ các ngân hàng, thông tin này gây… bùi ngùi, vậy là những cái sổ chủ quyền nhà đất đã bị gán đi nhiều năm trước chưa về lại với chủ vì nuôi tôm, vì đầu cơ bất động sản có thêm bạn mới.

Nhưng khổ nổi, có tiền, cũng không chắc mua được cổ phiếu. Bởi vậy, cổ phiếu mới sang trọng hơn… tôm cá, đường đậu chứ. Không phải ai mua cũng có, điều đó là chắc, cho nên những bà chủ tiệm may, tiệm tạp hóa, hay chủ sạp trái cây có tiền, nhưng không quen biết nhiều, không quen đường đi nước bước không biết tìm… ‘cửa sau” thì chưa chắc có… cơ hội mua về cho cả nhà coi (y như khoe tờ đô-la Mỹ hồi những năm 80 vậy, hiếm lắm). Khi cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 51% cổ phiếu, phần còn lại bao gồm ưu đãi cho cán bộ quản lý, công nhân, viên chức của doanh nghiệp, cổ phiếu đưa ra đấu giá bán rộng rãi chỉ còn khoảng trên dưới 30%. Con số đó chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của người đầu tư, hàng hóa không đa dạng, mà còn bị hạn chế về số lượng nên sinh ra cái nghề “cò chứng khoán”. Cái khó ló ra... kiểu mua mới, những người trong công ty cổ phần hóa không có khả năng mua nhiều sẽ có lực lượng bên ngoài nhờ đứng tên mua giùm. Phải chờ hai năm sau mới được sang tên. Trường hợp này, không cần quan tâm chỉ số VN-Index gì cho mệt, chỉ trông đợi vào chỉ số lòng tin, chỉ số tử tế, bởi người đứng mua nổi hứng bất tử, trở mặt thì cái anh đứng ngoài… trắng tay. Chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời, than ui, đổi vợ vì sang, đổi bạn vì… chứng khoán.Và lúc này anh công nhân bỗng dưng thấy yêu… nghề, yêu… đời, thấy mình dù sống vất vả nhưng được xênh xang mua cổ phiếu với giá ưu đãi, mà chẳng phải chen lấn chạy chọt gì. Sướng cái, mua bán rau cải được gọi là hàng bông, mua bán gạo kêu bằng hàng xáo, mua bán hàng tạp hóa gọi là con buôn, mua bán… “vốn tự có” cũng bị người ta khinh miệt gọi là con này thằng nọ, nhưng mua bán cổ phiếu thì oai hơn nhiều, khi xúng xính trong tên gọi “nhà đầu tư”. Nghe sang, hiện đại quá chừng…

Nên sóng chứng khoán cũng gây xô dạt, điên đảo, cuốn người ta xê dịch, suy nghĩ, toan tính dù chỉ là sóng đáy sông. Dù khoác lên người cái vai “nhà đầu tư” đó đồng nghĩa mang rủi ro, lo âu vào mình. X sĩ viết báo, viết sách được mớ tiền, luôn tự hỏi, nếu mình mua cổ phiếu công ty đó rồi, nó… sập tiệm thì sao, nếu cổ phiếu sụt giá thì sao, nếu lúc cần tiền mà chứng khoán đóng băng như địa ốc thời gian qua thì ai mà mua, nếu… Cả trăm ngàn cái nếu đặt ra với món tiền, đến khi quyết định được thì có lẽ chẳng còn kiếm được bao nhiêu. Thằng bạn cười khào, công nhận con nhỏ nầy… nhát (nó lịch sự với mình, đáng lẽ xài chữ…ngu mới đúng), bây giờ mua cổ phiếu ở những công ty mới cổ phần hóa là chắc ăn từ… không lỗ đến… lời. Bởi khi khởi đầu, mình sẽ mua được giá sàn, giá thấp chủm. Câu hỏi đặt ra là làm sao mua được ?

Thằng bạn “máu”, ông anh cũng “máu” vì bạn bè ổng “máu”, vì mọi người đang “máu”, vì Hà Nội Sài Gòn đang sôi sùng sục. Đám công chức, nhất là nam tăng cường đi nhậu, gọi là “để có thông tin”, không biết thị trường chứng khoán ở các nước có giống vậy không, tìm thông tin chứng khoán từ quán nhậu ? Nói chung, tỉnh lẻ cũng có kiểu chơi riêng chớ, cũng phải chơi cho biết, chơi cho… giàu với người ta chớ. Chợt nhớ, mới đọc một bài báo viết rằng dân ta có máu cờ bạc, phiêu lưu. Nhìn vào thu nhập của các đơn vị kiến thiết thì biết, chưa kể số đề, chưa kể bài bạc vỉa hè… Và chứng khoán vô tình cũng bị coi là cờ bạc, cũng có ăn có thua, có chơi có chịu, nhưng có ích, là kêu gọi, tập hợp, lân chuyển được nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển kinh tế.

Chưa biết tốt xấu thế nào, bởi những người giàu lên (hay nghèo đi) vì chứng khoán, vì cổ phiếu chưa ai bị… lộ (vụ 1.000 tỷ cũng nhờ ly hôn thiên hạ mới biết). Nhưng thị trường nhà đất thì rục rịch chuyển động, mấy khu quy hoạch bị treo vắng tanh từ năm năm trước, đã thấy cơ giới chạy tới chạy lui, san lấp, xây cất, người đi coi đất, mua nền cũng đông. Trong số đó, hẳn có người kiếm được một mớ tiền từ… chứng khoán.

Còn người viết bài này thì đang nghĩ, nếu mua cổ phiếu thì hết tiền sửa nhà, mà nhà thì dột thảm thương, biết làm sao qua mùa mưa này. Trời ơi, thời buổi OTC mà “nếu” kiểu này hoài, coi bộ không khá.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 29-4-07
Dùng bản Tư gởi