Chọn lựa của nụ cười

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Rủi, tuần đầu tiên cô bé vào làm việc ở cơ quan, phải dự đến ba cuộc họp. Lần nào cũng ngồi cạnh chị phó chủ tịch, lần nào cũng bị rầy, vì một lỗi, cô bé hay cười quá. Mà cười là cười hết cỡ, cười hồn nhiên, sảng khoái, bị trừng nguýt, cô bé cố nén, nén không được, đành cúi mặt xuống bàn, cười. Đầu tuần sau người ta gọi cô bé họp (lại họp), bảo là thái độ không tốt. Họp hành không phải chỗ muốn cười là cười, đây là chỗ cần nghiêm túc, bởi vì họp là việc nghiêm túc.

Cô bé kể lại chuyện mình bị “giũa te tua” (chữ của cô), giọng vẫn còn ấm ức, em không hiểu làm sao mà lại không được cười khi mà mình mắc cười. Công chức cũng là con người mà, chị… Ừ, thì hẳn rồi, chứ tôi đâu có nói họ là tượng đá, tôi trả lời. Cô bé không thoả mãn với câu trả lời.

Ít lâu sau, tôi có dịp họp chung với chị phó chủ tịch mà cô bé kể, ngồi ngang mặt nhau, suốt buổi tôi loay hoay nhìn chị, nhìn người này người nọ. Đến hết buổi thì chị cười một lần, cùng với mọi người, nhưng cái cười mệt mỏi, gượng gạo, xòe một cái tắt mau, không dư vị. Lại nhớ câu nói hôm trước của cô bé, công chức cũng là người…

Nhưng có chút chức quyền người ta đã hơn người một tí. Vậy làm sao tỏ ra hơn người? Ít cười. Đến một cơ quan liên hệ làm việc, dễ phân biệt được nhân viên hay quan chức, nhân viên thì còn cười chào, hỏi han, hoặc thờ ơ giũa móng tay, tỉa chân mày, quan chức mặt nghiêm nghị, lừ lừ. Một kiểu gồng. Có người gồng trên mình mấy bộ quần áo te tua tơi tả, tóc tai xấp xãi cố khoe khoang tư chất nghệ sỹ. Có người đeo kính trắng, xách cặp to, dày cộp cho toát ra vẻ trí thức. Nên cũng có người chơi… mặt lạnh cho giống chính trị gia.

Tôi định hôm nào gặp cô bé, để nói cô nghe giá trị của sự tự tin. Ít ra thì tôi cũng gần chục năm sống đời công chức còn chân cô bé vẫn ướt sũng ngẩn ngơ. Ít ra thì ngần ấy năm, tôi phải thu hoạch được gì đó. Rất đàn chị, tôi sẽ vỗ đầu em mà nói rằng, người ta ngồi họp không dám cười vì không tin đó là cuộc họp nghiêm túc. Như người ta không tin mình có văn hóa nên gắn cái biển gia đình văn hóa; không có cá tính, tư chất của một người nghệ sỹ, biết mình không đủ tầm như một trí thức, sợ mình không có được cái phẩm chất của một lãnh đạo giỏi nên vịn vào hình thức, trang phục, vẻ mặt… Tôi tham dự nhiều cuộc họp, ngoài một điều nhàm chán là ngồi nghe đọc lại nội dung những tài liệu đã được gởi trước (thấy mình giống… bò ợ cỏ ra nhai lại), còn vì những khuôn mặt trầm trọng như nhau, suy tư như nhau. Biểu cảm nghèo nàn. Nhất là ở những người giữ cái chức trung bình, tầm tầm, trên nhiều người nhưng vẫn còn dưới nhiều người, bởi những người giỏi, cao lớn thật sự, họ đã đủ tự tin vào mình.

Tự ti ám vào cả những người công tác ở các hội đoàn thể, nơi gần với dân nhất, ít “hành là… chính” nhất. Có lần hỏi mấy anh cán bộ Đoàn sao khệ nệ, làm mặt ngầu coi ớn quá vậy, các anh phân trần, nếu không làm vậy mình nói thanh niên đâu có nghe, vì cùng trang lứa với nhau, mình xí xớn quá người ta không phục… Trời, ngay lập tức một câu hỏi xuất hiện, nhói bên sườn, vậy thì những phần việc mà anh Đoàn này làm vẫn không đủ cho anh tự tin trước mọi người sao?

Thành phố nhỏ teo, tôi gặp lại cô bé hôm nào. Nghỉ việc ở cái Hội đoàn thể có những cuộc họp không cười ấy rồi, bây giờ cô bé bán hàng trong cửa hàng sách, văn hóa phẩm. Lý do đơn giản, “Cái mặt em mà không cười coi kỳ lắm chị. Mà em hay cười từ hồi nhỏ, giờ biểu đừng cười, thà chết còn sướng hơn…” Biết là không dễ xin được một việc thư nhàn, ổn định trong một cơ quan nhà nước, gắn liền với nó là chút lợi, chút danh, biết là mình vừa rời bỏ vị trí mà những sinh viên mới ra trường ao ước, nhưng cô bé chọn ở lại với chính mình, với nụ cười.

Cô bé mới chính là người xoa đầu tôi. Trời ạ. Không cần mười năm để học mấy bài cũ kỹ ấy. Có gì mà đáng học. Cũng may, những năm tháng dài đằng đẵng đã qua tôi đọc được vài cuốn sách, nhớ cái câu “chính trị là nhan sắc…” (mà nhan sắc tất có lúc tàn rữa), nên không tự tắt nụ cười. Chỉ vì đời nhạt nhẽo quá, tôi ít cười thôi. May, tôi vẫn còn nhớ được nụ cười của chính mình.

May, người như chị phó chủ tịch cũng không đông lắm, nên đời còn nụ cười để nhoè nỗi đau, còn nụ cười để ủ ấm vá víu những tan hoang, còn nụ cười để ai đó tin rằng, mình đang sống giữa con người…

Và cô bé kia không thân thiết gì với tôi, tình cờ quen nhau, đôi ba lần gặp gỡ, cà phê, nhưng tôi thở phào khi cô thà mất việc chứ không từ bỏ chính mình. Nếu không thì hẳn tôi sẽ thêm một vết xót. Như chị phó chủ tịch kia, bữa nào chị đến sở làm cũng ngang qua nhà tôi, cũng rơi vào tôi ít muối khi mỗi ngày chị già đi một chút, lạnh lẻo hơn một chút. Người phụ nữ đó, từng làm cô giáo của tôi, một cô giáo hay cười, tươi tắn, bỗ bã với trò bạn bạn tui tui, nhưng trò sợ lắm, vì cô dạy hay, nói cái gì chắc nụi cái đó.

Nhưng bây giờ cô giáo của tôi chỉ là pho tượng. Mà không đủ tự tin rằng mình là tượng.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 31-8-07
Dùng bản Tư gởi