Chập chờn lau sậy…
Nguyễn Ngọc Tư
Năm ba lượt chuyển nhà, đếm trên đầu ngón tay những gì của tuổi lên mười, ngạc nhiên vì có mang theo cả cỏ dại và lau sậy.
Những trưa tì mặt vào cửa sổ, ngó ra thênh thang cỏ hoang trước mặt bỗng nhớ những năm tám mươi, ba đưa cả nhà về sống ở ngoại ô thị xã. Hai bên đường và trong các mảnh vườn mịt mùng lau sậy, ba có chút ngậm ngùi, “người chưa về thì người khác lại đi…”. Ba nhắc những người lính, những người bỏ đi khỏi vùng giáp ranh tránh đạn lạc, lại nhiều người vượt biển tìm chân trời khác... Dấu chân vừa kịp cũ, thì lau sậy mọc lên, lấp mất.
Chúng sống mãnh liệt quá, nhiều khi thấy… ghét. Chiều chiều ba cuốc đất đằng trước, anh em tôi lủi thủi theo sau để lượm rễ cây, chỉ cần sót một mẫu bằng ngón tay thôi, ít lâu sau sẽ thấy sậy mọc lẫn trong mớ rau. Chúng cao hơn rau, xanh hơn, mạnh mẽ hơn, mà bán chẳng ai mua, ăn không được. Củi bình bát, so đũa xài không hết, chẳng ai thèm đốn sậy nhóm lửa. Nên cả xóm cứ thênh thang cỏ hoang, lau sậy. Nên cả tuổi thơ cứ thênh thang cỏ hoang, lau sậy. Những mùa khô, tụi nhỏ đi đốt sậy hai bên đường, lúc cháy chúng nổ giòn tan như pháo, tàn tro bay tao tác giữa lưng trời, khói quăng quật giữa gió làm mắt mũi đứa nào cũng ràn rụa.
Gần với con người lắm, lẫn giữa con người, vây bọc con người, nhưng lau sậy thì cực kỳ cô đơn. Mùa nối mùa chẳng người nào ngó ngàng tới. Một năm chỉ một lần, lúc thân sậy già, ngã màu vàng, rám nắng, má tôi mới đi lựa đám sậy tốt nhất, chặt về vài bó, dìm dưới ao, đợi sa mưa ôm lên đồng cặm gò sạ lúa. Sậy còn tươi mà đem cắm lên đất thì lúa chưa xanh thân sậy đã mọc nhánh rồi. Cứ sống mãnh liệt vậy, nên những thân sậy người ta dùng dây bện chặt thành những tấm đăng rào nhốt gà, vịt hay ven dưới sông đón bắt tôm, cá… cũng chẳng bao lâu đâm nhánh mới, làm thành những viền xanh uốn lượn giữa dòng.
Tha thiết sống, bất chấp yêu ghét, lau sậy cũng trổ bông. Bông cũng không níu kéo bất cứ cái nhìn nào. Lơ thơ. Nhợt nhạt. Chỉ trẻ con là chờ đợi mùa bông chín, mùa gió chướng thổi sòng, mùa áo mới, mùa Tết. Mảnh mai mình hạc, bông lau vươn cao óng mượt, trắng muốt giữa ngút ngàn bông sậy bạc đầu, chảy thành dòng rập rờn trong gió. Trên cái nền dòng sông bông chín, ông trời mặc sức vẽ gió, vẽ nắng lên.
Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp. Gió chướng thông ngọn thì bông sậy lìa cây, vào khi ngọt ngào và mỹ miều nhất, rút lui, buông bỏ vào lúc vinh quang nhất. Nên tôi, trong vai người đứng ngắm phải ngẩn ngơ nhớ tiếc. Đôi lúc nghĩ, có người nào dám và được rời đi nhẹ nhỏm như cái bông sậy nhỏ nhoi này?
Và có kẻ giang hồ nào lại vào đời lơ đãng, ngơ ngác như bông lau, bông sậy? Tháng Mười mở cửa ra, những cái bông nhỏ rức bay lạc vào nhà. Ngay lập tức, con người tôi bị chia làm ba làm bảy. Tôi Lãng Mạn mừng quá, nhìn ngược trong vệt nắng xiên vào, thấy bông rơi chậm rãi ngu ngơ, bèn muốn làm thơ. Tôi Osin nổi quạu, bông sậy nhẹ quá, chưa chạm chổi vào chúng lại lửng thửng bay, muốn quét cũng không được, muốn đuổi không xong. Tôi Hoài Niệm nhớ quay quắt cái xóm cũ, nhà cũ, lau sậy cũ, nhớ ông ngoại lúc giận quá hay nhặt cây sậy gãy đánh cháu. Roi không gây đau, tôi hí hửng nghĩ ông ngoại mắt mờ, lớn lên mới biết chính mình ngày xưa mờ mắt. Tôi Cụ Non ngồi nhìn những bông sậy long đong tình cờ kết lại thành chùm, xoay tròn trên nền gạch, thấy buồn, chúng nhỏ nhoi đến mắt thường nhìn còn khó, mà biết tìm kiếm và thương nhau, mà mấy bạn mình cũng long đong xứ khác lại không thèm ngó mặt, mà chính mình cũng đang muốn tránh xa người ?!
Cứ vậy, có Tôi Giang Hồ nhìn bông sậy mà nhớ chuyện giang hồ, thì một tôi khác lại yêu tha thiết cái nhà mình đang sống. Bước qua cửa sau đã tới rào, đằng trước chỉ một khoảng sân nhỏ trồng mấy chậu hoa nho nhỏ. Nhưng khu vườn của tôi thì nằm mênh mông tận những chân trời, nơi những cây thốt nốt đứng cô đơn và kiêu hãnh giữa đồng, nơi những cây bằng lăng già nua vắt kiệt mình cho những mùa bông tím, nơi những dòng bông sậy chảy phai cả nắng…
Khu vườn đó, tôi vẫn mang theo từ thuở chín, mười…
|