Chậm từng giọt chữ…

Nguyễn Ngọc Tư

 

Có lần ngồi nói chuyện văn chương với Già, ông nói bây giờ người ta đọc nhiều nhưng không đọc kỹ… Bạn thấy nhột ran, thấy trong hai chữ "người ta" đó có mình. Những lần Già nhắc tới cuốn sách nào đó bạn hớn hở kêu đọc rồi, nhưng nhắc một đoạn trong đó thì bạn không nhớ. Những lần bạn ngắc ngứ không gọi được tên một nhân vật.  Những lần bạn quên tên tác giả hoặc nhớ tác giả thì quên tên sách. Những lần bạn khen cuốn sách X đó hay những hay làm sao thì bạn không diễn tả được. Giống như lướt đi trên những mối tình hờ hững, đã từng yêu nhưng có lẽ thiếu đậm sâu, đến nỗi chả nhớ nốt ruồi cô ấy nằm ở đâu.

Già thì khác. Tám mươi sáu tuổi Già vẫn giữ cách đọc sách kỳ lạ. Mỗi chữ trong sách với Già là thưởng hớp trà, ngụm rượu. Nên còn gì sướng bằng trà rượu ngon. Già xướng một câu, chắc lưỡi hít hà một cái, gật gù khen quá đã. Có những đoạn văn bạn đã từng lướt qua trên trang sách giờ qua ngữ điệu duyên dáng của Già bạn thấy ngỡ ngàng, tươi mới bao nhiêu. Và bạn thấy lạ lùng bao nhiêu khi ngó Già đọc lại một câu văn tâm đắc, dù Già dùng hai chữ "thấy ghê", sau khi rướn cái cổ gầy gò nhăn nhúm nuốt nước bọt.

Già nói thấy ghê, nhưng không phải chê, mà nghe trong  đó sự ngưỡng mộ, nể nang, thán phục. Già hay thảng thốt "thấy ghê" sau mỗi câu văn hay ho mà Già đã đồng cảm đến mức thuộc nằm lòng. Mà Già thì thuộc nhiều câu dài lắm, kinh điển lắm, phức tạp lắm… đến Sông Đông êm đềm chữ như rừng vậy nhưng Già vẫn có thể tỉnh bơ đọc một đoạn nào đó, bằng trí nhớ mẫn tiệp, bằng tình yêu văn chương, bằng sự trân trọng sách, bằng cách đọc thật chậm, nâng niu từng câu chữ.

Chống chế rằng cái thời Già sống sách hiếm hoi, nên người ta quý sách, người yêu sách coi sách như miếng ăn, hơi thở. Nhưng cái thời cầm sách đọc mà sợ hết qua rồi, giờ sách đầy rẫy, đẹp, sang… không đọc nhanh thì tiếc. Và đọc sách như một công việc, không phải thú chơi. Trong bạn bè của bạn, có nhiều người đọc sách để điểm tin trên báo, đọc sách để khoe (rằng đã đọc), đọc sách để học viết, đọc để… kể lại. Nên ai cũng mau mau cho đến trang cuối cùng. Lâu lắm rồi bạn không còn  nhấm nháp từng trang sách, như bụi lục bình trôi nhẩn nha trên sông, lúc tấp bờ này khi dạt vào bụi nọ. Bạn cũng đam mê, cũng nghiến ngấu mà như là nghiến ngấu bánh mì kẹp thịt, tô phở… không phải ngồi nhẩn nha vừa thổi vừa gỡ lớp vỏ cháy khét của củ khoai lùi.

Bạn cảm thấy bệnh sống nhanh sống gấp dường như đã di căn đến thú nhàn nhã cuối cùng của mình, xộc vào thành lũy cuối cùng. Và chỉ khi gặp Già, ngồi giữa căn nhà lấp ló trong vườn dừa của Già nghe Già đọc một đoạn văn của Hemingway, Lỗ Tấn, Lev Tolstoi… thì mới cảm thấy thật rõ ràng. Chỗ Già gì cũng chậm, nước trà rót chậm, điếu thuốc cháy chậm, tiếng nước mương vườn chậm rãi chảy, và giọng Già nhẩn nha mà nghiêm cẩn, "Hằng năm, tôi đợi mùa thu tới, để buồn…" (*).

Văn chương va vào Già thì sống dẳng dai. Những vẻ đẹp của trang sách vẫn tồn tại ngay khi không còn tồn tại trên những tờ giấy úa. Ngó bộ chắc phải dạy sắp nhỏ lại, nên có bữa Già khẽ khàng lôi ra một tờ báo cũ in một truyện cũng cũ của Già, biểu bạn đọc. Mà không được đọc thầm đâu, phải thành tiếng thành câu. Chữ nào bạn đọc sai Già nhắc chừng chừng trong lúc khói thuốc bảng lảng vờn trên mặt. Bạn quen đọc thầm, giờ giọng cứ vấp dúi dụi trên trang báo dày những chữ, đến truyện ngắn thứ hai đã cảm thấy mệt đứt hơi, muốn nhanh cũng không nhanh được.

Kết quả của buổi chiều làm bài tập đọc đó là bạn nhớ dẳng dai một câu trong cái truyện ngắn xa xưa của Già, "Viết thơ cho nhau và tìm thăm nhau là việc làm của những kẻ yêu nhau quá ít còn đang sợ hãi chuyện quên nhau. Tình yêu của tôi không hời hợt thế"

Vậy nên, thưa Già, nếu lâu lắm thưa vắng tin nhau, cũng không có nghĩa bạn nhỏ này đã quên Già rồi…

 

(*) Ernest Hemingway

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 12-8-10