Chầm chậm xe lôi
 

Tạp văn
 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Chữ cấm gồm một nguyên âm và hai phụ âm. Trẻ mẫu giáo, đến lớp lá, là biết đánh vần â mờ âm cờ âm câm sắc cấm. Chữ này dễ nói.

Vừa rồi, anh Cần Thơ nói “cấm”… xe lôi. Lần này cấm thiệt. Lúc trước cấm... thể nghiệm, cấm... thăm dò ý kiến dân thôi. Còn nhớ, khi đó dân cự quá, nhà báo cự quá, tới nhà thơ vốn dĩ mơ màng mây gió còn nhảy ra cự… Nhưng anh vẫn thì "lập trường vững vàng" (cũng là một cụm từ yêu thích). Cấm. Cấm tiệt. Cấm mất tăm mất dạng.

Có nhiều lý do, anh nói xe lôi làm mất vẻ mỹ quan đô thị, rối rắm hệ thống giao thông, trật tự công cộng quá đi, quê mùa, nhếch nhác quá đi. Những thành phố khác như anh Sài Gòn, hay xa mút chân trời như anh Cà Mau cũng cấm xe lôi, xe vua, xe ba gác rồi. Bề thế, hoành tráng nhất miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ ta đây, chẳng lẽ chịu thua sao?

Đố ai tìm ra được một chỗ sai nào trong hệ thống lý lẽ đó. Chặt chẽ và hợp lý. Hẳn khi ban hành cái lệnh cấm này các anh đã ngồi lại với nhau, bàn bạc nhiều lần, tốn nhiều giấy để in các tài liệu có liên quan, chi phí nước khoáng để cãi nhau cũng bộn, được sự đồng thuận hết cấp ủy dưới lên tới cấp ủy trên. Nhưng trong tất cả cuộc họp bàn đó, hình như thiếu vắng sự có mặt của mấy ngàn lao động hành nghề xe lôi, của hàng chục ngàn dân đang sử dụng dịch vụ này, của hàng ngàn người, nhiều trong số đó là người già và trẻ con, chỉ biết ngó vào chiếc xe lôi mà no mà đói.

Chắc chắn, nếu có cuộc họp đó, cái anh ghi biên bản sẽ mỏi… rụng tay luôn. Và xấp biên bản sẽ dày như hồ sơ… xây dựng cơ bản.

Ta thấy gì trong đó?

Ý kiến anh Nguyễn Văn A, thợ mộc ở phường X quận Y: tui không thích cấm xe lôi vì tui không thể mua tấm ván ép mà phải gọi điện thuê nguyên chiếc xe tải dù nhỏ nhưng giá thuê sẽ không nhỏ chút nào với giá xăng chớp mắt là thấy lên vùn vụt.

Ý kiến của chị Trần Thị B bán quán cơm bình dân nổi tiếng ở đường Danh Nhân: Rồi tui chở rau củ, thịt thà từ chợ về nhà bằng gì hả trời?

Ý kiến của chú Lý Hoàng C nuôi heo trong hẻm Cây Lứt: Mấy ông tính sao chớ, không lẽ tui kêu taxi chở cám sao? Mà, hẻm nhà tui hẹp đến nỗi gặp mấy người bụng bự giữa đường còn ngại, làm sao xe nào vô được đây?

Ý kiến của Bé Mén, học lớp 4 trường Anh Hùng Dân Tộc: con thích xe lôi vì đi xe lôi từ nhà tới trường chỉ tốn có một ngàn đồng, con còn dư lại một ngàn để mua… cà rem.

Anh xe lôi thì không nói nhiều, từ đầu tới cuối buổi ngồi se cái nón bạc màu trong tay, trên khuôn mặt cháy nắng đen đúa buồn lo rối bời. Tơi tả trong lòng là học phí cho con trẻ, là thuốc thang cho mẹ già, là người vợ đang oằn mình tảo tần với gánh chè, gánh cháo. Anh nghẹn lời hỏi: “rồi tụi tui biết sống bằng gì?”.

Giả sử, có cuộc họp đó, thì anh thư ký sức mấy mà ghi vào biên bản cái giọng nói run rẩy, chua xót, lo âu, hẫng hụt của anh xe lôi. Làm sao, có ngôn ngữ nào (mà anh biên bản thì rất hạn chế ngôn ngữ cuộc đời, khả năng diễn đạt hành chánh anh có, ngôn từ kêu, sáo, tha thướt trên đầu cây ngọn cỏ anh có, nhưng chúng không thể gắn vào miệng dân đen) để nói lên cái cảm giác đau ứa ra khi ngồi để người ta bàn tán, định đoạt công việc, chén cơm, manh áo, sinh mạng của người thân mình, tương lai của con mình. Người bênh vực thì ai cũng có tình có lý nhưng miệng không thép không gang. Người có quyền quyết định thì khăng khăng chữ “Cấm!”.

Bởi vì chữ này dễ nói hơn sửa sang, chỉnh trang, hay lập lại trật tự. Lại nhớ, mấy chữ “nhà nước của dân do dân và vì dân” anh cũng hay nói lắm, chứng tỏ anh cũng thích lắm. Hai chữ, cụm từ anh thích như nhau nhưng ngôn ngữ tiếng Việt trong trường hợp này chắc không cho phép anh nói cùng một lúc.

Và tôi ước gì có cuộc gặp nhau, trong biên bản hẳn sẽ có tên tôi, Hà Há Ha, nghề nghiệp lạ đời, sống ở cuối trời, hôm nay đứng trước anh mà nói rằng, tôi sẽ ân hận suốt đời, vì tôi lao động văn chương mà chưa viết một dòng nào về những chiếc xe lôi, về cuộc sống những người chạy xe lôi dầm sương dãi nắng kiếm sống lương thiện, nhọc nhằn, vì không ghi lại hình ảnh của một người bạn già mình, sau chuyến đi Bắc về, ông gọn ghẽ, hồn nhiên như trẻ con ngồi giữa những giò phong lan, những thùng tượng gỗ, lọ gốm chất chung quanh, vẫy tay chào tôi trên chiếc xe lôi, khi ấy chiều nắng xế. Ông không hề trả giá khi lên xe. Bởi những người chạy xe lôi trong thành phố này, ông coi là bạn. Bởi đó có thể là những hình ảnh cuối cùng. Của ông già. Chiếc xe lôi. Và một phần ký ức của tôi.

Tôi sẽ ân hận quay quắt khi chưa một lần bước chân lên những chiếc xe lôi, từ đây sẽ bặt tăm mù mịt…

Nhưng cuộc gặp đã không xảy ra, không có biên bản nào. Nhưng biên bản làm gì, gặp gỡ làm gì khi người ta ngay từ đầu đã quyết chí không lắng nghe nhau? Chầm chậm xe lôi

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 30-8-07
Dùng bản Tư gởi