Cảm giác trên dây

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Cô Nghĩa vừa qua tuổi bốn mươi sáu, suốt từ lúc trẻ đến giờ chỉ yêu và cưới đúng một người, sinh cho chồng hai thằng con trai đẹp như cha chúng. Mười tám năm nay cô dạy lịch sử cấp ba ở trường Phù Đổng, mười tám năm cô tới trường đúng giờ, kiểu thời trang ưa thích là áo dài, tóc dài. Cô ăn nói nhỏ nhẹ, cười khẽ khàng, vui lắm cũng không thành tiếng. Đề tài ưa thích của cô khi tán gẫu với đồng nghiệp là chuyện cải cách sách giáo khoa và giá cá, rau đang lên. Cô không thỏa hiệp với những lời nói đùa kiểu như “cô đẹp lắm…”, cô nghĩ ai đó mỉa mai mình. Đến nỗi có thầy nói lén sau lưng, ngồi gần cô Nghĩa không dám bật hột quẹt, sợ cháy bất tử…

 

Vòng vo để thấy cô không chút gì thích hợp với lời tỏ tình của thằng nhỏ học trò mới mười bảy tuổi. Chiều hôm qua nó chờ cô trong nhà xe dành cho giáo viên, và nói em yêu cô. Nhìn thẳng vào cô, nó nói bằng vẻ điềm tĩnh, nắm chắc và kiểm soát từng từ khi thả chúng rơi chậm rãi vào tai cô gây âm thanh leng keng như những đồng xu. Em – yêu – cô. Những lời yêu cô gặp nhiều hồi chưa lấy chồng, nhưng hơn chục năm rồi ít ai nhắc tới, nghe xa lạ quá chừng. Năm giây ngó quanh, năm giây định thần, thêm năm giây ngơ ngác, rồi cô Nghĩa cũng tin rằng thằng nhỏ đang nói với mình.

 

- Em giỡn có duyên lắm – Cô nhẩn nha lúc dắt xe ra cửa - nhưng cô đói bụng quá nên không thấy mắc cười.

 

Cô quay đi và nghĩ trò đùa này đã kết thúc. Ra về trong một buổi chiều muộn của tháng ba, những con đường khô cong sau một ngày nắng đỏ, xe trước tung bụi bay mù lấp mặt xe sau. Thời tiết ngột ngạt nín thở chờ đợi một cơn mưa xô đổ cửa mùa. Khi cô Nghĩa dừng xe trước đèn đỏ chỗ ngã tư quen thuộc, cô nhìn thấy người bán bắp luộc đang ngồi ngáp. Ở vỉa hè gần đó, người ta rao bán áo sơ mi hàng công ty tồn kho, hai mươi lăm ngàn một cái. Chà, phải còn sớm ghé lựa áo cho mấy đứa con chơi, rẻ quá…, cô nghĩ vậy. Cô nghĩ ngợi cho buổi chiều này bình thường như mọi buổi chiều đã trôi đi không tăm tích trong cuộc đời mình, những buổi chiều không có ai đó nói yêu cô.

 

Nhưng chủ nhân của câu nói đó mới mười bảy tuổi. Con nhà giàu, học dở, thủ lĩnh một băng hơn chục đứa con nhà giàu học dở khác. Nó không chỉ sáng tạo ra những cuộc chơi bất tận mà còn đi đầu trong bộ điệu, làm sao phải thật nổi bật giữa đám đông nổi bật. Bữa nay tóc nó vuốt keo dựng đứng như ngựa hoang bờm sửng lên trong gió, thì bữa sau nó chải tóc xước ra đằng sau, ướt rượt và bóng lộn như công tử Bạc Liêu thời xưa bôi dầu dừa, thoắt cái lại thấy nó nhuộm chòm nâu chòm đỏ. Buổi nghỉ giữa giờ nó với đám bạn hay ngồi đồng ở căn tin, rú lên từng hồi man rợ. Đó là lúc có đứa con gái đẹp, cô giáo trẻ, hay bạn học trò quê mùa (mà học giỏi) ngang qua, hoặc một đứa trong tụi nó đang bàn chuyện “phức tạp”. Hoặc chẳng cơn cớ gì, cứ hú hét cho sướng, cho nổi bật, cho đỡ chán chường khi nghĩ tới tiết sau, cho đói để tan học đi tiệc tùng… Mấy giáo viên ngồi nói với nhau, tiến hóa mấy triệu năm khỉ mới thành người, còn tụi ôn con này từ người thành khỉ cái một.

 

Giờ khỉ đầu đàn chắc lại làm trò khỉ, sau vụ nó dùng điện thoại di động chụp hình cô Nghĩa rồi dán hình lên mông mình đi đủng đỉnh trong trường, vụ nó dùng sơn đỏ vẽ hình đôi môi lên ghế cô ngồi làm mông cô lãnh trọn nụ hôn cháy bỏng… Thường, cô giận rất phải cách, mím miệng xăm xăm lên văn phòng. Năm phút sau thầy giám thị tới lôi thằng nhỏ đem đính vào cột cờ lộng gió. Đám bạn nó ngưỡng mộ nó hơn, căm ghét môn lịch sử hơn, tình hình các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới có mắc mớ gì tới cuộc đời tụi nó? Có lần cuộc phá phách lên đến cao trào khi nó giả bộ trượt té và chụp lấy vạt áo dài của cô làm nút áo bứt tung. Phản ứng ngoại lệ, cô vừa khóc vừa tát nó một cái rát mặt.

 

Chuyện đó xảy ra vào tháng trước, nối thêm dây oán càng dài, giờ thằng nhỏ trở mặt nói yêu cô lắm. Ai mà tin. Cô Nghĩa càng không, thằng này mà ho hoặc gãi đầu cũng là những hành động có âm mưu. Coi như đã quên chuyện xảy ra ở nhà xe rồi, những khi bước vào lớp nó học, cô dửng dưng lướt mắt qua cuối dãy, nơi nó ngồi. Dạo này nó thay đổi lạ lùng, lúc nào cũng ngước nhìn cô với vẻ buồn rượi, chân thành, như uống như nuốt từng lời, từng cử chỉ nhỏ. Đôi lúc cô thấy nhột ran cả gáy, băn khoăn đằng sau chắc tóc bạc nhiều, hay lúc chải đầu mình cặp tóc không ngay ngắn.

 

Tuần sau nó lại xuất hiện ở nhà xe lúc vắng người, trực tiếp trao cho cô lá thơ, nói “cô đọc xong rồi xé cũng được, nhưng cô phải đọc, mỗi chữ trong này là một đọi máu của em…”.

 

Chữ nó xấu như gà bới, chuyện này thì cô biết rồi, những bài kiểm tra bao giờ cô cũng trừ điểm vì viết xấu, sai chính tả. Cô chỉ chưa biết là nó chọt phá cô vì iu cô (chữ nó viết vậy), vì muốn cô chú ý, nghĩ về nó nhiều hơn. Nó yêu cô từ năm học lớp mười, khi lần đầu tiên cô bước vào lớp với áo dài tiếm, tóc vẫn còn ướt, mặt tran nhả. Đằng sau vẻ ngim nghị khô khan của cô là sự ấm áp, ân cần, nó nhìn thấy cả nỗi cô đơn chới với. Và nó bắt đầu nhen mối tình căm, thấy ghen tuông kinh khủng khiếp mỗi lần thấy cô được chồng chại xe tới trường đưa đón, bàn tay cô mơng man trên eo chồng, ngực cô dán vào lưng chồng, ghen tuông cả khi thấy những cô giáo khác quàng vai, vuốt tóc trong lúc tán gẫu với cô. “Em biết tình yêu của mình là tiệt dộng, nhưng không kiềm chế được cảm xút”, nó viết vậy.

 

Thêm một chuyện cô chưa biết: nó sắp đi xa đến nửa vòng trái đất, nên nó quyết định bày tỏ với cô những tình cảm cháy bỏng của mình. Cô gấp lá thư lại nghĩ, thằng nhỏ chơi trò này công phu quá. Lúc trả lại thư, cô nói nhỏ nhẻ, “em có năng khiếu văn học lắm, nhưng rèn chính tả thêm, tệ quá…”. Mặt nó chảy xuống, nhưng ánh nhìn vẫn rát bỏng.

 

Làm như nó yêu thiệt vậy, cô Nghĩa hơi mắc cười. Như nó yêu thiệt vậy, ý nghĩ đó mấy bữa sau quay quắt trong đầu cô, khi buổi sáng thấy trên mảng tường đầu hẻm xuất hiện những con chữ bằng sơn đỏ “tôi iu Nghĩa”. Mạnh mẽ. Tự tin. Sòng phẳng. Chuyện này là tình yêu của tôi với Nghĩa, không thầy trò gì hết. Xen giữa mớ chữ hổn độn là mấy trái tim ú mềm bị tên xuyên qua, máu tuôn giọt giọt. Thằng con lớn của cô đi học sớm nhìn thấy đầu tiên, nó quay xe trở lại hào hển, “Mẹ, ai yêu mẹ ngoài hẻm kìa…”. Ba nó đang cạo râu, xách cái cằm đầy bọt chạy ra coi, lúc quay lại như cắn phải lưỡi, “ngoài đó thiệt là có ai yêu em”. Lúc cô Nghĩa ra tới nơi, đã có năm bảy người xúm lại chỉ trỏ, sau lưng cô thêm năm bảy người nữa nườm nượp chạy theo như đi coi đụng xe.

 

Cô Nghĩa nhìn tên mình lấp loáng trên tường, cố tỏ vẻ bình thản. Ý nghĩ đầu tiên là thằng nhỏ lại sai chính tả nữa rồi. Sau đó thấp thoáng những ý nghĩ khác, mình sẽ phải chiến đấu với thằng con nít quỷ này dài dài, sẽ dài dài làm mồi ngon thơm tho đậm đà cho những bữa cơm của hàng xóm, con mình sẽ hết hồn dài dài, không biết sáng nay nó học sao trong tâm trạng bớ xớ như vậy. Còn nữa, chồng có tin lời mình kể không, rằng chuyện này là do một đứa học trò quậy phá ngỗ ngược làm… Trở về với món trứng chiên sống nhăn trên bếp, cô thấy chồng đang ngồi chờ, mặt chồng biến mất, chỉ còn dấu chấm hỏi gắn trên cổ lúc lắc. Cô nuốt khan, giải thích mà nghe từng lời mỏi rã.

 

Câu chuyện làm cả hai người cảm giác như mình bị trói chặt trong một niềm tiếc nuối. Như họ đã để một kẻ xa lạ nào vào đào được vàng ở mảnh vườn của mình và chính mình bỏ hoang. Họ nghĩ yêu thì cần gì nói, tự hiểu thôi. Mấy tiếng em yêu anh hay anh yêu em tưởng sến rện, thừa thãi họ cứ để đó từ hồi cưới, chưa thử lần nào thì bị một đứa trẻ nhảy vào lủm mất, hóa ra chúng rất ngọt ngào. Họ thấy mật rỉ ra từ miệng đứa trẻ đó, và thoảng ra một mùi hương mê dụ. Cô Nghĩa nghe như trong cô có chút gì giận dữ, sao người nói câu yêu mình không phải là cha của hai đứa con mình?

 

Cô đi tới nhà thằng nhỏ nhà giàu học dở. Cô cố nghĩ ra cách nói nhã nhặn nào có giá trị tương đương với mớ từ sỗ sàng đang chật cứng trong đầu mình, “làm ơn bỏ chút thời giờ dạy con trai mấy người, nó quậy tôi vô phương…”. Đó là cô tưởng tượng gặp được mẹ, hoặc ba nó, hoặc cả hai người thì may phước. Tất nhiên họ sẽ hỏi lại nó quậy làm sao, tất nhiên cô sẽ kể chuyện nó nói yêu mình, và tất nhiên họ sẽ kêu lên, trời, đâu có được… Không biết cô có nén được hay lập tức vặn lại, tại sao không?

 

Cô Nghĩa thấy căng thẳng, cô chưa từng gặp phụ huynh học sinh để nói một chuyện giống như vầy. Mấy cuốn sách giáo khoa lịch sử không giúp gì được cho cô, lịch sử chưa bao giờ nhắc tới tình yêu, chỉ chiến tranh, thanh trừng, xung đột. Tuổi tác cũng không giúp được khi đây là lần trải nghiệm đầu. Dò dẫm quanh quẹo qua mấy con đường, tới trước cỗng nhà nó rồi, cô chợt nghĩ hay là thôi. Biết đâu ba mẹ nó đùng đùng buộc nó chuyển trường, nhốt nó trong nhà, biết đâu cô sẽ không còn thấy nó nghinh ngang đi với những kiểu tóc kỳ lạ, nó không thể xuất hiện thảng thốt ở nhà xe, sẽ vắng tiếng nó rú man rợ giữa giờ chơi như những tiếng kêu bầy.

 

Cô bần thần trước chỗ gọi chuông, rốt cuộc cơn giận dữ lúc sáng cũng quay trở lại, nó cầm tay cô ấn lên cái nút màu trắng đó. Có người đi ngang qua, nói, nhà không có ai đâu, muốn gặp người nhà thì lại đằng chỗ gốc cây me đằng đó, chỗ bán chuối nướng hột vịt lộn đó, hỏi cô Mận. Chị tên Mận trạc tuổi cô Nghĩa, dáng người cũng hao hao như cái trứng lộn chị mới khẻ mỏ, tay giơ cây muỗng gần miệng trứng nhưng mãi há hốc hóng chuyện đánh ghen. Cô Nghĩa hỏi tới lần thứ ba cây muỗng mới đổi thế xua ngang:

 

- Trời trời, tui ở mướn thôi, hong dám làm má thằng ôn dịch đó, đẻ nó để đẻ hột gà sướng hơn. Má nó đi Mỹ rồi, cưới Mỹ, tính rước nó qua đó luôn. Ba nó làm gỗ trên Tây Nguyên, đi suốt. Chị là cô giáo? Chắc thằng đó làm chuyện gì động trời gì rồi. Nó mà đòi cưỡng hiếp chị tui cũng không ngạc nhiên đâu à, nó hăm dọa tui hoài chớ gì. Ghê lắm, sợ bữa nào nó nổi khùng đè tui lột quần áo ra chắc tui cắn lưỡi tự vận quá.

 

Cô Nghĩa chăm chú vào cái muỗng nhỏ dùng để ăn trứng nằm trên tay chị Mận, nó đảo lên rơi xuống, vo ve gần cái miệng trứng rồi lại tiếp tục chao liệng. Mãi nhìn nó nên cô nghe lỏm bỏm, cả buổi tóm gọn lại là cô không thể gặp người thân của thằng nhỏ học trò vì hiện giờ nó không có người thân nào ngoài chị giúp việc có sở thích ngồi ngoài đường ăn hàng. Có một chi tiết đáng giá, chị Mận nhớ ra cậu chủ có dán ảnh cô giáo này trong phòng ngủ, bên cạnh ảnh má nó. “Thằng ôn dịch có viết chữ nước ngoài lên hình nữa, không biết nó viết gì, tiếng Việt tui còn nuốt không trôi…”

 

Cô Nghĩa ngẩn ngơ. Cô hình dung ra cảnh thằng nhỏ nằm giữa bốn bề hiu quạnh, cô độc, lủi thủi, lầm lì. Như con chó hoang không được một ai xoa đầu, thèm một lần mừng chủ, thằng nhỏ thèm yêu thương, thèm hơi ấm con người, thèm một bờ vai…

 

Tội nghiệp. Cô nghĩ tới hai từ đó suốt đường về, nhưng đi tới đầu hẻm thì mất hết cảm giác. Chồng với hai thằng con trai đang lui cui quét nước sơn lên xóa đi những lời tỏ tình. Cô Nghĩa nghe một đứa bàn, “hay là mình viết trả mấy chữ “Cảm ơn, cô giáo Nghĩa chỉ yêu chồng!”…”. Thì sao, đêm nay những trái tim bị trúng tên sẽ xuất hiện lại thôi mà, không hiểu sao cô nghĩ vậy.

 

Đúng như cô đoán, sáng sớm thằng con chạy ra đầu hẻm, lúc quay lại đầy vẻ thất vọng, “bữa nay mắc sơn lại nữa rồi ba ơi…”. Cô Nghĩa đang cài nút áo dài, mỉm cười rồi không hiểu sao mình lại cười mà không tức tối,  khó chịu, bị quấy rối mà, bị đem ra làm trò đùa mà, nhất thiết phải giận.

 

“Em đừng phí công phá tôi, không ăn thua gì đâu”, cô định gặp nó để dằn mặt, nhưng thằng nhỏ đã tự tới tìm. Lúc nào cũng chủ động.

 

- Em biết lý do cô tới nhà em, chắc cô thất vọng lắm. Giờ cô tính sao, lôi em ra giữa buổi lễ chào cờ cảnh cáo trước toàn trường vì yêu cô? Yêu cô là tội?

 

Không, trong cô có tiếng trả lời, nhưng khi ra khỏi môi, nó biến dạng, “Trò đùa của em ngày càng quá quắt, tôi…”. Thằng khỉ cắt lời cô bằng cách sấn tới làm cô phải lùi lại mấy bước, tưởng nó nhào vô ôm mình ở ngay hành lang này giữa giờ chơi này chắc cô chết quá. “Em phải làm sao để cô tin em thật lòng?”, lại cái kiểu thả đồng xu khua tinh tang vang động vào lòng cô.

 

Nhưng dù cô tin nó thì sao? Chuyện này không đi tới đâu hết. Cô Nghĩa bỗng nghĩ vậy. Một bữa, nửa đêm cô thức dậy ra ngoài lấy nước uống, tình cờ nhìn qua cửa sổ đằng trước, cô thấy nó, trời ơi, đúng là đứa học trò con nhà giàu học dở, nó đang đứng dưới đường ngước nhìn lên. Ngọn đèn đằng kia đổ xuống nó một cái bóng dài, gầy guộc, quái dị. Cô vừa chực thấy nó là nép ngay vô rèm, lén ngó nó ngồi nhẫn nại ngồi dưới sương đêm ngóng chờ một điều vô vọng, cô nghĩ thằng nhỏ này sến quá. Khi cô hiện ra trên khung cửa, cô nghĩ dù vậy nên bù đắp cho nó chút gì, thí dụ như mớ máu bị mất đi bởi bầy muỗi đói. Dưới kia nó hí hửng ra mặt, ngoác miệng cười.

 

Cô mất ngủ. Cứ tới nửa đêm là nghe như có ai đó gọi mình, dù nó không tới nữa, dù cô nói với nó cô mệt mỏi rồi. Cô giảng lịch sử Việt Nam mà lơ ngơ tưởng Hoàng Hoa Thám và Đề Thám là hai người, chểnh mảng ủi quần áo cho chồng, lẫn lộn tên của hai đứa con, nấu canh chua lại bỏ nước màu dừa. Gương mặt của ba gã đàn ông trong nhà cô dần biến mất nhường chỗ cho những dấu chấm hỏi. Bây giờ mọi hành động của cô, như thở dài, đứng dựa cửa sổ ngó mây bay, chiêm bao ú ớ, soi gương lâu, may áo mới… đều liên quan gắn bó với vụ tỏ tình ngoài đầu hẻm. Những ánh mắt nghi hoặc ngờ ngợ ngày càng làm cô khó thở. Cô vốn đã thấy bị rời ra trong đám đàn ông con trai lộc ngộc, giờ cô độc, hoang mang hơn. Bỗng dưng buồn bã vì một sợi tóc bạc, thấy đau đáu vì một nếp nhăn mới, thấy u ám bởi da trên cổ nhão. “Dù em thiệt hay giỡn thì cũng thôi đi - cô nói với vẻ chán chường – chuyện này không đi tới đâu hết, em biết mà”. (Nhưng cô muốn đi tới đâu? tới đâu là tới đâu? – ý nghĩ đó làm cô giật mình)

 

Nó hẹn gặp cô trong cái thư viện nhỏ vắng vẻ của trường, trong giấy ghi là “lần cuối, em thề…”.  Cô không tới thì tội nghiệp nó uổng công đợi (Đàn bà thường vậy, một nửa là quản giáo nửa kia là mẹ). Khỉ đầu đàn, không biết vì động lòng trước vẻ hao gầy của cô hay chấp nhận được sự thật tình này không có hậu, nó chỉ yêu cầu cô Nghĩa cho nó ôm một lần. Như đứa con ôm người mẹ đã xa lâu, như em trai ôm tiễn chị gái lấy chồng, ôm đơn giản thôi, tức là cả hai đều đứng và tay nó vòng qua lưng cô, ngực nó áp vào ngực cô. Đầu giờ chiều không có người nào khác trong phòng sách. Mùi thuốc chống mốc xộc lên ngộp thở. Nghĩ sao mà ôm nhau chỗ này trời, cô nghĩ. Nhưng thằng nhỏ đã bước tới giang tay bọc lấy cô giáo, làm cả người cô như tê rần. Đậu miết vào cổ cô là một đôi môi dày, ẩm ướt, những cơn sóng từ đó loang ra tưới tắm làm cơ thể cô như mềm nhũn đi, như sắp tan rã tới nơi rồi. Bằng những chuyển động da diết, khẽ khàng, đôi môi đó để trôi ra những lời nóng bỏng, “bà già, bà nên biết là không nên bợp tai làm nhục tôi giữa đám đông…”.

 

Và chuyện xảy ra tiếp theo là những gì mà ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường được xem trong đoạn phim quay bằng điện thoại di động của một đứa bạn nó (hết sức tình cờ) chứng kiến. Thằng nhỏ cố thoát khỏi vòng tay cô và vùng vẫy hét lên, “không, em sẽ không đổi tình lấy điểm, em mới mười bảy tuổi thôi mà, em xin cô buông tha cho em đi…”, mà cô thì chới với, chết sững ở đó. Nghĩ, thằng nhỏ giỡn chơi mà cũng kỳ công quá. Nghĩ trời đất ơi hên thiệt, thằng nhỏ giỡn chơi thôi, phải yêu thật thì nó sẽ khổ tâm lâu lắm, cô hơn nó tới hai mươi bốn tuổi, tình này sẽ không đi tới đâu hết…

 

Nhưng cô muốn tới đâu? Tới đâu là tới đâu? Tới một chỗ nào?

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

 

Lên trang này ngày 18-1-10
Dùng bản Tư gởi