buổi sáng thật thà

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Thời gian trả về cho ông một buổi sáng lạ thường.

 

Ông ra đường với cái quần jean bạc phếch hao hao màu tóc đã nhiều muối rắc. Cái áo pull màu xanh dương, cũng bạc vai rồi. Lững thững ghé một cái quán café nhỏ ở góc đường, ông nghe tiếng thì thào, “trời ơi, bữa nay coi ổng lạ quá…”. Ông cười thầm.

 

Vài người kéo ghế mời ông. Họ ái ngại, bỗng dưng ông ít nói, chỉ đủng đỉnh cười, lâu lâu cũng ừ hử góp vui vào vài câu chuyện vặt. Giọng cũng không còn là cái giọng hùng hồn, rắn rỏi, dứt khoát nữa. Họ nghĩ ông buồn, bởi cú sốc về hưu không dễ để vượt qua.

 

Con gái cũng nghĩ vậy, nó nói chắc phải mua cho ba trái mít chín, dụ mấy con ruồi vô nhà để ba… đập qua ngày. Có người, về hưu là một cuộc giải thoát, nghỉ ngơi, nhưng cũng có người cảm giác nó như cái chết. Đã hết. Đã tận. Đã chìm. Bị quên lãng, kể từ đây. Bạn bè ông nhiều người từng trải qua cái chết đó. Sớm nay, khi ông thò chân khỏi giường, ông dặn mình, đừng có làm trò cười như người bạn, đã nghỉ dứt rồi mà quên, vẫn cứ ăn mặc thẳng thớm, trịnh trọng chạy tới cơ quan, ngồi đúng cái chỗ mà giờ đã giành cho người khác. Hay đừng có như thằng bạn kia, suốt ngày kêu đám con lại để cằn nhằn, lườm nguýt, cái oai phong của thời làm sếp, bạn bứng luôn đem về nhà. Ông đứng trước tủ áo, tình cờ gặp bộ đồ của con trai, dường như đã lâu nó không mặc tới. Ông thử, thấy vừa vặn, lạ lẫm, hơi thích.

 

Giống như người diễn viên đóng vai hiệp sỹ trong bộ phim truyền hình nhiều tập lê thê. Khán giả chán quá không coi đạo diễn chán quá không làm nữa, cho thằng hiệp sỹ chết để… hết. Người diễn viên trở lại là mình, không còn múa may đánh đấm. Sáng nay không có họp, không có ai gõ cửa phòng vào trình ký, không có mấy nhân viên luống cuống chạy quanh. Sáng nay chỉ có café vỉa hè, một chỗ nhiều lá rụng.

 

Sáng này ông lại nhìn thấy lá, sau bao nhiêu năm hờ hững. Như đã từng gấp gáp lướt qua những buổi sáng trong đời để chạy tới một hội nghị, một cuộc họp. Cuối tuần, quảy vợt chơi vài ván tennis với đồng sự, sau đó cũng ăn nhẹ, cũng cafe, cũng nói chuyện phiếm… Nhưng những ban mai đó không giống lúc này, lúc trút bỏ, lúc trống không, lúc ông không còn ở địa vị A để nói về câu chuyện B, C. Giờ ngồi quanh ông là những người nửa lạ nửa quen, không đủ gần mà cũng không quá xa lạ, để dè chừng. Và người đã kéo ghế mời ông ngồi cùng đã bao nhiêu năm gặp thoáng trên đường, có gật đầu cười, có nhớ thằng đó là bạn thời trung học, rồi lại lướt qua nhau. Một mối quan hệ hờ hững. Người bận rộn với vòng tròn công chức của mình, người thì dè dặt bởi vị trí thường xuất hiện trên truyền hình tỉnh của bạn.

 

Một cuộc ngồi với nhau như vầy, chưa đủ làm nên thân tình. Nhưng cái cảm giác rõ ràng là ông đang nhận lại những thứ đã từng quên, nối lại cái cuộc sống đã bị đứt đoạn mấy mươi năm trước, khi chưa bước chân vào quan trường. Từ buổi sáng thật thà nào xa xôi lắm, ông đi một vòng tròn thăm thẳm, giờ ông trở lại. Giờ thì ông chỉ còn một, người bất nhẫn trước con đường quê lầy lội, trước những ngôi nhà rách, đã buột miệng kêu trời, phải làm gì chớ để dân sống khổ vầy sao được.

 

Có một ông khác, người-trước-đám-đông, nói những câu quen thuộc, “Còn vài nguyên nhân khách quan… Nhìn chung nhà nước đã quan tâm sâu sắc… Bà con phải phát huy tinh thần tự lực tự cường…Tình hình kinh phí có hạn, cùng nhau chia sẻ khó khăn…” - người đó đã đi.  

 

Chính xác thì sáng nay, không có ai khác trong ông. Trên đường về nhà, khi đi ngang cơ quan cũ, ông nhận ra mình đã để người đó ở lại bên kia tường rào cao, cùng với những buổi sáng lao xao giấy tờ, lao xao hội họp, lao xao đưa đón…

 

 Ông tự dặn mình đừng nghỉ ngợi, những buổi sáng hôm qua không gặp lại được nữa rồi. Nhưng ông vẫn nhớ, dường như có thêm nỗi nhớ này, ông hoàn toàn thật thà trọn buổi sáng nay.

 

Thôi, về nhà tỉa mấy cái cây.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 25-12-08
Dùng bản Tư gởi