Biết

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Quán cà phê “Đầu Xóm”, cái tên như cặm một cây thắc mắc, đầu xóm là đầu xóm nào, tại sao là đầu xóm mà lại nằm chặng giữa con hẻm gầy tong teo, ngoằn ngoèo giữa lòng thành phố? Sớm nay góc quán nơi ông già bán vé số ngồi nhâm nhi trà đá, như cái nhánh thắc mắc, ông đó uống trà đá mà sảng khoái, khoan thai thưởng thức từng ngụm, như sợ hết.

 

Sớm nay có thằng nhỏ ngồi tuyệt vọng ngó quanh, thấy mình đang khuyết đi, cảm giác chính nó đang bị ông già hớp từng ngụm từng ngụm một. Một ông già gầy gò lạ mặt với cái nón phớt nỉ đội trên đầu. Hai giờ trước, lúc mùi vị của sự xui xẻo chưa loang ra đến mức nắm trong tay được, thằng nhỏ cũng vui vẻ giống ông già. Hứng khởi, nó góp chuyện quanh mẩu tin trên báo:

 

- Tui có biết vụ đó, ông kia lấy mấy tỉ bỏ túi đi chơi, giữa chừng bị mất. Thấy ghê thiệt...

 

Ông già bật cười trước cái vẻ e hèm quan trọng của thằng nhỏ, đôi mắt hấp háy dưới vành nón cũ, hỏi:

 

- Ậy, chú em, sao xài chữ biết dễ dãi vậy? Chú em nói biết mà biết tới đâu? Có biết tụi trộm nó lấy ra làm sao, rồi cái ông mất buồn làm sao, tiền đó giờ cất chỗ nào không?

 

- Trời đất - thằng nhỏ nhổm một chân lên khỏi ghế, cái đầu gối xương xẩu đụng tới vành tai - Sao tui biết được, công an đang điều tra mà.

 

- Thì đó - ông già hớp một hớp trà, rủ rỉ - chú đừng có nói biết. Phải sợ chữ biết như sợ cây roi của bà già chú vậy.

 

Thằng nhỏ cụt hứng, hơi giận, mấy hột mụn mẩy lên trên gương mặt đỏ rần, nó mai mỉa:

 

- Bắt bẻ nhau từng chữ chi vậy ông ơi. Đây nè (dằn ly xuống bàn cái cộp), ly nước này không lẽ tôi nói là không biết, cà phê mà không biết, chết sướng hơn.

 

Ông già ngẩng lên, tựa hẳn vào lưng ghế, nét mặt bao dung, ôn tồn hỏi:

 

- Vậy chú có biết ly cà phê này có mấy phần là bột bắp, biết mùi cà phê này tự nhiên hay chỉ là hương liệu, cái đắng này tự nhiên từ những trái cà phê trồng trên rẫy hay do người ta bào chế ra?

 

Thằng nhỏ bỗng nghĩ giờ nó là con thỏ. Ông thợ săn đang chờ đó, ánh nhìn giễu cợt, a ha mày chạy đâu cho thoát tao. Nhưng nó là thỏ, nó phải vùng vẫy.

 

- Vậy ông biết cái bông đó không?

 

- Không biết - tưởng gì, con thỏ lại chạy vô bụi bông vạn thọ ở hiên nhà bên kia hẻm, ông thợ săn hơi mỉm cười - thấy quen thôi, thứ bông vạn thọ này hồi má tôi còn sống, tết nào bà cũng gieo vàng cả một vạt sân, đẹp vô phương. Nhưng tới lúc già như vầy tôi chưa biết nó có bao nhiêu cánh, bao nhiêu nhụy, nở trong bao lâu thì rã...

 

Thằng nhỏ tiu nghỉu nuốt nước miếng thở dài, bữa nay mất hứng gì đâu. Sáng mới chải đầu xong thì má nó càm ràm, riết rồi muốn gặp mặt con phải thức thiệt khuya, dậy thiệt sớm, nuôi con lớn bằng này, con đi nhận thiên hạ bằng má... Má thằng nhỏ đang giận, hôm qua bà nhìn thấy con trai rứt ruột, con trai thương yêu của bà hì hụi rửa chén giùm con bồ nó, trong căn nhà cách đây chừng trăm bước. Bà cảm giác mất con rồi, mất từng ngày, khi nó chở bồ đi chợ, nó vô bếp nhà người ta phụ nấu nướng, nó nằm dài nhà người ta coi phim trong khi phim ở nhà cũng giống hệt. Có bữa gánh trái cây ế về ngang, thấy thằng con múc nước cho con nhỏ gội đầu, bà muốn quăng gánh bên đường cho rồi.

 

Thằng nhỏ đâu biết, nó tưởng má nó lớn tuổi nên đổi tánh khó khăn, nên bà vừa định há miệng rầy rà là nó bỏ đi. Bữa nay không chạy khỏi vì chiếc xe đạp bị tuột sên, chắc nhỏ em phá “để anh Ba khỏi đi chở gái”. Nuốt giận ra tới quán cà phê, vừa mới vui, vị đắng mơn man trên môi, trôi chưa khỏi cổ họng thì gặp ông-già-không-biết này, đúng là rủi quá. Thằng nhỏ than thầm.

 

Nhưng bây giờ mà nín thinh luôn thì mất mặt với mấy người quen đang ngồi quán sáng nay đang thích thú theo dõi cuộc tranh cãi, nhất là có anh rể của con bồ đang tủm tỉm cười ngồi cạnh nó đây. Giữa cuộc giằng co vậy mà con em còn chạy lại kêu “chút nữa anh Ba về sửa cái máng cho má hứng nước mưa uống, khỏi tốn tiền đổi”. Thằng nhỏ gạt ngang “từ từ tao về”. Vài phút sau đó con bồ nó trên đường đi làm móng tay ghé lại dặn “chút nữa anh lại đóng giùm em mấy cây đinh máng khăn, hén”.

 

Thằng nhỏ cố cười tươi gật gật đầu, nói để đó cho anh, nhưng bụng tính cách phản pháo ông già, mót chút vinh quang khi rời quán. Bằng bất cứ gì trong tầm mắt nó, từ gói thuốc lá, chai nước ngọt đến đôi dép mòn lẹm gót, cái nón nỉ bạc màu của ông già. Ông vẫn khăng khăng nói không biết, nhìn thấy hay nếm được hay cầm trong tay, ôm vào lòng, chưa chắc biết. Chữ của ông già là “thấy quen”, “nó gọi là”. Vờn nhau chán chê ông với tay hái trên trời xuống một câu choáng váng:

 

- Chú em vẫn không chịu sợ chữ “biết” hả? Vậy má chú đó, chú biết không? Biết bà nghĩ gì không? Vui hay buồn, thảnh thơi hay rối bời? Bà có đang thương nhớ ông nào?

 

Mất sạch kiên nhẫn, thằng nhỏ rít lên:

 

- Chớ ông không biết con mình?

 

- Không - ông già rút một ngàn đồng dằn dưới đáy ly trà đá cạn queo - tôi quen tụi nó.

 

Ngón tay trỏ quèo nón sụp che lại ánh mắt nhìn xuống tối rười rượi, ông già nắm chặt xấp vé số trong bàn tay xương xẩu, đứng dậy đi. Ai đó hình như từng hỏi han ông già, ngậm ngùi nhìn theo, ông đó nói phải à mầy, nuôi con biết đâu được cái ngày nó hắt mình ra đường chan dầm mưa nắng.

 

Ừa ai biết được... Bảy mươi ba buổi sáng sau, nơi quán cũ, thằng nhỏ tiu nghỉu ngó con bồ nó ăn mặc mong manh ôm sát thằng con trai khác lượn chiếc SH ngang qua, ai đó cà rỡn “biết nhỏ đó không mậy?”.

 

Thằng nhỏ gầm gừ trong cổ họng: “Không biết, thấy cái rốn quen quen...”.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 21-6-09
Dùng bản Tư gởi