biên sử nước

tiểu thuyết

Nguyễn Ngọc Tư


 

chương 2

những thở dài mang vị muối

 

Không còn gì ở đó. Chiếm đóng sân lễ là nước, và bóng tối. Thứ bóng tối đặc, ăn ngập vào sình nhão bên dưới mặt nước. Lớp đất cứng đã bị lấy đi. Họ giữ một cái bờ ngăn không cho sông tràn vào những bãi đất đang đào dở, nhưng giờ nước ở mọi nơi. Đó là sau khi họ bới từng viên gạch, vét cả vụn bụi của đôi rồng đúc xi măng, lư hương đá, cột đèn thờ. Cái sân lễ họ đã từng quỳ mọp, và rồi họ bới mọi thứ lên, rưng rức hôn lên chúng, lạy tạ, bảo sẽ thỉnh về phụng cúng như linh vật. Ai đó đã gãy xương đòn vì cố giành giựt chút rễ của cây sứ trắng. Không biết trên ban thờ đoạn rễ đó một ngày họ dâng mấy lượt khói nhang ? Không biết hôm mình lên trời có bao nhiêu ban thờ đồng loạt phát sáng ?

Vẫn nhớ lần hoa cuối. Trắng rộ trên những cành nhánh cùi hủi, trơn trụi không chiếc lá nào. Cũng không phải vì thích mà ngắm chúng, nhưng ngồi trên ngai ngó ra sân lễ chỉ cây sứ trăm tuổi trong tầm mắt. Nó phải ở đó từ trước khi cù lao có người ở. Cánh dày, cỡ hoa đều y như chế tác từ một khuôn ra. Rụng là cách duy nhất phân biệt với hoa giả. Hương thơm cũng có thể làm giả như thường. Nhớ những người đàn bà lần đầu đến hầu buồng Thượng hay dáo dác tìm cây nguyệt quế. “Mùi của nó ngay đâu đây”, các cô nói. Rồi các cô bẽ bàng nhận ra mùi hương thật thà kia đôi đèn xông tinh dầu đặt ở góc buồng.

Trắng. Hệt như cánh sứ. Và đục, da thịt những người đàn bà đó. Da thịt ngậm nước cơm vo. Bật lên trên chiếc giường trải lụa đỏ. Có miết cách mấy thì những da thịt không thể trong được chút nào. Nhiều lần nhễ nhại, tưởng họ sắp tan thành nước, nhưng gạt lớp mồ hôi gai mặn đó ra, da thịt chừng như đục hơn. Và trắng. Như bông sứ.

Giờ thi thoảng nghe họ xối nước. Báo nói ảo giác. Như tiếng chó sủa, bước chân loẹt xoẹt ngoài hành lang, tiếng ho đêm của đội tuần tra, đám người nửa đêm giành vị trí hàng đầu ở sân lễ. Ở đó thì họ mới thấy mình thật rõ. Là gió”, Báo nói. Nhưng không nghe được gió. Ở cái cù lao trống hoác, khó mà nhận biết có thứ như gió tồn tại. Không có tấm tôn sút đinh để giật giũ từng chặp, không có quần áo phơi trên sào cho gió thao túng, không ngọn cỏ nào ngã rạp. Họ mang mọi thứ đi, không chừa gì. Gió, nếu như lời Báo nói, có thật thì là thứ gió vô hình không tăm tích.

Không tin được Báo. Nó gạt phắt chuyện những thở dài quãng gần đây kéo về ngày một đông, dậy động. “Ma còn không có, kiếm đâu thở dắn dài”, nó nói, cằm hất ra bóng tối ngập đến tận ngoài sông. Nhưng thứ âm thanh đó tra tấn ta mỗi đêm. Một rừng thở dài. Một biển thở dài. Khô rát. Cộc cằn. Thèm nghe nói chuyện. Lời gì cũng được, tục tĩu hay vô vị, hay chỉ là những chào hỏi vẩn vơ. Hoặc tiếng thét đau đớn của đám người trộm cướp bị đánh roi ngoài sân trước. Cắt vào chuỗi chửi rủa phun ra từ những cái miệng tội nhân mặn máu, là tiếng roi đuôi cá đuối rách gió, và giọng Báo, một chất giọng điềm đạm đến rợn người, “một cục đất của cái cù lao Lẻ này cũng là của Đức Ngài, sao tụi mày dám ?”.

Những lúc ấy ta ngủ lơ tơ mơ trong ngai, hoặc trầm luân cùng những thịt da ngậm sữa. Vàng đã được Báo tẩn mẩn coi chừng. Đèn từ ngoài sân vói qua cửa phòng, khảm ánh sáng lên những hõm lưng. Không có đèn thì đất cù lao vẫn sáng. Vàng khiến nó sáng. Thứ ánh sáng khiến chúng ta không thể ngủ được chút nào vào những đêm đầu tiên khi vàng phát lộ ngoài rẫy. Nhắm mắt, vàng vẫn chong rờ rỡ.

Họ đem ánh sáng đi. Vàng cũng vậy. Cù lao bị bóng tối hực vào khoảng bụng vô tận của nó. Kể cả những thở dài (ngày càng cộc cằn), cũng tối. Lâu rồi không còn thấy mưa. Tiếng mưa chắc dễ chịu hơn tiếng thở dài. Sấm chớp giật giũ dễ chịu hơn tiếng thở dài.

“Cô Long sắp về”, Báo nói, tay khẩy một tàn thuốc tưởng tượng. Thuốc trong túi nó đã cạn sạch từ lâu. Có thể nhận thấy Báo đang phấn khích. Nó không thường vậy. Không nhớ cô Long là ai. Nhưng cái tên man mác vị muối trong lổ rún. Vị muối mới quen thuộc làm sao. Những cái rún, cũng vậy. Nhớ được hương vị đó, nhưng không thể nhớ được một cái tên nào, nhịu lẫn hết rồi, càng nghĩ những thở dài càng thấm hút hết không khí chung quanh.

Chẳng hiểu sao vẫn muốn không khí. Mỗi trái tim thôi thì cần gì thứ đó. Sự sống không hít thở mới có thể dài tới ngàn năm. Một ngàn năm, họ vẫn quỳ trước mình? Không nhớ gương mặt của người đem buồng phổi đi. Nhưng ông già đã thỉnh đôi mắt ta thì khó quên. Khóc nức nở, ông già dập đầu vào cái chân giả của chính ông, mếu máo nói ơn này ba kiếp không tạ nổi. Lúc Báo gói đôi tròng mắt đem đến ông, lão ta đái ra quần, chết ngất. Co rúm nằm đó, gió lật vạt áo ông lất phất, để lộ một vết cháy bằng bàn tay.

Ông già tới trễ quá. Chẳng còn gì để ban cho. Vàng đã cạn kiệt đời thuở nào rồi. Những người tới trễ chẳng kiếm được dù là rễ của cỏ cây, hay một nắm đất. Rồi một người mọp đầu hỏi xin một vài móng tay, lúc này được nuôi dài, cuốn cong lại. Kẻ đó nhắc ta rằng nhục thân cũng là món quà, nó đáng được thờ phụng hơn cả.

“Nghe nói không có xác Chúa trong mả Chúa”, Báo nói. Những khi nói ra những gì ta đang nghĩ, mắt nó rợ lên. Ngờ là có con dao trong đó. Nó định làm gì với đôi dao giấu trong mắt ? Sao bao lâu rồi, ánh dao không gỉ sét chút nào ? Một ngàn năm nữa, Báo vẫn quỳ trước mình, với con dao đó ?

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 5-2-2021