Bến Tre

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Cứ mỗi lần qua Trung Lương, tôi hay nghĩ, chỉ cần rẽ vào thành phố Mỹ Tho, qua một chặng đường, là tới một bờ sông. Qua con sông đó, tôi sẽ gặp Bến Tre. Tôi sẽ được về nhà.

Cái ý nghĩ đó gây cho tôi một cảm giác lạ lùng, chẳng có mối quan hệ ràng ruột nào ở đó, chẳng có giọt máu, đốt xương nào của tôi, của những người thân tôi ở lại trên mảnh đất đó, vậy mà vẫn thương, một cách kỳ lạ, vẫn nghĩ rẻo đất hẻo lánh kia là quê, là nhà mình.

Mà ngộ, tôi không biết Bến Tre. Cẩn trọng với từ “biết”, bạn chơi cùng nhau mười năm, tôi không dám nói biết, ở trên đất quê mình ba mươi năm, tôi ngập ngừng chưa biết đã biết chưa, huống chi, chỉ hai lần tôi đến Bến Tre.

Bến Tre lần đầu, tôi ngơ ngác như một cô dâu mới, con phà Rạch Miễu chạy chậm như chiều. Một chuyến phà thong dong, người ta bỏ ra khỏi xe, ngồi ngắm sông, người ta cười nói chậm, đốt thuốc và nhả khói cũng chậm rì. Thời gian như ngưng đọng, trên gương mặt người, trên giòng sông, trên cái cồn đất xanh rì cây trái. Suốt ba ngày sau đó, tôi chỉ biết Bến Tre có cái quán cháo cua đồng, nấm mối xào ngon rụng rún, sông Hàm Luông thì buồn lắm, đi mãi đi mãi mới gặp được một con tàu ngược nước. Sông chảy cũng chậm, dịu dàng. Người say chậm. Yêu chậm và tỏ tình chậm.

Lần thứ hai tôi qua phà Rạch Miễu, mưa và đêm tối mịt mùng. Xe mượn nên xe lạ, đất lạ, sông lạ, cả mưa, cả người cũng lạ. Đứng gần tôi có một bà mẹ trẻ đang cố giữ ấm cho con bằng chiếc khăn choàng mỏng. Đứa bé thì cố ngọ nguậy chui ra để nhoẻn cười với mọi người. Một dì khoác tấm cao su trên vai như Thi Sách sắp ra trận trong tuồng “Tiếng trống Mê Linh”, tôi đoán là dân buôn bán, vì bao đồ ngồn ngộn được ràng phía sau xe, âu yếm hỏi tôi, ăn mặc phong phanh vậy có lạnh không con? Tôi thưa rằng không, trước câu hỏi đó, tôi có lạnh vì mưa xiên qua phà, lay lắt. Nhưng bây giờ tôi ấm như đang ngồi trước lửa, và trong cơn chếnh choáng như lần uống rượu đầu đời, tôi gật đầu khi một chị hỏi quá giang về ngã ba Tân Thành.

Sau này, nhớ lại, tôi buồn cười. Đi một đoạn, mới sực nhớ chị ta bịt kín mặt, không biết là người tốt hay người xấu, không biết đoạn đường trước mặt có đèn hay tối tăm, có mũi dao nào rởn lạnh chỉa vào lưng ta, và người ấy có cười khà khà, cầm túi và xe (mượn) của ta chạy mất. Ý nghĩ đó càng ngày càng riết róng, nên vừa đi vừa phấp phỏng. Đằng sau, chị hồn nhiên kể chuyện mình, một người Bến Tre trôi giạt đất Sài Gòn, mai là đám giỗ ba chị, tôi canh chừng cái túi mình, nhát gừng ừ hử. Rồi chị xuống ngã ba đón xe ôm về Tiên Thủy, tôi vào thị xã. Tôi thấy không mất gì mà đau xót như đã mất gì. Mất trước khi gặp chị trên chuyến phà đêm đó, mất lòng tin.

Chuyến phà, nụ cười của đứa bé, dì “Thi Sách”, chị phụ nữ không gương mặt, không tên tuổi ấy, cũng là một phần của nỗi nhớ tôi. Một nỗi nhớ mơ màng và mỏng, dai như tơ nhện. Hay nó chỉ là cảm giác. Như một mảnh gió bị lá cây xé vụn, những vẫn còn đủ ướt lạnh, khi lướt qua da ta làm se những lổ chân lông, cay mắt, và rùng rùng từng đốt sống trên lưng. Cảm giác thanh sạch về một dòng Hàm Luông trong vắt, hiền hòa, dịu dàng, lừ đừ. Cảm giác bình yên như những con đường nhỏ hai bên phủ đầy cỏ chạy mê miết dưới những vườn dừa mê miết. Cảm giác ấm áp với những người bạn ít nói hay cười, từ tốn, nói câu nào chắc câu ấy, không giao đãi à ơi. Cảm giác thơm thảo như mùi nấm mối nướng rợp cả góc vườn bên sông. Cảm giác ngây dại, hồn nhiên khi rượu Phú Lễ ngấm vào lòng. Và tuổi thơ thiếu thốn nào dậy lên khi ngậm lại cục kẹo dừa ngọt lừ, béo ngậy.

Khi tôi ngồi ghi lại những cảm giác rời này, tôi nhớ câu nói của Tài, “Người ta tốt đến nỗi mình thấy mình không xứng đáng. Bến Tre dễ thương. Xuống đó gặp toàn đực rựa, nhưng về nhà viết mấy bài thơ... tình”. Tôi nhớ lúc ông sếp tôi buồn, căng thẳng, lúc đau, lúc bị những đồng chí của ông xiên tên vào lòng, ông hút thuốc nhiều, và ngó ra ngoài cửa, chép miệng, “nhớ tụi Bến Tre quá chừng...”. Cũng ông, mỗi khi vui, ông lại nhắc, phải có mấy đứa Bến Tre ở đây... Tôi nhớ lời Duyên khi từ giã Bến Tre rồi, “mưa ở đó cũng hiền”. Tôi nhớ tới lời bài hát, “Uớc gì đang trắc trở. Gặp nụ cười Bến Tre…”.

Nhưng cụ thể Bến Tre là gì, tôi không biết. Kỷ niệm gom lại thì cũng một chuyến đi chơi sông, đám bạn bè nhổ tôi từ quán này trồng qua quán khác, từ cháo cua đồng qua nấm mối, cháo vịt. Những con đường nối tiếp những con đường đưa tôi đến một đám cưới rộn ràng. Chú rễ cười xòa như năm trước cười tiễn tôi, đường dài, thẳm nắng. Những chiếc phà chậm rãi cắt ngang những dòng chảy chậm. Chôm chôm chín đỏ, chất vun trong những cái cần xé để bên đường. Những ông bà già nhảy tango trong sân nhà văn hóa. Rượu Phú Lễ trong vắt, sủi tăm. Một người viết lớn càng thu mình càng lồ lộ ra, con đường hẻm heo hút, ngôi nhà nhỏ, vườn dừa… không có gì che chắn được sự phát sáng đó. Những người viết trẻ hơn ngà ngà đọc những câu thơ cũ, xếp bằng ngồi mời rượu nhau ở hàng ba nhà của một nhà thơ nghèo, sau lưng là tấm vách bằng mê bồ trét cứt trâu, những tấm vách “che bề nào cũng gió”. Và căn gác trọ, có ông già ‘tiếp tân”vui tính, chỉ còn vài chiếc răng lơ phơ, duyên dáng kể chuyện đời mình (cũng) bằng thơ, vẫn nhớ phòng số 5 mà tôi từng ở, để lần sau nữa, ông lại trao cho tôi chìa khóa phòng số 5… Tôi nhớ được cũng chỉ vậy, viết trôi chảy cũng chỉ vậy. Những cảnh như vầy có thể gặp ở bất cứ đâu trên vùng đất Tây Nam Bộ này, nhưng cái cảm giác Bến Tre thì không lẫn vào đâu được.

Cảm giác của một người đứng trước sông. Giải thích về sự hiền hòa, ngang tàng, trầm tư, hào sãng và cởi mở của Bến Tre, tôi chỉ biết lấy cái tâm thế đứng trước sông của Bến Tre ra mà nghĩ. Quay mặt về đâu cũng sông, đi đâu, ngó đâu, Tiền Giang hay Vĩnh Long, Trà Vinh cũng có những dòng sông vây bọc, sông rẽ đất mà chảy, cắt những cù lao để trọn một vòng tay mà ôm lấy cù lao. Phía còn lại là biển. Bến Tre như một người ngồi thiền định trên một lá sen, tâm trong trẻo róc rách tiếng nước đang lên. Một miền Tây thu nhỏ ít phai lạt, nhiều cảm giác.

Và vì nó nhiều cảm giác, nên tôi không biết thể hiện, cụ thể hóa bằng câu chuyện của mình như thế nào. Viết lại cảm giác là một điều không trọn vẹn, ít nhiều dang dở. Huống chi là chia sẻ, bởi hầu như không thể chia sẻ một cảm giác mà ta đang có. Nên mỗi khi nghe bạn xa bảo sẽ đi miền Tây, tôi mời bạn đến chỗ tôi, tất nhiên rồi. Và Bến Tre. Thông cảm cho tôi, cứ mỗi lần khách đến, tôi căng như người vào trận đánh. Làm sao cho khách ấn tượng mạnh, thương nhớ dài lâu, làm sao khách còn quay lại một vùng đất không có cảnh quan hùng vĩ, tú lệ. Làm sao người nhớ ta như ta đã từng nhớ người. “Ra trận” chỉ những món ăn ngon lạ lùng, những cánh rừng ngập mặn mênh mông, những dòng sông mùa nào cũng đầy nhóc nước, những con rạch quanh co, những chiếc xuồng ba lá chao trên mặt nước mong manh… “Ra trận” còn có những con người, mà tôi nghĩ cũng là những kỳ quan. Và người Bến Tre với tính cách sánh đặc, nồng Tây Nam Bộ sẽ làm choáng váng, ngất ngây khách lạ. Tôi cũng là dân miền Tây, gặp Bến Tre còn thấy ngẩn ngơ, thấy ngọt ngào nữa mà.

Thông cảm cho tôi, một người tầm thường của vùng đất bị quên lãng, bởi chiến tranh, bởi trắc trở địa lý, bởi những vướng bận vụn vặt đời thường. Khó khăn, lâu lắc lắm khách mới đến được, cũng khó khăn và lâu lắc khách mới trở lại, dịp để gieo thương nhớ, lỡ không kịp, biết còn có lần sau?

Thông cảm cho tôi, bởi cái cảm giác Bến Tre tôi không thể cứ ôm ấp mãi, tôi cần người để nói, Bến Tre dễ thương hen, để nhận được sự đồng tình, “Ừ, Bến Tre dễ thương”. Để nhìn vào họ, thấy niềm vui ngọt lành nhói lên trong mắt, thấy ký ức mơ màng trở về những chuyến phà.

Chuyến phà mang vẻ mặt cô gái sầu muộn làm cho nhịp sống đô thị ngẩn ngơ, dừng lại bên kia những con sông. Quãng thời gian nó chạy lòng vòng qua những cái cồn xanh um cây trái đủ để người ta rũ hết bụi đường. Và hít thở gió sông, và thấy lòng lành những vết. Và khi tách bờ Bến Tre, chuyến phà bỗng trở thành cô gái đang hò hẹn, một chút bâng quơ, một chút nhớ, và chút gì đó tuyệt vọng… Bởi qua bờ, lưu lạc trên đất khác, quay lưng lại với sông rồi, kẻ còn sông trong lòng thì vẫn nồng Bến Tre, nhưng cũng nhiều người lạt đi, phai đi. Bởi qua bờ, cuộc sống ồn ào chen chúc, sự mệt mỏi ngay lập tức ập vào, và khi ngoái nhìn, Thương đã mịt mù xa, như ở một thế giới khác.

Bến Tre, rốt cuộc chỉ còn là những cảm giác. Mềm, ấm và ngọt ngào.

Và câu chuyện về nó được viết lên bởi một người viết vụng về, cũng không sao tránh khỏi rời rạc và chắp vá, nó không phải một bài bút ký thông thường, theo khuôn mẫu thông thường, tôi đến, tôi đi lòng vòng, tôi thấy, tôi về. Bởi tôi không đến, cũng không đi đâu, không thấy, và tôi không về. Tôi ở dưới mặt đất, cảm giác trên ngọn dừa, những con đuông dừa rúc vào nách lá non, và trong tổ chim vắt vẻo, những con sẻ nhỏ đang khẻ mỏ chui ra khỏi trứng. Tôi ở bên một con sông, cảm giác bờ kia đang liêu xiêu bông bưởi rụng trên những chiếc lá mục trong vườn. Tôi soi mình xuống nước, cảm giác dưới đáy sâu kia phù sa đang nhảy múa, dịu dàng.

Tôi đang phân bua với mọi người tại sao tôi là một người miền Tây lạt, vì những dòng sông quê tôi đều ở sau lưng tôi. Hay sông luôn ở trước mặt, nhưng tôi đã quay lưng lại ?

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 1-11-07
Dùng bản Tư gởi