Bên sông
 

Tạp văn


Nguyễn Ngọc Tư

 

Chiều ấy không có gì bất thường, trừ việc đứa cháu nằm dài coi phim Hàn Quốc, thấy đôi trai gái đẹp hẹn hò ở một nơi quá đẹp, con nhỏ thở dài cái thượt, thắt thẻo, “Được đi nước ngoài chơi chắc đã dữ lắm, ha dì. Mà trời ơi, biết chừng nào mình mới có tiền…” Cô đang nấu cơm, hơi quạu, đáng lẽ con nhỏ phải vô bếp tiếp mình, mà nó lại nằm đó nói chuyện tào lao. Ra sàn nước ngồi rửa rau, cô ngó sông, con nước rong đang dâng lé đé thềm nhà, cô hỏi, bỗng dưng, “Nhỏ, hồi nào giờ có qua bên sông không? Bên sông có cái gì?”.

 

Nhỏ cháu nín thinh, nó ngơ ngác, hoang mang, trong một chốc, nó thấy mảnh đất bên sông còn xa xôi hơn cả nước Hàn Quốc xa xôi, ít ra, nó biết ở Hàn Quốc có tuyết rơi trên những hàng cây xơ rơ, có những ngọn núi, những công viên cây cỏ xanh rời rợi. Nhưng bên sông thì nó không biết, vì ở đó chẳng có họ hàng, bạn bè nào, và vì dòng sông ngăn trở. Lúc còn trẻ con, người lớn không cho qua vì sợ rủi ro sông nước, lớn lên, mối quan tâm của con bé cùng lắm là đến giữa dòng, nó còn không biết nhận biết nước rong. Cô cũng vậy, cũng hoang mang, mình đã nghiên cứu đến nền dân trị của Mỹ rồi mà ngơ ngác trước câu hỏi chiều nay. Câu hỏi không chỉ cho đứa cháu gái vô tư kia, mà cho cả cô, riêng cô, vì cô.

 

Có gì nơi đó, nơi chỉ cách bờ bên này một dòng nước bạc, chừng hai mươi nhát chèo?

 

Hôm sau, cô bước chân xuống đò, sang sông. Cô ngó lại, thấy nhà mình kia, thấy rõ ràng mấy khăn treo phơ phất. Ngó lại lần nữa, cô hớt hãi khi nhà mình bỗng dưng mù mù xa xôi. Bởi cô đang ở một thế giới khác rồi.

 

Một con đường nhỏ chạy dưới bóng những cây gòn, những bụi tre gai. Và tiếng gà trưa vọt lên khỏi những hàng bông bụp tỉa thưa, rơi từng giọt. Những ngôi nhà lọt thỏm giữa sân, vườn, rêu mọc trên mái ngói Tây. Lúp xúp sát bờ sông có mấy cái trại xuồng, tiếng bào loẹt xoẹt, dăm bào lún phún tràn ra con đường tráng xi măng hằn nhiều dấu chân chó. Dọc theo xóm một quãng, chân bước ngẩn ngơ, tưởng mình đã vượt mười lăm cây số về đến quê mình. Cũng tiếng người thưa thớt lâu lắm mới nghe ới lên, cũng bầy trẻ con nhảy cò cò mé lộ, cũng ngôi nhà có hàng lơn nước đằng trước. Dưới cái chòi che tạm có con bé ngồi bán rổ củ sắn, mận ổi đã chớm héo, đằng kia, xập xệ quầy bán hột vịt lộn, chuối nướng. Ghé lại chỗ bà cụ bán bánh chuối chiên, hỏi con cháu đâu mà già chưa được nghỉ ngơi, bà cụ cười, “mới gã con Út về bên chợ”.

 

Cô ngó theo hướng bàn tay run rẩy, bỗng mắc cười, thấy mình đang xúng xính trong vai “người bên chợ” qua chơi, thấy con sông thật trớ trêu. Bờ bên kia rộn rịp phồn hoa, xe cộ đông như kiến, nhà cao tầng chen chúc nhau cố giành lấy một mảnh trời. Người ta ăn mặc đẹp, người ta bày tràn ra cả lề đường những món ngon lành, lạ mắt. Bên này, nhịp sống lừ đừ, người đàn ông đang chậm rãi vãi lúa cho gà ăn coi bộ không biết thời gian đang dồn đuổi chiều tới nơi rồi. Và khói nhì nhùng trong những gian bếp tối, và những người già đã sống gần hết đời mê mỏi, nằm đưa võng trước hàng ba, tuềnh toàng trong những bộ bà ba cũ kỹ. Trên sân trải phơi đống củi mục ngấm nước thâm sì, chắc là được vớt từ sông, còn những mảng rào thưa thì làm từ cây vụn lượm lặt từ các trại xuồng.

 

Con sông rõ ràng chẳng rộng là bao, bởi đứng ở đôi bờ có thể ngờ ngợ mặt nhau. Vậy thì sông phải rất sâu? Có sâu lắm, sâu đến vô cùng nên mức sống, nếp sống, mới cách biệt như vậy. Đêm đêm cái rẻo đất hiu hắt bên sông này vẫn thấy bờ kia lên đèn rực rỡ, vẫn nghe tiếng xe cộ dập dìu, nhưng ngóng hết đời người này đến đời người khác, nhịp sống đô thị đó vẫn là một cái gì rất xa xôi. Và cô, mỗi tối, vẫn nghe vọng từ bên sông tiếng những người đàn ông say cãi nhau, ai đó ca cải lương, heo sục vào cái máng không thất vọng kêu la chói lói, và khi ra phơi áo ở sân sau, nhìn ánh đèn vàng vọt bên kia, tự hỏi, bên đó có gì?

 

Cô mất hai mươi tám năm ròng mới qua được bên kia sông, nhưng có là gì so với bà cụ bán bánh chuối chiên kia, hết đời người, bên sông vẫn là một chỗ xa lạ, cao vời, chẳng thể nào với tới. Con gái bà đã sang bờ, và chiều chiều ra đứng cửa sau ngó sang, bỗng bùi ngùi như đã đi quá xa xóm cũ, nhà cũ.

 

Sau chuyến ấy về, cô bị ám ảnh bởi dòng sông. Ngồi viết cũng nghĩ mình như đang ở bên một bờ sông nào đó, cút côi, chẳng cây cầu, con đò nào đưa người đời đến với mình. Lại thấy bạn bè đứng ở một bờ sông khác, cô có thể cảm nhận được họ nói cười, họ sống cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản, và mình ngóng về bờ đó một cách tuyệt vọng vì biết chẳng bao giờ được vui cùng.

 

Sau này, đi… nhậu cô cũng nghĩ về sông. Thường thì cuối tuần cô với ông anh trai sẽ có cuộc hẹn ở quán… nhậu. Thường thì cuối buổi nhậu đó, cả hai sẽ nhắc tới chị Hai. Cái món này ngon quá, phải chị Hai ở đây, chị sẽ thích lắm. Chị Hai không biết uống bia đâu, chị chê đắng ngét, không ngon lành gì hết. Cái quán này đẹp thiệt, uổng cho chị Hai chưa tới lần nào. Mà, biết tới bao giờ cả ba chị em mình mới ngồi nhậu với nhau?

 

Sau câu nói đó là một nốt ngậm ngùi. Sau câu nói đó thì hình ảnh chị Hai hiện ra, với tất cả vẻ tất tả, nhọc nhằn. Giờ này, chị Hai chắc đang lui cui dọn quán, chùi xoong, rửa ly, chén, cẩn thận đếm những tờ giấy bạc nhăn nheo, toan tính cho bữa mai, phần nào cho con đi học, khoản nào mua cá, mua rau. Hơn mười năm trời, chị Hai chưa bao giờ được ngồi quán nhẩn nha thưởng thức cà phê, nghe nhạc, nói gì đến la cà nhà hàng này, khác. Bỗng dưng bia đắng, mồi lạt, bỗng dưng thắt lòng, như có con sông nào chảy giữa chị Hai với mình.

 

Bên bờ của chị Hai, còn có em bé bán đậu phộng luộc, với cái giọng ủ ê và đôi mắt ủ ê, cái áo trắng của em đã lấm lem, trên áo, thời gian đã ngưng đọng lại hàng chữ thêu “lớp 3A”, còn có người bán vé số ngồi nắn bóp đôi bàn chân mỏi, khoảng nối với khúc chân giả đã chai, còn có cô gái phục vụ bàn mướt mồ hôi mà vẫn gượng cười. Quán nhậu chật chội, hẹp te mà sông vẫn chia cắt người với người. Và dĩa chim sẻ nướng muối ớt cũng bị đẩy về một bờ nào đó, nơi có những người nghèo khổ đến mức tận diệt thiên nhiên để đổi lấy miếng ăn.

 

Và những dòng sông vô hình vẫn cứ chảy miên man, xuôi ngược giữa đời, để người không gần được với người, để bờ này xa lạ, lơ đãng với bờ kia.
 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Lên trang này ngày 4-2-07
(Dùng bản Tư gởi)