Bánh trái mùa xưa
Tết một lần, cùng hai lần đám giỗ, cậu lại ra nhà người anh cùng cha khác mẹ với mình. Lành như củ khoai, lành như đất, lành như một người kém trí, như cái tên Út Khờ. Đi lần nào cũng quên vài thứ, không quên mang dép thì cũng quên đội nón, nhưng có thứ cậu không bao giờ quên mang tới nhà anh chị cậu, là bánh. Giỗ này cậu đem bánh bột đậu, giỗ sau cậu góp cốm ngào đường, tết thường có bánh kẹp cuốn, bánh bông lan, bột đậu. Những thứ bánh trái quê mùa, nằm vơ vất trên bàn thờ, giữa những món đồ cúng đẹp đẽ khác. Vơ vất như thân phận của cậu: con riêng của ông nội với người đàn bà khác. Anh chị và đám cháu không mê bánh nhà quê đó. Chỉ con nhỏ giúp việc nhà anh cậu là đón mừng nhiệt tình. Ăn một cái bánh nghe ngon nhức cả ký ức. Bánh của cậu gợi nhớ má nó đang nằm ho ở cái quê mị cà tha nào đó. Nó biết để có mớ bánh này, mợ (cũng hiền hậu thiệt thà y như cậu) đã phải nhồi bột đánh trứng từ hôm qua. Bột trứng dẻo nhẹo, cầm bàn chụp đánh mỏi nhừ tay, thì bột mới dậy, nở bung trong diệm, rồi được đem đi nướng. Than rực dưới đáy khuôn bánh, rải ủ đều trên cái nắp bằng gang nữa, cho hai mặt bánh vàng đều. Những mẻ bánh đầu hoặc khét quá hoặc chưa được vàng ươm như ý, mợ để lại nhà. Mớ bánh cậu mang đi phải là mớ bánh đẹp nhất, nuột nhất sau khi mợ trăn trở lửa trên lửa dưới. Mợ còn cắt giấy màu thành những sợi mảnh, rải vào keo bánh vừa để hút ẩm vừa trang trí cho đẹp. Cậu mợ không biết rằng ra khỏi xóm làng rồi, vẻ đẹp ấy trở nên lạc lõng, bơ vơ. Chị dâu cậu thường càm ràm, đã nói đem bánh trái ra chi mắc công, có ai ăn đâu… Cậu hiền lắm, nói mười hiểu hai, cười cười, cúng ba má mà đi tay không, coi sao được chị. Má con nhỏ giúp việc cũng thường nói vậy, khi lụi hụi chuẩn bị bột, nhân, lá để làm bánh này nọ đi cúng quảy ở nhà họ hàng. Cái hồi người ta chưa bán bột làm sẵn, má nó còn phải ngâm gạo nếp qua đêm, có khi ngâm với khóm cho gạo mau mềm, để xây làm bột. Làm bánh, nói gọn lỏn vậy mà có bao nhiêu chuyện lắt nhắt phải lo, đến nỗi tàu lá đem ra phơi nắng cho vừa héo để gói bánh, trẻ con cũng không phụ được, vì không biết cỡ nào mới vừa. Má nó lo toan hết. Chị em nó mười, mười hai tuổi đã được má dạy làm bánh, thành con gái rồi má nó vẫn lo “mấy đứa làm chưa khéo…”. Chị nó lấy chồng năm rồi, chuẩn bị cho đám gã, má nướng bánh bột đậu, bánh kẹp từ năm ngày trước. Một cái đám ở quê thường được nhắc nhớ bởi những món ăn ngon. Bây giờ người ta vẫn nhắc món bánh bò bông má nó làm hôm gã chị. Mịn và xốp, và những múi bánh như cánh hoa nở đều đặn, tươi tắn. Làm ra một món ăn ngon, hay một cái bánh ngon, thì đến lửa nhỏ lửa lớn mình cũng phải chăm chút nữa. Má con nhỏ giúp việc không nói vậy, nhưng nó tự học từ cái cách bà nắn nót rút bớt cây củi ra khỏi bếp, hoặc thêm vào mấy cục than. Hồi đó, mỗi lần má con nhỏ làm bánh là cả một cuộc hội hè. Ngoài những thứ bánh được gọi là sang chỉ có ở những giỗ, Chạp, hay dịp tảo mộ, còn có những tiệc tùng đơn sơ hơn, ít tốn kém hơn, mà vẫn thấm đẫm hương vị. Xay lá mơ tam thể với bột, đắp vào lá mít hấp lên chan nước cốt dừa, vậy là con nhỏ được ăn bánh rau mơ. Bột trắng cán bằng chai, xong xắt sợi thả vào xoong nước đường, bột chín nổi lên mặt nước vậy là thành bánh canh ngọt cho đám nhỏ sì sụp. Hôm nào có cá lóc thì má nó nấu bánh canh mặn. Rồi thì bánh chuối hấp, chuối chiên, bánh cam nhân đậu… Bột bánh ít thừa ra từ lần làm bánh trước, má nó đem treo giàn bếp, hôm nào mưa dầm bà đem chiên lên, chị em nó lại được gặm món bánh tổ nóng hổi. Con nhỏ giúp việc, lần đầu tới nhà chủ, nó khoe nó biết làm nhiều loại bánh, kể cả mấy loại bánh ngon hết xảy như kẹp cuốn, tai yến, tàng ong… tất nhiên là không ngon bằng má nó làm. Nhưng bà chủ phủi đi, nhà bà không làm bánh bao giờ, muốn thì bước ra cửa, thiếu cha gì món ngon, ì ạch làm gì cực thân. Bà cũng từng nói với thằng em chồng khờ khạo của mình câu đó. Và cậu Út hiền lắm, nói mười hiểu ba, lại nhoẻn cười bảo, nhưng vui lắm, chị. Con nhỏ giúp việc cũng từng nghe câu nói đó từ người mẹ của mình. Cực mà vui. Chỉ là không biết giải thích làm sao với người khác niềm vui sướng khi lấy từ khuôn gang nóng rực ra những cái bánh thơm lừng, ngui ngút khói. Mẻ bánh đầu đời đó, con nhỏ vẫn còn nhớ, những hạt đậu phộng rang nó ấn vào giữa cái bánh như một nhụy hoa, nhưng bánh nướng xong thì đậu rơi mất, bánh bột đậu trở thành bánh bột. Má nó nói phải học từ chuyện nhỏ xíu vậy, mới làm được cái bánh vừa đẹp vừa ngon. Ta chỉ cần ví cảm giác đó với cảm giác cô nghệ sỹ múa ba lê vừa hoàn thành một cú xoay khó. Kinh điển, với chỉ chừng ấy động tác, nhưng từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, người nghệ sỹ vẫn đổ mồ hôi để cố hoàn thiện nó. Nhưng cậu hiền đến ngớ ngẩn, nên chỉ có thể nói cực mà vui, để nhận được từ con nhỏ giúp việc một cái gật đầu đồng tình, đúng đó, vui. Người chợ thì nhăn mặt ngán ngẩm, nói gần nói xa mà không dẹp được vụ bánh trái quê mùa này. Cũng phải, dẹp cả một nền văn hóa thảo thơm đồng bãi, đâu có dễ…
|