Bà già vui vẻ

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư
 

Bạn thích đi mua sắm, thấy xao xuyến khi bước vào siêu thị, hăng hái chọn mua đồ cho chồng con (tất nhiên diện cho mình là ý nghĩ hàng đầu), là chuyên gia "thăm dò" hàng mới và trên đường về bạn luôn ghé đâu đó ăn uống, đặc biệt là ở lề đường?  Người cùng cơ quan nói tánh bạn đôi lúc hơi nhăn nhó khó khăn?...  Song, ba mươi năm sau, bạn sẽ biến thành một bà già vui vẻ, vui vẻ như tuổi mười lăm, mười bảy.  Bài trắc nghiệm đã nói vậy, rõ ràng. 

Bạn không tin.  Con nhỏ cũng đâu có tin, nhưng lạ lắm, nó bần thần, nó ngây ngất suốt những ngày sau nữa với cái kết quả trong bài trắc nghiệm kỳ lạ đó.  Ở tuổi sáu mươi, nó - một bà lão quậy tưng, suốt ngày cười ha ha với đám con cháu, thích ngao du, dù già sự năng nổ và ham thích mới lạ vẫn không thay đổi, thậm chí còn tăng (vì vào độ ấy, người ta nghỉ hưu rồi, rảnh muốn chết), những hình ảnh đó làm con nhỏ phấn khích.  Tự nhủ đừng có tin mấy trò nhảm nhí này, nó còn tệ hơn vụ bà thầy bói nói sắp tới nó sẽ gặp ý trung nhân, là mối tình đầu, là duyên kiếp trước (trong khi ta đã gặp vài ba mối tình đầu, thêm một mối tình đầu nữa, đã sinh cho anh ta một thằng nhóc rồi).  Rồi con nhỏ lại tìm cớ cãi lại, đâu có, tui thấy chi tiết hồi trẻ khó, về già sẽ dễ dãi (và ngược lại, theo kinh nghiệm từ ba và sếp, hai ông già đang khó tánh chịu hổng nổi) tin được quá đi chớ.

Con nhỏ, giống như một người đi trên con đường dài thăm thẳm, đã mệt ngất ngư, đã chớm chán chường, đã toan rẽ ngang, bỗng dưng phát hiện ra đằng phía mịt mù đó (có thể) có nắng và hoa.  Và cỏ xanh rờn...  Không chắc, nhưng dường như có một cái gì đó tươi đẹp, đang chờ mình.  Vậy thì ngu sao hỏng tin cho đời bớt nhọc nhằn đi.

Ngày đó, chắc là da con nhỏ đã nhăn nheo, nhất là hai bên khoé miệng, đuôi mắt (do cười quá nhiều !?), nhưng nó luôn giữ cho mình chỉn chu, tươm tất.  Và ngọt ngào.  Đám cháu luôn bảo, ngoại (hay nội) tánh tình như hồi còn con gái.  Với chúng nó, con-nhỏ-tuổi-năm-mươi giống như người bạn thiết.  Bà bạn già cởi mở, không cử nhử cằn nhằn khi tụi nó đi sớm về khuya (vì bà cũng từng đi sớm về khuya), tụi nhỏ dán poster đầy nhà, bà khen Bea Yoong Joon đẹp trai dễ sợ, rồi tế nhị bảo, phải Britney chịu khó mặc cái áo đủ vải thì dễ thương hơn nhiều.  Bà gật gù lắc lư xem MTV cùng bọn trẻ để sau đó rủ chúng nghe...  cải lương với mình.  Nói về máy vi tính, về Internet, về các sản phẩm kỹ thuật số, các trào lưu mới, bà già rành sáu câu.  Cả nhà toàn mặc quần áo do bà sắm sửa, vừa thời trang, vừa rẻ tiền.  Xem phim, những chỗ hài hước bà cười nghiêng ngả, chỗ tình tiết cảm động, bà già khóc như mưa (Có thể sao?  Vì ngay bây giờ con-nhỏ-tuổi-ba-mươi không dễ khóc cười khi mà cảm xúc đã sắp chai sạn vì nếm trải, hoài nghi).

Ngày đó, con nhỏ sẽ nối lại tình bạn bè xưa (vốn đã dứt lìa từ khi bận bịu văn chương, rối bù với công việc gia đình).  Vái trời tụi bạn cũng được trở thành những ông bà già vui vẻ.  Con nhỏ sẽ rủ bạn cùng đi du lịch, thăm thú đầu núi cuối sông, mỗi cặp chở nhau bằng Honda xuyên Việt (dường như cái máu khoái mạo hiểm hồi trẻ vẫn dào dạt trong nó), tưởng tới cảnh một sớm mai nào, dựng xe trên một đỉnh đèo lộng gió nhìn xuống biển xanh ngằn ngặt, mà thèm.  Ngót nửa đời, con nhỏ lủi thủi một mình với thế giới văn chương, ở tuổi năm mươi, nó muốn chia sẻ cuộc sống (vui vẻ) với bạn bè.  Chiều chiều, con nhỏ và bạn hẹn nhau ăn bún nước lèo, bánh xèo hay sáng sớm cùng tập dưỡng sinh và đá cầu ở công viên.  Nó sẽ mời bạn về nhà mình (bù lại nửa quảng đời trước nó không cho ai tới).  Chuyện nhà nhỏ nhà to, chuyện sang hèn với nó không còn quan trọng nữa, bạn tới, đãi khoai lang luộc chấm mỡ hành, sau đó hát karaoke, cũng vui thấu trời xanh.

Những gì mà con nhỏ hình dung ra, ngót một nửa là những chuyện mà suốt thời thanh xuân nó không làm được, không muốn hoặc không thể làm.  Ví dụ như nó sẽ đến trường, học cái gì đó vừa hay vừa vui.  Hoặc tìm ai đó...  Bao lần đi qua một vùng đất, bao lần nghe một cái tên hay ngửi lại mùi quen thuộc, là bao lần nó day diết nhớ một người (với nụ cười từng làm con tim chết điếng).  Rồi xe chạy huốt, rồi bận làm gì đó hoặc nghĩ tới truyện ngắn sắp tới, rồi nguôi, hồi trẻ là vậy.  Nhưng con-nhỏ-tuổi-năm-mươi thì không chịu, khi nào nhớ, nó sẽ lặn lội đi tìm.  Dù chỉ để nhìn nhau và móm mém cười.  Dù bẽ bàng nhận ra dáng xưa, mùi xưa, tóc xưa, tình xưa phai màu...  Về với cái tổ rối nùi của mình, ngồi uống trà với ông lão nhà mình trong buổi sớm mai, khi tụi trẻ đã lũ lượt ra đường, nhà vắng đến nỗi nghe con ong bầu vo ve phía hàng rào (ủa tới lúc đó nhà mình có ọp ẹp như bây giờ không mà thấy cái hàng rào tươm tất quá vậy cà, con nhỏ chợt nghĩ).  Trong khói sóng sánh, con nhỏ bỗng thương cái người đang ngồi trước mặt mình, trước giờ thỉnh thoảng nghĩ ông này già hơn ông kia, đâu phải nè...  Thật không công bằng khi so sánh ổng - người cùng với mình già đi từng ngày với kẻ trẻ hoài trong ký ức tuổi hai mươi. 

Những hình ảnh tung tẩy, nhiều màu sắc đã kéo cái ngày con nhỏ năm mươi tuổi thật gần.  Gần như thể ngày mai không phải làm việc cật lực, dậy sớm đi chợ làm cá nấu cơm, thức khuya để vật lộn từng con chữ; không cần nghĩ tới việc tìm một chỗ ngủ cho thằng con, rồi chạy trường cho nó; không cần lo vách nhà đã mục, sàn sau đã bị sóng đánh dạt mấy cây cột cặm, biết có chịu nổi mùa nước rong năm nay?  Và bệnh tật, và bất trắc...

Không phải, nỗi lo còn nguyên, cực nhọc còn nguyên, nhưng chúng không còn nặng nề, ngột ngạt trong lòng con nhỏ, dưới cái vầng sáng xanh dịu dàng hiện ra phía chân trời... 

Có khi bài trắc nghiệm đó chỉ giỡn chơi thôi, có khi tuổi năm mươi của con nhỏ cũng y chang như bây giờ, tất bật và tất bật (chẳng còn tóc để mà rụng, nên bới cái đầu tóc mượn chơi).  Có thể tới được cái viền chân trời ấy, không có khỉ khô gì, không cỏ hoa, chim chóc và ong bướm...  Nhưng đứng ở đó, ngoái lại con đường thật dài mà ta vừa đi qua, không thấy kỳ diệu sao?  không ngạc nhiên lắm sao?  không bật cười sao?

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Xuân Bính Tuất (2/2006)
Lên trang này ngày 26-1-06
(Dùng bản Tư gởi)

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư