Nghệ thuật sắp đặt của Nguyễn Ngọc Tư
Trần Thị Phương Hoa Lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe về Nguyễn Ngọc Tư là qua lời của một “đại gia” Việt ở Đông Âu, người đã vứt bỏ hết chữ nghĩa và quăng mình vào đường kinh doanh. Chúng tôi nói về tình hình các thứ ở Việt Nam, cả chuyện văn học nữa. Tôi kêu ca là ở Việt Nam dạo này có ít thứ đọc quá. Ông “đại gia” mới hỏi thế đã đọc Nguyễn Ngọc Tư chưa. Tôi cứ ngớ người ra ngạc nhiên vì văn chương của cô gái ở xứ xa lắc xa lơ nào lại có sức hấp dẫn khiến một lão chỉ mải mê kiếm tiền cũng phải xao lòng. Khi đó là chừng năm 2007, báo chí đã xôn xao khá lâu về Nguyễn Ngọc Tư với câu chuyện về Cà Mau gì đó. Tôi đã đọc lướt qua mấy truyện của Nguyễn Ngọc Tư nhưng không ấn tượng lắm vì với tôi Đoàn Giỏi hoặc Nguyễn Quang Sáng và hiện nay có Nguyễn Một chẳng hạn là đủ chuyện về Nam Bộ rồi. Phải thừa nhận các nhà văn Nam Bộ có lối hành văn hấp dẫn người đọc, nhất là các câu thoại, cách dẫn dắt truyện với ngôn ngữ dân gian hồn nhiên “như hạt lúa củ khoai” cùng sự hóm hỉnh và dí dỏm bất tận. Mà nói chung dân Nam Bộ rất linh hoạt về ngôn ngữ, cả văn nói lẫn văn viết. Họ sử dụng ngôn ngữ tự nhiên và duyên dáng đầy bản năng chứ không bí rì rì hoặc đôi khi khiên cưỡng như dân Bắc. Trở lại với cuộc chuyện trò về Nguyễn Ngọc Tư với “đại gia” nọ, tôi nói rằng Nguyễn Ngọc Tư rất là Nam Bộ với biệt tài ngôn ngữ có duyên khiến chúng ta phải ghen tị. Nhưng có lẽ tôi thích Nguyễn Việt Hà hay Phạm Thị Hoài hơn vì văn của họ “thành phố” hơn với những trúc trắc, khúc mắc và ngoắt ngoéo đầy cạm bẫy của cuộc sống đô thị, nhất là nó gần với giới nhà họ chí mà hàng ngày tôi vẫn tiếp xúc. Thế nhưng khi đọc truyện ngắn “Cái nhìn khắc khoải” và gần đây là truyện “Bà già đi bụi” trên trang mạng viet-studies thì tôi thấy có lẽ mình phải thay đổi quan điểm. Nguyễn Ngọc Tư không chỉ tài tình trong sử dụng vốn trời cho là ngôn ngữ dân gian đậm đà mà còn có tài về ..nghệ thuật sắp đặt nữa. Dường như cô đã nắm bắt được trào lưu của nghệ thuật đương đại trong việc sắp đặt và kiểm soát cảm xúc. Trong “Bà già đi bụi” Nguyễn Ngọc Tư đã sắp đặt một bà già trong mối quan hệ với một ông già. Cũng cần phải nói thêm rằng cái tài của các nghệ sĩ sắp đặt là sử dụng chất liệu cũ, đôi khi là truyền thống để tạo ra một hiệu ứng mới, một ý nghĩa mới. Chẳng hạn như Đào An Khánh rất hay sử dụng tre trong các buổi sắp đặt của mình nhưng đó không phải là tre của “cối xay tre nặng nề quay, từ ngàn đời nay xay nắm thóc”, mà đó là một tre khác, tre mới hoàn toàn, thoát hẳn xác tre cũ (mà mỗi người xem hiểu theo cách riêng). Đã nói đến sắp đặt là phải nói đến đồ vật. Nguyễn Ngọc Tư đã lựa chọn đồ vật rất điển hình cho đám ông già bà già. Này nhé, mở đầu là bối cảnh “gặp gỡ” trong mơ của hai ông bà già với cái cọ nồi, radio rọt rẹt (cực kỳ điển hình của những cụ ông thập kỷ 80, 90 của thế kỷ 20, làm con cháu điên đầu với tiếng chỉnh tần sóng nhức tai vào sáng tinh mơ hoặc tối khuya), muối súc miệng, cải lương, dầu gió... Tiếp theo là hành trang của một bà lão lên đường tìm người tình xưa, gồm có dầu gió, thuốc huyết áp, áo ấm, mấy cuốn sách (cái này thì hơi…tây so với một bà lão nhà quê. Các bà lão hay mang mùi xoa với cả kim băng chứ hiếm có bà lão nào mang sách đi đọc, hic). Xen giữa những sắp đặt mang tính đồng đại là một vài sắp đặt mang tính lịch đại ̶ những đồ vật đã khiến cuộc hẹn hò của ông lão bà lão lần trước thất bại. Đó là giấy tờ tuỳ thân của bà lão bị bỏ quên và hàm răng giả của ông lão bị đám con cái giấu mất. Sắp đặt này là hợp lý và chúng là những cái đinh ốc tốt để gắn kết các mảnh ghép của câu chuyện. Có thể nói, tác giả đã lựa chọn đồ vật phù hợp để sắp đặt nên một câu chuyện hay (mà hình như lại chẳng có đồ vật nào liên quan đến một câu chuyện tình). Thế cái sắp đặt này tạo nên ý đồ gì? Tất nhiên, nghệ thuật sắp đặt là thứ nghệ thuật tạo ra nhiều hàm ý và mỗi người sẽ rút ra kết luận cho riêng mình. Một số người có thể nghĩ “Ơ, ngoại tình kể cũng hay nhỉ, nhờ có nó mà già rồi vẫn còn đam mê, vẫn còn năng lượng, vẫn còn muốn sống”. Số khác nâng cao quan điểm “Tình yêu là bất diệt, dù khó khăn vất vả, cuộc sống vẫn đầy ý nghĩa khi có ai đó đang chờ ta”. Nhà văn Somerset Maugham có một truyện ngắn rất hay “Chàng Đỏ” (Red), kể về mối tình giữa một thuyền trưởng với một thiếu nữ trên một hòn đảo mà tàu ông ta cập bến. Khỏi phải nói tình yêu giữa hai người trẻ tuổi nó mãnh liệt thế nào và rồi họ đã đau khổ vật vã ra sao khi phải chia tay nhau. Nhưng rồi 30 năm sau họ gặp lại và không thể nhận ra nhau được nữa. Chàng trai mạnh mẽ đẹp như thiên thần giờ đã thành ông lão nhăn nheo đầu hói bụng phệ. Cô gái kiều diễm lộng lẫy giờ đã thành bà già cẩu thả sồ sề. Nhiều người cho rằng Maugham đã rất nhân đạo khi để họ không nhận ra nhau trong hình hài đầy bi kịch của mình mà để họ “đau khổ và khắc khoải trong cái đẹp”. Nguyễn Ngọc Tư cũng rất là khôn, cô đã biết dừng sự sắp đặt của mình và không đẩy đi xa hơn nữa. Nguyễn Ngọc Tư đã lảng tránh thời điểm kịch tính nhất của câu chuyện và không dấn thân vào cuộc đương đầu nghiệt ngã giữa một bên là tình yêu tưởng chừng bất diệt mà con người vẫn tự hào là giống vật duy nhất trên thế gian này có được với sự lạnh lùng tàn nhẫn của thời gian. Cô đã tránh cuộc xung đột khó khăn đó (mà thường là phần thắng nghiêng về phía thời gian tạo hoá, than ôi), để sắp đặt một lối đi êm ả nhẹ nhàng và hồn nhiên vui vẻ cho bà già đầy tự tin của mình.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-9-12 |