TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ
TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

 

Nguyễn Trọng Bình

 

Xuất hiện trên văn đàn lần đầu tiên vào năm 2000 (với truyện ngắn Ngọn đèn không tắt – giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II) đến nay Nguyễn Ngọc Tư là một trong số ít nhà văn trẻ được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Với sở trường là những truyện ngắn viết về con người và vùng đất nơi miền cực Nam của Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Tư đã dần chinh phục được tình cảm của đông đảo bạn đọc không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Có thể nói, một trong những điều đọng lại trong lòng độc giả khi đọc Nguyễn Ngọc Tư chính là nhờ chị biết thổi vào tác phẩm của mình những giá trị văn hóa của cha ông, cụ thể là những đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long! Qua những sáng tác của chị, độc giả không những được thưởng thức câu chuyện thắm đượm tinh thần nhân văn mà còn được cung cấp thêm những cứ liệu văn hóa về vùng quê sông nước đồng bằng sông Cửu Long rất bổ ích.

 

1. Văn hóa và làng quê Nam bộ - tiền đề hình thành quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Cà Mau – vùng đất phương Nam cuối cùng của tổ quốc; vì thế, một trong những tiền đề quan trọng góp phần hình thành nên quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư có nguồn gốc và cơ sở sâu xa là những yếu tố văn hóa mang đặc trưng riêng của vùng đất và con người nơi đây.

So với Trung bộ và Bắc bộ thì Nam bộ là vùng đất còn rất “trẻ” cả về vị trí địa lí lẫn lịch sử văn hoá (ở đây chúng tôi nhìn nhận ở góc độ tương quan giữa ba miền trên toàn vẹn lãnh thổ từ khi bắt đầu có cư dân người Việt sinh sống). Tuy nhiên, với khoảng trên 300 năm hình thành và phát triển, Nam bộ đã dần tạo nên một hình ảnh đẹp cả về đời sống xã hội lẫn đời sống văn hoá.

 Trước hết, nói về tính cách cũng như cách đối nhân xử thế của con người, có thể thấy điểm nổi trội nhất của người Nam bộ là cách suy nghĩ bộc trực, phóng khoáng; lối sống “xả láng sáng về sớm” và luôn “chơi hết mình” vì người khác. (Thật ra về những những nét tính cách này của người Nam bộ, không phải người Việt Nam sống trên các vùng, miền khác không có. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những nét nổi trội và ưu thế nhất góp phần làm nên cá tính riêng của con người ở mỗi vùng, miền…trên lãnh thổ ta mà thôi). Bên cạnh đó, người Nam bộ trong suy nghĩ và lời nói cũng thể hiện một cái gì đó rất bộc trực và thẳng thắng. Nói như nhà văn Sơn Nam đó là “tinh thần phóng khoáng thực tế, ghét những lí luận quanh co. Cứ nói thẳng để xem chuyện đó ra sao. Muốn gì thì nói phứt nó ra. Họ ghét những cuộc tranh luận về lí thuyết chính trị hoặc lí thuyết siêu hình, và có thành kiến cho rằng kẻ dùng quá nhiều lí luận là “lẻo mép”, gian xảo. Họ thích nói chuyện vui, chuyện có đầu có đuôi, những giai thoại khôi hài. Nói “lí luận” là “buồn ngủ”. Nói chuyện quanh co là kém thành thật” [4]. Người Nam bộ, vì thế, trong giao tiếp ứng xử có người cho rằng họ nói chuyện có khi “bụm miệng không kịp” vì chuyện gì cũng “huỵt tẹt” cũng “bốp chát”, “rổn rảng”, “có sao nói vậy”… điều này đã góp phần hình thành nên một thứ ngôn ngữ rất đặc trưng trong giao tiếp, nói năng của người Nam bộ. Ngôn ngữ ca dao dân ca Nam bộ thể hiện rất rõ điều này:

- Gió đưa bụi chuối tùm lum

Má dữ như hùm ai dám làm dâu.

- Dao phai kề cổ, máu đổ tui không màng

Chết tui, tui chịu chứ buông nàng tui hổng buông!

- Anh về em nắm vạt áo la làng

Anh phải bỏ chữ thương, chữ nhớ giữa đàng cho em!

- Má ơi con má hư rồi

Má lo trang điểm phấn dồi nó cũng hư.

- Nước ròng trong ngọn chảy ra

Nghe chồng em chết anh bôn ba qua liền!

Ngoài ra, đọc truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu chúng ta sẽ thấy những nét đẹp và đặc trưng của người Nam bộ cũng được nhà thơ miêu tả rất sâu sắc qua hàng loạt nhân vật đầy dũng khí và đầy nghĩa tình như: Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Vương Tử Trực… Có thể thấy, người Nam bộ trong sinh hoạt còn có chút “quê mùa”, “thô kệch” tuy nhiên họ cũng rất biết thế nào là “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng.” Phải chăng vì thế, mỗi khi nhắc đến người dân Nam bộ, có một điều rất thú vị là không biết tự lúc nào người ta lại ưu ái và trìu mến gọi đó là người “rất Nam bộ” hay “Nam bộ rặt” rất ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Về mặt tự nhiên, Nam bộ là vùng đất với những sông ngòi chằng chịt, những ao hồ và ruộng đồng mênh mông… Do cấu tạo tự nhiên có tính đặc thù như thế nên có thể thấy trong sinh hoạt đi lại của người dân người Nam bộ, nhất là ở những vùng quê nông thôn chủ yếu là ghe, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng… Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến cách xây dựng và miêu tả hiện thực và con người trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Người đọc dễ dàng bắt gặp trong cách thể hiện của chị mọi sinh hoạt và đời sống của con người đều mang dấu ấn của vùng đất phù sa sông nước như: ruộng đồng, kinh rạch, dòng sông, con đò, ghe xuồng, chợ nổi…

Một vấn đề nữa, nói đến Nam bộ cũng là nói đến cái nôi của bộ môn nghệ thuật cải lương. Người Nam bộ vốn rất mê cải lương, rất hay hát những bài vọng cổ cũng như rất quý trọng những người nghệ sĩ ở những đoàn, gánh hát đã đem lời ca tiếng hát của mình để phục vụ bà con sau một ngày lao động vất vả. Cuộc sống sinh hoạt của họ thường gắn liền với những cuộc hát hò vui chơi mà họ gọi là “đờn ca tài tử” thắm đượm tình làng nghĩa xóm… Có thể nói, tất cả những yếu tố trên là kho cứ liệu văn hóa dồi dào, là nguồn cảm hứng mãnh liệt giúp Nguyễn Ngọc Tư xây dựng và khắc họa hình tượng con người Nam bộ mang đậm chất văn hóa Nam bộ: mê đờn ca tài tử, thích hát vọng cổ và đặc biệt là rất thích trở thành nghệ sĩ cải lương…

Cuối cùng, hiện nay, khi đất nước đã thật sự bước vào quỹ đạo chung của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa; nhắc đến vùng đất Nam bộ đặc biệt là các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ (trong đó có Cà Mau) có một sự thật làm mọi người phải xót xa, đó là: tuy vùng đất này là vựa lúa, vựa lương thực lớn nhất nước nhưng về mặt bằng dân trí và trình độ học vấn của người dân thì lại thấp nhất nước. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý về giáo dục và văn hóa thì đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Đây có thể nói là một thực trạng đau lòng. Chính thực trạng đau lòng này làm nảy sinh nhiều vấn nạn, gây ra nhiều bi kịch của con người nơi đây. Và đó cũng là một trong những đặc điểm quan trọng góp phần tạo nên cách nhìn và thể hiện con người với những ước mơ và khát vọng đời thường, nhỏ nhoi trong hàng loạt truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Những con người vì thất học nên cái nghèo, cái đói nghèo cứ mãi đeo đuổi. Để sinh tồn họ phải lăn lộn, phải bươn chải quanh năm trên ruộng đồng, sông nước thậm chí phải đánh đổi cả thân xác…

Như vậy, có thể nói do được sống và lớn lên trên mảnh đất Nam bộ, những nét tính cách trong văn hóa ứng xử cũng như ngôn ngữ của cha ông đã ăn sâu vào tiềm thức của Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế, khi sáng tác, những nét văn hóa “rặt Nam Bộ” ấy đã đi vào trang viết của chị một cách tự nhiên như một điều tất yếu không thể nào khác được.

 

2. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư – ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc

 

Bao trùm các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là hiện thực cuộc sống con người trên mảnh đất Nam bộ với cánh đồng lúa mênh mông, những con sông uốn lượn hay những bờ kinh, con mương và vô số những đầm, đìa, rạch, xẻo...; những chợ nổi với ghe xuồng, sóng nước tấp nập…; những câu hò, điệu hát lên xuống theo từng con nước lớn, ròng; hay những bài vọng cổ buồn được cất lên từ những đoàn ca múa cải lương đang len lỏi mưu sinh tận trong những chợ quê nghèo… Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng được triển khai trên cái nền của “bức tranh” sinh hoạt văn hóa ở làng quê Nam bộ độc đáo ấy, nói như nhà văn Nguyên Ngọc đó chính là “không gian… của Nguyễn Ngọc Tư”. Ở phương diện nào đó, đây là những lời quãng bá và “tiếp thị” bằng văn chương rất độc đáo Nguyễn Ngọc Tư về những nét đẹp của văn hóa làng quê đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã lí giải vì sao những ai đọc văn Nguyễn Ngọc Tư cảm thấy rất thích thú, yêu mến và xúc động khi đọc đến những dòng, những câu chị miêu tả về cảnh sinh hoạt “đời thường” của người dân quê ở xứ sở ruộng đồng, sông nước miền Tây Nam bộ. Đọc truyện của chị, như tác giả Huỳnh Công Tín đã nhận xét thì: “người đọc sẽ cảm nhận được chất Nam Bộ thể hiện khái quát ở nhiều phương diện của tác phẩm… Trong tác phẩm của chị có một không gian Nam Bộ với những loại cây, tên gọi nghe quen, dân dã: “mắm, đước, sú, vẹt, bần, tra, tràm, choại, quao, ô rô, dừa nước...”, với những vàm, kinh, rạch, xẻo, tắt chằng chịt, mà tên gọi cũng gợi trí tò mò, tìm hiểu ở người đọc: “vàm Cỏ Xước, Vàm Mắm, kinh Cỏ Chác, kinh Mười Hai, kinh Thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Ráng, Rạch Ruộng, Xẻo Mê, Xẻo Rô, Lung Lớn, Gò Cây Quao...”, hay những tên ấp, tên làng, tên chợ nhiều chất Nam Bộ: “xóm Xẻo, xóm Rạch, xóm Kinh Cụt, xóm Miễu, chợ Ba Bảy Chín, Cái Nước, Trảng Cò, Đất Cháy, Mút Cà Tha …” [6].

Vì vậy có thể nói, ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư trước hết được thể hiện ở sự khẳng định và niềm tự hào của nhà văn về những phẩm chất và giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư vì thế người đọc không những được thưởng thức những câu chuyện thắm đượm tình người mà còn được cung cấp cấp thêm nhiều cứ liệu văn hóa rất bổ ích về vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Ví như người đọc sẽ hiểu thêm về chợ nổi ở Nam bộ; hay hiểu thêm về những gia đình, những con người cả đời phải bươn chảy, mưu sinh trên những chiếc ghe theo từng con nước lớn, ròng được chị tái hiện rất chân thật, sinh động nhưng cũng không kém phần mượt mà và duyên dáng.

 “Giang nói không có con kinh con rạch nào mà ghe chưa đi qua, không có đường ngang ngõ tắt nào mà ông Chín không biết. Xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước rong… Lúc đó con Thủy còn mềm xèo nhỏ xíu như con mèo mướp. Hệt như Giang, nó lớn lên trên ghe. Lúc buôn bán, lúc nấu cơm, ông Chín không bồng được, Giang buộc sợi dây dù vô chân nó, đầu kia Giang buộc vô mui ghe. Con Thủy bò chán bò chê rồi nằm ngửa ra, ngó những trái cà, trái khóm, trái bí, bầu ông Chín treo lúc lỉu trên nhánh chà đằng mui ghe.” (Nhớ sông)

Hay đọc Nguyễn Ngọc Tư người đọc phần nào sẽ hiểu thêm về nghề “nuôi vịt chạy đồng” trên những cánh đồng mênh mông, bạt ngàn, “cò bay thẳng cánh” rất đặc trưng ở vùng sông nước Nam bộ:

“Mùa gặt năm nào anh cũng xuôi ghe chở bầy vịt chạy đồng về xóm gạch giồng này. Rồi cất cái chòi bằng lá chuối, quây lưới cầm vịt trên khúc đê trồng so đũa. Từ chỗ này, mỗi ngày anh lang thang lùa vịt đi ăn khắp cả vạt đồng, qua tới vườn xóm lung. Tới khi người ta bừa đất chuẩn bị sạ vụ mới, Sáng lại ra đi…” (Một dòng xuôi mải miết)

Người đọc cũng sẽ bắt gặp trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư những cứ liệu văn hóa về vùng đất Nam Bộ với “cái nôi” của môn nghệ thuật cải lương; hay về những người dân quê Nam bộ vì mê hát cải lương, mê ca vọng cổ đã không ngần ngại bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ giàu sang vinh hiển để đi theo những đoàn gánh hát cho thỏa niềm đam mê ca hát:

“Hôm sau khi gánh hát Kim Tiêu trở lại Sài Gòn, có công tử bỏ nhà bỏ phú quí đi theo”. (Cuối mùa nhan sắc)

Ngoài ra, Nam bộ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đôi khi chỉ hiện lên một cách giản dị, dân dã qua một món ăn “canh chua bông súng và cá sặc kho khô” rất quen thuộc trong mâm cơm của người dân quê nghèo khó, lam lũ. Món ăn tuy dân dã, bình dị nhưng chứa đựng cả một giá trị lịch sử và văn hóa khẩn hoang của cha ông thời trước được dân gian lưu truyền qua câu ca dao quen thuộc:

Muốn ăn bông súng cá (mắm ) kho

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm

(Ca dao Nam bộ)

Ý thức trân trọng và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư còn thể hiện ở điểm nhìn tiếp cận hiện thực đời sống với thái độ ngợi ca và trân trọng những giá trị văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức qua bao thế hệ của người dân thôn quê. Điều này nếu so với các nhà văn cùng thời và cùng trang lứa hiện nay như Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu,… thì đây chính là cái nhìn thể hiện cá tính sáng tạo rất độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể thấy, hiện thực trong tác phẩm của các nhà văn vừa kể trên chủ yếu được nhìn từ điểm nhìn và chỗ đứng của những con người thành thị đang cố chống chọi với cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất sôi động và nóng bỏng. Đây là cái nhìn của Phong Điệp trong truyện ngắn “Thế là vừa hết một đêm”:

“Hai thằng héo hon tính đã đến hơn chục năm để bon chen chốn thị thành. Cuối cùng một thằng khá hơn, cũng mua được căn nhà xa tít tắp, ở cạnh sông, nước quanh năm đen quánh như mực. Trời hơi dậy nắng là mùi thum thủm từ sông dội lên. Rồi giống như tên kẻ trộm tinh ranh và lành nghề, cái mùi thum thủm ấy, thoắt cái đã chui tọt vào nhà rồi trốn vào một ngóc ngách nào đó mà gia chủ không hề hay biết. Chỉ đến khi nó ăn cắp hết bầu không khí trong lành ở khắp các gian phòng  thì chủ nhà mới té ngửa. Nhưng chả làm sao khác được. Coi như cùng chung sống, có chăng cẩn thận hơn bằng việc ra vào khép cửa. Nước lau nhà  Sunday hương nắng mới gì gì đó cũng chịu chết, chả tẩy uế được cái mùi thum thủm, nhức cả đầu ấy. “Tên kẻ trộm” đã quyết tâm bám riết lấy “nơi trú ngụ” mới”.

 Còn với Đỗ Hoàng Diệu, hiện thực trong tác phẩm của chị thậm chí có lúc còn được nhìn với một thái độ phủ nhận, báng bổ rất quyết liệt những vấn đề liên quan đến làng quê, thôn xóm. Bóng đè là tác phẩm tiêu biểu cho cách nhìn này của Đỗ Hoàng Diệu khi chị nhìn về làng quê và những nếp sinh hoạt của người dân quê (Bắc bộ). Đó là một thái độ lạnh nhạt, được nhìn với ánh mắt “đẩy đưa” của một “tiểu thư” thành thị cảm thấy rất khổ sở mỗi khi phải theo chồng về thăm quê:

“Quê Thụ cách thành phố khoảng ba giờ tàu hỏa. Tôi không ngờ đồng quê khác biệt đến thế… Lần về trước bận bịu khách tôi đã chẳng có thời gian đẩy đưa con mắt.”

Hay: “Tưởng tượng ra viễn cảnh mỗi năm phải còng lưng làm cơm cúng mười bảy đám giỗ cho đến ngày Thụ qua đời, tôi không khỏi ngao ngán”.

Hay: “Vợ tôi thoát nạn nhà quê rồi, tiểu thư thôi không nằm phản mồ hôi nhễ nhại như đêm qua! Sướng nhé!”

Không giống như những nhà văn trên, hiện thực trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu được nhìn từ chỗ đứng thể hiện niềm tự hào của những người dân quê. Tự hào vì trong “bức tranh” hiện thực ấy là những giá trị văn hóa bao đời của cha ông. Với Nguyễn Ngọc Tư làng quê nông thôn tuy nghèo khó nhưng rất thân tình và ấm áp. Trong lời đề từ cho truyện ngắn Nhớ sông, Nguyễn Ngọc Tư tái hiện cảnh sinh hoạt của chợ nổi - một nét văn hóa rất đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất hay như sau:

“Tôi thường đứng trên cầu Gành Hào, nhìn về chợ nổi, ở đó có thể trông thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sóng, những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời. Mỗi chiếc ghe là một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó thật khác thường, thế giới đó hẹp đến nỗi chỉ vừa xoay lưng, để nằm co, để cúi người…mà cũng dài cũng rộng vô phương bởi cuộc sống rày đây mai đó, lênh đênh cuối bãi đầu ghềnh. Những chiều tà chợ nổi đìu hiu bập bềnh đâu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu chăm chăm xới nồi cơm dào dạt khói, những người đàn ông xếp bằng trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi soi mình xuống sông, chải tóc.”

Còn đây là nét sinh hoạt chuẩn bị cho một đám cưới quê cũng rất đặc trưng ở vùng sông nước Cửu Long:

“Vẫn còn tiếng lụp cụp rộn ràng của mấy cây dao chặt vào mặt thớt mù u. Vẫn tiếng nói cười xao động từng chòm nhóm của các chị các dì trong nhà bếp. Tiếng máy đèn chạy tạch rè. Đằng trước rạp, nhóm ca cải lương dạo đàn lửng ta lửng tửng rồi ai đó vô câu vọng cổ ngọt xớt. Không biết vô tình hay cố ý, anh chàng nọ kê micrô gần miệng mà uống rượu nghe đánh cái chóc giòn thiệt giòn rồi khà ra tuồng như cay đắng lắm, chua xót lắm, bắt thèm. (Huệ lấy chồng)

Hay trong truyện ngắn Nhà cổ, Nguyễn Ngọc Tư nói rất chân thành và xúc động về nguyên nhân hai anh em nhân vật Tứ Hải không chịu bán căn nhà cổ xiêu quẹo, mục nát:

“Nhân Phủ” của anh cách nhà tôi một hàng rào cặm bằng cây bình bát, đó là ngôi nhà cũ kỹ, già nua nhất làng cổ Phương Điền. Nghe kể, ông tổ nhà anh Tứ Hải đã đứng dưới cây dông nem trước nhà, bảo tốp thợ ông muốn làm một ngôi nhà đẹp nhất, rộng nhất xứ này, một ngôi nhà thật lớn cho tất cả con cháu ông khi sinh ra đều có chỗ cho mình. Ròng rã hơn ba mươi năm, những người thợ xứ Quãng đã làm nên một kiệt tác nhà rường Nam bộ nghiêm cẩn, công phu chạm trổ từng chi tiết nhỏ, từ cây cột cái tới ngạch cửa, từ cánh cửa tới mấy cái bậc tam cấp lối vào… Nghe kể, khi làm “Nhân Phủ”, người ta đã cúng đủ mười lễ, nên nó điềm nhiên đi qua hai cuộc chiến tranh mà không có một vết tích nào”.

Tương tự vậy, trong truyện Một mối tình, người đọc cũng bắt gặp một không gian kỉ niệm mang đậm chất văn hóa truyền thống của cha ông. Nhân vật Trọng trong truyện - một thanh niên còn trẻ nhưng rất có ý thức trong việc nâng niu, gìn giữ nếp văn hóa bao đời của gia đình mình qua bao thế hệ:

“Nhà Trọng có một cái lạ nữa là trên bàn thờ lúc nào cũng chong đèn, ngày tháng này qua ngày tháng khác, năm này qua năm khác, ngọn đèn truyền từ đời cố Trọng, nội rồi tới Trọng, không bao giờ được phép tắt. Chiều nào chị em tôi đi ngang qua cũng thấy Trọng lọ mọ ngồi lau cái bóng đèn hột vịt ám khói, châm dầu bằng cái vẻ thành kính, nâng niu.”

Những vấn đề trên một lần nữa cho thấy tác giả là một người am tường và gắn bó sâu đậm với những giá trị văn hóa của cha ông. Trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nhà văn với tuổi đời còn khá trẻ như Nguyễn Ngọc Tư nhưng biết, hiểu và quan tâm đến “cái bóng đèn hột vịt ám khói” – có thể nói là một kỷ niệm, một kỷ vật chứng nhân cho một thời, một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc - là rất đáng trân trọng. Phải là người gắn bó sâu nặng và có ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông mới có thể viết hay và thiết tha như vậy.

Tóm lại, có thể nói, từ những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư cho thấy ở  chị  một điểm nhìn, một cái nhìn, một cách tiếp cận hiện thực đời sống thể hiện sự hiểu biết khá sâu sắc về văn hóa và con người Nam bộ. Tất cả những vấn đề trên cho thấy ở Nguyễn Ngọc Tư cái tâm thế luôn tìm về với những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của cha ông. Đây phải chăng cũng là quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư – quan niệm: khẳng định vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống con người không thể tách rời tâm thức và cội nguồn văn hóa dân tộc; là cách Nguyễn Ngọc Tư tiếp cận hiện thực đời sống xã hội - một sự kế thừa và tiếp nối về một khuynh hướng tiếp cận hiện thực từ góc nhìn văn hóa trong sáng tạo văn chương nghệ thuật từ các thế hệ cha ông?

 

4. Thay lời kết

 

Có thể nói, việc tái hiện đồng thời khẳng định những giá trị văn hóa của cha ông vào trong tác phẩm là một việc làm có chủ ý của Nguyễn Ngọc Tư trong quá trình phản ánh hiện thực cuộc sống. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển tải được những giá trị văn hóa độc đáo của cha ông đến với người đọc bằng một sự cảm nhận rất “đời thường”. Đây có thể xem là khuynh hướng thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư - khuynh hướng thổi vào tác phẩm những phẩm chất và giá trị văn hóa của dân tộc, của quê hương (cụ thể ở đây là những nét đẹp văn hóa nơi vùng đất cực Nam của tổ quốc). Điều này cũng góp phần lý giải vì sao sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư nói chung luôn được đông đảo bạn đọc ủng hộ; được các nghệ sĩ, sân khấu và điện ảnh tìm đến với một sự đồng cảm sâu sắc với mong muốn được chuyển tải lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật của riêng họ (các tác phẩm Cánh đồng bất tận, Dòng nhớ, Chiều vắng… của Nguyễn Ngọc Tư được các nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh mua bản quyền chuyển thành kịch bản sân khấu và kịch bản điện ảnh). Thành công của Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa cho thấy bản lĩnh của Nguyễn Ngọc Tư khi đã dũng cảm chọn cho mình một hướng đi riêng đó là: không “chạy theo đám đông”, không chạy theo xu hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cả trong cách nghĩ và cách sống (nhiều khi rất tầm thường và “lệch chuẩn”) mà khá nhiều nhà văn trẻ hiện nay đang xem là “mốt” thời thượng khi sáng tác. Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư vì thế, thoạt nhìn bề ngoài có gì đó rất “xù xì”, “thô mộc” nhưng khi ngắm kĩ, nhìn kĩ lại thì lại sẽ thấy rất thùy mỵ, rất dịu dàng và “nết na” phản ánh đúng cái chất truyền thống - cái tâm hồn Việt Nam nghìn đời. Đọc Nguyễn Ngọc Tư vì vậy, nếu là người đang sống trên mảnh đất này sẽ cảm thấy rất tự hào vì quê hương Nam bộ khi đi vào trang viết của Nguyễn Ngọc Tư sao mà đáng yêu, đáng quý đến thế. Nếu là người có một thời sống ở mảnh đất này nhưng vì cuộc sống phải tha hương cầu thực thì những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ cho họ thêm niềm tự hào mà còn gợi lên trong lòng một cảm giác cồn cào nhớ quê đến quay quắt cháy bỏng, thầm mong một ngày nào đó được trở về. Còn nếu là người chưa một lần đặt chân đến đây, những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư chính là lời giới thiệu giúp họ hiểu thêm về con người và vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước rất đáng yêu và đáng tự hào của tổ quốc.

 

 


 

MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 

1.  Nguyễn Văn Hạnh - Văn hóa như là nguồn lạch sáng tạo và khám phá văn chương. Tạp chí văn học, số 1, năm 2007

2.  Hoàng Ngọc Hiến - Văn học gần và xa. Nhà xuất bản Giáo dục, 2006

3.  Nguyễn Đăng Mạnh - Nhà văn tư tưởng và phong cách. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2001

4. Sơn Nam - Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn. Nhà xuất bản Trẻ, 2004

5.  Lê Ngọc Trà - Lý luận và văn học. Nhà xuất bản Trẻ, 2005

6.  Website http://www.viet-studies.info/NNTu/  (chuyên trang về Nguyễn Ngọc Tư do Trần Hữu Dũng thiết kế và quản lý).

 

 

 Bài của tác giả gởi
Lên trang viet-studies ngày 25-10-10