Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ
Nguyễn Trọng Bình
Nếu hiểu một cách nôm na, quan niệm nghệ thuật về con người là “mô hình về con người”[1] trong cái nhìn chủ quan của nhà văn, thì qua truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc sẽ nhận ra một “mô hình” về con người rất độc đáo trong cái nhìn của riêng chị. “Mô hình” ấy vừa có sự kế thừa vừa có sự sáng tạo mang phong cách riêng của Nguyễn Ngọc Tư. 1. “Mô hình” con người hướng thiện – kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư Cũng là sự nhìn nhận và khám phá con người từ phương diện con người cá nhân, con người với cuộc sống “đời thường” thế nhưng có một điểm rất riêng ở Nguyễn Ngọc Tư là trong truyện ngắn của chị không có những con người bịp bợm, cơ hội kiểu như Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng; không có những con người “tha hóa” trở thành “quỹ dữ” như Chí Phèo của Nam Cao; không có những con người muôn mặt, thủ đoạn, gian xảo, “đốn mạt”, “không ra gì” kiểu như các nhân vật trong hàng loạt sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp ở thập niên 80 của thế kỷ XX; hay những con người với lối sống hưởng thụ, gấp gáp và đầy dục vọng… trong những trang viết của những nhà văn cùng thế hệ với chị như: Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Hoàng Diệu… Qua khảo sát truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy, ngoài nhân vật Út Vũ trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận là nhân vật có biểu hiện của sự “tha hóa” (chúng tôi tạm gọi như thế), thì hầu hết các nhân vật còn lại đều là những con người chân chất, hiền lành, không mưu mô, không thủ đoạn... Có thể nói, một trong những điều làm người đọc có cảm tình với truyện của Nguyễn Ngọc Tư là vì chị đã tái hiện được những nét tính cách “Nam bộ rặt” trong khi xây dựng hình tượng con người. Nổi bật nhất là những con người chân chất với lối suy nghĩ (cũng có thể gọi là triết lý sống) đơn giản mà sâu sắc: “sống trên đời thấy phải thì làm”[2]. Bên cạnh đó, người đọc cũng bắt gặp trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư những con người luôn sống “thành thật với con tim”[3]. Và chúng tôi gọi đây là hai mặt cấu thành “mô hình” con người hướng thiện trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. 1.1 Con người sống trên đời “thấy phải thì làm” - mặt thứ nhất trong “mô hình” con người hướng thiện của Nguyễn Ngọc Tư Về vấn đề này, qua tìm hiểu của chúng tôi, điểm nổi bật nhất trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là chị đã thành công trong việc xây dựng hình tượng những con người luôn sống hết mình vì người khác với một tấm lòng bao dung, độ lượng. Trước hết, về vấn đề sống hết mình vì người khác, người đọc không khó để nhận ra điều này ở những truyện ngắn viết về đề tài tình yêu dang dở của Nguyễn Ngọc Tư. Hầu hết trong những truyện ngắn này, người đọc sẽ bắt gặp khi thì nhân vật nữ, khi thì nhân vật nam có cách ứng xử rất cao thượng, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc bản thân mình để vun đắp cho tương lai và hạnh phúc của người mình yêu. Thật khó mà tìm thấy trong văn học Việt Nam hiện đại một người con trai hiền lành, chân chất, cao thượng và đầy nghĩa khí như anh chàng Phi trong truyện ngắn Lý con sáo sang sông. Yêu nhau rất mãnh liệt, thắm thiết nhưng vì hạnh phúc của người mình yêu Phi sẵn sàng vun vén hết lòng. Biết nhà mình nghèo khó có thể lo lắng cho người mình yêu một cuộc sống hạnh phúc nếu như hai người lấy nhau, anh đã chống xuồng đi tận xuống nhà chồng tương lai của người yêu để tìm hiểu xem gia cảnh lai lịch người đó như thế nào, sau đó về bảo người yêu mình “em lấy chồng đi”. “Lần đó, bên chồng em qua hỏi, ba má em hẹn ba ngày trả lời. Trước đó, em đã từ chối bốn mối rồi. Một mình em chạy máy đi lòng vòng kiếm anh Phi. Cực khổ lắm. Kiếm được rồi hỏi ảnh tính sao? Ảnh kêu em về xong ảnh chạy tắt qua Rau Dừa, dò hỏi kĩ bên chồng em. Hỏi từ ông già, bà già cho tới đứa con nít, xong ảnh kêu em ra nói một câu: em lấy chồng đi!”. Ngoài truyện ngắn trên, thì hàng loạt những truyện ngắn khác như: Cuối mùa nhan sắc (nhân vật ông Chín) Cái nhìn khắc khoải (nhân vật ông Hai), Bởi yêu thương (nhân vật Sáu Tâm), Hiu hiu gió bấc (nhân vật Hết), Giao thừa (nhân vật Quý), Bến đò xóm Miễu (nhân vật Lương), Duyên phận so le (nhân vật Xuyến)… cũng thể hiện rất rõ quan niệm trên của Nguyễn Ngọc Tư. Trong cuộc sống, vì tình yêu người nọ hi sinh cho người kia suy cho cùng chỉ là cách ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, ở truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư vấn đề sống hết mình vì người khác còn được thể hiện qua cách ứng xử giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng. Tiêu biểu cho vấn đề này là những truyện ngắn như: Qua cầu nhớ người, Ngọn đèn không tắt, Mối tình năm cũ, Ngày đã qua, Làm mẹ, Một dòng xuôi mải miết, Đau gì như thể, Lỡ mùa… Trong Qua cầu nhớ người, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng nhân vật Hai Nhớ rất đúng với bản chất của một anh “Hai lúa” Nam bộ. Hai Nhớ tuy sống ở thôn quê, nghèo khó, ít học nhưng rất trọng tình nghĩa; chung thủy “trước sau như một”, đã thương ai là “thương lấy thương được, lúc bỏ thì bỏ không đành”. Đặc biệt trong quan hệ với xóm làng, Hai Nhớ là một người “dám nghĩ dám làm”, lúc nào cũng sống hết mình vì người khác. Tuy bản thân học hành không tới đâu, cũng “không có tài năng nào đặc biệt” nhưng Hai Nhớ đã không ngại ngần “cầm cố hết đất, vườn” của mình để có tiền bắt cây cầu cho bà con trong xã Đội Đỏ đi lại dễ dàng. “Mười tám tuổi, anh Hai đã nổi tiếng dám nghĩ dám làm. Quen chị Nhiễm biết chị thích tân cổ, anh đi đào đất mướn, sắm cái loa sắt mắc lên ngọn tràm bông vàng, chiều chiều mở casett cho Minh Vương, Lệ Thủy ca bài “Duyên kiếp” lồng lộng trời Đội Đỏ. Cưới nhau rồi, anh đổi hai chục giạ lúa lấy cây đàn để gảy từng tưng cho chị nghe chơi. Rồi anh đổi năm công ruộng để lấy chiếc máy suốt, đổi những ngày êm đềm bên người vợ trẻ để lang thang giữa đồng khơi, những mong cuộc sống sẽ khá lên…Lần này làm cầu, anh Hai biết mình sẽ phải hi sinh, sẽ phải đánh đổi nhiều thứ lắm. Anh về nhà thưa với má đừng buồn, anh sẽ đứng ra bắc cây cầu qua Đội Đỏ…” Nếu ở Qua cầu nhớ người, sự hi sinh của một cá nhân mang lại lợi ích cho cộng đồng được giới hạn trong phạm vi hẹp là một xã, thì ở truyện Ngọn đèn không tắt hay Mối tình năm cũ… phạm vi được mở rộng ra cho cả dân tộc. Có thể thấy, trong Ngọn đèn không tắt đó là tấm lòng của từng con người qua từng thế hệ trong gia đình ông Hai Tương (Tư Lai, Tươi) dành cho những anh hùng liệt sĩ – những người đã ngã xuống vì độc lập tự do cho quê hương xứ sở. Công việc hàng năm đi kể chuyện lịch sử quê hương của gia đình ông Hai Tương là việc làm tuy nhỏ nhưng mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao là: quyết giữ mãi ngọn lửa truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông; để “ngọn đèn” lịch sử của dân tộc, của cha ông cháy mãi, sáng mãi trong tâm hồn của thế hệ mai sau. Như đã nói, quan niệm “làm người thấy phải thì làm” trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ sống hết mình vì người khác mà còn rất bao dung và độ lượng. Trước hết, với Nguyễn Ngọc Tư con người bao dung, độ lượng là phải biết trải rộng lòng mình ra để sống với những người quanh mình; sống và nhìn mọi người không chỉ bằng đôi mắt mà còn bằng tấm lòng nhân hậu và nhất là phải biết tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Nói như nhà văn Hữu Thỉnh là: “Thông điệp của Tư ở đây là con người sống phải biết khoan dung và tha thứ. Chỉ có lấy ân báo oán thì con người mới có thể nguôi ngoai được lòng thù hận và nỗi đau, nhờ đó, người sẽ người hơn, sẽ lớn lên. Ông bà mình đã dạy thế, và Tư đã chuyển tải thông điệp đó một cách tài tình, đau đớn”[4]. Tiêu biểu cho vấn đề này là hàng loạt các truyện ngắn như: Cỏ xanh, Nỗi buồn rất lạ, Làm má đâu có dễ, Làm mẹ, Một dòng xuôi mải miết, Chuyện của Điệp, Cải ơi, Giao thừa, Lương, Cuối mùa nhan sắc, Dòng nhớ, Một trái tim khô… và đặc biệt là ở Cánh đồng bất tận. Có thể thấy, mặc dù phải hứng chịu không biết bao nhiêu là nỗi nhọc nhằn, cay đắng thế nhưng qua những suy nghĩ của nhân vật Nương ở đoạn kết của Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã gởi đến tất cả mọi người một thông điệp làm người rất đáng để suy ngẫm, đó là: hãy yêu thương và tha thứ cho mọi người. Nguyễn Ngọc Tư viết: “Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình sẽ sinh con. Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phũ phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen). Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hương…Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, là trẻ con đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.” Một điểm độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư khi nói về tấm lòng bao dung, độ lượng của con người là hãy “buông” đi và đừng cố nắm giữ những gì không thuộc về mình, không phải của mình; phải biết “độ lượng” với chính mình để thanh thản hơn trong cuộc sống. Vấn đề này thể hiện rõ nhất là ở truyện Chuồn chuồn đạp nước và Sầu trên đỉnh Puvan. Chuồn chuồn đạp nước kể về câu chuyện một người đàn ông (vốn là một nhà văn) trong một lần tư vấn cho đứa con gái tham gia một chương trình gameshow trên truyền hình nhưng lại tư vấn sai, sau đó đã tự dằn vặt mình một cách rất đau khổ và tức tối. Ông luôn cảm thấy xấu hổ và đau đớn mỗi khi nghĩ đến chuyện mọi người sẽ cười chê mình vì lẽ, là một nhà văn, học rộng hiểu nhiều nhưng lại không biết “chuồn chuồn đạp nước” có ý nghĩa gì. Người đàn ông trong câu chuyện rõ ràng không biết tha thứ cho bản thân mình; nếu như ông hiểu rằng trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà sự hiểu biết của con người là có giới hạn thì chắc chắn ông sẽ không đau khổ, dằn vặt và tức tối đến như vậy. 1.2 Con người sống “thành thật với con tim” – mặt thứ hai trong “mô hình” con người hướng thiện của Nguyễn Ngọc Tư Sống “thành thật với con tim” trước hết, theo Nguyễn Ngọc Tư đó là con người ý thức rõ địa vị và thân phận của mình trong đời sống xã hội. Đây là sự kế thừa của Nguyễn Ngọc Tư về quan niệm con người tự nhận thức từ các nhà văn trước đó. Tuy nhiên, trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư con người tự nhận thức thường sống với tâm lý nhẫn nhịn và ít khi phản kháng. Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, phần nhiều là hình ảnh những người nông dân sống ở nông thôn hay những người “nghệ sĩ” đã “cuối mùa nhan sắc” sống “rày đây mai đó” trong những gánh hát cải lương rất đặc trưng ở miền quê sông nước Nam bộ… Nhìn chung, những con người này nói về trình độ học vấn thì thấp, tuy nhiên nói về “trình độ” và quan hệ cư xử giữa người với người hay nói khác đi là cách “đối nhân xử thế” trong cuộc đời thì không thấp chút nào. Có thể nói, họ sống nhẫn nhịn và ít khi phản kháng là để mong một cuộc sống êm ấm, để không làm tổn thương người khác đồng thời cũng là cách để tâm hồn được thanh thản, tránh xa những ghanh đua, đố kỵ. Và đó cũng là cách để con người hướng về những điều thiện. Ý thức được địa vị và thân phận mình nên những người nông dân như ông Ba Già (truyện ngắn Lỡ mùa) chỉ biết nhẫn nhịn và phản kháng một cách nhẹ nhàng chủ trương (dù là bất hợp lý) của địa phương đối với vùng đất Trảng Cò quê ông. “Trảng Cò buồn như bị bỏ rơi, nghe nói, nhà nước đã chuyển quy hoạch sang Trảng Sáo rồi, lại thêm thay đổi nhiều lãnh đạo chủ chốt, xem ra người cũ chuyển đi chỗ khác, chắc quên mất tiêu luôn. Đâu đó ở Trảng Cò, người ta tự ý cày đất, đắp bờ. Ông Ba Già cự quá trời, ông nói làm vậy còn gì là phép tắc của nhà nước, của Đảng? Phải lên tỉnh một chuyến nữa mới được, để hỏi coi nhà nước mình có làm du lịch nữa không, nếu không, xin rút quyết định lại để cho bà con canh tác” (…). Tương tư vậy, ý thức được thân phận mình nên hai chị em Điền và Nương trong Cánh đồng bất tận; cô bé Mỹ Ái trong Gió lẻ… đã nhẫn nhịn đến mức cam chịu để rồi phải nhận lấy không biết bao nhiêu những tủi hổ đắng cay. Sự nhẫn nhịn của những nhân vật trên xét đến cùng xuất phát từ suy nghĩ thà chấp nhận riêng mình đau khổ còn hơn là phản kháng để rồi làm tổn thương người khác. Chúng tôi cho đây là một trong những lối suy nghĩ độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư về cách đối nhân xử thế của con người; là đặc điểm quan trọng góp phần làm cho quan niệm con người hướng thiện của chị thêm phần sâu sắc và nhân văn hơn. Đây có thể xem là một trong những nét phong cách riêng góp phần tạo nên sức hấp dẫn và lôi cuốn độc giả đến với tác phẩm của chị trong thời gian qua. Bên cạnh việc ý thức rõ địa vị và thân phận để sống “thành thật với con tim” thì con người trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng sống thành thật với chính mình và với mọi người. Người đọc thấy rất rõ vấn đề này ngay từ tập truyện đầu tay là Ngọn đèn không tắt cho đến tập truyện mới nhất (tính đến thời điểm này) là Gió lẻ và 9 câu chuyện khác. Đây là một kiểu tư duy nghệ thuật đặc trưng mang “thương hiệu” Nguyễn Ngọc Tư. Đặc trưng là vì nó khác với kiểu tư duy nghệ thuật về con người với những biểu hiện như: con người diễn trò và giả danh; con người cơ hội, bịp bợm; con người bị tha hóa… trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… trước 1945; hay con người muôn mặt, thủ đoạn, thực dụng và toan tính chuyện lọc lừa… trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp sau này. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn vấn đề này trong cái nhìn đối chiếu với cách thể hiện và miêu tả con người trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp - nhà văn vốn cũng có phong cách rất độc đáo trong quan niệm nghệ thuật về con người, đồng thời cũng có một khoảng cách thời đại khá gần với Nguyễn Ngọc Tư. Có thể thấy “mô hình” về con người của Nguyễn Huy Thiệp trước hết cũng là con người cá nhân rất có ý thức về địa vị và thân phận của mình trong xã hội. Thế nhưng, điểm nổi bật và dễ thấy nhất trong “mô hình” về con người của Nguyễn Huy Thiệp là con người bản năng, lúc nào cũng hoài nghi tất cả những vấn đề trong cuộc sống kể cả hoài nghi chính bản thân mình. Con người bản năng - hoài nghi trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thậm chí có lúc còn ngờ vực và xổ toẹt cả những chuyện mà lâu nay người đời cho là thiêng liêng và cao quý. Chính quan niệm này đã chi phối cách xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đọc truyện ngắn của ông người đọc sẽ bắt gặp hàng loạt những con người mà nói như giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là “nhếch nhác, đốn mạc, hèn kém”…Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vì thế, có khi cũng chính là “thế giới của ác quỷ, trong bản chất của ác quỷ không thể có chút gì là tốt lành”[5]; nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp tuy cũng là những con người lao động bình thường nhưng lại hay phá phách, chửi bới, văng tục; trong mối quan hệ và cư xử với người khác thì tính toán, so đo, vụ lợi… Vì thế, “trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, ta thấy đủ cả tâm lý chán chường, sự chối bỏ không thương tiếc mọi quá khứ và tâm lý phá phách, hạ bệ tất cả mọi thần tượng bấy lâu nay ngự trị trong trái tim con người. Ngòi bút của anh Thiệp đưa con người về điểm xuất phát của nó, con người hạ đẳng, con người nguyên thủy cùng với tiềm thức và bản ngã vốn có do trời sinh ra, những con người trần trụi lõa thể trong tư duy cũng như trong hình hài”[6]. Trong truyện ngắn Không vua của Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật Đoài và Khảm là hai nhân vật tập trung tất cả sự “hèn kém, đốn mạc” và gian xảo của loại người làm việc gì cũng chỉ với suy nghĩ và mục đích vụ lợi cho mình mà bất chấp tất cả đạo lý. Đoài là người làm việc ở Bộ giáo dục, còn Khảm là sinh viên ở trường đại học, cả hai đều là những trí thức, thế nhưng những suy nghĩ và việc làm của họ chẳng khác gì những kẻ lưu manh: “Khảm bảo:“Hai anh em mình mang tiếng là có học mà tết nhất đến, một bộ quần áo hẳn hoi cũng không có”. Đoài bảo: “Chỉ có con đường lấy vợ giàu thôi. Tối nay mày đưa tao đến nhà con ông Ánh sáng ban ngày đấy nhé.” Khảm bảo: “Được thôi. Nếu anh tán được thưởng em cái gì?”. Đoài bảo: “Thưởng cái đồng hồ”. Khảm bảo: “Được rồi. Anh ghi cho em mấy chữ làm bằng”. Đoài hỏi: “Không tin tao à?” Khảm bảo: “Không”. Đoài ghi vào giấy: “Ngủ được với Mỹ Trinh, thưởng một đồng hồ trị giá ba nghìn đồng. Lấy Mỹ Trinh, thưởng 5% của hồi môn. Ngày… tháng… năm…Nguyễn Sĩ Đoài.” Khảm cười cất mảnh giấy vào túi rồi nói: “Cảm ơn”.” Không giống như con người trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư luôn thành thật với bản thân mình và với mọi người. Nếu như Đoài và Khảm trong truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp trong cuộc sống lúc nào cũng toan tính và vụ lợi thì nhân vật Diệp và thầy Nhiên trong Nước chảy mây trôi của Nguyễn Ngọc Tư hoàn toàn ngược lại. Cũng là những trí thức, cũng sống trong trong điều kiện khó khăn, thế nhưng Diệp – cô sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp ra trường và thầy Nhiên (vốn là một giáo viên vì người mình yêu mà bị sa thải một cách vô lý) vẫn giữ được cốt cách và lòng tự trọng của một con người sống nghèo nhưng không hèn. Vì không muốn thầy Nhiên – vừa là thầy vừa là chồng sau của mẹ bị “vẩn đục”, Diệp đã quyết định cùng thầy Nhiên ôm mớ khô cá sặc rằn trở về nhà dù rằng lúc ấy hai người đang ở cách nhà thầy Vẹn một bờ rào cùng với dự định nhờ thầy Vẹn phân công một chỗ dạy thuận lợi cho Diệp (thầy Vẹn là bạn cũ của thầy Nhiên đang làm Phó giám đốc Sở giáo dục). “Diệp biết thầy Nhiên đang nghĩ lung lắm, nhưng nó không nói gì, nó chỉ lẳng lặng ngồi nhìn mớ tóc cứng như rễ tre đã chớm bạc trên đầu thầy…” “Thầy hỏi, hay là hai cậu cháu mình chạy qua gặp thầy Vẹn một chút. Diệp lắc đầu, thôi cậu. Diệp không đành lòng cùng thầy cầm gói khô bước qua cửa nhà thầy Vẹn. Muốn hay không khi quay trở lại, trong lòng Diệp sẽ không tròn vẹn như bây giờ. Mất mát đó có thể rất mỏng manh, nhẹ như hơi thở, có thể chỉ là cảm giác vậy thôi. Thầy trông sẽ hèn hèn đi một chút, ngượng ngập một chút, vẩn đục một chút. Diệp muốn giữ vẹn trong lòng mình một hình ảnh đẹp, một người đàn ông lúc nào cũng đầm ấm, đỉnh đạc, thư thái, đầy khí phách và thành thật với con tim.” Từ những quan niệm về con người như vậy nên có thể nói, nếu như trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ông thường tái hiện “quá trình” hư hỏng của con người bằng sự giả dối cùng những mưu mô, thủ đoạn để lừa lọc người khác, thì ngược lại, trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, chị thường tái hiện “quá trình” con người phải hứng chịu những hậu quả từ sự giả dối, lừa lọc do kẻ khác gây ra. Một vấn đề nữa, nếu quan sát kỹ, chúng ta thấy quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Huy Thiệp là sự nối tiếp và phát triển một cách vừa tổng hợp vừa cụ thể quan niệm con người phức hợp của các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực phê phán trước 1945 như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… Đây cũng là một điểm độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp. Nhân vật Đoài trong truyện ngắn Không có vua là một ví dụ tiêu biểu và sinh động cho vấn đề này. Đoài vốn là một trí thức, công tác ở Bộ Giáo dục nhưng chẳng khác gì một gã lưu manh. Đây phải chăng là sự tiếp nối và phát triển của Nguyễn Huy Thiệp về quan niệm “con người giả danh và diễn trò” trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Hình ảnh những người con trong Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ… của Nguyễn Công Hoan chính là những “con người giả danh và diễn trò”. Qua những tác phẩm này, Nguyễn Công Hoan muốn vạch trần bọn người vốn là những đứa con đại bất hiếu nhưng lại khoát lên mình tấm áo đạo đức nhằm che mắt thế gian. Tương tự như vậy, Đoài trong Không có vua là hạng người“lưu manh giả danh trí thức, quỷ đội lốt người” mà Nguyễn Huy Thiệp muốn lột trần và phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ. “Đoài nằm trong giường nói vọng ra: “Ở đâu không biết chứ ở nhà này “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống” là chuyện thường tình”. Lão Kiền chửi: “Mẹ cha mày, mày ăn nói với bố thế à”? Tao không hiểu thế nào người ta lại cho mày làm việc ở Bộ Giáo dục?”. Đoài cười: “Họ xét lý lịch, họ thấy nhà mình truyền thống ba đời trong sạch như gương”. Và Đoài là một con người sống thực dụng, thủ đoạn, đó là sự tiếp nối và phát triển quan niệm “con người bịp bợm, cơ hội” của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ, Giông tố… “Cấn bảo“Anh Đoài vào lễ đi”. Đoài đang chặt thịt gà, tay đầy mỡ, cứ để thế không rửa tay, chạy lại bàn thờ vái lia lịa. Đoài bảo:“Lạy mẹ, mẹ phù hộ cho con đi học nước ngoài, kiếm cái xe Cub”. Ông Vỹ cười: “Cháu đi nước ngoài nào?”. Đoài bảo: “Cái đấy còn phụ thuộc cái ông để ria mép, mặc áo ca rô kia kìa”. Anh Minh nghe thấy bảo: “Đi hay không sao lại phụ thuộc vào tôi”. Đoài bảo: “Gì thì gì, anh là sếp trực tiếp, anh quay lưng lại là em rồi đời”. Cuối cùng, Đoài là một con người suy đồi, đó là sự tiếp nối và phát triển quan niệm “con người tha hóa, biến chất” của Nam Cao trong Chí Phèo, Đôi móng giò, Trẻ con không được ăn thịt chó, Đòn chồng... “Đoài hỏi: “Sinh biết nhà này tương lai thuộc về ai không? Sinh bảo:“Không”. Đoài cười:“Về tôi”. Sinh hỏi:“Sao thế?”. Đoài bảo:“Bố già bố chết. Thằng Khiêm trước sau cũng vào tù. Thằng Khảm ra trường không đi Tây Bắc cũng đi Tây Nguyên. Thằng Tốn không nói làm gì, vô tích sự”. Sinh hỏi:“Thế còn anh Cấn?”. Đoài bảo: “Phụ thuộc vào Sinh. Nếu Sinh yêu tôi, tôi sẽ gây sự tống cổ ổng ra đường”. Sinh bảo: “Dễ thế?” Đoài bảo: “Sinh còn quyến luyến cái gì? Lão Cấn vừa ngu, vừa hèn, lại yếu, bác sĩ bảo bị lãnh tinh, lấy Sinh hai năm mà có con cái gì đâu”. Sinh ngồi yên, nồi bánh chưng sôi sùng sục. Đoài bảo: “Tối nay tôi vào buồng Sinh nhé!”. Ngoài nhân vật Đoài, chúng ta còn thấy hàng loạt những nhân vật khác như: Thủy (Tướng về hưu), Phạm Ngọc Phong (Giọt máu), Bường (Những người thợ xẻ), Diệu (Cún)… thể hiện rất rõ quan niệm trên của Nguyễn Huy Thiệp. Trong cái nhìn so sánh tương tự, chúng ta thấy quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Ngọc Tư cũng chính là sự nối tiếp và phát triển một cách vừa tổng hợp vừa cụ thể quan niệm con người phức hợp với những biểu hiện như: “con người đạo nghĩa” trong các sáng tác của Hồ Biểu Chánh những năm đầu thế kỷ XX; “con người phẩm hạnh” trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố (nhân vật chị Dậu); “con người nghèo mà không hèn” trong Lão Hạc, Dì Hảo của Nam Cao… Hàng loạt những nhân vật như ông Hai (Cái nhìn khắc khoải), ông Chín (Cuối mùa nhan sắc), Lương (Bến đò xóm miễu), Nương (Cánh đồng bất tận), Mỹ Ái (Gió lẻ)… đã thể hiện rất rõ vấn đề này. Từ những phân tích trên, có thể thấy trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, con người sống thành thật với chính mình và với mọi người là một thước đo quan trọng để khẳng định sự hướng thiện của họ. Chính vì thế, đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc hiếm khi bắt gặp những con người mưu mô, xảo quyệt; tha hóa, biến chất; những con người vụ lợi và toan tính hại người như trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu như con người trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp làm chuyện gì cũng chỉ với suy nghĩ và mục đích có lợi hay không có lợi cho bản thân mình thì con người trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư làm chuyện gì cũng đắn đo suy nghĩ và cân nhắc xem chuyện ấy là tốt hay xấu, là đúng hay sai, có gây tổn hại đến người khác hay không để từ đó quyết định nên làm hay không nên làm. Đây chính là những biểu hiện của một “cái nhìn”, một cách “lí giải” về con người – một kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo của hai nhà văn trong sự kế thừa và phát triển từ những thế hệ đi trước. Nói khác đi, đây chính là phong cách riêng của Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư ở bình diện quan niệm nghệ thuật về con người. 2. Thay lời kết Có thể nói, kế thừa truyền thống về quan niệm nghệ thuật về con người của các thế hệ đi trước, bằng sự trải nghiệm và sự sáng tạo của bản thân, Nguyễn Ngọc Tư đã đưa ra một “cái nhìn”, một cách “lí giải” về con người rất mới mẻ và độc đáo, đem đến cho người đọc một sự thích thú và ngày một yêu mến truyện ngắn của chị hơn. Đây chính là dấu ấn riêng góp phần làm nên phong cách truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể hình dung quan niệm nghệ thuật về con người hay nói khác đi đó là “mô hình về con người” – một kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư qua sơ đồ sau:
----------------------------------------------- MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi - Từ điển thuật ngữ văn học. Nhà xuất bản Giáo dục, 2007 2. Trần Đình Sử - Một số vấn đề về thi pháp học hiện đại. Bộ Giáo dục và đào tạo, Vụ giáo viên, 1993 3. Trần Đình Sử - Giáo trình dẫn luận thi pháp học. Bộ Giáo dục và đào tạo, Đại học Huế, 2001 4. Lê Ngọc Trà - Lý luận và văn học. Nhà xuất bản Trẻ, 2005 5. Nhiều tác giả - Lý luận văn học. Nhà xuất bản Giáo dục, 1986 6. Website http://www.viet-studies.info/NNTu/ (chuyên trang về Nguyễn Ngọc Tư do Trần Hữu Dũng thiết kế và quản lý). ______________________________
[1] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) – Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục, 1992 [2] Chữ dùng trong truyện ngắn Chuyện của Điệp của Nguyễn Ngọc Tư [3] Chữ dùng trong truyện ngắn Nước chảy mây trôi của Nguyễn Ngọc Tư [4] Website http://www.viet-studies.info/NNTu/ (chuyên trang về Nguyễn Ngọc Tư do Trần Hữu Dũng thiết kế và quản lý). [5] Hoàng Ngọc Hiến – Văn học gần và xa. Nxb Giáo dục, 2009 [6] Mai Ngữ - Cái tâm và cái tài của người viết (in trong Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận). Nxb Trẻ, 1989 Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
|