Bản gốc của tác giả
Cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư
Kiệt Tấn
chiều chiều chim vịt kêu chiều bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau
Nắng Tiền giang mưa Hậu giang Mưa kín chân mây nắng rộn ràng Lòng mong nắng đến chờ mưa tới Mưa nắng trong tôi nghĩa đá vàng
Tôi thả những dòng thơ này trên sóng nước phù sa sông Tiền sông Hậu từ cuối thế kỷ trước. Tới đầu thế kỷ sau tôi mới đón nhận được, qua văn chương, những trận nắng dữ tợn miệt Tiền giang và những cơn mưa hiền hậu miệt Hậu giang trên da thịt mình. Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận và quyển Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư đã ấm áp lọt vào vòng tay ân cần của tôi vào tháng sáu năm 2006, nhân dịp tôi về thăm quê hương. Thời gian đó ở miền Nam trời mưa hoài mưa hủy, mưa dai mưa dẳng, mưa dầm mưa dề, mưa không dứt hột. Mà mỗi khi mùa mưa tới, mỗi khi mưa xuống là tôi thèm yêu, thèm được thất tình, thèm được chết vì quá yêu một cô gái nào đó. (Mà sao không thể là Nguyễn Ngọc Tư, dù chưa một lần tạn mặt?)
Tôi đọc miên man Cánh đồng bất tận (CĐBT), gối kê đầu giường. Tôi mê mải đọc Nguyễn Ngọc Tư (Nguyễn Ngọc Tư) trong những chuyến xe đò chở tôi xuôi ngược trên những con đường quê hương. Mưa Tiền giang nắng Hậu giang, Trời cao đất rộng chiếc diều băng. Cò bay thẳng cánh đo đồng ruộng, Chín cửa ra khơi mộng hải bằng. Những câu văn đậm tình sông nước, cuồn cuộn phù sa của Nguyễn Ngọc Tư làm nhớ bài thơ Tiền giang Hậu giang của tôi đã viết cách đây hơn mười năm. Nắng Hậu giang mưa Tiền giang, Nhìn nhau mà lệ rớt hai hàng… Dạt dào… xào xạc… bì bõm…
Tôi sinh đẻ tại Bạc liêu có biển nhãn lấn tràn minh mông, mút mắt. Thời đó, phong trào chống Pháp bắt đầu bộc phát. Tới năm 9 tuổi tôi theo gia đình lên định cư ở Vĩnh long sông nước tư bề, vào trung học. Từ miệt đồng ruộng phì nhiêu tôi dời lên miệt vườn hoa lá sum suê, um tùm bốn phía. Tôi được nuôi dưỡng bằng không khí thơm tho bùn đất và những dòng máu thắm đỏ phù sa, chằng chịt như sông ngòi quấn quít đồng bằng Cửu long. Chín con rồng biển đã cưu mang tôi từ lúc tôi mới tượng hình, có chút xíu, lớn chưa bằng đầu ngón tay.
Tư cũng chào đời tại Bạc liêu (Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, trang 189), vùng đất có rừng bần lấp loáng sáng trăng những đêm rằm trong trẻo. Một năm sau “giải phóng” 75. Đến năm 4 tuổi thì Tư trôi giạt về Cà mau, để rồi quấn hết chưn tay mình mẫy của mình vào cuộc đất này như đôi tình nhân nguyện thề từ muôn vạn kiếp. Cỏ mọc bờ giếng cheo leo, Lâm chung có bậu hiểm nghèo có qua. Sinh ra từ đất Hậu giang, Tư vẫn cứ một dạ thủy chung với cuộc đất này. Từ rừng bần sáng trăng, Tư trôi giạt về tử thủ vùng đất ngập nước có rừng mắm khua động dưới từng nhịp chèo, từng mái dầm bơi xới dòng phù sa ngầu đục “Bạc liêu là xứ quê mùa, Dưới sông cá chốt trên bờ Tiều châu”. Xứ quê mùa thì sanh ra giọng nói quê mùa: “Bắt con cá gô bỏ dô gổ, nó nhảy gồ gồ gột gột” Hoặc “Gầu ghĩ gâu ghia ga gậm gạp. Gờ gâu gâu gụng gờ gún gún gung ghinh”. Tình cờ tôi và Nguyễn Ngọc Tư đã ràng buộc nhau bởi đất đai, bởi sông ngòi, bởi cá tôm và cách nói của miền nước nôi sông Hậu hiền hòa từ hồi nào không biết. Có lẽ nhờ vậy mà tôi cảm nhận được tận tường hơn những gì tuôn chảy ra dưới ngòi bút của Tư chăng? Mưa Tiền giang nắng Hậu giang, Phù sa lớp lớp bón đồng bằng. Thương hồ kết nghĩa cùng châu thổ, Hò ớ tan hòa theo nước trăng…
Đọc hết CĐBT, tôi gặp lại cái tình bà con đậm đà của người Hậu giang, gặp lại cách cư xử ân cần tử tế, gặp lại lời nói cục mịch, gặp lại dòng sông con rạch ngầu đục, gặp lại tô mắm kho thơm phức, cọng bông súng dòn rụm, gặp lại cái không khí ôi sao mới là quen thuộc! Quen thuộc... nhưng mà buồn. Buồn vì những hoàn cảnh khắc nghiệt, éo le, ngang trái. Buồn vì những lỡ làng, cách biệt, hắt hủi. Buồn vì những đổi thay khiến cho con người nơi đây vơi bớt đi lòng tử tế, vơi bớt đi cái tính tình chơn chất và lòng tin cậy nguyên thủy. Cái buồn man mác dàn trải trên khắp các truyện kể. Buồn, nhưng vẫn tiếp tục đọc.
Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư cũng là những câu truyện kể --tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng. Càng đọc tôi càng thấm nặng cái buồn. Rất buồn! Buồn muốn lâm bịnh. Và lại thêm ngột ngạt, ngao ngán. Cho tới lúc tôi đành bỏ dở nửa chừng. Buồn quá, chịu hết nổi. Tôi buông sách bỏ đi theo bạn bè nhậu nhẹt giải khuây, đi bia ôm, karaôkê, trà đình tửu quán. Rồi dần dà nguôi ngoai. Tôi lãng quên dần dần... Vai mang bầu rượu chiếc nem, Mãng say quên hết lời em dặn dò... Và rồi tôi cũng bỏ quên luôn quyển Tạp văn của Tư lại quê hương. Tư mà biết được chắc buồn. Buồn năm phút!
Rồi một năm qua, hai năm qua... Cho tới một bữa nọ có cô cháu tình cờ chợt quăng câu hỏi lớn lên không trung (rớt xuống u đầu!): “Sao chú là cây bút miền Nam mà chú không viết về cô Nguyễn Ngọc Tư, cũng là người miền Nam như chú?” Tôi thêm: “Hơn nữa Tư lại là người miệt Hậu giang, cũng như chú!” Ờ hả, sao kỳ vậy? Tôi biểu cô cháu tìm cho tôi các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư để tôi đọc lại. Biết đâu chừng sẽ có hứng viết một bài về Nguyễn Ngọc Tư. Không phải một bài thuộc loại phê bình văn học (bỏ đi tám!) mà là một bài theo kiểu “điểm sách” nhằm giới thiệu ngòi bút và các truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Ngọc Tư với bạn đọc. Người viết sẽ không lên tiếng thay cho tác giả mà sẽ để cho chính Nguyễn Ngọc Tư trực tiếp nói lên cảm nghĩ của mình qua các trích đoạn rải rác trong các tác phẩm. Người viết tránh suy diễn ý nghĩ của tác giả, hầu bảo toàn sự trung thực của sáng tác, đọc và cảm nhận như thế nào thì cứ viết y chang như vậy, không thêm không bớt, cho nó giữ được cái “truyền thống” ăn ngay nói thiệt, cục mịch quê mùa “con cá gô nhảy gồ gồ gột gột” của miệt Hậu giang ta.
Lần này tôi có được trong tay 4 tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, tất cả đều do nhà xuât bản Trẻ Sài gòn ấn hành. Tôi sẽ tuần tự đọc theo thứ tự thời gian vào lúc tác phẩm xuất hiện lần đầu, hầu theo dõi diễn biến cách dựng truyện và bút pháp của Nguyễn Ngọc Tư theo thời gian. Tuy nhiên, để quân bình việc trình bày, bài viết sẽ được chia làm hai phần:
Bài 1, Cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, sẽ đề cập tới hai tác phẩm sau: . Ngọn đèn không tắt (2000, in lần 4/ 85 trang) . Cánh đồng bất tận (2005, in lần 5/ 213 trang) Bài 2, Sông nước Hậu giang và Nguyễn Ngọc Tư, sẽ điểm hai tác phẩm còn lại: . Giao thừa (2003, in lần 1/ 161 trang) . Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư (2005, in lần 1/ 193 trang)
***
Nắng Tiền giang mưa Hậu giang Sông Tiền Mỹ thuận đợi đò sang Cần thơ sông Hậu sang đò nữa Chở xuống Cà mau ngập chuyến hàng
Hãy lấy chuyến xe đò sớm nhứt về Cà mau thăm Nguyễn Ngọc Tư khi trời còn mát mẻ. Về thăm Tư để coi Ngọn đèn không tắt của Tư nó có còn tiếp tục cháy nữa hay không, và nếu còn cháy thì coi coi nó sáng tới mức nào.
Trước khi giở tập truyện mỏng 85 trang này, tưởng cũng cần nhắc lại bối cảnh lịch sử cận đại của đất nước ta để đặt dấu mốc cho những cái nhìn cá biệt đến từ nhiều phía. Tôi thuộc thế hệ sanh ra trong những năm 40 nên lãnh trọn 30 năm chiến tranh đằng đẵng trên cái đất nước yêu dấu tang thương ngậm ngùi này: chiến tranh Pháp Việt (1945-54), chiến tranh Mỹ - Quốc - Cộng (1954-75). Kết thúc bằng ngày 30 tháng tư 1975, Cộng sản Bắc Việt xô quân chiếm trọn miền Nam – mà phe thắng trận gọi là ngày “giải phóng” (!) – và áp đặt chế độ cộng sản trên toàn lãnh thổ. Để rồi hơn 10 năm sau, bắt buộc phải Đổi Mới, chạy theo kinh tế thị trường của khối tư bản hầu bảo vệ Đảng ta khỏi bị nhân dân nổi loạn vì thiếu thốn mọi bề, đứng lên lật đổ. Chào đời sau “giải phóng”, tuy không trực tiếp nếm mùi chiến tranh, nhưng thế hệ của Tư cũng bắt buộc phải gánh chịu hậu quả tang thương đổ nát nặng nề trên khắp cùng đất nước mà cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ 20 đã để lại.
Ngọn đèn không tắt, tiêu đề cho toàn tập, cũng là tựa của bài viết đầu tiên khi người đọc bắt đầu bước vào thế giới chơn chất thiệt thà của Tư. Tại sao ngọn đèn không chịu tắt? Tại vì người ta muốn duy trì cho nó cháy hoài. Ngọn đèn đó là cái tinh thần khởi nghĩa khi xửa khi xưa, đã lâu lắm rồi, có lẽ từ hồi thời thuộc địa Tây. Nhưng muốn duy trì cho nó cứ tiếp tục cháy hoài thì hằng năm, tại cái Xóm Rạch nhỏ xíu này, xã tưng bừng dựng cờ đỏ chói và gởi thơ mời các cựu lão ông tới ủy ban để “nói chuyện khởi nghĩa”
Ông Hai Tương trong xóm được mời tới đều đều để nói chuyện hằng năm vì ông đã tham gia khởi nghĩa và có thành tích lớn từ hồi nẵm. Vì nay ông đã già yếu nên Tươi, cô cháu nội nhỏ tuổi (học lớp chín) được đặc phái đi theo để chăm sóc ông nội mình.
“Con Tươi ngồi chắt nước cơm ngoài sau bếp, than trong bụng: “Mấy chuyện đó kể muốn thuộc lòng rồi, bắt kể hoài, bộ mấy ổng hổng chán sao?” (trang 9). Nhưng có sao đâu! Cô gái nhỏ dù sanh sau đẻ muộn, nhưng vì đại cuộc, cũng đã cất tiếng trả bài sang sảng trước bà con ta để khơi lại ngọn lửa khởi nghĩa đang có mòi tàn lụn của ông cha mình – dù sao cũng là anh hùng cứu nước hay là bà già giết giặc hết trọi đó chớ giỡn chơi sao! “Cô gái nói lời của ba cô năm trước, nói lời của ông nội cô năm trước, năm trước nữa. Cô nói lời của lịch sử. Mà lịch sử là thứ không thay đổi” (trang 17) Quá đúng! Đúng hết sẩy. Cô gái đã chinh phục được cảm tình và sự chăm chú của ủy ban và bà con trong xóm có mặt tại bữa họp do xã tổ chức. “Nhưng trong lời cô có cái nhiệt tình tuổi trẻ, trong mắt cô có màu đen sẫm của vốc đất bãi bùn, và cô dựng xương thịt cho cuộc khởi nghĩa bằng nét mềm mại của người con gái nên câu chuyện của cô rất sâu sắc và thu hút người khác” (trang 17). Hoan hô! Hoan hô em nhỏ! Rồi đang “khởi nghĩa” nửa chừng, câu chuyện bỗng đâm hơi bắt sang chuyện thêu thùa áo gối của Thầy (cầm đầu khởi nghĩa) chung với bà nội mình hồi trưóc – chi tiết lạ lùng mà không một ai biết được. Nhưng may thay, cô gái nhỏ đã kịp thời lèo lái mọi người quay trở lại cái “tuồng ruột” của mình để giữ cho ngọn đèn khởi nghĩa đừng có đứt bóng bất tử. Cô kéo mọi người hướng trọn hết tâm can tới lời trăn trối của Thầy: “Thầy biểu mấy chú, à không mấy chú giữ đèn hải đăng cho nó đừng tắt. Và khi chiếc tàu chạy vào Xóm Rạch rồi, ngọn hải đăng vẫn cứ nhìn theo cháy hoài, cháy hoài, cháy hoài...” (trang 19). Dĩ nhiên cây hải đăng phải cháy hoài cháy hoài mới nuôi được ngọn lửa hy vọng trong lòng bà con Xóm Rạch. Vì hy vọng, từ xưa tới nay, vẫn nuôi cho người ta sống. Sống để mà tiếp tục... hy vọng. Và rồi đây sẽ có ngày hy vọng cũng mệt mỏi buông tay cho bà con trong xóm chết đuối trong chờ đợi mỏi mòn. Hay là khi ngọn hải đăng “khởi nghĩa” tắt rồi, bà con ở cái Xóm Rạch nhỏ nhít này sẽ lặng lẽ chết âm thầm trong bóng tối lịch sử.
Nhưng bánh xe lịch sử vẫn cứ ngon trớn lăn tới trên con đường một chiều, không một ai cản nổi. Một khi kinh tế khá lên rồi thì Cách mạng bắt đầu phân phát ân sủng cho những người “khởi nghĩa” có công lớn: cất nhắc cho làm chức lớn tương xứng với công lao của mình. Đúng theo cái đường lối mà một đàn anh lãnh đạo đã đề ra: “Mấy em theo mình cực khổ từ trước tới nay cũng đã mệt lắm rồi. Phải cho mấy em nó hưởng một chút!” Cũng bình thường thôi. Mà một khi có quyền rồi thì người ta muốn có tiền, thiệt nhiều tiền – cũng rất bình thường. Muốn có thiệt nhiều tiền thì người ta bèn tham những hoặc thâm lạm công quỹ – cũng rất bình thường. Đó là bối cảnh cho truyện Nỗi buồn rất lạ (tr 31): Ngày xưa Tư Đờ vốn là một tay du kích nổi tiếng lì. “Tụi Ngụy ngoài chợ Rạch Ráng nghe nói tên Tư Đờ là thiếu điều té đái” (tr 35). Nay thắng trận rồi, Tư Đờ được Cách mạng ghi ơn cử làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu. “Không biết thế nào, công ty ông ta thâm hụt mấy tỉ mà ông thì ngày một giàu” (tr 36). Mấy tỉ đây là tỉ đồng Việt Nam chớ không phải là tỉ đô la Mẽo đâu nghen - đừng có nghèo mà ham! Đổ bể, Tư Đờ bị bắt và đi tù – rất bình thường? Nhân vật nhà báo xưng “tôi” về nói lại với ba mình vốn là đồng chí du kích đã từng sống chết với Tư Đờ cả chục năm hồi thời kháng chiến. “Biết bao nhiêu lần tụi giặc càn vô vùng căn cứ Xóm Xẻo, tụi tao đánh giạt hết. Tao nè, Tư Đấu (Đờ?) nè, bác Mười Mực của mầy nè... bây giờ đứa còn đứa chết” (tr 36). Bởi lẽ đó, khi nghe con mình nói là Tư Đờ đã xộ khám, ba nhứt định không tin, mặc dù thằng con cứ nhắc khéo: “Làm kinh tế mà ba, đâu liên quan gì tới chuyện đánh giặc. Sẩy chân là chuyện thường” (tr 36). “Cái thằng này! Mầy nói cái gì mà kỳ cục vậy mậy? Tao nghe không có lọt lỗ tai!”
Bởi lẽ đó, mặc cho ai có nói gì thì nói, ông già vẫn cứ một mực không chịu tin. “Bây nói vậy, chớ làm lớn ai cũng hư hết sao? Tao coi ti vi, coi tụi bây viết, hễ làm giám đốc là phải có bồ, phải tham lam tiền bạc, phải ăn chơi. Tao hổng chịu” (tr 37). Thằng con cắt nghĩa nữa, ông già vẫn cứ gạt ngang: “Nhưng tao muốn nghe thằng Tư Đờ nó nói, nói thẳng thắn, thật thà, nó phải nói với tao sao mà tới nông nỗi như vậy, nó phải trả lời bà con Xóm Xẻo, chỗ bà con cưu mang nó mười mấy năm trời” (tr 42). Ông già không hiểu nổi cái sự thể đồng chí anh hùng cứu nuớc Tư Đờ oanh liệt của ông ngày xưa mà giờ đây xộ khám à? Không hiểu cũng phải, vì bây giờ ông vẫn còn tiếp tục cày ruộng, gặt lúa, tiếp tục “đầu tắt mặt tối, mưa nắng dầu dãi, nghèo vẫn hoàn nghèo” (tr 40). Có lẽ vì không hiểu nổi nên ông già đành phải níu vào một cái lý do, một cái cớ nào đó để mà tự an ủi, cho dù là một cái cớ hết sức mơ hồ, một cái lý do hết sức vu vơ. “Làm lớn, cũng khổ tâm lắm... Câu cuối cùng ông buông xuống, nhẹ như một tiếng thở dài” (tr 42). Và khi câu này đã buông xuống rồi thì giữa ông già và thằng nhỏ, ai buồn hơn ai? “Khi chuyến tàu chạy tuyến Cái Nước xa rồi, sao tự nhiên tôi buồn, buồn quá! Nỗi buồn này nặng hơn, trong suốt và nhiều gai nhọn hơn nỗi buồn của ba tôi” (tr 42). Giữa ông già và thằng con, ai mới thiệt sự là người thất vọng, và thất vọng ê chề? Dù không chi li, nhưng bằng một cách khéo léo qua lối kể truyện, Tư vạch cho thấy tâm lý các nhân vật của mình một cách tài tình. Nỗi buồn của thằng con, một nỗi buồn nặng nề, trong suốt và nhiều gai nhọn.
Tuy nhiên, trong cái không khí thất vọng não nề và buồn hiu đó, Tư cũng cố gắng đẩy ngòi bút mình vào một niềm vui lớn: đợt xóm kéo điện về. Trang 39 nhắc lại cái ngày lịch sử đó: “Cái xóm nhỏ oai hùng, cái xóm nhỏ nghèo quê tôi hai mươi sáu năm sau giải phóng người ta thấy được ánh điện đầu tiên trong đời. Người già Xóm Xẻo uống trà quạu thức sáng đêm nhìn bóng đèn điện cho đã con mắt” (tr 39). “Đã” như vậy mà đã “đã” chưa? Chưa! “Cái ánh sáng làm cho người ta tự tin lên. Còn tụi con nít bị đánh quắn đít mà dỗ hoài vẫn không ngủ được, tụi nó tưởng còn ban ngày” (tr 39). Tuy khóc mà là khóc trong niềm vui, khóc trong niềm hoan lạc của cái Xóm Xẻo nhỏ nhít mà thân thiết cật ruột. Và nhứt là oai hùng! Cái chi tiết nhỏ nhoi ngộ nghĩnh mà hết sức tuyệt vời!
Tập truyện đầu tay NĐKT của Nguyễn Ngọc Tư được viết bằng loại mực tím than còn thơm mùi học trò. Bút pháp có những cái vụng về dễ thương mà lúc càng viết nhiều về sau này, đôi khi người ta thầm tiếc hùi hụi cái chất “học trò” bây giờ đã mất đó. Như một trinh nữ ngồi buồn nhớ lại, và chắt lưỡi... “Hỏi anh anh nói học trò, Sao em lại thấy anh cỡi bò hôm qua?” Truyện kể còn lan man, lộn xộn, thiếu mạch lạc và chưa thành hình rõ rệt. Đại khái, vẫn còn “Ngổn ngang” như một cái tựa truyện của Tư (tr. 60) trong NĐKT.
Tuy nhiên, ở thời buổi đó, ở cái tuổi đó, Tư viết như vậy kể như cũng đã là “được” lắm rồi.
***
Nắng Hậu giang mưa Tiền giang Bạc Liêu ghiền cốm dẹp Sóc Trăng Chắc Băng cọp rống Đầm Dơi hú Ai đâm Hà bá miệt Năm Căn?
Đi vào thế giới của Nguyễn Ngọc Tư, thỉnh thoảng chợt bắt gặp lại những địa danh tưởng chừng như đã mất tiêu trong cơn lốc lịch sử phừng phừng lửa sắt vừa qua: Đầm Chim, Đầm Dơi, Chắc Băng, Cạnh Đền, Gành Hào, Năm Căn, U Minh, Trèm Trẹm, Mút Cà Tha… Rồi những tên đất, những tên rạch, những vàm, những xẻo, những làng, những xóm… ôi thôi kể sao cho hết! Đối với những người thuộc địa phương khác thì những cái tên đó vô cùng xa lạ, hờ hững. Nhưng đối với những người đã từng lội bùn và tắm nước đục Hậu giang thì nó thân thiết vô cùng. Tên sông tên đất vang dội trong lòng như tiếng vượn hú không nguôi trong cánh rừng già. Hay tiếng mái dầm chợt đập chát trên mặt nước sông trong buổi chiều sẩm tối. Như một tiếng nhắn nhủ, như một lời mời gọi: “Về thăm! Về thăm em đi anh!”
Hãy thả chiếc xuồng nhỏ ba lá bơi vào Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Sẽ bắt gặp những doi đất nhô xa, những rừng mắm um tùm, những rừng tràm đặc khít, đám mái dầm vươn cao, lùm ô rô gai góc, những đàn cá lội nhởn nhơ, những bầy vịt chạy ùn ùn trên ruộng đồng xa tắp. Những cánh đồng... những cánh đồng... và những cánh đồng... Những cánh đồng không tên, chỉ được ghi nhớ bằng một chi tiết nho nhỏ, một kỷ niệm lạ lùng còn giữ được từ nơi đó. Bằng không sẽ không có cách gì nhớ nổi. “Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận (tên này tôi tự dưng nghĩ ra)” (tr. 208). Bằng linh tính bén nhạy, bất thần Tư tìm ra được tên gọi cho cánh đồng minh mông mình đang đi qua: Cánh đồng bất tận. Bất tận như một nỗi buồn. Như một buổi chiều chạng vạng trời mưa lâm râm, ngồi ngó trời đất minh mông mà rầu rĩ một mình. Cánh đồng bất tận. Hay là “Cái rầu bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư?
Mưa Hậu giang nắng Tiền giang Nhiều đêm không ngủ dạ mơ màng Nhớ người nhớ đất mùi quê cũ Ôi nắng Tiền giang mưa Hậu giang!
Tập truyện Cánh đồng bất tận, 213 trang, chia làm 14 bài viết. Có 5 bài đã xuất hiện trong tập Giao thừa: Cái nhìn khắc khoải, Hiu hiu gió bấc, Cuối mùa nhan sắc, Nhớ sông, Dòng nhớ.
Bắt đầu CĐBT là một cuộc tìm kiếm trên khắp hang cùng ngõ hẹp của ông già Năm Nhỏ. Cất tiếng gọi lớn: “Cải ơi!” (tr.7). Ông Năm tìm kiếm lăng xăng đứa con gái của mình. “Lúc nhỏ Cải mười ba tuổi, một bữa mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà” (tr. 8). Rồi trong cuộc tìm kiếm vô vọng, một đêm nọ ông Năm chợt biến thành “Tên trộm đãng trí”: ông đi ăn trộm trâu của người khác. Bị bắt, nhân lúc được phỏng vấn trên đài, ông nhắn nhe cầu may với con gái mình: “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng chớ đôi trâu có nhằm nhò gì... Về nghe con, ơi Cải...” Nhưng Cải có nghe được tiếng gọi tuyệt vọng của ba mình không? Cải có hồi tâm mà trở về với má mình không? “Về đi về đi, Cải ơi Cải!”
Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay. Sau khi “Cải ơi!” đã về trời rồi thì tiếp theo là truyện Thương quá rau răm (dĩ nhiên), với cái cù lao Mút Cà Tha xa lắc - người miền Nam có thói quen nói “mút chỉ cà tha” để diễn tả cái gì kéo dài quá mức hoặc xa mút tí tè. Trên cù lao có ông Tư Mốt rất là chí tình với cuộc đất Cà Tha. Nhưng vì đời sống quá khó khăn và nguy hiểm, mọi người dần dần bỏ cù lao mà ra đi hết. “Và họ từ giã cù lao. Ông Tư Mốt ờ ờ ra chiều thông cảm, vẻ mặt cố tỏ ra không buồn nhưng hàm râu xuôi xị. Họ ngoắc đò đi rồi chú còn đứng mãi trên bến, nghĩ giận đám trẻ cù lao đã được học hành nhưng chẳng đứa nào chịu quay về” (tr. 19) Cũng thường thôi. Một hiện tượng “bỏ cuộc đất” quê mùa mà ra đi đã xảy ra đều đều khắp mọi nơi, ra đi khi ánh sáng “văn minh” lấn tới.
Kịp thời Văn từ đâu trôi giạt về. Chàng thanh niên được đặc phái tới làm việc tại trạm xá cù lao. Ông Tư Mốt và cô nhỏ Nga tìm đủ hết mọi cách chìu chuộng người từ xứ lạ tới để cầm chưn. Nước ròng trong rạch chảy ra. Em chào anh đi học ở xa mới dìa. Nhưng rồi rốt cuộc Văn cũng im ẩn bỏ cú lao mà lẵng lặng ra đi, không một lời từ giã. Trong một thoáng chùng chình, ông Tư Mốt tự hỏi: “Bên ngoài cái đất Mút cà tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gao mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?” (tr. 25). Câu hỏi quăng xuống bến nước Mút cà tha chìm lĩm biệt tăm, không thấy ai lên tiếng trả lời. Như vậy thì chắc là tiêu tùng rồi nhỏ Nga ơi! “Anh đi em một ngó chừng, Ngó sông sông rộng ngó rừng rừng sâu”. Sao nỡ để rau răm ở lại cù lao một mình chịu lời cay đắng?
Sang truyện khác: Không ai biết ông tên gì. Ông làm nghề nuôi vịt chạy đồng. Ông lùa bầy vịt lên một cánh đồng vừa mới gặt xong. Khi bầy vịt đã ăn mót hết lúa gặt rơi rớt trên ruộng rồi thì ông lùa vịt tới một cánh đồng khác. Rồi cứ vậy... cứ vậy... Trong bầy vịt của ông có con vịt xiêm tên Cộc rất khôn và hiểu được ông nói gì. “Ông kêu: “Cộc, biểu!” Con Cộc chạy lại, vẫy nước và cọ đầu vào bắp đùi đen bóng của ông” (tr. 50).
Một buổi chiều muộn, chợt ngó thấy một người đàn bà mặt mày buồn so ngồi dưới bực cỏ đợi tàu, ông quạt chèo cho ghe ghé lại. “Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang. Chị vẫn khóc: “Tui biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay... làm ơn cho tui theo anh đêm nay nghen”. Ông suy nghĩ rất lâu và trả lời một câu nhỏ xíu...” (tr. 52). Tuy nhỏ xíu mà lại đổ nợ lớn. “Thùng thùng trống đánh ngũ liên, Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”. “Đôi chân đàn bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cúi đầu không nói không rằng lùi lũi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi nhưng ông la: “Cộc! bị đòn nghe mậy!” (tr. 52).
Người đàn bà (cô Út) về tá túc, và phụ tiếp bếp núc trong căn nhà lá cũ mèm của ông – căn nhà mà năm ba tháng ông mới về một lần. Mái lá có bốc lên chút khói xanh um uốn éo cũng bớt lạnh lẽo và đỡ buồn. Rồi cảm tình qua lại giữa hai người có con Cộc làm chứng. Rồi thời gian qua... Rồi mùa lúa chín tới. Rồi bọn thợ gặt kéo về. Trong đám thợ gặt có tình nhơn cũ của cô Út. Và cô Út đành đoạn lìa bỏ căn nhà lá ơn nghĩa cũ mèm để đi theo tiếng gọi của lòng. Bỏ người đàn ông ở lại một mình buồn hiu như cũ. Với con Cộc khôn dàn trời, dĩ nhiên. Nhái kêu chiều xế dưới mương, Thiếp đà an phận còn thương nỗi chàng.
“Ông ngồi lại, bồn chồn. Hồi lâu, ông nói như chỉ nói với mình: “Mai mốt mình đi nữa hen Cộc?” Con vịt cạp mắt cá ông, đi thì đi, tui đâu ngán!” (tr. 61). Rồi ông già ngó con Cộc, con Cộc ngó ông già, bốn mắt nhìn nhau chẳng nói một câu. Chợt có ngọn “gió lùa lao xao trên những tàu lá chuối. Tiếng lá khô vỡ giòn giống hệt bước chân ai vậy. Ông không nén được, mắc ngoái nhìn” (tr. 61). Rồi ánh flash lóe lên và đồng thời “rắc” một tiếng! Gã thợ chụp hình giải thích: “Và tôi đã chụp chân dung ông trong cái ngoái nhìn khắc khoải đó” (tr. 61).
Chỉ với một chi tiết nhỏ của cái nhìn có ngấn nước ở khóe mắt trên tấm ảnh mà Tư đã viết được một truyện ngắn độc đáo, Cái nhìn khắc khoải (tr. 49). Tuy khắc khoải nhưng có xen lẫn một chút diễu cợt nhẹ nhàng, một chút chọc phá duyên dáng. Cười, mà bùi ngùi. Tư làm nhớ tới cái sắc sảo và tinh tế của Võ Phiến. Nói thế, nhưng chưa ngòi bút nào đi xa hơn Võ Phiến trong công việc quan sát, mô tả và thưởng thức những tình tiết chi li trong đời sống thường nhật. Ngoài ra, giọng văn của VP và Nguyễn Ngọc Tư thuộc hai miền khác nhau: một Bình Định, một Cà Mau. Tuy nhiên, cho dù đang còn ở trong cuộc đất Cà mau, giọng văn của Tư trong CĐBT đã pha lẫn những tiếng không thuộc miền đất Hậu giang. Một sự chuyển hướng? Cũng giống như mọi người đã lần lần bỏ cù lao Mút Cà Tha mà ra đi trong niềm tiếc nuối của ông Tư Mốt và nhỏ Nga?
Bỏ đi. Như một định mạng khắc nghiệt, bỏ đi là một hành động nòng cốt xảy ra đều đều trong truyện của Tư. Bỏ nhà: Cải ơi! Bỏ cù lao: Thương quá rau răm. Bỏ người, bỏ vịt: Cái nhìn khắc khoải. Bỏ chồng: Một mối tình. Lại bỏ chồng và bỏ đi: Biển người mênh mông. Bỏ trốn: Một dòng xuôi mải miết. Bỏ ghe: Nhớ sông. Bỏ tùm lum, bỏ dài dài: Cánh đồng bất tận. Bỏ người yêu, bỏ bến: Duyên phận so le, Dòng nhớ. Chợt nhớ thơ Nguyễn Bính: “Bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng trong, Cô lái đò kia đi lấy chồng. Vắng bóng cô em từ dạo ấy, Để buồn cho những khách sang sông...” Dặn hờ: “Tư ơi Tư! Đừng có bỏ đi bất tử nghe Tư! Buồn lắm đó nghe! Buồn nát cả tâm can. Buồn như “rót lệ vào tim” (điệu này chắc tui chết!). Đừng có bỏ đi bất tử nghe Tư!”
Mưa Tiền giang nắng Hậu giang Ngày đi binh lửa rưới điêu tàn Ngày về Bình Thủy miền quê ngoại Biết có hiền hòa như xưa chăng?
Bỏ đi. (Bỏ đi Tám?) Như đã nói, bỏ đi gần như là một ám ảnh ray rứt không thể nào thiếu vắng được trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Biển người mênh mông (tr. 99) cũng theo thông lệ đó mà thôi. Má bỏ đứa con rơi của mình (Phi) để theo ba. Phi sống với bà ngoại. Đang học nửa chừng, Phi thôi học, bỏ đi (lại bỏ đi!) theo đoàn hát. Khít vách Phi có ông già Sáu Đèo làm nghề bán vé số mới dọn về mướn một căn để ở. Lúc dọn làm mất hết mất thùng cạc tông đựng mùng mền quần áo nên ông Sáu chỉ còn vỏn vẹn có một bộ đồ duy nhứt dính da.
Một bữa trời trở chướng, ông Sáu nhức mình nhức mẫy nên nhờ Phi qua nhà cạo gió cho ông. Nhắc chuyện xưa, ông Sáu kể “hồi trẻ, ông sống toàn trên sông, ông có chiếc ghe, hai vợ chồng ông lang thang xứ này xứ nọ (...) nước ngược cắm sào đậu lại thổi cơm, bìm bịp kêu, nước bò lên bãi ông cho ghe ra bến. Cuộc sống nghèo vậy mà vui lắm” (tr. 108). Ông Sáu kêu vợ mình bằng “cổ”. Phi cạo mạnh, ông Sáu rên đau, Phi hỏi đau chỗ nào, ông trả lời: “Ừ, cái chỗ này, chú mày không làm qua hết đau được đâu. Ông già Sáu mếu máo chỉ về phía tim. “Cổ đi rồi. Sống khổ quá nên cổ bỏ qua. Cổ lên bờ, không từ giã gì hết, bữa đó đúng là qua bậy, qua nhậu xỉn quá trời, rồi cũng có cự cãi mấy câu, cảnh nhà không con nên sanh buồn bực trong lòng, qua có hơi nặng lời, cổ khóc. Lúc thức dậy thì cổ đã đi rồi” (tr. 109).
Kể từ lúc vợ lìa ghe lên bờ và bỏ đi (lại bỏ đi!) mất biệt, ông Sáu cũng bỏ ghe. Không phải để lấy vợ khác làm ăn mà là lên bờ đổi nghề bán vé số và lặn lội khắp bốn phương trời để tìm kiếm vợ mình. “Tìm em như thể tìm chim, Chim ăn biển bắc đi tìm biển đông”. “Qua đã tìm gần bốn mươi năm, dời nhà cả thảy ba mươi ba bận, lội gần rã cặp giò rồi mà chưa thấy” (tr. 109). Rồi sau một đêm rượu đưa tiễn dưới trăng (như đưa tiễn tráng sĩ Kinh Kha sang sông Dịch hành thích bạo chúa) ông Sáu lại lên đường gian nan đi tìm “cổ”. Ông giao con bìm bịp lại cho Phi nhờ nuôi giùm. Nhiều bữa, bìm bịp kêu thê thiết cả đêm làm Phi không ngủ được. “Phi giở cửa lồng, con bìm bịp đập cánh xao xác, đứng niểng đầu nhìn anh buồn lắm, sao anh ngồi đây mà tía tôi đâu? (...) Tía thấy tao buồn nên để mầy ở lại, nhưng rồi lúc ông già bé nhỏ ấy buồn, ai kêu nước lớn cho ổng nghe?” (tr. 110). “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi, Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”
Rồi ông Sáu có tìm gặp lại vợ mình sau bốn mươi năm lặn lội? Hai người sẽ chung sống bên nhau hạnh phúc như xưa, trên một chiếc ghe thương hồ khác, với một con bìm bịp khác để nó kêu báo hiệu nước lớn cho ông Sáu xô ghe lên đường? Không rõ. Chỉ biết kể “từ đấy, ông Sáu Đèo chưa một lần trở lại. Từ đấy, giữa biển người mênh mông, Phi gặp biết bao nhiêu gương mặt, cùng cười đùa với họ, hát cho họ nghe, cùng chạm ly uống đến say...” (tr. 111). Và Tư đã thòng một câu kết: “Biển người thì mênh mông vậy...” (tr. 111).
Trong tập Giao thừa, Tư cũng đã thòng một câu kết tương tự trong truyện Đời như ý: “Làm gì có chuyện đời như ý?” (GT, tr. 66). Những câu kết đại loại như một “phán xét cuối cùng” này, thiết tưởng nên để cho độc giả tự suy gẫm lấy thì tốt hơn. Nếu thực sự tha thiết với ý đó, Tư có thể viết một cách khác để kết việc.
Ngoài cái “tuồng ruột” một người bỏ đi, một người tìm kiếm, qua truyện BNMM Tư cho thấy lòng tin cẩn của mình đặt vào cái bản năng chân thật hồn nhiên của muông thú, như bìm bịp chẳng hạn – còn con người thì nói chi! Cái lòng tin này của Tư cũng được thể hiện qua vịt xiêm Cộc trong Cái nhìn khắc khoải và con vịt đui trong Cánh đồng bất tận. Có cảm tưởng Tư thích sống chung đụng với thú vật, thích sống trà trộn với thiên nhiên, với đất đai, với sông nước. Tự muôn đời, đó vẫn luôn luôn là những nguồn an ủi lớn lao sau những lần va chạm não nề với loài có lý trí (hiu hiu) và với cái gọi là (le lói) văn minh.
Sau khi vượt qua Biển người mênh mông, người đọc lọt vào Cánh đồng bất tận, tựa cuối của tập truyện mang cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư. Cánh đồng này dàn trải từ tr. 155 đến tr. 213, cộng 59 trang, có thể coi như truyện vừa – không dài, không ngắn. Chỉ nghe cái tên truyện thôi cũng đã thấy mỏi chưn. Oải! Mệt thấy rõ! Tuy nhiên cũng cứ đi thử coi nó ra làm sao. Để coi cánh đồng nó “bất tận” tới mức nào ở cái vùng đất Cà mau bùn phèn bát ngát này.
Nắng Hậu giang mưa Tiền giang Đầm Dơi tay ngoắc cánh chim ngàn Mơi mốt về Cà mau ăn Tết Hưng Mỹ hăng mùi pháo nổ ran
Bắt đầu là một cánh đồng. Tiếp theo là một cánh đồng thứ hai. Rồi lại một cánh đồng nữa… tiếp giáp một cánh đồng khác nữa… khác nữa… « Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi và Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng. Chỗ chị em tôi trồng cây, chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… » (tr. 159). Cho tới một bữa nọ nhân vật nữ, Nương (hay là Tư?) tự dưng nhận thức ra… « bây giờ gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận… » (tr. 208). Phải rồi! Cái tên sao mà đúng quá đúng: Cánh đồng bất tận! Vì cánh đồng này có bao giờ chấm dứt ở một chỗ nào đâu. Đi hoài, đi hoài. Vẫn còn cánh đồng.
Bây giờ đi vào CĐBT, Tư đã có một số kinh nghiệm trong công việc đưa đẩy ngòi bút của mình. Tư không viết như hồi cái thuở ban đầu (lưu luyến ấy) của Ngọn đèn không tắt, nghĩ gì viết nấy, không cần sắp xếp, lộn xộn. Hoặc như trong Giao thừa, truyện kể đơn độc, một dòng. Tư đã biết đưa đẩy ngòi bút của mình trở ngược trở xuôi trong thời gian, trong ký ức. Đã biết lúc nào thì cho nhân vật nào xuất hiện, cho chuyện gì xảy ra. Đi sâu hơn nữa vào tâm lý nhân vật. Biết dàn dựng cốt truyện, chọn lựa bút pháp. Đọc lôi cuốn. Và kết thúc gọn nhẹ. Đẹp. Có tiến bộ tốt rõ rệt. Một điểm son.
Trên CĐBT xuất hiện nhân vật đầu tiên: cha (Ủa! bộ ở cái mũi Cà mau tận cùng miền Nam này, bà con ta đã bắt đầu gọi ba bằng cha hết rồi sao?) Cha và hai con mình, một gái (Nương), một trai (Điền) sống trên ghe làm nghề du mục, nuôi vịt chạy đồng. Khởi thủy, cha làm nghề mộc, thường xa nhà. Má, người đàn bà đẹp nhứt xóm, trắng tươi như bông bưởi, ham mê vải vóc. Để đổi lấy xấp vải đỏ, má khứng chịu cho tên buôn vải dày vò thể xác mình. Rất tình cờ, từ kẹt bồ lúa hai con chứng kiến. Lở dở, má bỏ hết đồ đạc lại nhà và trốn sang xứ khác để khỏi phải chịu đựng nhục nhã với chồng con. Nhưng rốt cuộc người chồng cũng biết. Ông đốt nhà, đốt hết đồ đạc vợ để lại rồi dắt hai con xuống ghe sống đời du mục, nuôi vịt lùa. Mối hận đầy ứ trong tim. Hận vợ. Hận hết thảy đàn bà trên đời.
Để băng bó và rịt thuốc cho vết thương mình, người đàn ông trả thù. Trả thù không phân biệt, trả thù trên bât cứ người đàn bà nhẹ dạ nào đã trót nghe theo lời ông dụ dỗ mà trao thân. Ông dày vò, cắn xé họ hả hê, khinh bỉ, kiêu ngạo. Một người, hai người... Rồi năm người, mười người... Xong, ông vứt họ lên bờ như một băng vải nhớp nhúa đã giúp ông tạm rịt vết thương mưng mủ của mình. Càng kinh nghiệm về đàn bà, ông càng sắp đặt kỹ, càng thâm hiểm hơn. “Với những người đàn bà sau này, cha tôi tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng, và bỏ rơi họ đúng lúc” (tr.189).
Những cuộc trả thù của cha đã từ từ thấm độc vào cơ thể thằng con trai mình hồi nào không hay. Tới tuổi mười sáu dậy thì, Điền có những triệu chứng bất thường. Trong thế giới của Điền, giờ đây có thêm một người đàn bà từ bên ngoài lọt vào, đầy ứ sức sống, lồ lộ, ám ảnh: Sương, một cô gái đĩ “du mục” được cha con Điền tình cờ cứu thoát sau khi bị đánh ghen một trận nhừ tử. “Điền yêu chị, nhưng tình yêu đó khiếm khuyết mất rồi. Sau giấc ngủ dài, bản năng nó không trở dậy. Trái tim nó chỉ là một hòn than nhỏ, không thể hâm nóng lại cơ thể ngả màu tro” (tr. 200). Trong cơ thể đứa con trai, một ngọn đèn trời ban sẵn cho mỗi người đã tắt: bản năng tình dục. Cái bản năng đã thúc đẩy má nó ham làm đẹp, đã xúi giục tên buôn vải thèm muốn thân thể trắng muốt của má, cái bản năng đã thúc đẩy Sương bước vào nghề làm đĩ. Tuy nhiên, trong cơn bão trốt phăng cuốn hết mọi người quanh mình, cái linh tính tự nhiên vẫn khiến cho Nương thầm nghĩ: “Tôi không chắc lắm, nhưng dục tình và xác thịt không xấu xa, không đáng bị khinh bỉ, không phải là nguyên nhân đẩy chị em tôi đến cuộc sống này với những đổ vỡ này...” (tr. 193)
Đời sống du mục với bầy vịt ốm nhom vẫn tiếp tục buồn bã trôi xuôi trên đồng không mông quạnh, vắng bặt tiếng người. Như vậy vẫn chưa đủ. Dịch cúm gia cầm thình lình từ trên cao úp chụp xuống bầy vịt chạy đồng như một màng lưới đan khít, vô phương đào thoát. Mọi người giương mắt thao láo chứng kiến cuộc tàn sát tập thể, bất lực. “Xuyên qua những lớp đất bầy nhầy, tôi nghe vịt của tôi vẫn còn thoi thóp, chúng đau đớn vì những cái cổ gãy, rồi quặt quẹo, chúng hỏi vì sao tụi người ta lại ác. Rồi thinh lặng. Trong cái im ắng đến rợn người, tôi nhận ra tiếng của con vịt mù, có lẽ vì không sợ tối, nên sự sống kéo dài (...) Tôi tiếc thôi là tiếc sinh linh nhỏ bé đã thấu được tim mình” (tr. 197/198). Một nhận xét tinh tế, đầy ắp xúc cảm và chan chứa xót thương.
Để cứu vãn tình thế, Sương tự ý nạp mạng cho hai nhân viên được nhà nước đặc phái tới cánh đồng hoang để kiểm tra và tổ chức cuộc tàn sát tập thể. Sáng hôm sau ngất ngư trở lại ghe, bị cha diễu cợt độc ác, Sương đã chua chát ngó thẳng vào bộ mặt người đàn ông chai đá, để rớt từng lời một với Nương: “Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười.” Rồi Sương bỏ đi. “Thằng Điền xách nước về, nó cuồng lên hỏi chị đâu. Tôi chỉ con đường kinh xao xác hoa cỏ dại. Em tôi chạy hồng hộc về phía đó” (tr. 204)
Sương bỏ đi. Điền cũng bỏ đi. Mọi người bỏ đi hết. Chỉ còn đứa con gái ở lại với người cha trơ trơ của mình, đôi mắt không ngừng mong ngóng, lòng đầy ắp những câu hỏi thảng thốt: “Không biết tối nay thằng Điền có được mệt nhoài úp lên chị, hay vật vạ ở đâu đó, bên vách buồng (hay một tấm ri đô bằng vải), đau vật đau vã nghe hoan lạc chảy thành những dòng rên xiết, kêu thét” (tr. 205) Câu hỏi thất lạc giữa đồng không mông quạnh. Để Nương ở lại chèo queo một mình trong lòng ghe tối đen không ngừng chao lắc.
Dù bị trục trặc lớn, cuộc đời du mục vẫn gắng gượng tiếp diễn trong nhàm chán. Và Nương vẫn tiếp tục lớn lên theo thời gian. Cho tới thời kỳ trổ mã con gái, đẹp hẳn ra. Đẹp hấp dẫn. Đẹp não nùng. Đẹp bắt mắt. Đám thanh niên trên cánh đồng bắt đầu kiếm cớ lảng vảng quẩn quanh. Và cha cũng bắt đầu để ý tới đứa con gái của mình. “Không cần gương, tôi nhìn thấy hình bóng má trong mắt người đối diện. Trước ánh nhìn của cha, tôi cảm giác mình soi xuống dòng nước đêm” (tr. 206).
Cuộc sống nuôi vịt càng lúc càng khó khăn, sinh ra giành giựt, tranh lấn, cưỡng đoạt. Bắt đầu có những trận đánh nhau hung tợn, đánh nhau chí tử để tranh giành miếng ăn. Cho tới một bữa nọ... Một biến cố quyết định cuộc đời Nương thình lình từ trên cao ụp xuống như đám mây chì đen nghịt. “Ba người họ ập tới từ phía sau, quây lấy tôi, quần áo vẫn còn đẫm bùn, mặt mũi sưng sỉa. Những thằng con trai hơi ngỡ ngàng khi nhìn thẳng vào tôi, một đứa gầy gò trạc tuổi thằng Điền lau dãi ròng rãi trên khóe miệng, thảng thốt, “Con nhỏ đẹp quá, mày” (...) Và món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước” (tr. 210). Nghe tiếng kêu cứu tuyệt vọng của con gái mình, cha hoảng hốt nôn nả chạy ngược trở lại, xông thẳng vào đám côn đồ, tay chân vung đánh loạn đả. “Một tên côn đồ ối lên một tiếng, bụm lấy mắt, vừa kêu rên vừa chửi bới ngậu xị. Không đánh trả, nó có cách trừng phạt khác, nó đè nghiến, giữ cho mặt ông hướng về phía tôi. Và bọn chúng thay phiên nhau, giữ cho cha chỉ một tư thế đó” (tr. 211).
Rồi...
Người đọc thấp thỏm theo dõi cuộc cưỡng hiếp dai dẳng diễn ra trên cánh đồng hoang vắng cho đến cuối truyện. Và bồi hồi đón nhận thông điệp mà người con gái bất hạnh (hay Tư?) muốn nhắn nhủ với giống người hung hăng đang gieo rắc tội ác trên Cánh đồng bất tận.
Nắng Hậu giang mưa Tiền giang Nuôi tôi khôn lớn phù sa vàng Mơi tôi về đất xin cho rắc Xuống con sông Cửu nhúm tro tàn
Bài Cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư chấm dứt ở dòng này. Bài thứ hai, Sông nước Hậu giang và Nguyễn Ngọc Tư sẽ đề cập đến hai tác phẩm còn lại: Giao thừa và Tạp văn.
Bagnolet, ngọai ô Paris Tháng mười 2007
Kiệt Tấn
Lên trang này ngày 16-2-08
|