Báo Cần Thơ
Thứ sáu, 09 Tháng chín 2005

 

Có một tủ sách Nguyễn Ngọc Tư ở Mỹ

Huỳnh Kim thực hiện


Ở Mỹ, có một giáo sư kinh tế mê văn học nước nhà và yêu văn chương của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư . Ông đã lập trang web “Văn hóa & Giáo dục” (+), trong đó có hẳn một “tủ sách” Nguyễn Ngọc Tư. Sau đây là cuộc trao đổi với chủ nhân của “tủ sách” ấy, Giáo sư TRẦN HỮU DŨNG...
+ Thưa ông, khoa Kinh tế Đại học Wright State ở Mỹ là nơi làm việc của ông, còn trang web “Văn hóa & Giáo dục”, trong đó có “tủ sách” Nguyễn Ngọc Tư, có phải là một “cõi riêng” của ông?

- Giáo sư TRẦN HỮU DŨNG: Có thể nghĩ như vậy nhưng thú thật, khi làm trang đó tôi nghĩ trước tiên đến nhu cầu nghiên cứu, theo dõi văn chương VN của tôi. Tất nhiên, nhu cầu đó bắt nguồn từ cái “tình” của tôi đối với quê hương. Dần dà, trang đó ngày càng “dày thêm”, bạn bè hỏi thăm, rồi người này mách người kia. Bây giờ “khách khứa” hơi đông, tôi lại thấy có trách nhiệm chăm sóc nó như một ngôi nhà chung. Cũng hơi cực!

+ Có phải vì quê ông ở Mỹ Tho mà ông “cảm” được cái chất “đặc sản Nam bộ”, như ông nói, trong văn của Nguyễn Ngọc Tư?

- Chắc là như thế. Nhưng tôi nghĩ không chỉ là tôi cảm được cái “tính Nam bộ” của Nguyễn Ngọc Tư, và không phải chỉ cái tính Nam bộ của cô làm tôi quý mến, mà quan trọng hơn chính là cái tài thiên bẩm của cô. Tôi nghĩ miền nào cũng là may mắn nếu có được một nhà văn thể hiện được cái “chất” của địa phương mình như Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho Nam bộ. Tôi luôn luôn cám ơn cô về điều đó.

+ Truyện của Nguyễn Ngọc Tư, qua trang web ấy, có là một “nhịp cầu tình cảm” giữa Việt kiều, nhất là trong giới trí thức, với quê hương?

- Tôi không nghĩ theo cách đó, nhưng qua những thư từ mà tôi nhận được (từ Sài Gòn, Cần Thơ, từ một thành phố nhỏ thuộc bang Iowa ở Mỹ, từ Montréal ở Canada, Munchen ở Đức, Paris ở Pháp, Sydney ở Úc...) tôi không thấy có sự khác nhau giữa Việt kiều và người trong nước ở những gì mà Nguyễn Ngọc Tư khơi dậy trong lòng họ.

Đến một chừng mực nào đó, ai cũng là xa quê hương làng xóm của mình (dù là chỉ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn), ai cũng cảm thấy lòng dịu lại khi hồi tưởng về thời thơ ấu của mình (nhất là những người lớn lên ở thôn quê). Ai cũng thích nghe một câu chuyện hay, đọc những nhận xét tinh tế.

Trong văn chương Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta, khắp mọi phương trời, tìm lại được cái quê hương đích thực trong tâm tưởng, những tình tự ngủ quên trong lòng mình, những kỷ niệm mà mình tưởng như không ai chia sẻ.

+ Đầu tháng 8 vừa rồi, ông có chuyến công tác ở quê nhà và về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư. Ông có thể kể một chút về kỷ niệm này?

- Chuyến đi ấy là một “cao điểm” của đời tôi. Xin cho tôi được ấp ủ nó cho riêng mình một thời gian và sẽ kể trong một dịp khác. Tôi chỉ xin nói sơ như vầy: cô Tư mà tôi gặp giống y chang cô Tư mà chúng ta đã biết qua các tạp văn của cô. Đó là một người phụ nữ rất trẻ, dung dị, chân thật, đảm đang và vui tính, vô cùng thực tế dù được trời cho một sự rung cảm cực kì tinh nhạy và một tài năng sáng tác tuyệt vời.

+ Nửa ngày ở bên một nhà văn nữ 29 tuổi không sinh ra từ chiến tranh có làm cho một người chuyên tâm đến những vấn đề kinh tế toàn cầu như ông nghĩ ngợi về cuộc mưu sinh hàng ngày?

- Trong công việc “kiếm cơm” của tôi, đề tài nghiên cứu chính bao giờ cũng là sự bất quân bình giữa nước nghèo và nước giàu, và những đãi ngộ không tương xứng đối với những người đóng góp thật sự cho phúc lợi của nhân loại.

Đời sống của Nguyễn Ngọc Tư mà tôi được biết (và của đại đa số những nhà văn, nhà thơ khác, không phải chỉ ở nước ta mà hầu như cả thế giới) nếu có gợi lên điều gì trong tôi thì trước hết chắc chắn phải là một sự “phẫn uất” về sự trái khoáy trong cách đãi ngộ đó.

Mặt khác, tôi cũng cảm nhận rõ hơn sự kì diệu của tiến bộ thông tin ngày nay: nếu không có Internet thì chắc còn lâu tôi mới đọc được văn Nguyễn Ngọc Tư, còn lâu những người yêu thích văn Nguyễn Ngọc Tư mới có thể trở về (trong tâm tưởng) với quê hương mình.

+ Theo ông, văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ hòa mình với thế giới này như thế nào?

- Một điều vẫn làm tôi áy náy là với khả năng phương ngữ dồi dào, văn Nguyễn Ngọc Tư rất khó dịch. Tôi ước chi mình có tài hơn để làm việc ấy. Nhưng tôi lại nghĩ: tại sao lại phải dịch văn Nguyễn Ngọc Tư ra tiếng nước ngoài? Tại sao không nói với người nước ngoài rằng chúng ta có một nhà văn tuyệt vời là Nguyễn Ngọc Tư (và nhiều người khác nữa), nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn (và đó sẽ là diễm phúc cho anh, tin tôi đi!) thì anh phải... học tiếng Việt! Như vậy có phải là hợp lý hơn không?

Theo Báo Cần Thơ