Đã đăng trên Kỷ Yếu Sinh Viên Khoa Học Toàn Quốc, Huế 2008

 

GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT
CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ QUA TẬP TRUYỆN
“CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN”

Nguyễn Thị Hoa

 

Nguyễn Ngọc Tư “đôi lúc ví văn của mình như quả sầu riêng, người thích thì nói nó thơm, người không thích thì chê rằng thối”. Người ta bàn tán. Thẩm bình. Suy ngẫm. Nghi ngờ. Khen chê. Bình phẩm…Song dù khen hay chê, nghi ngờ hay tán thưởng, độc giả đều nhận ra một Nguyễn Ngọc Tư rất riêng, rất lạ trong văn học Việt Nam đương đại. Không ồn ào, chao chát như Đỗ Hoàng Diệu; không lạnh lùng, sâu cay như Phan Thị Vàng Anh; … Nguyễn Ngọc Tư đã tạo dựng cho mình một thế giới riêng  ̶  thế giới đặc quánh chất miệt vườn Nam Bộ. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ phác hoạ ấn tượng chung về giọng điệu trần thuật của Nguyễn Ngọc Tư qua tập truyện “Cánh đồng bất tận”.

““Giọng điệu”(tiếng Anh: tone) là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm,…”. “Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm.Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả”. Người đọc có thể nhận thấy tất cả chiều sâu tư tưởng thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Khảo sát tập truyện “Cánh đồng bất tận”, chúng tôi nhận thấy giọng điệu trần thuật của Nguyễn Ngọc Tư rất đa dạng và độc đáo.

2.1. Ấn tượng đầu tiên khi đọc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là giọng điệu dân dã mộc mạc trong những trang văn tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh cuộc sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Đó là những trang viết về dòng sông như một người bạn tâm tình“Đêm sông trăng, ngồi trên nhà có thể nhìn thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẩy chách bụp rất đều”. Câu văn êm ả như ru, những dòng sông cuộc đời, những dòng sông thời gian thấm thía tình người, niềm đau và nỗi buồn. Những dòng sông-thơ cứ thênh thang chảy mãi từ ngôn ngữ rất riêng, rất trong trẻo, độc đáo và đa âm sắc của Nguyễn Ngọc Tư. Giọng điệu dân dã, mộc mạc này xuất hiện với tần số cao trong truyện ngắn của chị, đôi khi lắng đọng ở những câu văn kể hòa trộn với tả “Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận. Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những điền viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa”. Câu văn có chất thơ, nó là khúc nhạc lòng thiên nhiên Nam Bộ dân dã, tự nhiên nhưng cũng đầy vẻ quyến rũ vút lên từ những trang văn nồng nàn tình người.

Giọng điệu dân dã mộc mạc này giúp Nguyễn Ngọc Tư trần thuật một cách dễ dàng với lời văn gần với văn nói, ở đó có sự mộc mạc, dung dị khi nói về cuộc sống vất vả của người dân Nam Bộ. Sự thiếu thốn về vật chất, sự khắc nghiệt của thiên nhiên được trải ra bằng chất giọng đặc sệt giọng quê Nam Bộ “Buổi chiều đi làm mướn về, họ tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, rửa rau xong dành rửa cá”. Cảnh sắc Nam Bộ tràn vào trong tác phẩm cứ gần gũi, tự nhiên như chính vùng đất ấy “Cù lao Mút Cà Tha nằm gần cuối sông Dài, trên nó một chút có một nhánh sông khác rẽ về phía mặt trời, rộn rịp được đoạn đó rồi thôi”.

Viết về cuộc sống sinh hoạt đời thường gần gũi của người dân Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đã chọn cho mình giọng điệu dân dã, mộc mạc cứ tự nhiên chảy ra từ vốn sống của nhà văn, gắn bó với mảnh đất Nam Bộ cùng với niềm đồng cảm, chia sẻ. Giọng mộc mạc, dân dã ấy xuất phát từ cảm hứng của nhà văn về cuộc sống và số phận của những “nhân vật nhỏ bé”- những người nông dân nhếch nhác bùn đất và những người nghệ sỹ nghèo khổ, bất hạnh nhưng giàu lòng yêu nghề. Giọng điệu ấy được chưng cất bằng mật độ đậm đặc của ngôn ngữ Nam Bộ (như từ chỉ địa hình sản vật gắn với một vùng sông nước, cử chỉ hoạt động, sinh hoạt, cách xưng gọi mang sắc thái Nam Bộ, tình thái từ có màu sắc Nam Bộ, cách diễn đạt kiểu Nam Bộ…) và sự ùa vào của khẩu ngữ. Điều này góp phần tạo bối cảnh cho truyện đậm đặc chất Nam Bộ từ cảnh sắc thiên nhiên tới cuộc sống sinh hoạt và tạo cho Nguyễn Ngọc Tư một phong cách trần thuật độc đáo. Người ta gọi Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miệt vườn Nam Bộ.

2.2. Nổi bật nhất trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là giọng điệu đôn hậu, ấm áp, chân tình. Đây là giọng điệu chủ đạo, là “chất quặng” của Nguyễn Ngọc Tư. Giọng điệu này thể hiện rất rõ một tình cảm thiết tha, một tấm lòng đôn hậu, sự thông cảm sâu sắc với những số phận éo le, bất hạnh của nhà văn. Đó là những trang văn viết về cuộc sống hẩm hiu, duyên phận éo le của Xuyến trong “Duyên phận so le”: “Bữa kia mới ác, thấy Bi lon ton chơi một mình ngoài sân, bỗng không kìm được, Xuyến xốc Bi lên chạy một đoạn rồi thất thần dừng sững lại, kêu lên hai tiếng, trời ơi, mình làm khổ nó rồi, mình nghèo như vầy…”. Cái giọng đôn hậu pha lẫn chút ngậm ngùi ấy xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, chan chứa yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm với nỗi đau của Xuyến; hay có lúc nhà văn hướng niềm xót thương, âu yếm, hi vọng vào mối tình buồn “Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai cũng hỏi chị chờ ai vậy cà. Chị bảo…chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông”

Nguyễn Ngọc Tư giỏi ở chỗ cái tưởng không có gì mà chị cũng viết được, lại viết rất có duyên, rất nhân hậu”. Giọng văn của chị lan tỏa, sưởi ấm tâm hồn, tâm trạng chồng chéo nhiều ký ức tạt ngang trang viết, chợt trở nên sinh động, có hồn dù tác giả không mô tả gì nhiều “Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng…Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa trẻ đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ”. Giọng điệu đôn hậu ấm áp, ân tình ấy góp phần vào việc lột tả, khám phá những suy tư, trăn trở, dằn vặt trong tâm hồn nhân vật “Đâu có. Có mà, nước mắt anh rớt lên con tướng này nè, đó, nó ướt nhẹp đó thấy chưa. Hết cười lớn, nói lớn, “ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về…”. Câu văn như tức tưởi, dòng cảm xúc lắng vào trong thành niềm đau. Cái thật thà, chất phác, song cũng sâu nặng nghĩa tình của người dân Nam Bộ được dệt nên bởi giọng điệu ấm áp, chan chứa yêu thương.

Giọng điệu ấy xuất phát từ chất Nam Bộ- nhân hậu và sâu sắc của nhà văn, cũng bắt nguồn từ chính những người nông dân và người nghệ sỹ với số phận bất hạnh, hẩm hiu nhưng giàu tình nghĩa ở miền Tây Nam Bộ. Đó là những đoạn mạch sự kiện lắng xuống, nhường chỗ cho cảm xúc, hoài niệm, cho nỗi lòng tràn về trang sách “Ra tới lu nước bà tựa người vào đó, mặt soi xuống nước, bật khóc. Ước gì nước đừng trong như vậy để khỏi phát hiện một nhan sắc tàn phai”. Những mảnh đời bất hạnh, những mối tình già, những tình cảnh éo le đều được bắt sóng bởi giọng điệu hồn hậu, chân thành. Có khi là nỗi đau thầm của một người cha mất con (“Cải ơi”), có khi là tiếng nức nở của những “Duyên phận so le”, hay “Cái nhìn khắc khoải” đợi chờ, nỗi đau lặng ngắt trong “Một trái tim khô”, sự tàn phai, héo úa trong “Cuối mùa nhan sắc”, chảy thành “Dòng nhớ” giữa “Biển người mênh mông”…song tất cả đều chung nhau “Cánh đồng bất tận”… yêu thương và tình nghĩa. Chỗ lắng sâu của những trang văn này là dòng cảm xúc tuôn chảy từ trái tim nhân hậu, trăn trở với cuộc đời và con người của nhà văn, là những giọt nước mắt trong trẻo và đẹp đẽ gọi dậy nơi người đọc sau mỗi truyện ngắn.

Cái hay của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là sự đan xen, hòa trộn giữa giọng văn đôn hậu, tình nghĩa với ngôn ngữ đối thoại tưng tửng, hóm hỉnh. Những lời thoại được chen ngang qua lời kể khó mà tách biệt được đây là kể hay tả, lời đối thoại cắt ngang trong lời độc thoại nội tâm làm lời văn sâu sắc và ám ảnh “Ông Sáu ngừng lại, lấy tay quệt nước mắt, “cái con Bìm Bịp quỷ nầy nó cũng bỏ qua mấy lần nhưng ngủ một đêm trên đọt dừa nó lại quay về. Sao cổ không quay lại?”(“Biển người mênh mông”). Câu văn như một câu hỏi đang trút ra nỗi lòng ngổn ngang trăm mối, đang đay nghiến, giày vò nhưng cũng chất chứa yêu thương.

“Giọng văn của chị càng về sau càng đằm địa mà góc cạnh hơn, mà “chắc như cua gạch”. Giọng văn ấy biết mềm mại hóa nỗi đau khổ bởi đó như một sự biến chuyển của trong cá thể để nhận thức mình”. Có ý kiến cho rằng, giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư trong “Cánh đồng bất tận” là giọng lạnh lùng, khinh bạc, chỉ toàn hận thù và báo ứng. Song không phải như vậy. Vẫn là giọng ấm áp, đôn hậu, chân tình nhưng ở “Cánh đồng bất tận” đã có sự pha trộn với giọng điệu day dứt, trăn trở “Sau giấc ngủ dài, bản năng nó không trở dậy. Trái tim nó chỉ là hòn than nhỏ, không thể hâm nóng lại cơ thể đã ngã màu tro. Sợi dây xúc cảm như lối đi lâu lắm không người lui tới, cỏ dại mọc bít mất, đường đứt, cầu gẫy…”. Giọng văn có vẻ dửng dưng nhưng ẩn chứa nỗi niềm day dứt, oằn mình trăn trở của nhà văn “Đói và khát, nhưng chị còn sợ đau hơn. Người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị…”. Cái “đáy” của sự sống trong văn Nguyễn Ngọc Tư không phải là cái chao chát, dửng dưng mà là giọng điệu đôn hậu, ấm áp, luôn trăn trở suy tư và ẩn chứa nỗi niềm yêu thương “Đàn bà, với cha, càng trải nghiệm càng chán chường. Càng gieo rắc càng đau. Vết thương cũ mở miệng toang hoác, không da thịt nào có thể lấp đầy”. Viết về vấn đề trần tục, Nguyễn Ngọc Tư không“chài” khán giả bằng công nghệ copy lại những cảm giác khoái cảm mà bằng chính những đối thoại nội tâm độc đáo, với giọng điệu trần thuật đôn hậu, chân tình “Tôi mong ông đừng quay lại…sau đó thử chống cự một lần rồi thôi. Sự vùng vẫy chỉ kích thích lòng ham muốn”. Giọng văn tỉnh táo rất mực giằng xé với giọng đôn hậu, ấm áp giúp nhà văn lột tả rất thực, thực từ cảm giác, xúc giác lẫn bản năng tự vệ của Nương trong hoàn cảnh éo le nhất của số phận.

Pha lẫn với giọng điệu ấm áp, đôn hậu, chân tình là giọng điệu khắc khoải xót thương cùng với cái nhìn cảm thông, đồng cảm, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, những số phận éo le. Đây là chất keo trong ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư, chất keo kết dính độc giả với truyện ngắn của chị.

2.3. Giọng điệu trữ tình sâu lắng cũng là nét nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Không ồn ào, phô diễn trên bề mặt, giọng văn của chị dung dị mà sâu lắng, tỏa ra hai nẻo: vừa xôn xao buồn, bâng khuâng xao xuyến nhẹ nhàng lắng đọng, vừa trăn trở suy tư và đầy tâm trạng. Nhân vật trong truyện ngắn của chị phần lớn là những người nông dân thật thà, chất phác, tình nghĩa; những người nghệ sỹ tha thiết với nghề nhưng tất cả đều chung nhau một điểm, mỗi nhân vật mang trong mình niềm “uẩn khúc” riêng.

Giọng văn của chị vừa trữ tình nhẹ nhàng, vừa đầy tâm trạng suy tư được gọi ra bằng hàng loạt câu văn buông lơi, mềm mại “Và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi…”. Câu văn mang chất thơ, như khúc nhạc lòng buông ra mênh mang, mênh mang! Trong truyện ngắn của chị, chúng ta bắt gặp hàng loạt câu văn bỏ lửng, hàng loạt dấu …” giữa những trang văn như tâm trạng ngổn ngang thổn thức của nhà văn trước cảnh đời và tình người “Với ký ức trống trơn, họ phơi phới ra đi, còn mình thì nhớ hoài, đau hoài…”. Hàng loạt câu hỏi buông ra như tiếng kêu thống thiết trước cuộc đời đa đoan “Có ai chờ chúng tôi trên những cánh đồng khơi?”; “Đêm nay tôi sao thế này? Vì nhìn thấy niềm hy vọng ư? Và tôi ngủ trong nỗi xốn xang”; hay là sự vỡ nhẽ trước cuộc sống “Mà, đã ngấm, đã xé toang lòng với nỗi đau chia cắt rồi chưa sợ sao?”. Nét nổi bật ở chất giọng này là những câu văn kết thúc tác phẩm, song lại mở ra một chân trời cảm xúc, suy tư nơi độc giả “Nhưng nói để làm gì, ta?”; hay “ Họ suy nghĩ…”; “Biển người thì mênh mông vậy…”; “Ai mà biết. Mùa này gió bấc hiu hiu lại về…”; “Rồi họ, và cả má tôi đều bảo tôi khóc đi…”. Những câu văn ngắn, buông lơi như tiếng thở nhẹ khơi gợi dòng suy nghĩ bâng quơ cho người đọc.

Ở hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư (11/14 truyện), đều có phần đề từ. Đây là những lời thao thiết, là dòng cảm xúc của nhà văn trước cuộc đời và tình người; là lời “giới thiệu hấp dẫn” tạo tâm thế chờ đợi cho độc giả bước vào câu chuyện. Chúng ta còn bắt gặp giọng văn trữ tình sâu lắng trong sự lặp lại của cấp độ từ ngữ trong truyện ngắn của chị (hình ảnh “dòng sông”; “Cánh đồng”; “nỗi nhớ” hay những “giọt nước mắt”…). Nhờ chất giọng trữ tình sâu lắng, bàng bạc, suy tư này mà văn của Nguyễn Ngọc Tư rất giàu chất thơ và dễ xao động lòng người…

Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư rất đa dạng, có giọng dân dã, mộc mạc; có giọng đôn hậu, chân tình; có giọng khắc khoải xót thương; có giọng hóm hỉnh; có giọng trữ tình sâu lắng… Điều này, góp phần tạo nên phong cách trần thuật độc đáo của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - người được mệnh danh là “đặc sản miền Nam” này. Đây cũng là sức hút độc giả trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.

Sự độc đáo trong trần thuật giúp độc giả dễ dàng nhận ra Nguyễn Ngọc Tư - “Quả sầu riêng của đời”. Đồng thời nhận diện “giọng điệu trần thuật” của Nguyễn Ngọc Tư là chiếc chìa khóa vẫy gọi người đọc bước vào tác phẩm. Không ồn ào, mãnh liệt thiêu đốt như văn phong Đỗ Hoàng Diệu (tác giả “Bóng đè”); văn Nguyễn Ngọc Tư dung dị mà thấu đáo, thẩm thấu lắng sâu vào bên trong với dòng cảm xúc suy tư bất tận nhưng cũng không kém phần tinh tế và nhạy cảm trước những biến thái của cuộc đời. Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá “Mấy năm nay chúng ta đều rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy như một cái cây tự nhiên mọc lên giữa rừng tràm hay rừng đước Nam Bộ vậy, tươi tắn lạ thường, đem đến cho văn học một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất, chân chất mà tinh tế, đặc biệt “Nam Bộ” một cách như không, chẳng cần chút cố gắng nào như các tác giả Nam Bộ đi trước…”. Dòng văn học mới đang xôn xao, chấn động với sự “quẫy mình” của hàng loạt cây bút như: Lê Đạt (với“Bóng chữ”); Đỗ Hoàng Diệu(với“Bóng đè”); Vi Thùy Linh(với“Đồng Tử”,“Thơ Linh”,“Khát”); Phan Huyền Thư (với “Nằm nghiêng”); Nguyễn Ngọc Thuần…và Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng phía trước các cây bút trẻ vẫn còn rất nhiều thử thách, có vượt qua để “đè bóng”, để khẳng định mình hay không, điều đó còn phụ thuộc vào thời gian, vào bản lĩnh của các cây bút trẻ và sự thẩm bình của độc giả trước những “kết cấu vẫy gọi” đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 2004.

2. Phương Lựu (chủ biên), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, 2004.

3. Nguyễn Ngọc Tư, Ngọn đèn không tắt (tập truyện), NXB Trẻ, 2000.

4. Nguyễn Ngọc Tư, Ông ngoại (tập truyện thiếu nhi), NXB Trẻ, 2001.

5. Nguyễn Ngọc Tư, Biển người mênh mông (tập truyện), NXB Kim Đồng, 2003.

6. Nguyễn Ngọc Tư, Giao thừa (tập truyện), NXB Trẻ, 2003.

7. Nguyễn Ngọc Tư, Nước chảy mây trôi (tập truyện và ký), NXB văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2004

8. Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận (tập truyện), NXB Trẻ, 2005.

9. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục, 1998.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 Lên trang viet-studies ngày 27-4-09