Ngày đầu năm đọc 'Cánh đồng bất tận'
với sức hút kỳ lạ

Nguyễn Tý
Báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh
7 tháng 2, 2006


 

Đây là tập truyện thứ 7 của Nguyễn Ngọc Tư, ngay từ khi Cánh đồng bất tận xuất hiện trên tuần báo Văn Nghệ 4 kỳ liên tiếp đã tạo thành một hiệu ứng trong giới sáng tác.  Có người cho rằng, Nguyễn Ngọc Tư đang thể nghiệm một phong cách sáng tác mới sau khi đã có nhiều truyện ngắn viết về miền Tây – nhất là về những thân phận người nghệ sĩ cũng như người phụ nữ ở tận cùng Đất Mũi, Cà Mau. 

Cũng có người cho rằng, Tư (người viết quen gọi thân mật kiểu Nam bộ-NT) vẫn viết làng nhàng chỉ hơi thay đổi bút pháp, nghĩa là có đề cập đến khía cạnh dục tính mà một số cây bút trẻ nữ ở Hà thành đang gây xôn xao trên diễn đàn văn học gần đây. 

Nói gì thì nói, sức bật để tự làm mới mình là điều Tư đáng được nhận lời khen.  Không phải từ khi báo Tuổi Trẻ đăng đàn lại 6 kỳ liên tiếp Cánh đồng bất tận mới gây sự chú ý (trước đó trên mạng Evan của báo Điện tử Vnexpress.net đã đăng tải từ báo Văn Nghệ).  Người viết bài này đọc được từ khi Tư đăng đàn nhưng chỉ được 2 số đầu vì những tưởng Tư cũng chỉ viết về thân phận người đàn bà bị ruồng bỏ, xã hội lại đẩy đưa số phận vào con đường tha hóa nhân cách, về người đàn ông bị vợ phụ tình, về hai đứa con lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương chỉ biết “tự học” cách để mà sống mà chứng kiến những bất công… cho đến khi đọc những lời bình luận miệng, tôi lại lần dở đọc tiếp và đúng là Tư có mới… thiệt. 

Theo tôi, đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc chỉ nên đọc một truyện rồi gấp sách lại, ngẫm nghĩ về nỗi đau thân phận người, thấu hiểu tâm trạng của nhân vật và một chút trải nghiệm của tác giả mới phần nào thấm thía cái giọng văn đặc sệt miền Tây (nghĩa là thấy sao nói vậy).  Đó chính là nỗi đau đời mà dẫu vô tình hoặc cố ý khi xây dựng nhân vật, Tư tạo nên một phong cách không lẫn vào ai - ấy là chỗ văn Tư dễ đọng vào lòng người sau những giờ phút mệt nhọc với cuộc sống cơm áo gạo tiền, đọc thư giãn đọc nghiền ngẫm, ồ thật hay và tình làm sao ấy. 

Về nhân vật, Tư đã dựng lên những thân phận người, ở đó số phận và bi kịch trong từng hoàn cảnh có nét tương đồng.  Phần lớn những người phụ nữ gặp cảnh tréo ngeo trong duyên số, những anh chàng Hai Lúa yêu mà hổng dám ngỏ lời, những ông già cuối đời vẫn sống cô đơn và hơn nữa là biết chấp nhận.  Chấp nhận để đồng cảm với những thân phận trẻ dầu chỉ thoáng chốc chung sống như tình cảm ruột thịt ở ông già Năm Nhỏ (Cải ơi!) hay ông Chín trong Nhớ sông đến cả người cha trong Cánh đồng bất tận – những người đàn ông chịu đựng và cảm thông ở ông Năm Nhỏ, ông Chín và ở người cha của hai đứa trẻ lại lặng im tìm cách ‘trả thù’ người vợ phụ tình trên thân xác những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin khác…

Và những chàng thanh niên gặp những chị phụ nữ lỡ làng nên duyên vợ chồng trong Duyên phận so le, Một trái tim khô, Cuối mùa nhan sắc, Hiu hiu gió bấc, Mối tình năm cũ… đều có tình yêu thương của con người bằng đời mà đối xử “tử tế” (chữ dùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) với nhau, để cuối cùng là hạnh phúc nhưng ở từng trang viết của Tư lại có cái kết quá day dứt và hơi quá đời thật khi cái hậu của mỗi câu chuyện thường là dở dang, lận đận dù họ chỉ “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. 

Và phải chăng từ truyện ngắn hay nói cho gần hơn đó là truyện vừa Cánh đồng bất tận, Tư mới để manh nha một chút cái ác có phần nhẫn tâm trong ba số phận của một hoàn cảnh: người cha (Út Vũ), Nương (chị gái) và Điền (em trai).  Tôi cho rằng ấy cũng là tảng băng ngầm mà Tư giờ mới xuất tuyệt chiêu. 

Viết về dục tính và viết sao cho khéo ấy là phong cách của mỗi nhà văn, Tư có cái đặc tả thật gần nhưng xa nói như ông bà ta đó là “nói bóng nói gió”. 

Người cha và những người phụ nữ bị bỏ rơi trong 'Cánh đồng bất tận'

Phiên bản đầu tiên đó là hình ảnh người đàn bà bị đánh ghen và cũng thật tàn nhẫn từ hình ảnh Hoạn Thư ghen Thúy Kiều đến hiện thực đời thường xã hội, khi đàn bà ghen họ sẵn sàng rạch mặt bằng lưỡi lam hay tạt axít, sởn tóc… nay tôi mới thấy và lần đầu tiên có một cách trả thù ghen hơi ác “Người ta đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị…”, và Tư cho nhân vật lý giải: “Tôi hỏi chị làm gì để bị đánh.  Chị cười, “Làm đĩ”.  Đọc thấy hơi rợn. 

Người đàn bà ấy có chung số phận của nhiều người “Chị, cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê”, ai lại có cách nghĩ ngược như Tư.  Bởi ngày ngày chúng ta chứng kiến những cô gái thôn quê có chút nhan sắc và đẹp nữa là khác nhưng kém chịu học “chạy” lên thành phố đua nhau lấy chồng Đài, chồng Hàn hay đổi đời bằng cách làm tiếp viên nhà hàng, khách sạn quán nhậu và gần nhất là gái gọi, gái đứng đường…

Phiên bản hai, đó là người cha tìm cách giải quyết sinh lý đối với người đàn bà mà ông cúi xuống từ nỗi đau hằn học bị vợ theo trai để đánh đổi thân xác.  Xong, vứt bỏ như người ta vứt đồ ăn thừa: “Cha đưa cho chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt, “Tôi trả cho hồi hôm…”.  Rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê”.  Người đàn bà có lòng tự trọng và yêu thương trẻ con, dẫu ăn nói có sổ sàng nhưng gặp cảnh hai đưa trẻ thiếu tình thương của mẹ, chị cam chịu và vui nữa: “Mà hên nghen, nhờ vậy (bị đánh-NV) mà được gặp mấy cưng, được ở chung vầy, vui thiệt vui…”.  Rồi không thấy Tư nhắc đến chị ta nữa (chỉ cuối truyện mới cho người đọc gặp lại chị ta), để cảnh đời của ba cha con lại trôi dạt đến nơi cần đến, người cha lại “trả thù” một chị chủ nhà mặc dầu chị “bị” vứt bỏ vẫn “tin rằng sự lựa chọn nầy là đúng, tình yêu nầy xứng đáng được đánh đổi”, sau khi đã thỏa mãn dục tính với màn kịch: “Cha ghé một chợ nhỏ đầu xóm kinh, biểu chị lên mua một ít của cải muối đem theo.  Người vừa khuất trong tiệm tạp hóa, cha cười.  Chị em chúng tôi mãi mãi không quên cái cười đó, nó vừa dữ đội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã.  Cái cười thật dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước.  Cha quăng đồ đạc của chị lên bờ vung vãi.  Và nổ máy cho ghe đi”. 

Nhân vật hai chị em và những trang viết gợi tả tính dục

Tư viết chỉ lướt qua nhưng gợi trong lòng người đọc cả một xã hội thu nhỏ trong bóng tối cuộc đời.  Ở đó có nhiều người chỉ vì nhu cầu, ở đó có người vì bản năng và ở đó hầu hết là những nhân vật thiếu chữ nên họ yêu thương cũng vội vàng.  Tư để hai nhân vật chị em chứng kiến những cảnh ấy rồi nghĩ về “Cha không tốn nhiều công sức cho việc chinh phục (Những người đàn ông quê mùa đã tự đẩy người đàn bà của mình đến với cha, bằng nhiều cách.  Họ thích uống say, họ thích dùng tay chân để tỏ rõ uy quyền.  Mệt nhọc làm lụng trên đồng, người đàn ông đã trở nên khô cằn, có khi cả đời, họ không nói với phụ nữ một câu yêu thương tử tế.  Họ không biết vuốt ve, âu yếm, khi cần, họ lật cạch người phụ nữ ra và thỏ mãn, rồi quay lưng ngủ khò)”.  Những chuyện phòng the để hai chị em nghĩ ngợi rằng: ‘Tôi có cảm giác cha quắp lấy người ấy, vùi mặt vào da thịt, ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt.  Thằng Điền cay đắng, ‘Cha làm chuyện đó thì cũng giống như mấy con vịt đạp mái… Tôi nạt, “Đừng nói bậy’”. 

Trong truyện vừa Cánh đồng bất tận, Tư khắc họa thành công nhất đó là hình ảnh hai chị em Nương và Điền.  Ở lứa tuổi trưởng thành nhưng gặp cảnh cha bỏ mẹ, hai chị em phải sống với người cha lầm lũi làm việc và lầm lũi cả trong quan hệ tình cảm.  Hai chị em phải ‘tự học’ cách sống để làm người và học ngay cả bản năng (như là chuyện giáo dục giới tính mà học sinh bậc trung học phổ thông cơ sở hộc ở môn Sinh vật vậy) để chứng kiến và… bỏ qua.  Hai chị em với cánh đồng trở nên quen thuộc và ‘lỡ’ chứng kiến cảnh sinh hoạt ‘mua bán’ sau vụ thu hoạch “Đêm đến, sau các đụn lúa, họ thả tiếng cười chút chít, tiếng thở mơn man… lên trời, làm nhiều người đàn bà đang cắm cúi nấu cơm, cho con bú trong lều thắt lòng lại.  Tối nào mua rượu cho cha, chúng tôi cũng đi ngang qua những đôi người.  Chúng tôi nhận ra họ ngay, khi không còn mảnh vải nào trên người họ vẫn điềm nhiên cười khúc khích và uốn éo thân mình chứ không trơ ra ngượng nghịu, cam chịu như những người phụ nữ quê.  Sáng sau, họ xiêu xiêu biến mất, đem theo mớ tiền công ít ỏi suốt một ngày làm việc quần quật của đám đàn ông”.  Nhưng cánh đồng cũng là nơi mà chị em họ có quá nhiều kỷ niệm… buồn nhiều hơn vui: “Cánh đồng không có tên.  Nhưng với tôi Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng.  Chỗ chị em tôi trồng cây, chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Và mai này khi trôi dạt đến một nơi nào khác, nhắc đến cánh đồng nầy với cái tên của chị, chắc chúng tôi xốn xang”.

Hai chị em cùng người cha sống lang bạt sau vụ mẹ bỏ nhà theo trai vì: “Kể nhiều chuyện như vậy là để trả lời chị, nhà tôi, má tôi, rốt cuộc đã trở thành tro bụi mất rồi.  Nên khi hết mùa lúa chín, những người nuôi vịt chạy đồng khác đã trở về nhà còn chúng tôi lại tiếp tục lang thang. 

Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng nầy đến cánh đồng khác.  Đôi khi không hẳn vì cuộc sống, chúng là cái cớ để chúng tôi sống đời du mục, tới những chỗ vắng người”. 

Người cha buồn mượn rượu và “đánh chị tôi, thường đánh khi vừa ngủ dậy.  Đó là khi nguời ta thấy hoang hoải, chán chường, sau một giấc dài, mở mắt ra, vẫn gió đìu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh…Tôi đành để cha đánh để ông bớt đau lòng.  Sau nầy chị em tôi không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi”.  Và hai chị em “buộc phải tự học lấy cách sống.  Nhiều khi dễ đến không ngờ…Nhiều lúc tôi (Nương-NT) hơi nhớ con-người…

Những gì không biết, chúng tôi thử.  Những gì không hiểu, chúng tôi chất thành khối trong lòng.  Nhiều khi thấu đáo được một điều nào đó, chúng tôi phải trả giá cao”. 

Hai chị em ước ao có ông nội, người đọc đến nay ruớm nước mắt: “Phải chi ông nầy là ông nội mình, thương đỡ chơi, hen Hai?”.  Nghe câu đó tôi bỗng thấy mình nghèo rơi nghèo rớt, nghèo đến nỗi không có… ông nội để thương, thèm muốn bên đường.  Tôi lắc đầu, bảo thôi”. 

Về người em trai tên Điền

Chuyện người lớn khiến “Điền thao thức… Điền chê ngủ ghe chòng chành quá chừng.  Tôi biết lòng nó đang chao.

Điền có những ngày bối rối.  Nó hay hỏi tôi, “Người ta yêu mẹ ra làm sao?”…Thí dụ như đêm nay, cái gì khiến tim ta đau nhói, cái gì làm cho ta cảm thấy giận dữ, nặng nề?

Khi tôi thức dậy, Điền đã mệt mỏi thiếp đi, nó nằm co quắp, hai tay kẹp giữa đùi, mặt buồn như phủ một lớp sương giá”. 

Và ở cái tuổi mới lớn còn nhiều thắc mắc về giới tính ấy Điền đã tự vượt qua như trong buổi câu cá cùng người đán bà điếm: “Trưa ấy chúng tôi trầm nghịch dưới nước rất lâu.  Chị cười nôn khi thấy bùn bám dưới mũi tôi xám xanh như bộ râu củ ấu.  Tự dưng nét mặt chị bỗng âu yếm lạ, như đang nựng nịu một đứa bé con, và thằng em trai mười bảy tuổi của tôi đứng đực ra, chết lặng trong nỗi ngượng ngùng.  Nước cồn cào chỗ bụng nó, tôi biết chị đang táo tợn làm gì đó phía dưới.  Rồi phát hiện ra một mất mát lớn lao, chị thảng thốt kêu lên: “Trời đất ơi, sao vậy nè, cưng?”. 

Nương là người chị đóng vai trò ‘mẹ trẻ’ để vỗ về em trai và cũng chính là vỗ về, an ủi mình.  Nương thấy được sự thay đổi lớn trong em trai: “Dấu hiệu bắt đầu từ một bữa trong xóm đê, tình cờ ngó đôi chó nhảy nhau, thấy các chị đang phơi lúa kêu ó ré lên, tôi rủ Điền giả đò nhắm mắt (trò nầy cực kỳ trẻ con, vì ai cũng mường tượng mồn một tư thế động tình của hai con chó).  Thằng Điền phì cười, nó kêu lớn, “Hai, coi nè…” rồi cầm đoạn cây xông đến quất đôi chó tới tấp… Thằng Điền biết là tôi tôi đã nhìn – thấy – cái – gì – đó, nó chua chát cúi đầu.  Điền chối bỏ niềm vui được trở thành một gnười đàn ông thực thụ.  Nó tự kìm hãm bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng sự tất cả sự miệt thị, giận dữ, cămn thù.  Nó phản kháng bằng cách trút sạch những gì cha tôi có, cha tôi làm.  Giãy giụa đến rã rời, nhiều bữa, nó dầm mình dưới ao đến khi người tái nhợt…”. 

Để khám phá dục tính nên ‘Điền yêu chị (người đàn bà được ba cha con cứu sống-NT) và Điền từ giã cuộc sống bó buộc trái tim người trai trẻ, Điền chạy theo chị và cũng để giải thoát chính mình. 

Về người chị tên Nương

Nương sống trong hoàn cảnh với cha và em, sống trong nỗi lo sợ đến quen cả tuổi thơ mà lẽ ra Nương và Điền phải được thừa hưởng.  Nương thương cha, tuy những lúc nhớ mẹ, chị đã phải cố ‘quên’: “Những thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng tôi làm sao có thể từ bỏ hình hài nầy”.  Chị mơ ước bình dị đơn giản nhưng lại quá cao xa tấm tay của chị: “Tôi ôm quắp thằng Điền nghe những con sóng nhỏ lách tách vỗ vào mũi ghe, nói, Hai nhớ trường học quá à, cưng (Ôi cái trường xiêu dựng trên khu vườn chùa đầy cây thuốc, có ông thầy trẻ tuổi hay vò đầu tôi gvà xao xuyến hỏi, má khỏe hôn con?).  Thằng Điền hỏi lại, “Mắc gì mà nhớ? Lãng òm…”.  Tôi không biết, tôi đã ngưng nhớ nó từ khi sống cuộc sống trên đồng, nhưng đêm nay, sao tôi lại nghĩ tới, cả chuyện kiếm tiền để chữa mắt cho Điền (tôi vẫn nghĩ, sự xuất hgiện của nước mắt chỉ có ý nghĩa khi người ta khóc).  Đêm nay, tôi sao thế nầy? Vì nhìn thấy niềm hy vọng ư? Và tôi ngủ trong nỗi xốn xang”. 

Đến khi Điền chạy theo người đàn bà mà trót xem việc “Chị…làm đĩ quen rồi, mấy chuyện nầy nhằm bà gì mà mấy cưng buồn?”, Nương chỉ thầm mong cho em mình “Không biết tối nay thằng Điền có được mệt nhoài úp lên chị, hay vạ vật ở đâu đó, bên vách buồng (hay một ghi-đô bằng vải), đau vật đau vã nghe hoan lạc chảy thành những dòng rên xiết, kêu thét.  Không biết nước mắt của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt như máu tươi”. 

Người đời thường nói: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, quả đúng vậy, người cha của Nương sau khi bị vợ rũ bỏ đã trở nên khô cứng tình cảm chỉ biết thỏa mãn xong xuôi ‘quất ngựa truy phong’.  Do vậy cái linh cảm của Nương dành cho số phận của mình như niềm dự cảm trước.  chính lúc người con trai bỏ đi, ông quan tâm đến đứa con gái tội nghiệp đã từng bị ông dày vò bởi tội giống mẹ, chính lúc này Nương đã ‘trả’ giúp cho cha, đó là Nương đã bị đám thanh niên cưỡng bức ‘Ba người họ ập tới tới phía sau, quây lấy tôi, quần áo vẫn đẫm bùn, mặt mũi sưng sỉa… Và món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước.  Tôi ngạc nhiên thấy bầu trời im sẫm.  Mênh mông.  Không biết đã tắt nắng hay mặt trời không vói được ánh sáng đến nơi nầy? Hay những khuôn mặt nghèo đói, dốt nát tăm tối đã ch khuất nó?” ngay trước mắt ông ‘quả báo nhãn tiền’ là vậy.  Trong cơn đau vật vã thể xác, Nương vẫn chưbng1 tỏ bản lĩnh không cam chịu ‘không để cảm giác đau tiếc làm mình lịm vào chết’.  Nương kịp kêu lên tên em trai yêu quý nhưng “Thằng Điền thì ở xa,.  Cánh đồng vắng ngắt, chấp chới vài cánh cò”.  Thương cho phận gái như Nương trong hoàn cảnh quá sức thương tâm: “Ước gì cha tôi hiểu, để mà thanh thản, xưa rày, cái gì không biết hai chị em cũng đã thử, đó là một cách tự học để sống.  Chỉ có sự giao tiếp giữa thân xác là tôi chưa từng trải qua”. 

Những khung trời mới

Mở đầu thiên truyện Tư miêu tả cánh đồng nơi đã từng gọi trong gia đình bé nhỏ ấy nhiều buồn đau hơn hạnh phúc, để kết truyện, chị mở ra một vùng trời tương lai với “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành.  Những cánh đồng đó, đã hắt hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt).  Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần.  Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ).  Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng.  Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng.  Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi". 

Truyện Chí Phèo Nam Cao cho một cái kết để mở ra nhiều cái bắt đầu như “Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng” nghĩa là còn có những Chí Phèo con ra đời, còn những định kiến xã hội đưa đẩy con người với ‘Nhân chi sơ tính bổn thiện’ để sông 1ác để tha hóa nhân cách, đánh mất minh.  Nhưng bầu thai của Thị Nở có tác giả là Chí Phèo còn Nương chỉ biết mơ ước cho riêng mình, nói dại Không biết con có bị có con không, hả cha?” và "Nó hơi sợ hãi.  Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăn quăn đang ngụp lặn trong nó.  Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình sẽ sinh con.  Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phũ phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen).  Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường...  Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn

“Hai đứa trẻ” trong truyện ngắn của Thạch Lam thức đợi chuyến tàu đêm với ánh sáng nhưng là chuyến tàu của tương lai đổi mới của niềm tin và hy vọng, còn hai chị em của Nguyễn Ngọc Tư lại có những va vấp truy đuổi đến cái cùng cực, ray rứt và cái để đọng lại trong người đọc đó là thông điệp Tư gởi đến trong truyện vừa Cánh đồng bất tận, chỉ riêng tiêu đề đã toíat lên ý nghĩa của sự ‘bất tận’.  Không có quý hơn tình cảm mái ấm gia đính, ở đó dẫu nghèo khó nhưng cha mẹ hạnh phúc, con cái hiền ngoan.  Sự đỗ vỡ gia đình kéo theo bao hệ lụy cho con cái, sự giáo dục thương yêu sẽ làm con cái trưởng thành cả về thể lực và trí tuệ... 

Cao quý hơn Tư đã định hướng cho người đọc nhất là những bậc cha mẹ cách giáo dục con cái ở tuổi mới lớn – đó là giáo dục giới tính.  Câu kết truyện “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn” quả là một sự nhân văn hóa và tôi nghĩ sở dĩ ‘Cánh đồng bất tận’ có sức hút kỳ lạ vì tính nhân văn ở chỗ đó.  Được biết, Cánh đồng bất tận (NXB Trẻ, 11-2005, dày 215 trang, giá 27.000 đồng) sẽ tiếp tục ‘bất tận’ vì nay mai sẽ dựng thành phim nhưng trước hết rất cần có trong mỗi gia đình cuốn truyện này.

NGUYỄN TÝ

Nguồn

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư