BIÊN SỬ NƯỚC, NGUYỄN NGỌC TƯQUEN MÀ LẠ

(Đọc Biên sử nước, tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư-Nxb Phụ nữ Việt Nam 2020)

 

Bùi Công Thuấn

 

 

 

           Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn tôi quý mến ngay từ ngày đầu chị xuất hiện. Đọc Biên Sử Nước, tôi vẫn gặp một khuôn mặt văn chương đậm nét Nam bộ nhưng lại rất mới lạ. Nguyễn Ngọc Tư tạo ra một thế giới nghệ thuật đầy ẩn dụ cùng với nhiều phá cách trong kiến tạo tiểu thuyết hư cấu (Fiction) hướng đến kiểu tác phẩm tư tưởng khiến Biên sử nước không dễ đọc. Ở góc nhìn này, Nguyễn Ngọc Tư có những đóng góp giá trị cho nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

 

MỘT THẾ GIỚI CỦA NHỮNG ẨN DỤ

           Có thể nói toàn bộ hệ thống hình tượng, kể cả những chi tiết miêu tả rất thực trong Biên Sử nước đều có thể đọc như những ẩn dụ.

           Chương đầu và chương cuối vỏn vẹn chỉ có mấy dòng:

           Chương 1: đã tới bên sông

           Ngày hai ngàn không trăm bốn mươi sáu, Đức Ngài chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó đã tới bên kia sông, tay bồng đứa nhỏ”.

           Chương 11: rời

           Ngày hai ngàn không trăm bốn mươi sáu, kẻ tự xưng là Đức Ngài chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó đang qua sông, tay bồng đứa nhỏ

           Toàn bộ 11 chương tiểu thuyết viết về người đàn bà tay bồng đứa nhỏ đi lấy trái tim của Đức Ngài.

           Người đọc không thể biết ngày 2046 là ngày tháng năm nào, người đàn bà bồng đứa nhỏ là ai, con sông được nói đến là con sông ở vùng nào, cả nhân vật Đức Ngài cũng không có bất cứ chi tiết nhân thân xã hội. Mở đầu, người đàn bà đã tới bên kia sông. Kết thúc tác phẩm, người đàn bà đang qua sông, nghĩa là hành trình đi lấy trái tim của Đức Ngài chưa xảy ra. Câu chuyện còn bỏ ngỏ.

           Trong tiểu thuyết có nhiều địa danh, nghe rất quen thuộc, nhưng nếu bạn đọc tra bản đồ địa lý thì không hề có. Đó là cù lao Lẻ, xóm Lầy, Đất Giồng, đồi Tro, bến Gò, Vạn Thủy, thị trấn Xép, Yên Xuyên, Hà Đô, đồn binh núi Biên. Nhân vật Tôi kể: Anh Hai mất tích ở biên giới Trung-Mông (tr.18). Hai địa danh Yên Xuyên, Hà Đô, nghe như tên một nơi nào đó ở Trung Quốc (Trung Quốc có: Ngô Xuyên, Đồng Xuyên, Hán Xuyên, Lợi Xuyên, Nghi Đô, Thành Đô…). Tôi chưa rõ dụng ý của tác giả, nhưng nghĩ rằng, vì là địa danh hư cấu nên bạn đọc không cần phải xem nhà văn viết về vùng đất nào. Cũng có thể là một trò chơi chữ. Bởi nếu người đọc lần theo các địa danh thì sẽ phát hiện ra gốc của địa danh trong truyện là gốc miền tây: Yên Xuyên (miền tây có Long Xuyên), Hà Đô (miền tây có Hà TiênTây Đô tức là Cần Thơ), núi Biên (có Tịnh Biên, một huyện miền núi An Giang giáp Cambodia); Đất Giồng (miền tây có Giồng Trôm - một huyện của tỉnh Bến Tre; Giồng Riềng - một huyện của tỉnh Kiên Giang)…

           Đứa nhỏ trên tay người đàn bà là con của Phú, nó không biết cười (chương 3), con chị Tùy là đứa nhỏ rịn nước (chương 5), con chị Khùng chỉ khóc, khóc không ngừng nghỉ (chương 7), con của Cẩm bị ghẻ (chương 9). Trẻ con vốn hồn nhiên hay cười nhưng những đứa trẻ trong Biên sử nước phải chăng là ẩn dụ cho trẻ con hôm nay. Chúng đã bị tước đọat mất sự hồn nhiên. Hình hài và nhân tính trở nên méo mó. Và đó là nguyên nhân người mẹ phải đi tìm trái tim người để chữa bịnh cho con.

           Tại sao chỉ có trái tim người mới chữa được bịnh cho những đứa trẻ ? Nói cách khác chỉ có trái tim người mới giúp những đứa trẻ trở lại làm người?  Trái tim là biểu tượng của sự sống, tình yêu thương. Thông điệp của nhà văn là chỉ có tình yêu thương đối với trẻ mới đem lại cho trẻ sự hồn nhiên (nhân tính). Trong Biên sử nước, tất cả mọi người mẹ đều đến cù lao Lẻ để lấy trái tim Đức Ngài, nhưng họ mới chỉ “đang sang sông”, chưa lấy được trái tim ấy, nghĩa là những đứa trẻ vẫn đang trong trạng thái mất nhân tính (nụ cười là biểu hiện đẹp đẽ của nhân tính, tiếng khóc là nối thống khổ không thể kìm nén). Nhưng nếu giả như họ lấy được trái tim ấy thì thế nào? Đức Ngài trong Biên sử nước chỉ là một “màn lừa đảo kinh thiên động địa”(chương 4-tr. 43), tái tim của Đức Ngài cũng chỉ là Trái Tim Lừa Đảo. Sự mất nhân tính của thế giới này không có phương thuốc nào chữa được! Đó là một thông điệp bi thiết.

           Chương 9 miêu tả nhân vật tôi sống trong một Thế giới chỉ ruồi và cứt ruồi, nhân vật Tôi và Cẩm chỉ ăn chữ. “Có lần cổ (Cẩm) lấy một cuốn sách, bảo mình cứ chọn ăn những chữ thừa không quan trọng thử coi. Nghĩa là nếu chúng mất đi, cũng chẳng ảnh hưởng gì tới câu chuyện. Rốt cuộc cuốn sách chỉ còn lại không tới 100 chữ. Cẩm nói mình đã bỏ bụng một đống chữ chẳng bổ béo gì” (tr.112). “Thế giới ruồi” và “người ăn chữ” là ẩn dụ hàm chứa thông điệp gì? Chúng ta hiểu rằng trong thế giới hiện thực, ruồi xuất hiện nhiều ở bãi rác. “Thế giới ruồi” là thế giới của rác, của những cái dơ bẩn. Con chữ trên trang giấy là những ký hiệu mang thông tin. “Ăn chữ” chứ không phải là ăn giấy, ăn mực. “Ăn chữ” là ăn thông tin. Phải chăng đó là thông điệp nhà văn nói về thảm cảnh con người trong thế giới thông tin rác, thế giới của sự dơ bẩn tràn ngập? (Việc giải mã ẩn dụ này có thể không đúng với chủ ý của nhà văn, nhưng trong cách đọc hiện đại, ý nghĩa của tác phẩm là những gì người đọc lấp đầy văn bản).

           Chương 5 (nước lên) kể lại việc chị Tùy mở vòi nước giặt đồ rồi quên khóa, chị vội chạy theo trai, khiến cho nước chảy ngập lụt. Cả thành phố căng ra chạy lụt. Mọi nỗ lực khóa vòi nước lại đều thất bại. Tỉnh phải bó tay. Bao sớm chiều người ta chỉ còn biết đứng thở dài nhìn vùng nước nở rộng…Trong thực tế, một vòi nước giặt quần áo không thể làm ngập lụt thành phố được. Hình ảnh ấy là một ẩn dụ. Và ẩn dụ ấy có ý nghĩa gì? Chị Tùy chạy theo trai là chạy theo tình yêu. Chính tình yêu làm ngập lụt đời sống. Nhưng đến chương 8 (cưới bóng), chị Tùy lại bị người yêu là Viễn bỏ rơi (tr. 97) vì thế trận ngập lụt ấy mới gây họa cho mọi người. Phải chăng tình yêu cũng gây họa. Nếu vậy thì bi kịch này của nhân loại đến bao giờ mới thoát ra được!

           Biên sử nước là thế giới ẩn dụ chứa đựng nhiều thông điệp tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư. Điều này làm cho tác phẩm dù rất mỏng (125 trang in) vụt lớn lên vượt trội so với tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

NHÂN VẬT TÔI VÀ SỰ PHÁ CÁCH  TRẦN THUẬT

           Trong suốt tác phẩm, nhân vật Tôi là người kể chuyện người đàn bà tay bồng con đi tìm trái tim người. Trong tiểu thuyết truyền thống, nhân vật Tôi chỉ là một người. Tôi hoặc là tác giả, hoặc là một nhân vật trong truyện mà tác giả nhập thân vào. Trong Biên sử nước, nhân vật Tôi ở mỗi chương là một nhân vật khác với Tôi ở chương trước. Trong cách kiến tạo tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, nhân thân của Tôi được giữ rất bí mật. Tôi chỉ được nhận biết khi truyện kể về gần cuối chương. Chương 9 và chương 10, người đọc không thể nhận ra Tôi là ai. Điều này tạo thêm một nguồn hấp dẫn.

           Chương 2, nhân vật Ta là Đức Ngài ngồi trên ngai nhìn nhân gian quỳ lạy ở dưới.

           Chương 3, Tôi là Phúc Dương, người trùng tên với rất nhiều tên Phúc, có lẽ là một nhà báo đi tìm hiểu và viết phóng sự về cô gái tên Phúc mắt bò, bạn học cũ.

           Chương 4, Tôi là “sư mẫu”, ngoài 80 tuổi, là nhân chứng duy nhất vạch trần “màn lừa đảo kinh thiên động địa”của thằng Báo trong việc dựng thằng Phủ lên thành Đức Ngài để lừa thiên hạ.

           Chương 5, Tôi là thằng nhỏ mồ côi đi theo ông Từ. Tôi đi tìm chị Tùy, người đã mở vòi nước rồi quên, làm ngập lụt thành phố. 

           Chương 6: Tôi là em chị Thu. Nghe tin báo chị Thu (Trà Thị Thu) tới miệt Vạn Thủy lấy trái tim của người cầm đầu một tà giáo nào ở đó, Tôi đi tìm chị Thu.

           Chương 7: Tôi (thằng tù số 280) kể chuyện Bốn thằng tù với một chị đàn bà đã loạn trí còn phải mang đứa nhỏ trên tay”. Mãi sau này khi nghe tin người đàn bà ẵm con đi tìm tim Đức Ngài, tôi nghĩ đó là chị Khùng.

           Chương 8. Chị Tùy (nhân vật ở chương 5) kể chuyện mình bị Viễn bỏ rơi và chuyện hạnh phúc của vợ chồng anh Xây.

Chương 9, Tôi là người ăn chữ, có vợ và chia tay vì chị vợ không chịu nổi việc Tôi ăn chữ. Có lẽ Tôi là thợ sửa ống nước. Tôi là người kể chuyện Cẩm.

           Chương 10, Tôi kể truyện Mi một cô gái quậy phá trong cơn mộng du. Tôi có 2 đời chồng, chồng trước gốc Nhật, chồng sau hay hút thuốc. Nhưng Tôi lại là một người đàn bà bị tai nạn xe hơi, chưa tỉnh.

           Sự phong phú kiểu nhân vật Tôi (người kể chuyện) trong Biên sử nước có ý nghĩa gì? Nguyễn Ngọc Tư đã phá cách hẳn cách kể chuyện quen thuộc của tiểu thuyết. Sự khác biệt nhân vật người chuyện ở mỗi chương làm phân rã cốt truyện tiểu thuyết khiến cho mỗi chương trở thành một truyện ngắn riêng biệt. Điều đáng chú ý người kể chuyện là người đi tìm kiếm người đàn bà bồng con, là nhân chứng cho mọi sự kiện. Họ rất khác nhau về nhân thân xã hội. Đó là một nhà báo, một đứa nhỏ mồ côi, một thằng tù trốn trại, một người ăn chữ có lẽ là thợ sửa ống nước, một người bị tai nạn xe hôn mê chưa tỉnh (vậy mà vẫn kể chuyện được. Có lẽ Tôi hôn mê phần ý thức, còn phần tiềm thức vẫn hoạt động, nhà văn miêu tả dòng chảy ý nghĩ miên man trong tiềm thức của nhân vật này); một bà già ngoài 80 tuổi được gọi là “sư mẫu”,là nhân chứng, và đặc biệt là chị Tùy, một người đàn bà mất tích ở chương 5 lại trở thành người kể chuyện ở chương 8.

Tất cả các nhân vật Tôi đều có câu chuyện riêng góp vào làm đầy thêm câu chuyện về người đàn bà bồng con đi lấy trái tim Đức Ngài. Những câu chuyện của Tôi mở rộng biên độ không gian, thời gian của tiểu thuyết. Truyện không chỉ ở xóm Lầy, cù lao Lẻ, Vạn Thủy mà ở Núi Biên cách nhà Tôi non ngàn cây số (tr.71), hoặc biên giới Trung-Mông (tr.18), Tôi sống trong cái thư viện bị ruồng bỏ, cách với ngoài kia loạn lạc phải tới một ngàn năm ánh sáng.(tr.104)

Quan sát nhân vật Tôi, người đọc phát hiện ra tác giả giao cho nhân vật một sứ mệnh chuyển tải thông điệp. Nhân vật Tôi (sư mẫu) là người vạch trần trái tim Đức Ngài có thể chữa bách bịnh chỉ là một trò lừa bịp: Tôi là nhân chứng. Nhân vật Tôi (Phúc Dương) là một phóng viên, người gỡ rối ai là Phúc mắt bò trong 117 người tên Phúc. Nhân vật Tôi (đứa nhỏ mồ côi, em chị Thu và người tù số 280) chỉ chạm tới bóng dáng người đàn bà bồng con đi tìm trái tim người). Sau cùng là Tôi, người mất trí trong một tai nạn xe hơi, kể chuyện Mi quậy phá trong cơn mộng du. Vậy tiến trình từ Tôi (sư mẫu) đến Tôi (người mất trí) có ý nghĩa gì? Cái chân lý tưởng đã nắm được với nhân chứng rành rành ấy (sư mẫu) trở thành một điều không có thật và không có cơ sở để tin (người mất trí kể chuyện), nói cách khác, những gì tưởng là chân lý thì chẳng là gì cả. (Và nếu có thì nó nằm trong ký ức của người mất trí). Thông điệp này đẩy đến tận cùng sự hoài nghi về thực tại hôm nay. Thực tại này chỉ có sự lừa gạt, dối trá, tin đồn, chỉ có sự méo mó, tha hóa (người ăn chữ, người nhai tóc, trẻ không biết cười, một thế giới ruồi, gián và tai họa (những giấc mơ mọc cánh của Tôi-chương 5)

Nhân vật Tôi-người kể chuyện làm cho tiểu thuyết Biên sử nước trở nên khó đọc, Cần phải nhìn ra sự phát triển của nhân vật tôi từ đầu tới cuối tác phẩm mới thấy được những thông điệp ẩn dấu mà nhân vật chuyển tải. Nhân vật Tôi cũng tạo ra sự cuốn hút của việc truy tìm. Tôi cũng kể rất nhiều chuyện đời thường làm cho những ẩn dụ trở nên tư nhiên như thể đó là hiện thực.

Và dù Tôi làm phân rã cấu trúc Biên sử nước thì Biên sử nước vẫn là một tiểu thuyết chặt chẽ về cấu trúc (do sự phát triển vai trò của vật Tôi), thống nhất chủ đề tư tưởng và tư tưởng. Đó là tài năng kiến tạo tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ BỒNG CON

Người đàn bà bồng con đi tìm trái tim Đức Ngài (tim người) làm thuốc chữa bịnh cho con là một hình tượng kết nối các chương, thể hiện thống nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm để tạo nên tiểu thuyết Biên sử nước.

Sự mới mẻ ở hình tượng này là, không chỉ có một nhân vật người đàn bà bồng con mà có nhiều người đàn bà khác nhau. Họ trở thành đối tượng của sự truy tìm nhưng không gặp.

 Chương 3, Phúc Dương truy tìm người đàn bà bồng con đi lấy trái tim Đức Ngài. Nhưng có đến hàng trăm người tên Phúc. Sau khi thu thập thông tin, cô nghĩ là Phúc Mắt bò, một bạn học cũ. Nhưng Phúc Dương mới chỉ tìm thấy một tấm hình có Phúc mắt bò mà chưa gặp lại được người bạn này. Chương 5: thằng nhỏ mồ côi đi theo ông Từ là người được cử đi tìm chị Tùy, người đã mở vòi nước rồi quên, làm ngập lụt thành phố. Nhưng cũng chưa tìm được. Chương 6: (Tôi) em chị Thu nghe tin báo chị Thu (Trà Thị Thu) tới miệt Vạn Thủy lấy trái tim của người cầm đầu một tà giáo nào ở đó, Tôi đến nhà chị Thu (trước kia là nhà tôi). Nhưng không thấy. Chỉ thấy hình bóng chị trong đoạn phim do canera cửa hàng tiện lợi ghi lại và được Hy là nhân viên cửa hàng chép vào điện thoại cho Tôi. Chương 7: Tôi (thằng tù số 280) trong khi vượt ngục, đã tiếp cận được chị Khùng, được chị Khùng cho ăn. Sau này, khi nghe tin có người đàn bà bồng con đi lấy tim người làm thuốc thì Tôi nghĩ ngay là chị Khùng. Chương 8, vợ anh Xây có lẽ nghe lời độc địa của chị Tùy đã đi tìm trái tim người để chữa bịnh không con. Chương 9: Bữa đài loan tin có người đàn bà ôm con đi lấy tim người làm thuốc, tôi biết là Cẩm” (tr.116). Cẩm là người trôi dạt. Cẩm đến sống chung với tôi trong một thư viện bỏ hoang, cả hai cùng ăn chữ.

Như vậy hình tượng “người đàn bà bồng con đi lấy trái tim người làm thuốc chữa bịnh” có chung những đặc điểm sau dây: Những người đi truy tìm họ đều chưa tìm được họ, nhưng có tiếp cận được trong một hoàn cảnh nào đó, và khi nghe tin về người đàn bà bồng con đi lấy trái tim người thì đoán chừng là người họ đã gặp. Tất cả đều chưa gặp mặt người đàn bà bồng con, mà chỉ thấy một vài dấu tích một vài “nghe nói” và đoán chừng. Hình ảnh “người đàn bà bồng con” gợi ra nhiều liên tưởng trong đời sống tâm linh Việt.

Trong Biên sử nước, mỗi người đàn bà (được phỏng đoán là người bồng con đi lấy trái tim người) đều có một hoàn cảnh đặc thù và chuyển tải một thông điệp riêng. Phúc Mắt bò nổi tiếng ở trường vì bị mắc kẹt với  đáy quần loang máu, khi ướt khi khô đanh. Tuy vậy, Phúc là một học sinh giỏi Toán toàn quốc, lấy bằng bác sĩ chuyên khoa 2 ở Hà Đô. Mẹ Phúc khoe với mấy bạn hàng ngoài chợ: “Con nhỏ sắp lấy bằng giáo sư”. Sau làm thu ngân cho một của hàng bách hóa tự chọn. Giờ chạy theo cả những ông thầy bùa ngải xác cậu cốt cô (tr.32), đó là điều không ai hiểu được. Nhưng thông điệp của nhà văn rất rõ ràng: người mẹ chấp nhận từ bỏ tất cả để tìm phương thuốc chữa bịnh cho con với một niềm tin tuyệt đối.

Chị Thu (Chương 6): “không ra đàn bà cũng chẳng ra đàn ông. Cái mũi gom cao và đôi mắt hai mí…cơ mặt cứng lạnh, mớ tóc xơ rối, dáng người khô khòng, chị ít cười”(tr.72). Đi dạy học, chị mặc áo dài xanh da trời. Ở nhà chị nuôi gián. “Học trò của chị Thu cũng không mấy yêu quý cô giáo dạy môn Ngữ văn”(tr.73). Dường như người đàn bà này không hợp với môi trường sống của mình, phải chăng vì thế chị Thu làm bạn với gián?

           Người đàn bà tên Cẩm (chương 9) là người ăn chữ. Cẩm chui ra từ một cái thùng rác úp ngược. Bồng trên tay một tiếng khóc xanh yếu, cổ mệt lả…”; “Sau này Cẩm kể cô không mục đích nào, chỉ đi vậy thôi, ‘hơn ngồi một chỗ chờ chết’”(tr.105). Cô là đàn bà với vòm háng ấm, đôi đầu vú nhỏ, búi mông cứng.107 Cẩm sống trôi dạt, chỉ ăn chữ. Cẩm nói mình đã bỏ bụng một đống chữ chẳng bổ béo gì”(tr.112). Dường như nhân vật này thể hiện tư tưởng hiện sinh của tác giả: Đời sống bản chất là vô nghĩa. Sống là đi về cõi chết?

Các nhân vật này đều thể hiện tư tưởng về “sự biến mất của con ngườ” trong cõi đời này. Nhân vật Tôi khi theo dõi dấu tích chị Thu đã nghĩ về mình:“Hình ảnh cuối cùng của tôi trước khi biến mất khỏi cõi đời, cũng sẽ được một con mắt điện tử nào đó giữ lại 30 ngày, rồi tự động tan đi không dấu vết. Ai sẽ ngồi xem lại hình ảnh tôi” (tr.75).

Tất cả các nhân vật người đàn bà bồng con đi tìm trái tim người chỉ được ghi nhận qua dấu tích họ để lại (Gián trong nhà chị Thu; vòi nước chảy và quần áo giặt của chị Tùy, ấn tượng về tiếng móng tay gãi miết vào da bật máu trên da của Cẩm.…), qua một vài mối quan hệ của họ với người này người kia, và qua những thông tin ai đó nói (bọn học trò trường Yên Xuyên nói về Phúc mắt bò, người mẹ nói về Phúc...). Cuộc truy tìm họ là vô vọng (Thằng nhỏ mồ côi được giao nhiệm vụ tìm chị Tùy phải leo lên cột địện tránh nước lụt để định hướng).

Sự biến mất vô vọng của người đàn bà bồng con đi tìm trái tim người chỉ là một cuộc ra đi chưa đến đích (còn “đang sang sông”) hay là một thái độ phản kháng?

Về lý do chị Tùy ra đi, người ta trách mẹ chị Tùy rằng: “Phải dì bớt bạc đãi con Tùy đi một chút thì đâu tới nỗi”(tr.48). Có nghĩa sự ra đi của chị Tùy là phản kháng lại sự bạc đãi của người mẹ. Cẩm nói về sự trôi dạt của mình: “chỉ đi vậy thôi,‘hơn ngồi một chỗ chờ chết’”(tr.105), tức là phản kháng lại sự tù đọng hiện sinh. Phúc mắt bò từ bỏ nghề bác sĩ để làm thu ngân cho một cửa hàng, từ bỏ sự chữa tri y khoa cho đứa con không cười bằng cách tin vào thầy bùa ngải xác cậu cốt cô, phải chăng Phúc phản kháng lại một xã hội thực dụng (chỉ có tiền) và văn minh phương Tây (cách chữa bịnh bằng Tây Y)? Điều này bạn đọc có thể thấy rõ rất nhiều người chữa bịnh tà bằng cách tìm đến các thầy bùa. Ở chương 10, nhân vật Mi và Tôi kéo đổ tượng đài ở trung tâm thành phố (tr.120). Mi ném đá vào đèn ở quảng trường, mở tung những trụ nước cứu hỏa, cài thuốc nổ đánh sập một chân cầu…phải chăng đó là sự phản kháng vô chính phủ về những tiêu cực trong đời sống (chẳng hạn phản khác việc xây tượng đài bê tông cốt tre)

Không thể hiểu khác, qua hình tượng người đàn bà bồng con đi tìm trái tim người, nhà văn ca ngợi tình yêu thương con của người mẹ, đồng thời bày tỏ thái độ phản kháng xã hội về nhiều mặt, thể hiện ý thức về Hiện sinh và về sự tồn tại của một con người trên cõi nhân gian này, cõi nhân gian đầy ruồi, đầy gián, đầy lọc lừa. Con người tồn tại trong vô vọng, như giữa mênh mông nước không có gì bám víu, không gì ngăn được sự ngập lụt. Hệ thống hình ảnh ẩn dụ có ý nghĩa biểu tượng chứa đựng những thông điệp còn ẩn rất sâu dưới lớp vỏ chữ nghĩa, đó là một đặc sắc của Biên sử nước.

NGUYỄN NGỌC TƯ QUEN MÀ LẠ

           “Tụi tui ăn chữ. Xin bạn đừng có tầm thường như những người tôi từng biết, họ hoặc nhìn tôi như kẻ điên hoặc dán vào tôi cái nhìn ngờ vực, nghĩ ăn chữ chắc có ám chỉ gì. Nhưng ăn chữ chẳng mang tầng nghĩa ngầm nào khác. Nó đơn thuần như bạn ăn cơm. Nghĩa là nhai nuốt bằng răng, tận hưởng hương vị qua gai lưỡi, và tiêu hóa chúng trong dạ dày, thấm hút chút dưỡng chất vào thành ruột. Ở ngoài kia có nhiều người ăn chữ kiểu như tôi, chỉ là chúng ta không biết đó thôi” &tr.105)

           Phải chăng Nguyễn Ngọc Tư đang đối thoại trực tiếp với chúng ta và hóa giải cái cách chúng ta bẻ khóa mật ngữ của tác phẩm? Chúng ta nhận ra Biên sử nước là một thế giới ẩn dụ, Nguyễn Ngọc Tư bảo “chẳng mang tầm nghĩa ngầm nào khác”, nhưng xin thưa, khi tác phẩm đã được công bố và được đọc, thì nghĩa tác phẩm thuộc về diễn giải của người dọc. “Tác giả đã chết” (Roland Barthes).

Trong Biên sử nước, nhiều lần nhân vật đối thoại trực tiếp với người đọc như vậy. Đây là một chia sẻ trải nghiệm: Bạn biết đó, khi bạn không nhà cửa chẳng mẹ cha, sống nhờ cơm miễu Thánh thì phụ nữ là thứ gì đó xa tận bên kia biển…Với đàn bà, nhìn thẳng vào họ thôi cũng khiến tôi thấy mình không xứng đáng”(tr.58).

              Cách viết của mỗi chương là ghi lại dòng “ý nghĩ miên man” (tr.76) của nhân vật Tôi. Nhân vật tôi ở hiện tại, rồi ký ức xuất hiện. Quá khứ đồng hiện với hành động ở hiện tại. Nhân vật để cho ý nghĩ của minh trôi đi từ chuyện này sang chuyện khác, tạt ngang rồi tạt dọc, xa lạc chỗ khởi đầu ở hiện tại, sau đó quay về hiện tại. Người đọc chỉ lơ đãng một chút là không còn biết mình đang ở đâu giữa rừng chi tiết truyện, và sẽ rối tung lên không biết bám vào đâu để lần ra manh mối chính. Điều này khiến cho độc giả không thể đọc nhanh. Thú thực là mỗi chương tôi phải đọc lại vài lần mới thoát ra được cái rắc rối của cấu trúc truyện. Và trong khi nghe Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện, tôi gặp đâu đó các miêu tả độc thoại nội tâm của Hemingway (Ông Già và Biển Cả), ở chỗ khác tôi lại thấy những dòng miêu tả rất lạ theo cách miêu tả Hiện tượng luận (Husserl), thực sự là thú vị. Thú vị ở văn bản đang đọc, tức là những gì nhà văn dệt nên bằng văn chương và thú vị với một tác phẩm văn chương đã hội nhập với văn chương thế giới đương đại.

           Nói thế để nhấn mạnh điều này Nguyễn Ngọc Tư muốn viết một tác phẩm tư tưởng. Vì thế nếu muốn tìm “giá trị phản ánh hiện thực” của tác phẩm theo cách đọc cũ, người đọc sẽ thất vọng. Biên sử nước chỉ kể những chuyện đời thường trong dân gian: chuyện gái bỏ nhà theo trai (chị Tùy), chuyện tù vượt trại (chương 7), chuyện một bà già bị mấy giỏ xoài đè chết (tr. 19), anh xe ôm kể chuyện vợ ghen (tr. 23), chuyện “Được làm đàn bà tới bến rồi đó, sướng không?!”(tr.26), chuyện con nít bị ghẻ (con của Cẩm), chuyện một nhiếp ảnh gia biến mất ở Núi Biên (tr.70), chuyện trẻ con khóc (tr. 84), chuyện một cô gái nằm vắt ngang đường tàu tự tử (tr.96), chuyện phụ nữ bị nghén ăn lá mục (tr.100), chuyện hôn nhân đổ vỡ (tr. 108)… những chuyện như thế chẳng phản ánh vấn đề chính trị xã hội nào của hiện thực hôm nay. Thấp thoáng có vài vấn đề như, xây tượng bê tông cốt tre (tr. 120), chuyện buôn thần bán thánh (Đức Ngài), chuyện đồng tính (chuyện Tôi là người đàn bà có hai đời chồng với Mi-tr.120), nhưng đó cũng không phải là những vấn đề “nóng” của xã hội Việt Nam hôm nay.

           Điều thú vị là, Nguyễn Ngọc Tư trình bày tư tưởng rồi lại phủ định tư tưởng ấy, giống như Biên sử nước là một thế giới ẩn dụ nhưng tác giả lại bảo “chẳng mang tầng nghĩa ngầm nào khác”.

           Người đàn bà đi tìm trái tim người để chữa bịnh cho con với một lòng yêu thương và một niềm tin tuyệt đối. Tác giả khẳng định chỉ có tính yêu thương (trái tim) mới chữa lành mọi bịnh tật, mới cứu rỗi nhân tính. Thế nhưng ngay sau đó nhân vật “sư mẫu’ là một nhân chứng sống đã nói rõ Đức Ngài chỉ là một trò lừa gạt. “Trái tim” của kẻ lừa gạt làm sao chữa được bịnh. Thế nghĩa là chẳng có tình yêu thương nào chữa lành tình trạng nhân tính bị tha hóa!

           Nguyễn Ngọc Tư nói về sự biến mất của một con người như một tất yếu: “Hình ảnh cuối cùng của tôi trước khi biến mất khỏi cõi đời, cũng sẽ được một con mắt điện tử nào đó giữ lại 30 ngày, rồi tự động tan đi không dấu vết. Ai sẽ ngồi xem lại hình ảnh tôi (tr.75) và trong truyện là rất nhiều trường hợp con người biến mất (Phúc mắt bò, Cô Long, chị Thu, chị Khùng, Cẩm…). Thế nhưng, người ta vẫn thấy dấu tích của họ, họ đang lang thang nơi này nơi kia, và không phải họ không để lại những hậu quả. Chị Tùy bỏ đi để nước chảy ngập cả thành phố, Chị Thu đi để lại cái nhà đầy gián. Cô Long bỏ đi đến nỗi thằng Phủ phải giả làm Đức Ngài để gây tiếng vang “sao cho ở phương trời nào con nhỏ kia cũng nghe thấy” (tr.43). Nghĩa là con người “biến mất” vẫn tồn tại. Phải chăng đây là sự mâu thuẫn trong tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư?

           Cũng vậy, khi Nguyễn Ngọc Tư nói đến một vài hiện tượng xã hội nhưng ngay sau đó lại phủ định những gì mình vừa kể. Chuyện xây tượng đài bê tông cốt tre, hoặc tình trạng con ông cháu cha quậy phá (nhân vật Mi, chương 10). Phần sau câu chuyện, tác giả lộ ra rằng đó là chuyện kể của một người hôn mê vì tai nạn xe chưa tỉnh, và Mi quậy phá khi cô mộng du, nghĩa là của hai kẻ không có ý thức. Chuyện chỉ xảy ra trong tiềm thức của một người đã mất hết ý thức. Vậy tiếng nói phản kháng ấy có giá trị gì với thực tại?

           Có thể lý giải sự mâu thuẫn của Nguyễn Ngọc Tư là do nhà văn thể hiện tư tưởng nhưng không dựa trên một hệ thống triết học nào. Nhà văn cũng không viết với khuynh hướng văn chương dấn thân (J.P.Sartre-1905-1980), vì thế những thông điệp tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư trong Biên sử nước chỉ có ý nghĩa như một tiếng nói trách nhiệm trước một thời đại mà nhân tính bị hủy hoại trầm trọng, tình yêu thương không còn khả năng cứu chữa bệnh tật của con người. “Chúng ta không biết mình đang sống trên những mục rã nào” (tr.120). Tôi nghĩ tiếng nói trách nhiệm ấy thật đáng quý.

           Biên sử nước có cách đặt tên khá lạ. Những thở dài mang vị muối, Dấu nước, gọi vang, nước lên, những kén, tiếng khóc từ trời, cưới bóng…Tất cả tên chương đều không được viết hoa. Có điều gì đó rất trái với quy luật ngôn ngữ thông thường. Lẽ ra phải viết “những cái kén” hoặc “tiếng khóc thấu trời”. Thở dài” là một động từ, “những” là số số từ, chỉ đứng trước danh từ, không thể đứng trước động từ (Những thở dài). Sự “lạ hóa” cả ở nội dung nhan đề ”cưới bóng”. Sự “lạ hóa” cách viết nhan đề cũng là một phá cách của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư. Nó tạo ra sự “gây hấn” với người đọc ngay khi tiếp cận tác phẩm. Nhan đề “Biên sử nước” là một gây hấn như vậy. Người đọc thường nghe “biên niên sử” của một triều đại. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư viết “Biên sử nước”, vậy nên được hiểu thế nào? Biên niên sử của nước hay bên lề (đường biên) lịch sử của nước, hay là ghi chép về (biên chép) lịch sử của nước? Tác phẩm không hề chứa đựng các nội dung này.

Thôi thì cứ nghe theo lời nhà văn, cách đặt tên tác phẩm, tên chương: “chẳng mang tầng nghĩa ngầm nào khác”. Chẳng qua là một trò chơi chữ thú vị, vậy thôi! Nói như thế thì trả lời thế nào về chức năng của nhan đề? Nhan đề chứa đựng nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. “Biên sử nước” nhất định chứa đựng những điều ấy, không phải chỉ là một trò chơi chữ đơn thuần. Phải chăng nhan đề ấy gợi ra vấn đề nước ở đồng bằng sông Cửu long một thời ngập lụt (“chan nước đi hàng mấy trăm cây số”. tr.53) mà bây giờ đối mặt với sự khô cạn? Cho nên người ta không thể cười được, như đứa trẻ kia chỉ khóc không ngơi? Tìm mãi một con đường giải quyết như không thấy (như tìm người đàn bà bồng con)?

Tôi rời cuốn sách mà lòng ngổn ngang, dường như tôi đuổi theo những gì Nguyễn ngọc Tư viết giống như mấy người tù chạy theo thằng 551, tưởng nó dẫn đường trốn trại, ai dè nó chạy theo một con chim thằng chài, một con chim xanh biếc, và thằng 551 hỏi ngược lại những người tù rằng ”Nhưng sao tụi mày lại chạy theo” (Chương 7-tr.79). Những người tù trốn trại chạy theo thằng 551 là vì ngộ nhận, còn tôi chạy theo Biên Sử nước, chẳng lẽ…!

***

Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn có những nỗ lực khám phá sáng tạo liên tục, rất quen ở phong cách nhưng mới lạ ở nghệ thuật và tư tưởng. Thế hệ nhà văn đồng thời với Nguyễn Ngọc Tư giờ trở thành những cây viết chủ lực của văn chương Việt, họ đã làm thay đổi hẳn dòng chảy văn chương Việt và tiếp cận với văn chương thế giới. Những đóng góp về thi pháp và tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư trong Biên sử nước là một trường hợp cụ thể.

Xin chúc mừng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Tháng 11/2020

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Tác giả gửi cho viet-studies  ngày 7-11-20