Vì đâu nên nỗi?

Tác động văn hoá của “đổi mới”xét như một mô thức phát triển

 

Lữ Phương

 

 

Vấn đề xuống cấp văn hoá và nếp sống hiện nay đã lan rộng đến mức báo động đỏ, khắp nơi đã có rất nhiều người lên tiếng cảnh báo thống thiết. Theo tôi thì đây không phải chỉ là sự suy thoái riêng rẽ và đơn thuần về đạo đức, văn hoá mà thực sự bắt nguồn từ cái mô thức phát triển tổng thể đã quy định sự suy thoái thuộc các lĩnh vực này.Tính chất trầm trọng của sự xuống cấp văn hoá đó cũng chính là ý nghĩa phá sản trầm trọng của một mô thức phát triển mang tính chất lịch sử mà chúng ta đã chọn và cũng vì vậy vấn đề đặt ra ở đây sẽ là vấn đề đi tìm nguyên nhân phá sản về mặt lịch sử của mô thức đó. Tôi có một bài viết đặt vấn đề một cách tương tự [xuất hiện trên Diễn Đàn, số 27, 01.02.1994],  tham gia một đề tài nghiên cứu do trung tướng Trần Độ đảm nhận cách đây gần 20 năm, nay xem lại thấy vẫn còn có những điều thích hợp nên nhân dịp này xin tóm tắt tinh thần bài viết đó vào vài điểm, có thêm  một vài ý bổ sung.

 

***

Trước hết, tôi cho rằng trong việc quyết định con đường phát triển của đất nước, chúng ta đã có một sự ngộ nhận trầm trọng khi đồng nhất khái niệm “chủ nghĩa xã hội” mà chúng ta đã chọn lựa vào thời cách mạng giải phóng dân tộc  với nội dung khái niệm “xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta coi là hình thái kinh tế xã hội cần xây dựng để đưa đất nước vào con đường hiện đại hoá.  Logic của vấn đề ở đây là: công cụ A giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ A thì nó cũng sẽ giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ B.  Logic này cũng là cơ sở của luận điểm của Lenin về phong trào giải phóng dân tộc: phong trào này là một bộ phận của phong trào chống tư bản, đế quốc do quốc tế vô sản lãnh đạo nên sau khi dựa vào quốc tế vô sản hoàn thành cách mạng dân tộc rồi thì  phải tiến lên xây dựng ngay chủ nghĩa xã hội, không thông qua giai đoạn phát triển tư bản  để tiếp tục sự nghiệp chống đế quốc do quốc tế vô sản lãnh đạo.

Có thể trong điều kiện lúc bấy giờ, chúng ta có nhiều lý do để xác tín vào sự chọn lựa ấy,  nhưng những gì diễn ra về sau đã chứng minh rằng cái logic ấy không phù hợp thực tế. Bản chất của hai phạm trù – giải phóng dân tộc và phát triển xã hội –  là khác nhau hoàn toàn. Khái niệm “chủ nghĩa xã hội” mà chúng ta chọn trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc là khái niệm chỉ về chỗ dựa thực tế của một lực lượng ngoại tại. Chỗ dựa này tuy gọi là “phe xã hội chủ nghĩa” nhưng lại có nội dung đặc thù về lý luận lẫn lịch sử của  một thực thể chính trị cụ thể, gọi là Đệ tam Quốc tế,  lúc bấy giờ được cách mạng Việt Nam coi như cái “cần thiết”, cho cuộc đấu tranh –  và do hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam, cuộc chiến đấu chống xâm lược của chúng ta có phần phù hợp với sự chọn lựa đó, nghĩa là nghiêng về việc dùng bạo lực cách mạng để cướp chính quyền,  nên có người đã nói ở đâu đó – hình như nhà văn Nguyên Ngọc –  rằng sự chọn lựa đó chỉ mang tính chất tình thế, một chọn lựa “cực chẳng đã”,  chứ không phải và cũng không thể xem là một chọn lựa một lần cho mãi mãi, như một chân lý.

Tất cả nhưng khó khăn triền miên mà chúng ta gặp phải trong xây dựng sau khi đã hoàn thành cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất chính là do chúng ta đã vẫn cứ xem việc chọn lựa mang tính chất tình thế ấy như một chọn lựa tuyệt đối, vĩnh viễn, giống như một người sau khi mò mẫm đi tìm đã nhận được của trời một cái cẩm nang thần kỳ, hễ mỗi lần gặp khó khăn, mở ra là giải quyết được mọi việc trên đời. Thực tế đã cung cấp nhiều bằng chứng cho biết sự chọn lựa của chúng ta không phải là một cái cẩm nang thần kỳ, và sự huyễn hoặc của sự thần kỳ này không thể viện dẫn “ lập trường”, “lòng tin” hay sự “trung thành” … mà  bảo vệ được. Đây là một vấn đề vừa học thuật vừa thực tế mà xét cả hai mặt này, cái mô thức mà chúng ta gọi là “chủ nghĩa xã hội”, ban đầu là một cương lĩnh xây dựng trực tiếp, sau này chuyển thành  một “định hướng” tiến lên lại không tìm được cơ sở nào để tự biện minh về tính chất nghiêm chỉnh và khả thi của nó, dù cho nó có được giải thích như thế nào, vận dụng cách nào đi nữa, bao lâu đi nữa. 

Chúng ta thường cho là “khoa học” khi coi chủ nghĩa “Mác-Lênin” như cái kim chỉ nam tất yếu dẫn đất nước đi về tương lai tươi đẹp gọi là “xã hội xã hội chủ nghĩa”, nhưng phân tích đến cùng về mặt lý luận, chúng ta thấy việc dựa vào những biện pháp của Lenin để thực hiện các mục tiêu do Marx đề xuất chỉ tạo ra kết quả ngược lại với chính viễn cảnh xã hội tươi đẹp mà Marx đã hình dung, ấy là chưa nói đến việc khi phân tích đến nguồn gốc bản thân học thuyết Marx chúng ta đã có đủ luận cứ để chứng minh rằng đến  lượt nó, học thuyết về tương lai tươi đẹp này cũng  chỉ là kết quả logic hình thành từ một giấc mơ triết học, nhất là khi lại giao sứ mạng thực hiện cho một chủ thể hư ảo là “giai cấp vô sản”. Đó hoàn toàn không phải là xu thế phát triển của thời đại, cũng không phải là quy luật sinh thành của lịch sử như chúng ta đã ngộ nhận và thuyết minh mà chỉ là những phản ứng chính đáng nhưng lại mang tính mộng ảo của những người trí thức bức xúc trước những bất công gay gắt  của chủ nghĩa tư bản thời sơ khai mà cũng là thời kỳ chủ nghĩa tư bản đồng hoá với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc.

Đem những luận điểm mộng ảo về lý tưởng đó ra thực hiện, và lại thực hiện bằng biện pháp toàn trị của một guồng máy quyền lực tự cho mình là đại diện duy nhất cho sự minh triết về Lịch sử ,  tất sẽ dẫn đến một hậu quả kỳ quặc mà Marx gọi là sự “phóng chiếu lộn ngược”, khái niệm này Marx sử dụng để chỉ  sự kiện lý tưởng của trường kinh tế cổ điển khi áp dụng vào thực tế đã đi ngược lại những nguyên lý do bản thân nó đặt ra. Với mô thức gọi là “chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam, hiện tượng đó cũng lặp lại: tất cả đều diễn ra ngược lại với cái mục tiêu mà chúng ta coi là  lý tưởng khi đem thực hiện sau khi đã thanh toán xong chủ nghĩa thực dân. 

Về mặt kinh tế, mô thức đó không dẫn đến giàu sang, sung mãn mà chỉ có thiếu thốn, nghèo nàn; đường lối xây dựng đặt trên chủ nghĩa duy ý chí chỉ tạo ra những quyết sách quan liêu, ảo tưởng, tuỳ tiện,  nên không hề có phát triển vì động lực phát triển đã bị huỷ diệt. Về chính trị, những khẩu hiệu gọi là “do dân, vì dân, của dân” vốn là cơ sở của các cuộc cách mạng dân chủ đích thực, đã trở thành những hứa hẹn mị dân thô lậu, đem ra tuyên truyền chỉ mang lại những hiệu ứng phản tác dụng.  Xã hội công dân với những quyền dân sự tối thiểu đã bị đẩy vào “thế giới ngầm” bất hợp pháp và đất nước thì bị quản lý như  một  trại lính. Nhà nước mệnh danh “đầy tớ của nhân dân” thực chất là một hình thái Nhà nước-đảng, tập hợp từ ý chí chủ quan của một thiểu số tự lập và  tự giam mình trong những giáo điều phản hiện thực, cô lập với đông đảo xã hội, duy trì sự tồn tại của mình bằng cách áp đặt một cung cách quản lý bằng mệnh lệnh từ trên rót xuống theo kiểu chiến tranh, một chiều, độc đoán.  Kết quả: không có phát triển mà cũng không có dân chủ và công bằng.

Người ta không thể không đặt ra câu hỏi: tại sao đất nước lại chọn con đường này, đó có phải là con đường tất yếu? Có rất nhiều câu trả lời xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng mọi việc đã bắt đầu từ Đại hội Tours, năm 1920, khi Nguyễn Ái Quốc chuyển hướng từ chủ trương canh tân ôn hoà của Phan Châu Trinh sang con đường cách mạng cực đoan của Đệ tam Quốc tế.  Cũng có ý kiến muốn lấy năm 1923 làm cột mốc giải thích khúc quanh cho số phận của Việt Nam khi Nguyễn Ái Quốc từ giã môi trường hoạt động khuynh tả ở nước Pháp dân chủ để sang Nga hội nhập vào mô thức chuyên chế kiểu phương Đông.

Tất cả đều có lý do để biện luận, tuy vậy theo nhận định của nhiều người khác thì chính xác nhất có lẽ phải kể đến thời điểm 1949 khi cách mạng Trung quốc thành công nhờ đó Việt Nam tìm được một căn cứ địa trực tiếp, lâu dài, làm chỗ dựa vững chắc để củng cố và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân, nhưng cũng từ cái cột mốc thời gian “cần thiết” sinh tử  với độc lập dân tộc đó mà cách mạng Việt Nam, dưới nhiều hình thức, đã tạo điều kiện cho sự du nhập vào tổ chức của mình một hệ tư tưởng tệ hại nhất trong những hệ tư tưởng gọi là “xã hội chủ nghĩa” phản Marx nhưng vẫn  nhân danh Marx để giải phóng loài người – đó là chủ nghĩa Mao, một thứ chủ nghĩa Stalin “mang đặc điểm Trung quốc”.  

Bằng những cuộc chỉnh huấn tư tưởng, nếu chủ nghĩa Mao đó đã bơm được máu đen vào cơ thể Đảng Việt Nam thì về mặt xã hội, bằng khuyến dụ những cuộc tàn sát truy bức mệnh danh “đấu tranh giai cấp”,  “cải cách ruộng đất”,  nó đã  đào bới đến tận gốc rễ nền văn hoá truyền thống của dân tộc – bằng cách đưa lên hàng chính diện các nhóm đân cư hạ đẳng nhất của xã hội, biến các tầng lớp này thành lực lượng nồng cốt thực hiện đường lối xây dựng “xã hội mới” theo mô thức Mao, đồng thời khuấy lên từ đáy sâu của lịch sử dân tộc các tính chất cặn bã nhất của con người là sự ngu dốt, cơ hội, ti tiện, hẹp hòi, thù hận… biến chúng thành  hệ giá trị làm nền cho mọi hoạt động tinh thần mà dấu tích vẫn còn hằn sâu vào đời sống văn hoá của đất nước cho đến ngày nay, chưa biết đến bao giờ mới gột sạch được.

 

***

Cần phải nói thêm điều quan trọng khác về sự ngộ nhận trên đây là sự ngộ nhận đó vẫn không hề chấm dứt khi, trước sự khủng hoảng và bất lực của mô thức cũ, chúng ta  buộc phải thay đổi chỉ đạo chiến lược về phát triển nhưng lại nhằm mục đích tạo cho hình thái kinh tế xã hội đã chọn một số thuộc tính mới cốt chỉ để duy trì cho được con đường đi lên  mệnh danh “chủ nghĩa xã hội” trong điều kiện “phe xã hội chủ nghĩa” đã sụp đổ,  bằng cách khai sinh ra chủ trương gọi là “đổi mới”. Nguồn gốc của đường lối này thật sự không mới lắm. Nó đã bắt nguồn từ  NEP của Lenin: nắm vững chuyên chính của Đảng-Nhà nước – tôi không dùng khái niệm “chuyên chính vô sản” vì chẳng thấy có chút gì gọi là vô sản trong cấu trúc của thực thể Đảng-Nhà nước do Lenin lập ra cả – cho phép một bộ phận tư sản trước đây bị cấm đoán nay được hoạt động trở lại để giải quyết sự bế tắc của hình thái gọi  là “xã hội chủ nghĩa thời chiến”, thực chất là thứ chủ nghĩa  xã hội phản mác xít tư biện, không tưởng và giáo điều.

Thực sự  thì theo chiến lược cách mạng quen thuộc của Lenin, “chính sách mới ” đó chỉ là thủ thuật chính trị áp dụng vào kinh tế gọi là lùi một bước để chuẩn bị tiến lên hai bước. Cốt tuỷ của vấn đề ở đây là sử dụng có kiểm soát thật nghiêm nhặt khu vực tư  bản tư nhân để hỗ trợ cho hình thái chủ nghĩa tư bản nhà nước đang được xây dựng vốn là thực chất của danh xưng “chủ nghĩa xã hội” theo mô thức Lenin. Vì thế mô thức này, những nhà nghiên cứu phương Tây về sau đã hoàn toàn có lý khi gọi là chủ nghĩa Lenin-thị trường (market-Leninism) và cho rằng những gì mà Việt Nam (hiển nhiên có cả Trung quốc)  áp dụng hiện nay vẫn xuất phát từ một phiên bản gốc.

Để giải quyết những khó khăn do thứ chủ nghĩa xã hội giáo điều và không tưởng gây ra sau những năm cải tạo triệt tiêu nền sản xuất hàng hoá, một bộ phận lãnh đạo của Đảng (đặc biệt ở miền Nam) đã cho phép “bung ra” với số một số thể nghiệm “xé rào” cục bộ hướng về mô thức nói trên từ 1979, nhưng phải đợi đến sau 1986 với ảnh hưởng của chính sách perestroika, kế đến là sự sụp đổ của Đông Âu và Liên xô thì mới hình thành rõ rệt như mô thức “đổi mới” đúng nghĩa, và diễn ra trên phạm vi toàn quốc.

Lý luận về “bước lùi” thoả hiệp tạm thời của Lenin ở đây đã bị đẩy xa hơn nhiều lần về khoảng cách:  kinh tế thị trường ngày càng được xác lập đồng bộ hơn  qua sự hợp tác với thế giới tư bản, của cải xã hội xuất hiện phong phú  do các nguồn đầu tư và nhập cảng từ bên ngoài, xã hội thoát khỏi tình trạng chia đều sự nghèo đói trầm kha thời kỳ mệnh danh là “quan liêu bao cấp”. Giai cấp trung lưu tư sản dựa vào hoạt động kinh tế của nhà nước đã xuất hiện trở lại, tuy còn yếu ớt nhưng đã trở thành một thực thể quan trọng, xã hội công dân cũng từ đó được phục hồi đóng vai trò chủ động nhiều hơn cho sinh hoạt nhiều mặt của cộng đồng, một số quyền tự do dân sự, chủ yếu trong lĩnh vực đi lại, làm ăn, học tập  đã được nới lỏng hơn nhiều so với trước đây.

Nhưng để quản lý tình trạng  mới này, nhân danh sự ổn định chính trị,  nhân danh chủ trương  kiên trì tìm đường “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, các nhà ý thức hệ của Đảng vẫn bám chặt vào hệ tư tưởng đã chọn từ thời chiến tranh chống thực dân – trải qua nhiều lần nhào nặn đã thấm đẫm nội dung bị maoít hoá –, với những phạm trù lý luận quen thuộc, mòn sáo, lạc lõng, hoàn toàn bị những diễn biến mới của thực tế  phủ định (như chuyên chính vô sản, truyền thống cách mạng, xu thế tất yếu của  thời đại, sự tất yếu của chủ nghĩa hội, sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, quốc doanh là chủ đạo, sở hữu toàn dân về đất đai  v.v…), bất khả thi hoàn toàn nhưng vẫn được sử dụng cho mục đích duy trì tính chính danh đã quá mòn mỏi, suy yếu của Đảng, bằng những thủ đoạn gò ép giả tạo (gọi là điều tiết) buộc sự vận hành của kinh tế thị trường  phải khuôn nắn theo những chính sách được quy định bởi những phạm trù lý luận giáo điều nói trên, và cũng chính vì vậy mà cản trở cuộc sống xã hội phát triển tự nhiên theo hướng cần phải có, cho nên xét trên tổng thể, mô thức phát triển gọi là “đổi mới” này, bên cạnh kết quả tích cực về vật chất,  đã làm phát sinh những phản ứng chống trả của thực tế, biểu hiện trên bình diện nếp sống và văn hoá một cách tiêu cực và cực  đoan như mọi người đều biết.  

Các phương tiện truyền thông đã nói nhiều, nhưng tập trung nhất có lẽ phải kể đến hiện tượng bùng nổ – mang tính bù trừ sau một thời kỳ lâu dài các nhu cầu bị đè nén – của một thứ chủ nghĩa vật chất, mang màu sắc chụp giật dung tục, trắng trợn chưa từng có trên đất nước, lan tràn như một bệnh dịch, lau lách xâm nhập vào toàn bộ các ngõ ngách của đời sống (kể cả những lĩnh vực được coi là thiêng liêng cao quý),  nổi bật nhất là khu vực công quyền với vai trò  “ đầu têu” của những tiết mục tiêu cực gây tai tiếng làm rúng động công luận,  thể hiện qua cả những quyết sách đặt nền trên sự thống soái của cái mà có người đã đặt tên là “chủ nghĩa GDP”, cặp theo đó là một thứ chủ nghĩa khác gọi là “chủ nghĩa thành tích vĩ cuồng”, đua đòi chơi trội, ngông nghênh, cùng với  thái độ liều lĩnh trong sự nhũng lạm, bòn rút, phung phí  của công, trắng trợn, tràn lan, bất chấp mọi hậu quả làm băng hoại môi trường tự nhiên và môi trường đạo đức.

Được thôi thúc bởi sự “điều tiết và lãnh đạo” của các cơ quan “cầm cân nẩy mực” đó, toàn bộ xã hội đã lao vào cuộc chạy đua cuồng điên tìm kiếm và tích tụ tiền tài, của cải  bằng mọi cách, hiệu nghiệm nhất có lẽ là những  thủ đoạn luồn lách để cấu kết với công quyền, chưa nói đến việc  lao vào bất cứ tội ác man rợ nào có thể thực hiện, bất cứ  hành vi phi pháp nào có thể nghĩ ra. Một thứ công thức mới dường như đã định hình giúp con người  nhanh chóng đi tìm sự thăng tiến cho đời sống vật chất hiện nay: không có tiền thì dùng bạo lực hoặc sự phi pháp để kiếm tiền, đã có tiền rồi thì dùng tiền mua quyền lực để kiếm thêm tiền vì quyền lực ngày nay cũng đã trở thành cái có thể đem bán để kiếm tiền…  Tiền kiếm được theo công thức đó vì thế không thể không đi liền với sự chà đạp lên nhân cách, với sự bất lương, với tội ác hoặc dẫn đến tội ác. Không biết chính xác đến mức nào nếu như chúng ta nói rằng đặc trưng của đời sống văn hoá  hiện nay là như thế! Và tình trạng ấy đã diễn ra trên khắp mọi vùng miền của đất nước, không từ một xó xỉnh nào!

Khi nhắc đến các hiện tượng nhức nhối này, chúng ta thường thấy xuất hiện các ý kiến đổ lỗi cho cái gọi là “mặt trái của kinh tế thị trường” hoặc do sự xâm nhập của “văn hoá phương Tây” khi đất nước mở cửa. Tất cả đều có, nhưng cần chú ý rằng, trừ những kẻ theo thuyết tôn giáo toàn thống hoặc những đệ tử trung thành với chủ nghĩa Stalin,  ngày nay không ai dám xác quyết sự xấu xa có tính bản chất của thị trường và văn hoá phương Tây cả. Những mặt tiêu cực của các hiện tượng văn hoá này là có thực nhưng vì được quản lý bằng một nền pháp quyền  thích hợp, tồn tại chung với những xu hướng khác, chúng  không có điều kiện để trở thành phổ biến, trùm lấp như ở nước ta.

Cũng không thể quy mọi điều tệ hại đã kể trên vào cái phạm trù  gọi là “tội ác của cộng sản” một cách khái quát như nhiều kẻ theo chủ nghĩa chống cộng thích nói bừa, vì cho  đến nay chưa bao giờ thấy xuất hiện trên hành tinh này một hình thức xã hội cộng sản nào đúng theo định nghĩa của nó cả,  trong khi đó nếu có những thứ “cộng sản” có thể gây ra tội ác thật sự thì đó chỉ có thể là những thứ mang tên  cụ thể như Stalin,  Mao Trạch Đông, Pôn Pốt hoặc gì gì  đó thôi. Mà giả sử các thứ  gây ra tội ác này tự nhân danh hoặc được quy cho là “cộng sản” thì những thứ gọi là “tôi ác” ấy, chúng ta có thể khẳng định như đinh đóng cột rằng chúng không hề bao gồm những  cuộc rượt đuổi một cách điên cuồng theo đồng tiền!   

Rốt cuộc thì đối với vấn đề suy thoái đạo đức, văn hoá ở Việt Nam hiện nay thiết nghĩ chúng ta không thể đem các thứ cộng sản hoặc tư bản trừu tượng  ra giải thích mà phải tìm đến sự giao thoa và cộng hưởng của hai cơ sở lý luận “dỏm” dẫn xuất từ những nguồn gốc đó: đó là thứ chủ nghĩa cộng sản mạo danh, biến thái  cùng với cái mặt trái của nó là thứ chủ nghĩa tư bản sơ kỳ, man rợ! Để hai thứ  này riêng ra chúng sẽ đi theo con đường của chúng mà tiết ra nhưng độc tố riêng biệt, nhưng khi để chúng kết lại với nhau thì chúng sẽ quyện lại thành một thứ chủ nghĩa thực dụng sùng bái quyền lực do vật chất mang lại, có sức tàn phá đặc biệt ghê gớm với bất cứ những gì cản trở đường đi  của nó: trong khi đưa lên bàn thờ con bò vàng và sử dụng những thủ đoạn chính trị tàn độc và dối trá nhất để bảo vệ ngẫu tượng đó, nó cũng nhân danh những mục tiêu thực dụng trước mắt để hạ bệ mọi cung cách ứng xử trung thực, trong sáng trước cuộc sống, làm tan chảy tất cả những ý thức phản kháng chính đáng trước bất công, giam vào   tù ngục mọi lý tưởng lành mạnh, mọi  khát vọng tự do của con người … Đó là một hình thái  cực đoan nhất của chủ nghĩa hư vô về đức lý.   

 

***

Trước tình hình xuống cấp tinh thần trầm trọng đó, mà sự tiếp cận đã được quy về cái mô thức phát triển cấu thành  bởi hai hình thái kinh tế xã hội  mang tính chất ý thức hệ tiêu cực và lạc hậu như đã phân tích ở trên thì việc trả lời cho câu hỏi  “làm gì” trước thực trạng chắc sẽ có thiên hướng tìm đến cái logic sau đây như một  tất yếu: phải tách rời hai hình thái ấy ra, không cho chúng cấu kết với nhau để nhân lên sự độc hại, rồi sau đó trong hai thứ ấy, tuỳ theo quan điểm, ta sẽ  chọn lấy một, cái này hoặc cái kia,  loại trừ những phần độc hại trong cái mô thức đã bị làm cho biến dạng, sửa đổi, canh tân và  phục hồi lại các nguyên lý thuần nhất của nó, trau chuốt cho nó có hiệu quả hơn để áp dụng vào thực tế. Chắc hẳn đề nghị ấy sẽ  bị  không ít người cho là giả tưởng, nhưng chúng ta vẫn thấy trong thực tế không ít  người nêu ra qua nhiều  hình thức khác nhau.  

Chúng ta đều nghe biết trong hàng ngũ thuộc  thành phần “lương đống” một thời  của Đảng, có không ít vị đã phản ứng quyết liệt cái  đường lối gọi là “đổi mới ” hiện nay, cho rằng Đảng đã sai lầm khi từ bỏ các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội để chạy theo tư bản, và chính vì vậy mới làm cho mọi việc rối tung lên. Nhưng làm sao để phục hồi lại một Đảng cộng sản kiên trì được thứ  chủ nghĩa xã hội kiểu trước đây thì ngoài mấy khái niệm cũ được nhắc lại, không thấy ai nói rõ phải vận dụng như thế nào. Tốt nhất có lẽ là lập ra một Đảng cộng sản “đích thực” hơn để làm đối trọng với cái Đảng cộng sản lôm côm hiện nay, nhưng chắc chắn là không dám đề nghị vì sợ bị kết cho cái tội “chủ trương đa đảng”. Chúng ta cũng đọc thấy trên mạng trường hợp một vị quan lớn, hét ra lửa một thời,  thậm thụt bày tỏ  ý định rủ một số đồng chí trẻ đi lập chiến khu để làm lại tất cả, vì bây giờ mọi thứ đã hỏng hết rồi, nhưng rồi cũng chẳng thấy động tịnh gì cho đến khi chết. Tôi nghĩ mặc dù hoang tưởng nhưng mấy vị này không hoàn toàn vô lý: thứ chủ nghĩa xã hội cổ lỗ mà họ ôm ấp tuy có độc tài, trì trệ, nghèo đói, cả ác độc nữa  nhưng mọi thứ đều răm rắp đâu vào đó, tứ bề yên ổn, chay tịnh, chứ đâu có lộn xộn như thứ “chủ nghĩa xã hội thị trường” bây giờ!  Cứ nhìn sang Bắc Triều Tiên mà xem!

Xu hướng muốn trở về “đích thực” này hiện nay đã yếu đi và được thay bằng cái  ngược lại, ồn ào hơn: nhiều người (trong đó có cả những đảng viên) đã mạnh dạn lên tiếng, hoặc là góp ý chân thành  hoặc là công kích quyết liệt sự thiếu nhất quán của Đảng khi cứ duy trì khẩu hiệu sọc dưa gọi là “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, cho rằng Đảng đang ra sức đêm ngày “xây dựng” một thứ chủ nghĩa tư bản nào đó để kiếm đô-la cho phe cánh  và gia đình nhưng vẫn cứ gào thét mấy chữ “chủ nghĩa xã hội” để hù doạ người khác và như vậy là không ổn: hãy bỏ cái đuôi ấy đi cho nó đàng hoàng về phương diện lý luận và cả thể diện nữa. Xét về  logic thì lý lẽ của các vị này không sai, nhưng điều khiến nhiều người không coi là nghiêm chỉnh lắm là trong vài trường hợp, do thái độ vồn vã quá đáng của họ với các thứ lý thuyết lên gân về chủ nghĩa tự do: nghe sự thuyết minh của các vị ấy chúng ta tưởng như họ đang mang về từ đâu đó  một cái cẩm nang thần kỳ mệnh danh tư bản để thay thế cho  cái cẩm nang thần kỳ mang tên cộng sản ngày xưa!

Tôi cho rằng cả hai  hướng suy nghĩ trên đây là không thích hợp và chẳng giải quyết được gì. Cái mô thức gọi là chủ nghĩa xã hội mà Đảng coi như cương lĩnh xây dựng thời trước đổi mới đã chết hẳn rồi, có vùng vằng  thương tiếc thì chỉ tốn nước mắt vô ích. Ngược lại, nếu có những ai cứ nhất định muốn cột thực tế hiện nay vào cái mô thức cũ ấy để chửi cộng sản (và chửi luôn cả ông Marx nữa) thì chẳng khác gì tung cú đấm vào một bóng ma.  Còn cái chế độ tư bản kiểu Mỹ, kiểu Đức, Nhật hoặc Na-uy mà  nhiều người trong chúng ta thường nhắc đến với nỗi thèm muốn quay quắt, đó cũng chỉ là những viễn tưởng cho tương lai, còn bây giờ thì tất cả đều là của người khác, dù mình có trú ngụ ở những nơi ấy thì cũng là xứ sở của người khác, không thể dựa hơi người khác để lên mặt kênh kiệu làm oai với người nhà. Cũng đừng quên rằng đất nước thời “đổi mới”, so với người  ta, tuy còn lạc hậu nhưng cũng đã đi vào hội nhập, và bản thân mô thức “đổi mới”  cũng chỉ là kết quả của một thời kỳ quá độ; xuất  hiện từ những tiền đề nào đó, nó cũng đang tạo ra những điều kiện mới để chuyển động.

Từ những gì đã trình bày, xét từ nội tại, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất, đáng đặt ra nhất hiện nay là thực hiện một tổng kết về cuộc đổi mới trên 20 năm qua với tư cách là một mô thức phát triển quá độ, trong đó quan trọng nhất là phải nhận ra cho được cái điểm nút sinh tử của nó là  sự đối kháng huỷ diệt của tăng trương kinh tế  đối với phát triển văn hoá. Nhìn vấn đề từ yêu cầu hài hoà, toàn cục, bền vững và “vì con người”, như người ta thường nói, thì cái mô thức mệnh danh “đổi mới” nói trên rõ ràng đã không còn phù hợp nữa: trong khi tạo ra một số của cải  vật chất để đẩy lùi tình trạng nghèo khổ khan hiếm do thứ chủ nghĩa xã hội giáo điều, không tưởng cũ gây ra, trong khi buộc phải đổi thay theo thời thế để cứu nguy một định chế chính trị đang rơi vào khủng hoảng, bên cạnh một số mặt thành công không thể phủ nhận, mô thức đó cũng tạo ra quá nhiều hỗn loạn và mất mát trong lĩnh vực tinh thần, phá vỡ lòng tin của con người về những giá trị nhân văn phổ biến, về  niềm tự trọng dân tộc chính đáng, xâm hại đến cả lợi ích tối thượng của quốc gia.

Các biện pháp mà Nhà nước sử dụng bấy lâu để đối phó, gọi là tuyên truyền, giáo dục, răn đe, trừng trị… đã tỏ ra vô hiệu, một phần vì  không triệt để nhưng do bất lực là chính; các biểu hiện băng hoại về lối sống, các tệ đoan xã hội, các hình thức tội ác… mà nguyên nhân chủ yếu là cuộc thác loạn vì chủ nghĩa vật chất như đã được nhấn mạnh nhiều lần, ngày một tăng “đô”, ngày càng liều lĩnh, ngang nhiên, thách thức. Không chỉ tạo ra cái bầu khí bất an  gây kinh hãi thường trực cho  người lương thiện, ảnh hưởng xấu đến mọi hoạt động giáo dục, văn hoá, kinh tế, môi trường mà trong tình hình mới hiện nay, thứ triết lý tham lam, chạy theo lợi ích nhất thời và vô trách nhiệm, không màng đến hậu quả lâu dài, cũng đang trở thành một chất xúc tác tâm lý lót đường cho những toan tính xâm nhập của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán phương Bắc, như đang diễn ra gần đây, ai cũng nhận thấy.

Phát khởi một hình thức vận động giống như một  cuộc cách mạng tinh thần vào lúc này, có thể sẽ bị xem là quá nhạy cảm. Nhưng dù vậy trước tình hình băng hoại đáng báo động về văn hoá như hiện nay, nếu  không dấy lên được một phản ứng thức tỉnh quyết liệt của cộng đồng để cảnh giác và tìm phương cách đối phó, thì nguy cơ rơi vào một hình thức lệ thuộc kiểu thực dân mới nào đó về văn hoá, hoặc một cái gì tương tự tinh vi hơn, không thể loại trừ là  không xảy ra. Điều đó khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ thêm về tình cảnh của đất nước vào những năm tháng này: phải chăng vấn đề mất nước mà chúng ta tưởng đã không còn đặt ra nữa sau ngày thống nhất, nay lại lấp ló   hiện ra, lần này không còn đến từ phương Tây nữa mà giống như cả ngàn năm trước, lại từ phương Bắc. Có thật thế không? Dù sao thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, trước bất cứ nguy cơ nào, mọi người đều có thể chia sẻ một cách thật bức xúc sự cần thiết phải vun đắp lại một trạng thái  tinh thần lành mạnh và cường tráng cho các tầng lớp nhân dân, qua đó tích tụ thành một tiềm năng văn hoá tích cực, để khi cần thiết sẽ hiện thể thành những ứng phó thích hợp với những thử thách mới trong tương lai. Đối với phần việc này, những người lãnh đạo đất nước phải là những người nhận lãnh trách nhiệm trước tiên: cùng với bao nhiêu phần việc khác, công cuộc phát triển kinh tế mà họ đang điều hành phải góp phần tạo ra những điều kiện thuân lợi để  củng cố thêm tinh thần đó chứ không thể làm ngược lại. 

Từ ý hướng đó mà nhìn lại thì rõ ràng mô thức phát triển mệnh danh “đổi mới” cho đến nay đã không làm tròn được chức năng nói trên, do vậy cái chính sách nửa vời đó đã đến lúc cần phải chấm dứt – và mọi người phải có nhiệm vụ tạo áp lực cho nó sớm chấm dứt – để chuyển sang một mô thức phát triển có chất lượng tích cực hơn, phù hợp hơn với  hoàn cảnh mới của xã hội và lịch sử. Nội dung của mô thức này ra sao, sẽ được hình thành như thế nào, làm sao để thực hiện, là những vấn đề lớn lao, có lẽ không phải là chỗ để bàn luận ở đây, bản thân tôi cũng không dám lạm bàn. Tuy vậy do đã xuất phát từ  một tiền đề nhấn mạnh tính mô thức của một đường lối phát triển tổng thể, tôi trộm nghĩ nếu mình được phép đưa ra mấy nhận xét như sau thì cũng không có gì không thuận chiều về mặt logic: trong nỗ lực đi tìm mô thức mới thay thế, vực dậy đời sống tinh thần cho xã hội, nếu không thanh toán cho  được cơ sở lý luận cho phép người ta dựa vào các phạm trù ý thức hệ lỗi thời để thiết lập chính sách quốc gia, coi đó đã  là  những quyết định tối hậu, từ trên áp xuống, dựa vào  những lợi ích nhất thời, cục bộ coi là giá trị để theo đuổi,  cứ thế mà thực hiện, bất chấp hậu quả, bất chấp lòng dân thì cái giá phải trả, trong tình hình mới, không phải  chỉ diễn ra như cũ, cũng không chỉ trên phương diện văn hoá mà có thể dẫn tới những tác hại quan trọng, không lường trước được, về mọi mặt đối với sự an nguy của đất nước.

 

***

Với những phần nghiêng lệch về tiêu cực như đã phân tích, chủ trương “đổi mới” với tư cách là  một mô thức phát triển, rõ ràng đã không còn lý do để tiếp tục nữa. Một cách có ý thức và chủ động, nó phải được chuyển sang một mô thức mới dựa trên những nguyên tắc mới về lý luận và văn hoá, dân chủ hơn, hiện đại hơn. Như  giáo sư Trần Văn Thọ khi phân tích về viễn cảnh phát triển của thế giới và đất nước, đã tìm thấy đủ lý do để đưa tiễn nó về quá khứ. Vì: “đã qua một thời đổi mới rồi!” (Diễn Đàn, 14.01.2009). Tôi cũng nghĩ như vậy và cho rằng không có gì phải bịn rịn, do đó thiết tưởng  cũng không cần phải viết cho nó một lời ai điếu nào cả!

 

21.11.-2010

L.P

 

30-11-10