TỪ
NGUYỄN TẤT THÀNH ĐẾN HỒ CHÍ MINH
(Sự hình thành
một chọn lựa)
Chương 5
Nguyễn Ái Quốc trở thành Hồ Chí Minh
Tình hình mới
1. Mùa thu 1938, Nguyễn Ái Quốc rời Moskva để trở lại Trung
Quốc.
Thế giới đang bị chủ nghĩa phát xít hăm doạ, chiến tranh sắp xảy ra.
QTCS đã từ bỏ chủ trương khuynh tả. Liên Xô lập lại quan hệ ngoại
giao với chính phủ Quốc dân Đảng, phục hồi đường lối mặt trận thống
nhất đã tan rã hồi 1927. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có thể ra hoạt
động công khai: tháng 9-1937, Hồng quân, với Bát lộ quân và Tân tứ
quân, đã được tổ chức lại dưới sự chỉ huy của Hội đồng quân sự của
Quốc dân Đảng. Hai trường huấn luyện du kích do sự hợp tác của hai
bên cũng được mở ra ở miền Nam.
Như 1925, Nguyễn Ái Quốc theo phái đoàn viện trợ của Liên Xô sang
Trung Quốc, nhưng lần này với nhiệm vụ được quy định rõ rệt về Việt
Nam: lôi cuốn Đảng Cộng sản Đông Dương vào mặt trận chống phát xít,
tạm gác lại những yêu sách về đấu tranh giai cấp, liên hiệp hành
động với tất cả những thế lực có thể liên hiệp được, kể cả những
ngưởi Pháp "tiến bộ" ở Việt nam…
[1] Do mất liên lạc với phong
trào khá lâu, Nguyễn đã phải nhờ Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ
nương náu tại Bát lộ quân (do Diệp Kiếm Anh chỉ huy) chờ cơ hội
[2].
Sau một thời gian tìm kiếm, đến cuối 1939, Nguyễn cũng đã gặp được
cơ sở hải ngoại của Đảng CSĐD (do Phùng Chí Kiên phụ trách) cùng với
một số cán bộ trong nước mới sang (Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,
Cao Hồng Lĩnh…)
[3].
2. Nội tình Đảng vào lúc ấy cũng có những chuyển biến quan
trọng. Xu hướng "tả khuynh" do Hà Huy Tập chủ xướng từ Đại hội Macao
1935 đã được uốn nắn lại sau khi những người tham dự Đại hội 7 QTCS
1935 (Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn, Nguyễn Thị Minh Khai) trở về.
Đến tháng 3-1938 thì đường lối mới đã hoàn toàn rõ ràng khi Nguyễn
Văn Cừ lên thay Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Chính phủ Léon Blum của
Mặt trận Bình dân năm 1936 lên cầm quyền bên Pháp đã tạo ra cho
phong trào chống thực dân ở Đông Dương những phương thức hoạt động
mới: cùng với các xu hướng dân tộc (Nguyễn An Ninh…), Trotskít (Phan
Văn Hùm, Tạ Thu Thâu…), Đảng CSĐD cũng đã xuất hiện trong những cuộc
tranh đấu công khai báo chí, nghị trường…
Nhưng khi Chiến tranh Thế giới nổ ra, tất cả những hoạt động cộng
sản (dù Đệ tam hay Đệ tứ) đều bị cấm. Đảng CSĐD bắt đầu gặp khó khăn
khi hàng loạt cán bộ bị bắt, thiếu thốn tài chính, trong khi đó sự
liên lạc giữa miền Nam với miền Bắc, giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp
trở ngại.
Trước tình thế ấy, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đã nổ ra. Do
chuẩn bị không chu đáo, lãnh đạo không chặt chẽ, bị nội gián nên kết
quả rất tai hại. Cuộc nổi dậy bị dìm trong bể máu, hầu hết các cán
bộ quan trọng của Đảng đều bị bắt và sát hại: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn
Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…, hoặc bị đi tù:
Lê Duẩn, Lê Hồng Phong (chết ở Côn Đảo năm 1942), Dương Bạch Mai,
Nguyễn Văn Tạo…
3. Nguyễn Ái Quốc đã nối lại phong trào cộng sản Việt Nam
trong hoàn cảnh đó. Nhiều thuận lợi (nhất là sau khi Pháp đầu hàng
Đức tháng 6-1940) nhưng rất yếu kém về thực lực. Báo cáo của Nguyễn
gửi QTCS cho biết là tám, chín phần mười số cán bộ cũ đã bị bắt, còn
số mới thì còn thiếu kinh nghiệm, lại thiếu người đủ "uy tín và danh
vọng" để lãnh đạo
[4]. Trong tình cảnh đảng viên
và quần chúng như rắn không đầu đó, Nguyễn cho rằng không thể từ
trong đánh ra mà phải tạo một căn cứ địa ở ngoài để đánh vào. Để
thực hiện chiến lược này, Nguyễn đề nghị QTCS sản giúp đỡ mấy điều
cần thiết sau đây: Tự do hành động ở biên giới, một ít súng đạn, một
ít kinh phí, vài vị cố vấn
[5]. Báo cáo trên đây cho thấy
định hướng của Nguyễn: tự mình đứng ra đảm nhiệm vai trò lĩnh tụ có
"uy tín và danh vọng" nói trên, một người có khả năng vừa tập hợp
lực lượng bên trong lại vừa vận động được sự chi viện của bên ngoài.
Phương thức hoạt động mới
1. Như hồi 1925, từ căn cứ địa Trung Quốc, tập hợp và củng cố
lại đội ngũ những hạt nhân lãnh đạo là việc mà Nguyễn khởi đầu.
Nhưng khác với thời Quảng Châu trước đây, lần này công việc lại diễn
ra ở Vân Nam là vùng kiểm soát của Quốc dân Đảng nên phải tìm cách
che giấu tung tích cộng sản của mình. Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội
(về sau này gọi tắt là Việt Minh) đã được sử dụng trong tình thế đó.
Đây là một tổ chức chính trị có sẵn từ năm 1936 (do Hồ Học Lãm một
nhà yêu nước Việt Nam có chân trong Quốc dân Đảng Trung Quốc lập ra
ở Nam Kinh) nay được tranh thủ để hoạt động lại cùng với một tổ chức
bình phong khác mới lập ra như Trung Việt Văn hoá Công tác Đồng chí
Hội, Việt Nam Dân tộc Giải phóng Đồng chí Hội. Tất cả đều là kết quả
của những thủ thuật vận động theo kiểu "mặt trận" do Nguyễn Ái Quốc
chỉ đạo: không những hợp tác với những người Việt Nam hoạt động
trong hàng ngũ Quốc dân Đảng Trung Quốc như Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải
Thần, Dương Kế Vinh… mà còn phải lợi dụng chính những cán bộ Quốc
dân Đảng Trung Quốc như Trương Phát Khuê, Lý Tế Thâm… để dễ bề hoạt
động.
2. Kết quả: Nguyễn và các đồng chí của mình đã tiếp cận được
biên giới Việt Nam, liên hệ được với phong trào trong nước (Hoàng
Văn Thụ, uỷ viên Trung ương, Bí thư xứ uỷ Bắc kỳ), sau đó tổ chức
Hội nghị toàn thể lần thứ 8 của ĐCSĐD vào tháng 5-1941, mở đầu cho
một giai đoạn đấu tranh mới. Thuận lợi đã đến với Nguyễn một cách tự
nhiên: do những người biết rõ về Nguyễn đều đã chết hoặc đi tù nên
trong hội nghị này Nguyễn Ái Quốc trở thành lãnh tụ không hề bị hạch
hỏi về danh nghĩa như những năm 1930, 1935 nữa. Ngược lại, ẩn hiện
trong màn sương quá khứ kỳ bí, cái giai đoạn gọi là "đau buồn" và
"biệt tích" ở Liên Xô lại có tác dụng làm tăng thêm tiếng tăm của
Nguyễn. Có lẽ để khẳng định thêm uy lực của một nhà cách mạng đã trở
thành trưởng thượng, Nguyễn đã làm cho mình già hơn đi, bằng cách để
râu dài khi bước vào tuổi 50.
Sau Hội nghị 8, ngày 6- 6-1941, Nguyễn đã có ý định xuất hiện trước
công chúng bằng hình ảnh nhà cách mạng cộng sản lão thành đó: dùng
chính tên Nguyễn Ái Quốc "kính cáo đồng bào" cả nước, hứa sẽ "đem
hết tâm lực" cùng đồng bào mưu giành tự do độc lập, "dầu phải hy
sinh tính mệnh cũng không nề"
[6]. Nhưng có lẽ nhận thấy thời
cơ chưa cho phép, tên "Nguyễn Ái Quốc" đã không được công khai sử
dụng tiếp: toàn bộ những bài viết của Nguyễn đăng trên 30 số báo
Việt Nam độc lập từ tháng 8-1941 đến tháng 8-1942 đều không ký
tên (cũng không có bút danh)
[7].
3. Một tên khác đã được thay thế và tên ấy về sau đã trở nên
lừng lẫy mà ai cũng biết, đó là "Hồ Chí Minh". Nhưng do suốt thời
gian từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943, khi bí mật ra sang Trung Quốc
cầu viện, Nguyễn bị Quốc dân Đảng bắt giam, nên phải đợi đến cuối
1944 mới xuất hiện – trong "Thư gửi quốc dân đồng bào" tiên đoán "cơ
hội giải phóng cho dân tộc ta chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi
nữa", do đó cần khẩn trương chuẩn bị
[8] – để từ đó được sử dụng
chính thức cho đến cuối đời.
Nhiều người đã bàn luận về ý nghĩa của cái tên đã trở thành lịch sử
đó. Thật sự thì chẳng qua đó cũng chỉ là một cái tên trong vô số
những cái tên (không kể bút danh) mà Nguyễn đã dùng trong cuộc đời
hoạt động. Hồi mới từ Liên Xô sang Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã lấy
bí danh là Hồ Quang
[9] để làm việc trong Đệ Bát lộ
quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồ Quang là một tên Trung Hoa, vì
bấy giờ Nguyễn giả danh làm người Trung Hoa; bí danh này vẫn được
dùng khi Nguyễn móc nối lại được với các đồng chí Việt Nam của mình
ở Vân Nam. Nhưng cũng trong thời kỳ ấy, trên đường về biên giới
Việt-Trung, Nguyễn đã mang theo trong người 3 tờ giấy đi đường (do
Quốc dân Đảng cấp) đề năm 1940, tất cả đều mang tên Hồ Chí Minh
[10]. Cái tên này, thật sự cũng
chẳng khác gì cái tên Hồ Quang trước đây bao nhiêu – đó chỉ là một
trong nhiều cái tên giả có nguồn gốc Trung Hoa.
Đem cái tên ấy ra sử dụng một cách công khai tuy có hơi bất tiện (vì
hoàn toàn xa lạ với công chúng), nhưng phải chấp nhận vì lý do chính
trị – chưa đến lúc bộc lộ mình là cộng sản. Một người cộng sản mà
giữ vai trò lãnh đạo cả một phong trào dân tộc lúc bấy giờ sẽ bị cô
lập và phản tác dụng. Liên Xô đang bị Đức xâm chiếm, cách mạng Trung
Quốc chưa thành công, cuộc chiến đấu giành độc lập của Việt Nam (dù
chống Nhật hay sau này chiến tranh với Pháp) cần được phe Đồng minh
(nhất là Mỹ) ủng hộ. Đưa chuyện chống tư bản, chuyên chính vô sản ra
là vô cùng tai hại. Nguyễn Ái Quốc hẳn nhớ rất rõ bài học Đại hội 6
của QTCS năm 1928 và Đại hội Macao của Việt Nam năm 1935 mà bản thân
Nguyễn đã là nạn nhân
[11]. "Hồ Chí Minh" vì thế đã
trở thành biểu tượng của một sự tính toán sách lược.
Tính chất hai mặt của một vai trò
1. Mọi người đều biết, dưới cái tên "Hồ Chí Minh", Nguyễn Ái
Quốc đã thực hiện sách lược ấy như thế nào sau cách mạng 1945.
-
Bằng nhiều cách, không ngớt kết án thực dân đã
tung ra luận điệu Hồ Chí Minh là cộng sản
[12]. Luôn thanh minh rằng
Hồ Chí Minh chỉ là người yêu nước thuần tuý.
-
Chính phủ Hồ Chí Minh bao gồm nhiều đảng phái:
Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, Quốc
dân Đảng. Trong các đảng tham gia chính phủ, không có tên Đảng
Cộng sản Đông Dương. Đảng này đã được Hồ Chí Minh báo với tướng
Trần Tu Hoà, đại diện Tưởng Giới Thạch, là đã "tự động giải tán"
[13].
-
Đặc biệt đối với Quốc dân Đảng (với những lãnh tụ
như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh…) nương theo đoàn quân của Lư
Hán sang Đông Dương để chia quyền, đã thực hiện một chính sách
nhân nhượng hết sức đặc biệt (thân thiện mời hợp tác
[14], vào chính phủ liên
hiệp
[15], không cần bầu cử vẫn
được nhường cho 70 ghế trong Quốc hội
[16] ).
-
Đối ngoại: coi Mỹ là bạn
[17], Anh trung lập, riêng
Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch là rất hữu hảo! Ngôi sao trong
quốc kỳ Việt Nam đã được Hồ Chí Minh giải thích như sau:
"Trung Quốc là một nước to lấy mặt trời làm tiêu biểu. Việt
Nam là một nước nhỏ lại có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, đã
mấy ngàn năm cho nên lấy ngôi sao làm tiêu biểu" (!)
[18]
2. Ai cũng đều biết thực chất của cái sách lược trên đây là
gì khi được "vận dụng" bởi một nhân vật từng coi Lenin là thần
tượng: đó là sách lược của những bước thụt lùi tạm thời, những nhân
nhượng có tính toán. Hãy lấy vài thí dụ để xem xét:
– Việc "giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương": Như sau này Hồ Chí Minh
cho biết thực chất của việc tự giải tán ấy chỉ là sự rút vào bí mật
thôi, và đó là sự rút lui cần thiết, vì biết đứng trước tình hình
gay go vào lúc bấy giờ
"Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển, để
lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn, và để có thời giờ củng cố dần
dần lực lượng của chính quyền nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc
thống nhất.
Lúc đó Đảng không thể do dự. Do dự là hỏng hết, Đảng phải quyết
đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp – dù là những phương
pháp đau đớn – để cứu vãn tình thế"
[19].
Một điều quan trọng khác: trong khi Đảng rút vào bí mật, thì để thực
hiện "đa đảng", Đảng đã "giúp đỡ" Đảng Dân chủ rồi Đảng Xã hội ra
đời
[20], để cùng với "Việt Nam Đồng
minh Hội" đóng vai trò công khai trong chính phủ lâm thời.
– Sự nhân nhượng đối với phe Quốc dân Đảng Việt Nam là điều bó buộc
vì lẽ những người này đang có sau lưng họ đoàn quân Lư Hán của Tưởng
Giới Thạch sang "giải giới" Nhật đã đầu hàng. Nhưng để đối phó, Hồ
Chí Minh đã ký Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9-1946, thoả hiệp với
Pháp để đẩy quân Lư Hán đi. Bị chỉ trích là "hữu khuynh", Hồ Chí
Minh đã dẫn Lenin:
"Lênin có nói rằng: Nếu có lợi cho cách mạng thì dù phải thoả
hiệp với bọn kẻ cướp, chúng ta cũng thoả hiệp"
[21].
3. "Hồ Chí Minh" như vậy chỉ là một thứ "vai trò" của một
tình thế nhất định. Khi kịch bản thay đổi thì vai trò ấy cũng phải
thay đổi. Điều này đã xảy ra vào năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung
Quốc giành được chính quyền. Sau chuyến đi bí mật sang Trung Quốc và
Liên Xô, đầu năm 1950, về nước, Hồ Chí Minh đã công khai đứng tên ra
lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng 8 và ngày độc lập:
"Về phía ta, mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc
thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất
thế giới – Liên Xô và Trung Quốc dân chủ, và các nước dân chủ mới đã
thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong đại gia đình dân chủ
thế giới. Nghĩa là ta đã đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối
800 triệu nhân dân chống đế quốc"
[22].
Những bài viết, bài nói ca ngợi Stalin
[23], ca ngợi Mao Chủ Tịch
[24] đã thấy xuất hiện; các
chính sách giảm tô
[25], cải cách ruộng đất, chỉnh
huấn
[26], chỉnh Đảng… đã theo những
cố vấn, những thùng hàng viện trợ của Trung Quốc tràn sang những
vùng kháng chiến – tất cả đều đựợc Hồ Chí Minh chính thức cổ vũ, đôn
đốc, trên báo chí trong các hội nghị quần chúng, Quốc hội, Đảng.
"Hồ Chí Minh" bây giờ không cần phải giấu giếm lai lịch "Nguyễn Ái
Quốc" của mình nữa. Nhưng do tên "Hồ Chí Minh" đã trước bạ chính
thức là Chủ tịch một đất nước vừa thực hiện xong cuộc Cách mạng
tháng Tám và đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân, mọi
việc đang đi theo cái đà của sự thuận lợi, cho nên không cần thay
đổi lại tên họ.
Trong Đảng nếu Nguyễn Ái Quốc với Hồ Chí Minh đã là một, thì bây giờ
điều này cần phải phổ biến rộng ra cho đồng bào và thế giới biết,
lấy những năm bôn ba của Nguyễn Ái Quốc để khẳng định vai trò lĩnh
tụ tuyệt đối của Hồ Chí Minh, không phải với phong trào cộng sản
Việt Nam mà còn là của toàn bộ dân tộc Việt Nam nữa.
Sự thành công của Hồ Chí Minh
1. So với giai đoạn hoạt động ở nước ngoài của "Nguyễn Ái
Quốc" (1920-1940) thì giai đoạn trở về của "Hồ Chí Minh" (từ 1940 về
sau) có vẻ suôn sẻ hơn: chính là trong những năm tháng này, Hồ Chí
Minh đã khẳng định được uy tín cao nhất của một lĩnh tụ Đảng, củng
cố lại lực lượng, cuối cùng hoàn tất được mục đích về quyền lực –
thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sau đó kháng chiến
đuổi thực dân Pháp khỏi Đông Dương, thiết lập được chế độ cộng sản ở
Việt Nam.
Những thành công ấy có thể giải thích được bằng nhiều nguyên nhân cụ
thể, lịch sử, khách quan lẫn chủ quan (chẳng hạn: sự suy yếu của chủ
nghĩa đế quốc nói chung, sự ngoan cố và hẹp hòi của thực dân Pháp,
sự ủng hộ của Liên Xô đối với phong trào đấu tranh của những nước
thuộc điạ và phụ thuộc, chỗ dựa trực tiếp từ phong trào cộng sản
Trung Quốc, sự yếu kém của những lực lượng chống thực dân theo xu
hướng không cộng sản ở Việt Nam so với ĐCSĐD v.v…) nhưng tất cả đều
những nguyên nhân thực tế ấy đã được những nhà sùng bái Hồ Chí Minh
pha loãng ra hoặc cố ý đẩy vào hàng tuỳ phụ với mục đích mang tính
chất ý thức hệ không giấu giếm: đưa lên hàng đầu vai trò của Hồ Chí
Minh, coi đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo nên thắng lợi.
Từ một nhân vật của lịch sử, Hồ Chí Minh đã bị giản lược vào một
biểu tượng, một vai trò, cuối cùng được nâng lên thành một huyền
thoại
[27].
2. Thật sự thì cuộc đời hoạt động thực tế của Hồ Chí Minh cho
đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Nhưng qua những tài liệu đã tìm được,
người ta thấy, tuy nghị lực mãnh liệt, bản lĩnh xoay sở tài tình,
ông vẫn là một con người bình thường với những "hệ luỵ nhân sinh"
bình thường.
Tuyên truyền thường nói ông đã hy sinh đời riêng để phục vụ cách
mạng, nhưng thực sự ông đã có vợ, ít nhất thì cũng là hai người: một
người Trung Hoa là Tăng Tuyết Minh và một người Việt Nam là Nguyễn
Thị Minh Khai. Quan hệ của ông với Nguyễn Thị Minh Khai đã được phát
hiện trong Hồ sơ QTCS, do chính Nguyễn Thị Minh Khai khai trong lý
lịch dự Đại hội 7 QTCS năm 1935 tại Moskva và đã được Tổng Bí thư
ĐCSĐD của Đại hội Macao bấy giờ xác nhận, chi tiết này mới được
Sophie Quinn-Judge công bố trong luận án của bà
[28], một số tác giả khác cũng
đã nói đến, nhưng chưa thấy có công trình nghiên cứu nào nói rõ hơn.
Còn chuyện tình của ông với Tăng Tuyết Minh thì do nhà sử học Hoàng
Tranh người Trung Quốc viết hẳn thành một bài báo đăng trên một tạp
chí Trung Quốc
[29]. Cũng có nhiều mối quan hệ
của ông Hồ với nhiều người đàn bà khác nữa, nhưng phần nhiều đó chỉ
là những tin đồn, chưa có bằng cớ để khẳng định hay phủ định.
Về mặt cách mạng thì những người sùng bái ông Hồ thường hình dung
cuộc đời của ông như một ý hướng thống nhất từ trẻ cho đến già; uy
tín cách mạng của ông lúc nào cũng sáng ngời từ lúc bôn ba hải ngoại
cho đến khi trở về thành công. Nhưng chúng ta đã biết, sự thật không
phải như vậy. Những ngày bỏ nước ra đi trong suốt một thời gian dài
của ông không có gì thật quan trọng để tác động trực tiếp vào tình
hình đất nước: chỉ là những dò dẫm tìm đường theo hướng ra ngoài
"cầu ngoại viện" không khác gì những người yêu nước đầu thế kỷ 20.
Thời gian ông tìm gặp chủ nghĩa Lenin rồi sang Nga trở thành cán bộ
của QTCS, thực sự vai trò của ông không có gì là quan trọng lắm. Lệ
thuộc hoàn toàn vào đường lối của QTCS lúc bấy giờ không chú ý đến
Việt Nam; muốn hoạt động được, luôn luôn phải chạy vạy xin xỏ nhiều
chuyện (tiền bạc, chỉ thị…), nhưng khi gặp những sai lầm về đường
lối – đặc biệt sau Hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản Việt Nam đầu
năm 1930 tại Hồng Kông – ông không tránh khỏi bị ĐCSĐD gạt ra ngoài,
bị QTCS khiển trách và ngưng công tác trong một thời gian khá dài để
được đào tạo lại
[30].
3. Sùng bái cá nhân không phải là sản phẩm riêng biệt của
những người cộng sản Đệ Tam. Nhưng trong trường hợp ông Hồ thì không
thể không nghĩ đến cái gương của những "lĩnh tụ vĩ đại" như Stalin
và Mao Trạch Đông mà ông khâm phục và coi việc sùng bái đó như một
điều tự nhiên. Chẳng qua cũng chỉ để thống nhất lòng người có lợi
cho sự nghiệp chung thôi. Dù vậy cũng không nên noi gương các đàn
anh một cách quá lộ liễu, cho nên trong thực hiện phải châm chước đi
và làm sao cho có vẻ… Việt Nam một chút – thay vì la hét những thứ
"thiên tài" hoặc "cầm lái vĩ đại" rồi đánh giết lung tung thì chọn
"vai trò" một ông lão bình dân, giản dị trong các làng xã truyền
thống. Là "Bác" của các cháu thiếu nhi
[31], và cũng là "Cha già"
[32] của đại gia đình dân tộc.
Luôn kêu gọi tiết kiệm và kết đoàn.
Tuy vậy cũng cần chú ý điều sau đây: người đi đầu và để khá nhiều
công sức để tạo ra hình ảnh ấy lại không phải ai khác mà chính là…
Hồ Chí Minh! Trong kho trước tác của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy khá
nhiều bài nói, bài viết của chính ông, khi ký trực tiếp, khi dưới
những bút danh khác nhau
[33], ca ngợi bản thân. Phần
nhiều đều được che giấu dưới nhận xét của những người làm báo, người
dân bình thường, hồn nhiên ca ngợi những đức tính của vị " lĩnh tụ
kính yêu", khuyên nên đọc những tác phẩm của Hồ Chí Minh và khi có
dịp nào đó thì thét lên khẩu hiệu "Hồ Chí Minh muôn năm" rất… vô tư!
Như thể việc ca ngợi Hồ Chí Minh đã là chuyện thường ngày, đương
nhiên như hơi thở của cuộc sống rồi!
Những ai có biết chút ít về cái gọi là "phong cách Hồ Chí Minh" đều
hiểu lý do. Đó là một thói quen ông thường sử dụng trong tuyên
truyền, không khác gì việc ông từng mượn Khổng Mạnh
[34] hoặc làm vè bình dân để nói
chuyện chính trị vô sản. Sự "nôm na", "giản dị" ở đây đã tạo ra được
cái tác dụng thật "vĩ đại" của nó: làm cho hình ảnh vị "cha già"
hiền lành của dân tộc đồng hoá được với hình ảnh của một lĩnh tụ
cộng sản trí tuệ tuyệt vời. Nó làm cho chủ nghĩa cộng sản xa lạ và
gay gắt (đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản…) có thể đến với
nhân dân một cách nhẹ nhàng hơn. Những lời phán của một người mà khi
còn sống đã được đưa lên bàn thờ
[35] dù sao vẫn có tính chất
thiêng liêng!
Nhưng cũng từ đó, khuếch tán bởi bộ máy truyên truyền cách mạng,
những sự tâng bốc quá đáng đã xảy ra. So với những anh hùng của đất
nước trong thời hiện đại, ông được miêu tả như là vượt lên tất cả,
về tài trí lẫn đức độ: không phải chỉ là con người đẹp nhất của dân
tộc mà còn là kết tinh của những giá trị văn hoá của thời đại và
nhân loại. Đất nước không có ông sẽ chìm mãi trong nô lệ, dân tộc sẽ
mãi mãi nghèo hèn, không ngóc đầu lên được. Nhờ có "Người", nhân dân
ta mới được cứu độ vì thế phải biết ghi nhớ "công ơn trời biển của
Người" cho đến "muôn đời con cháu mai sau"! Giở bất cứ "tác phẩm"
nào viết về Hồ Chí Minh được bày bán tại các hàng sách ở Việt Nam,
chúng ta đều có thể tìm ra ít nhiều những lời ca ngợi tương tự,
không cần dẫn chứng.
Tuy vậy, có một điều cũng nên ghi nhận thêm: mặc dù được tiếng là
"khiêm tốn"
[36], hồi còn sống, ông đã không
hề làm gì để hạn chế bớt những quá đáng ấy. Trong khi đó thì thái độ
úp mở, giấu mặt, khi cần thiết lại cố tình che giấu
[37] của ông, ngược lại, đã có
tác dụng làm cho những thứ tuyên truyền huyễn hoặc đó có lý do để
phát triển ngày càng ồn ào.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh
Hiện tượng ấy cũng là tất yếu: con người Hồ Chí Minh sở dĩ được thần
thánh hoá như vậy chỉ cốt để thần thánh hoá cái phần chính yếu của
ông, cái mà những nhà sùng bái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Và đó là thủ thuật quan trọng để vĩnh viễn hoá sự tồn tại của Hồ Chí
Minh đối với lịch sử đất nước: trong khi con người Hồ Chí Minh chỉ
là một tượng đài và xác ướp thì tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi
trong đời sống của nhân dân. Nhưng tìm hiểu đến tận nguồn cội câu
chuyện rắc rối này chúng ta không thể tin vào sự sùng bái dễ dãi đó.
1. Chúng ta hãy đọc lại đoạn Hồ Chí Minh nói về thần tượng
của mình là Lenin và chủ nghĩa Lenin:
"Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa
cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng
bước một, trong đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm
công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã
hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và
những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ"
[38].
Mọi việc đã quá rõ ràng: chủ nghĩa Lenin là điểm đến trong cuộc hành
trình tinh thần của Hồ Chí Minh, còn giải phóng dân tộc, yêu nước
chỉ là đường đi. Đúng hơn: một chặng đường – cái trung gian cần
thiết phải qua nhưng không phải là cái vĩnh viễn. Và điều kiện do
ông đưa ra để thực hiện cũng rất rõ ràng: toàn bộ giai đoạn đấu
tranh giành độc lập phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phải được "phe
xã hội chủ nghĩa" giúp đỡ. Hai câu của ông sau đây: "Muốn cứu nước
và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách
mạng vô sản" và "Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành
cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn"
đã diễn tả rõ thêm điều kiện nói trên: chủ nghĩa xã hội vừa là biện
pháp lại vừa là mục đích của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc
[39].
Hồ Chí Minh đã nhận thức được điều này lúc mới sang Nga năm 1924.
Trong một bài viết bằng tiếng Pháp (không đề tên nhưng được xem là
của ông), ông nêu câu hỏi: tại sao Moskva lại phát động "chủ nghĩa
dân tộc bản xứ" nhân danh QTCS? Câu trả lời của ông là: tuy nghịch
lý táo bạo nhưng đó là một chính sách hiện thực tuyệt vời. Lý do:
"chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước", động lực này
nếu những người cộng sản biết khai thác thì sẽ hoàn toàn có lợi cho
việc thực hiện mục đích cách mạng của mình.
"Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu
không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội
của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi,
phần lớn thế giới sẽ xôviết hoá và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân
tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Trong khi chờ đợi, chủ nghĩa
dân tộc sẽ quấy rối chủ nghĩa đế quốc Pháp và bằng việc làm này,
Quốc tế Cộng sản sẽ được lợi trực tiếp"
[40].
Lập luận ở đây khá rạch ròi: không cần giấu giếm cái ý định của QTCS
muốn khai thác phong trào tranh đấu của những nước thuộc địa để
"quấy rối" chủ nghĩa đế quốc. Và đó cũng chính là lập luận của
Lenin: vấn đề những nước phụ thuộc và thuộc địa không thể tự thân
tồn tại mà phải phục vụ cho lợi ích của cách mạng vô sản thế giới
[41].
Về mặt khái niệm, các chữ dùng khá chính xác: "chủ nghĩa dân tộc"
(là một ý thức hệ) ở đây có vẻ thích hợp hơn mấy chữ "chủ nghĩa yêu
nước" (là một tình cảm). Chúng gợi cho ta nhận xét sau đây: về mặt
tình cảm, những người sùng bái Hồ Chí Minh có thể yên tâm gọi
ông là người "yêu nước-cộng sản" (hay người "cộng sản-yêu nước" cũng
được), nhưng về mặt ý thức hệ thì quá trình tư tưởng của ông đã
chứng minh rằng Hồ Chí Minh chỉ có thể là người theo chủ nghĩa cộng
sản chứ không thể vừa theo chủ nghĩa dân tộc vừa theo chủ nghĩa cộng
sản được. Rõ ràng mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và cộng sản đã
được Hồ Chí Minh giải quyết theo cách mà Lenin, người sáng lập ra
Quốc tế Ba đã giải quyết rồi
[42].
2. Vấn đề thật quan trọng với Hồ Chí Minh: nhờ "vận dụng" lại
thứ lý luận mác-xít mà Lenin đã "vận dụng" vào các nước chậm phát
triển trên đây mà ông đã thành công trong chặng đường đầu tranh đấu
để sau này có thể tiến lên hoàn thành mục đích tối hậu của ông: Đảng
Cộng sản đã giành được quyền lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân
chủ, thực hiện được mục tiêu quan trọng là giải phóng nhân dân thoát
khỏi sự thống trị của chủ nghĩa thực dân. Có thể hình dung một cách
tổng quát chiến lược tranh đấu đó như sau:
-
Tiên quyết phải có một Đảng Cộng sản bao gồm
những nhà cách mạng chuyên nghiệp, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật
sắt, thề nguyện suốt đời xả thân cho lý tưởng cộng sản để lãnh
đạo toàn bộ quá trình cách mạng. Hầu hết những hạt nhân lãnh đạo
đều được tuyển mộ trong hàng ngũ tiểu trí thức thành thị.
-
Lập mặt trận thống nhất, tuỳ theo giai đoạn, liên
hiệp với tất cả những thành phần xã hội có thể liên hiệp được,
để cô lập triệt để đối tượng cần đánh đổ (địa chủ hay tư bản, đế
quốc này hay đế quốc khác…). Nhưng bên dưới, phải đặc biệt tranh
thủ nông dân, coi bần và trung nông là chủ lực của cách mạng,
dựa vào đó huy động tài chính, tạo cơ sở che giấu cán bộ, vận
động dân công, bổ sung lính…
-
Không nên bám vào một phương thức nào mà phải tuỳ
theo sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa "ta" và "địch"
mà đề ra phương pháp đấu tranh cho thích hợp: tiến hay thoái,
hợp tác hay chống đối, thoả hiệp hay tấn công, làm chiến tranh
hay kêu gọi hoà bình, công khai hay bí mật… Và đó là ý nghĩa của
câu "dĩ bất biến ứng vạn biến" mà ông Hồ rất thích nói đến.
So
với những đảng phái gọi là "quốc gia" chỉ biết trông cậy vào sự hỗ
trợ bên ngoài hoặc chỉ huy động trí thức thành thị và dựa vào một
phương pháp tranh đấu nhất định… rõ rệt chiến lược trên đây của Hồ
Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra hơn hẳn
[43].
3. Người ta không lấy làm lạ khi trả lời phỏng vấn hoặc viết
cho các báo nước ngoài, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc lại những lời
lẽ rất "tâm đắc" sau đây:
"Ở nước ta và ở Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về cái
cẩm nang đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn,
người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa
Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam,
không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam,
mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối
cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản"
[44].
Trong văn bản này, ông dùng mấy chữ "chủ nghĩa Lênin", chỗ khác ông
dùng "chủ nghĩa Mác-Lênin", nhưng ở đâu ông cũng cho rằng nhờ cái
"cẩm nang" đó, Đảng Cộng sản sẽ đạt được mục đích cuối cùng sau
những chiến thắng dọn đường. Cái mục đích cuối cùng ấy có đạt được
hay không thì chúng ta còn phải chờ xem, nhưng xét những cái đã qua,
khẳng định nói trên của ông không phải là không hiện thực – như
chúng ta đã biết. Nhưng để tránh bị đẩy vào cái bẫy "khái quát hoá"
thì cần xác định rõ tính chất cụ thể của chiến lược ấy: đó không
phải là học thuyết toàn diện của Marx và Lenin về chủ nghĩa xã hội.
Riêng đối với Lenin thì đó cũng chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong lý
luận về cách mạng của ông: đó là sách lược "lợi dụng" phong trào dân
tộc ở những thuộc địa để chống đế quốc. Chiến lược ấy cũng không
mang lại kết quả mong đợi: nhiều Đảng Cộng sản ở những thuộc địa vẫn
được trang bị cho cái "cẩm nang" ấy, nhưng đã không đi đến đâu
(chúng ta hãy nhớ lại trường hợp N. Roy của Ấn Độ). Cái "cẩm nang"
mệnh danh là "chủ nghĩa Mác-Lênin" đó, vì vậy, đã không hề có giá
trị vạn năng.
4. Ngay bản thân cái khái niệm "Mác-Lênin" mà ông sử dụng rất
tự nhiên cũng không có sự nghiêm ngặt về nội dung tư tưởng của những
người có liên quan với cái học thuyết mà ông nói đến. Không hoàn
toàn là Marx: ông không cần biết đến điều kiện tiên quyết của Marx
để làm cho chủ nghĩa xã hội gọi được là "mác-xít" là sự phát triển
tột độ của chủ nghĩa tư bản tổng thể. Cũng không đúng hoàn toàn về
Lenin: ông không cần biết đến điều kiện mà Lenin đặt ra để cho cuộc
cách mạng 1917 gọi được "xã hội chủ nghĩa mác-xít" là phải có sự hỗ
trợ của cuộc cách mạng vô sản đích thực đã thành công ở phương Tây.
Còn cái học thuyết gọi chung là "Mác-Lênin" mà ông và guồng máy
tuyên truyền của ông ra sức phổ biến vào Việt Nam cũng chỉ là một
thứ lý luận mác-xít đã bị dung tục hoá và tầm thường hoá hết mực:
coi những kết luận của Marx về sự giẫy chết tất yếu của chủ nghĩa tư
bản, sự sinh thành tất yếu của "cõi đời mới" do giai cấp vô sản lãnh
đạo, sự cần thiết của "chuyên chính vô sản" trong quá trình tiến lên
chủ nghĩa cộng sản v.v… là những cái đương nhiên đã là chân lý,
chính nghĩa, tất yếu chỉ cần noi gương Lenin vận dụng một cách "sáng
tạo" vào những hoàn cảnh cụ thể là đủ, nhất định thành công.
Có thể do bản chất của ông thiên về những cái thiết thực, không ưa
nghiền ngẫm về những cái trừu tượng, xa vời và cũng có thể do nhu
cầu thực tế của cuộc đấu tranh bí mật, lâu dài, trong khi thuộc nằm
lòng bài bản của Lenin về việc sử dụng "mặt trận thống nhất" và
những kỹ thuật tổ chức lập Đảng, vận động quần chúng để cướp chính
quyền, ông không quan tâm đào sâu đến tận cùng cơ sở lý luận của cái
cùng đích mà ông nguyện dấn thân cho nó, từ nguồn gốc đến những biến
thái phức tạp về sau. Ông rất hay nói đến lý tưởng và đạo đức: trong
những bài viết của ông, khái niệm "chủ nghĩa xã hội" lúc nào cũng
hiện ra như một cái gì đó rất giống với cái thế giới đại đồng châu Á
thời cổ, tràn ngập thái bình và an lạc, chứ không phải là "hiện
thực" hoặc "khoa học" theo cách mà những nhà mác-xít hay nói… Thiên
hướng cảm tính, dựa nhiều vào lòng tin và nhu cầu thực dụng khi đến
với cái "cõi đời mới" do Lenin gợi ra từ những ngày đầu vẫn còn ghi
dấu thật đậm trong những bài gọi là "lý luận" của Hồ Chí Minh về sau
này
[45].
5. Nhưng chúng ta đều biết: thứ chủ nghĩa xã hội "cảm tính"
ấy ở Hồ Chí Minh đã không dừng lại. Cùng với thời gian, việc nghiên
cứu, tìm hiểu thêm đã làm cho cái cái lý tưởng mơ hồ ấy trở nên cụ
thể hơn, nhờ tiếp xúc nhiều hơn với sách vở "Mác-Lênin" và cuộc sống
"xã hội chủ nghĩa" trong thực tế mà Liên Xô bấy giờ đang là một hình
mẫu. Trong cái hình mẫu ấy, "chủ nghĩa Mác-Lênin" vẫn còn được nhân
danh để thuyết giảng, nhưng đã không còn sự tính toán quanh co của
Lenin về "bước thụt lùi" kiểu NEP, ở đó cũng không có những ưu tư
của Lenin về tình hình quan liêu, bất lực, suy thoái trầm trọng của
bộ máy nhà nước chuyên chính vô sản do Đảng lãnh đạo. Mọi thứ đều
phơi phới đi về tương lai rạng rỡ dưới sự lãnh đạo của "lĩnh tụ
thiên tài"!
Tất cả đều phải quy về nhiệm vụ trung tâm là đẩy nhanh nhịp độ công
nghiệp hoá. Công nghiệp nặng là then chốt. Để có tích luỹ phục vụ
chương trình công nghiệp hoá ấy thì cũng phải nhanh chóng hợp tác
hoá nông nghiệp. Để đáp ứng những nhu cầu chuyển đổi nhanh chóng đó,
phải sử dụng không nương tay bộ máy bạo lực chuyên chính của Đảng để
dập tắt tất cả những xu hướng bất đồng trong Đảng và xã hội. Phải
triệt tiêu tất cả bọn trốts-kít phản động và bọn hữu khuynh mưu toan
phục hồi chủ nghĩa tư bản. Tẩy não. Trại tập trung. Chủ nghĩa tập
thể, v.v. và v.v… Cái mô hình gọi là "xã hội chủ nghĩa" ấy không
phải cái gì khác hơn là mô hình toàn trị stalinít, mô hình này không
lạ gì với Hồ Chí Minh trong những năm ông bị giữ lại ở Liên Xô để
học tập
[46].
Nhưng sự việc không phải chỉ như vậy: trong quá trình "vận dụng" để
thực hành, cái mô hình stalinít kiểu Liên Xô ấy còn được bổ sung cho
phong phú hơn bằng một thứ chủ nghĩa Stalin khác không kém phần ác
liệt đến từ Trung Quốc: đó là mô hình của Mao Trạch Đông về vai trò
của bần cố nông trong đấu tranh đánh đổ chế độ chế độ phong kiến,
thực hành cải cách ruộng đất. Phóng tay phát động quần chúng. Đấu
tố. Tam cùng. Chỉnh huấn, v.v và v.v…
Nội dung của cái gọi là "chủ nghĩa Mác-Lênin" trên đây đều đã du
nhập vào Việt Nam ngay trong những ngày cách mạng giải phóng dân tộc
chưa thành công: ngay trong chiến tranh, "chủ nghĩa xã hội" đó đã
được đem ra thực hiện rồi! Vì thế người ta có thể hình dung ra rất
dễ dàng tính chất của thứ "xã hội chủ nghĩa" mà Hồ Chí Minh và Đảng
Cộng sản Việt Nam đã đem ra áp dụng ở miền Bắc đất nước như thế nào
sau khi đã đánh đuổi xong thực dân Pháp: một mô hình stalinít toàn
trị trong đó tất cả đời sống xã hội đã bị Nhà nước hoá một cách khắc
nghiệt, chẳng dính dấp gì đến cái lý tưởng mà Hồ Chí Minh đã ấp ủ từ
những ngày đầu ông đến với Lenin! Cái "cẩm nang" của ông không còn
tạo ra những chuyện "thần kỳ" nữa: đất nước thiếu tất cả mọi thứ căn
bản cần thiết cho cuộc sống, ngoại trừ những lời lẽ ồn ào về "tương
lai rạng rỡ" phát ra từ những Nghị quyết của Đảng.
“Tư tưởng Hồ Chí Minh”?
Có thể có một thực tại lý luận gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" hay
không? Nếu xem đó như một hệ thống những luận điểm có ý nghĩa canh
tân hoặc phát triển học thuyết "Mác-Lênin" thì khái niệm ấy quá
khiên cưỡng: những gì liên hệ đến nội dung của khái niệm "chủ nghĩa
xã hội" mà Hồ Chí Minh đã đem về cho Việt Nam đều đã có sẵn nơi các
bực thầy cộng sản Đệ Tam, như chúng ta đã biết. Nơi Lenin: về mối
quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản. Nơi
Stalin: về mô hình xây dựng chế độ toàn trị công nghiệp hoá. Nơi Mao
Trạch Đông: về vai trò của bần cố nông trong cải cách ruộng đất và
thanh lọc Đảng.
Những cái được Hồ Chí Minh tiếp nhận ấy đều nẩy sinh từ quá trình
giành quyền lực từ tay thực dân về cho Đảng Cộng sản: vấn đề chống
chủ nghĩa thực dân ở đây đã cũng là vấn đề quyền lực của Đảng. Hai
vấn đề khác nhau về bản chất, trong sự biện luận của những nhà lý
luận cộng sản Đệ Tam Việt Nam, đã bị đồng nhất hoá. Tư tưởng của Hồ
Chí Minh đã gắn chặt với những nhu cầu bức xúc và trực tiếp của cuộc
đấu tranh mang tính chất hai mặt ấy: tìm kiếm chỗ dựa bên ngoài, tạo
tính chính đáng để bảo vệ sự nhất trí cho tổ chức và củng cố uy tín
cho bản thân v.v… Có thể gọi đó những tư tưởng thực hành.
Thiên hướng trỗi bật trong tính cách của Hồ Chí Minh là sự thực
hành, cho nên tư tưởng của ông đã nghiêng hẳn về những cái thiết
thực, cụ thể. Nếu "tư tưởng" như vậy được xem là đồng nghĩa với "ý
thức hệ" thì Hồ Chí Minh chính là một nhà ý thức hệ, một
người chọn lựa một ý thức hệ có sẵn để hành động.
Tính chất đặc biệt trong vấn đề tư tưởng của Hồ Chí Minh do đó chính
là cái cách thức diễn giải, truyền bá những gì mà ông đã tiếp thu
được để phục vụ cho các mục tiêu thiết thực ấy. Nôm na, giản dị, dựa
vào truyền thống phương Đông, Khổng Mạnh, dân tộc, làm vè, diễn
tuồng, viết văn vần, viết báo… chủ yếu nhắm vào đám đông quần chúng
để "giáo dục", "vận động" họ – đó mới chính là phong cách độc đáo
của Hồ Chí Minh.
Không thực sự chú ý đến tính chất hiện thực đó trong những phát biểu
của Hồ Chí Minh về mặt lý luận, rồi tạo ra khái niệm "tư tưởng Hồ
Chí Minh" huyễn hoặc, từ đó xưng tụng Hồ Chí Minh là "nhà tư tưởng
vĩ đại", "nhà lý luận thiên tài"
[47], những người sùng bái đã
làm tổn hại uy tín ông nhiều hơn là nâng ông lên cao.
Mấy luận cương về Hồ Chí Minh
1. Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước. Ông đã hoàn thành mong
mỏi của mọi người Việt Nam qua các thời đại: đánh đuổi các lực lượng
ngoại xâm. Từ tình cảm yêu nước ông đã đến với chủ nghĩa cộng sản Đệ
Tam. Dựa vào cộng sản Đệ Tam, vận dụng những phương pháp tổ chức của
Lenin, ông đã giành lại được chủ quyền cho dân tộc và quyền lực cho
Đảng Cộng sản để xây dựng nên một nước Việt Nam mới.
2. Đem chủ nghĩa cộng sản ra áp dụng, ông hy vọng sẽ xây dựng
cho đất nước một thể chế chính trị mang lại hạnh phúc vĩnh viễn cho
nhân dân: một mô hình phát triển hiện đại dựa trên sự bình đẳng và
tự do cho mọi người. Thực tế đã chứng minh đó chỉ là mộng tưởng hão
huyền. Thứ "chủ nghĩa cộng sản" mà ông đem ra thực hiện chỉ có tác
dụng duy nhất là duy trì chế độ toàn trị stalinít. Thực chất của
"chủ nghĩa Mác-Lênin" mà Hồ Chí Minh tiếp nhận chỉ là chủ nghĩa
Stalin.
3. Đã có nhiều lực lượng yêu nước chống chủ nghĩa thực dân
đồng thời với Hồ Chí Minh, nhưng tại sao chỉ có Hồ Chí Minh thành
công? Trả lời câu hỏi này, những người không chấp nhận sự chọn lựa
của Hồ Chí Minh không thể không chiêm nghiệm lại những thất bại của
mình. Một cái nhìn thực tế về mối quan hệ giữa phong trào giải phóng
dân tộc và phong trào cộng sản trong thế kỷ 20 là rất cần thiết cho
những ai thật sự muốn học ở lịch sử những điều bổ ích. Những bài học
ấy không thể xuất hiện trên mảnh đất tinh thần chứa đầy thành kiến
và hận thù.
4. Những người cộng sản cũng không thể căn cứ vào việc đánh
đổ được chủ nghĩa thực dân để áp đặt mãi mãi học thuyết "Mác-Lênin"
của Hồ Chí Minh lên đời sống dân tộc. Học thuyết ấy không bắt nguồn
từ những suy tưởng nghiêm chỉnh của trí tuệ. Đó chỉ là kết quả của
những nhu cầu chính trị thực dụng nhất thời, "vận dụng" vào xây dựng
đã tỏ ra không tưởng, cuối cùng trở thành công cụ thống trị.
5. Không thể nhìn qua sự chọn lựa của Hồ Chí Minh một cái
thiện tuyệt đối hoặc một cái ác tuyệt đối, như các nhà ý thức hệ đối
nghịch nhau đã làm. Sự chọn lựa của Hồ Chí Minh là một hành vi lịch
sử, đã bị những điều kiện của thời đại ông quy định: một thế kỷ đầy
đổ vỡ, tràn ngập hy vọng và cũng quá nhiều ảo tưởng. Ông đã đem về
cho những người cùng thời với ông nhiều tự hào nhưng cũng nhiều thất
vọng.
6. Đưa ông lên thiên đàng hay đẩy ông xuống địa ngục đều
không xứng với chỗ đứng của một nhân vật trần gian như ông. Hướng về
một tương lai mới, tốt nhất là hãy kính trọng ông như một anh hùng
đã thuộc về quá khứ: chỉ có cách đó chúng ta mới có thể nhận ra được
những ý nghĩa tích cực trong cuộc đời tranh đấu của ông.
Sài Gòn 1. 11. 2002
© 2007 talawas
[1]
RC, 495, 10a, 140, p. 106 ; Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 218. Khác
với hồi năm 1927, lần này Nguyễn Ái Quốc đã ghi ra nội dung của chỉ
thị sẽ đem truyền đạt và gửi lại QTCS để được kiểm tra. Sau đây là
đại ý nội dung của chỉ thị được Nguyễn nhớ lại để báo cáo lại với
QTCS:
1.
Khẩu hiệu không cao, cốt để có thể hoạt động hợp pháp
2.
Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi
3.
Tư
sản dân tộc: lôi kéo vào Mặt trận
4.
Trôtskít: tay sai phát xít, phải tiêu diệt về mặt chính trị.
5.
Liên hệ với Mặt trận bình dân Pháp
6.
Đảng phải trung thành, hoạt động, chân thực nhất để tranh thủ Mặt
trận
7.
Củng cố Đảng: chống bè phái, nâng cao lý luận, quan hệ với đảng
Pháp.
8.
Kiểm soát báo chí của Đảng để tránh khuyết điểm về kỹ thuật và chính
trị.
(“Báo cáo gửi Ban chấp hành QTCS” tháng 7-1939, Hồ Chí Minh toàn
tập, Tập 3, tr. 138-139).
[2] Tình trạng tìm kiếm này đã
được Nguyễn báo cáo với CSQT như sau: “Trong khi chờ đợi, để khỏi
phí thời gian tôi đến làm việc phiên dịch các tin tức thế giới (nghe
đài thu thanh) ở Bát lộ quân, làm bí thư chi bộ, chủ nhiệm câu lạc
bộ và hiện nay, uỷ viên uỷ ban câu lạc bộ. Đồng thời tôi đã viết một
cuốn sách nói về Khu vực đặc biệt và một số bài báo phản ánh
những biến cố chính trị và quân sự, sự tàn ác của bọn Nhật bản, tinh
thần anh dũng của các chiến sĩ Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống bọn
tờrốtxkít… để tuyên truyền quốc tế.
Từ ngày 12-2-1939, số lớn những bài đó đã được đăng trên tờ Notre
Voix, tuần báo công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản
tại Hà Nội. Trên các bài đó tôi đều ghi Quế Lâm và ký tên Lin, hy
vọng rằng các đồng chí có trách nhiệm có thể đoán được ai là tác giả
và hiện người đó ở đâu. Nhưng hy vọng này không đạt được” (“Báo cáo
gửi Ban chấp hành QTCS” tháng 7-1939, Hồ Chí Minh toàn tập,
Tập 3, tr. 140-141).
[3] Thanh Đạm:
Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Nxb Nghệ An &Trẻ, Tp Hồ Chí
Minh, tr. 227.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập,
Tập 3, tr. 171.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập,
T3, tr. 174.
[6] Nguyễn Ái Quốc: “Kính cáo
đồng bào”, ngày 6-6-1941, Hồ Chí Minh toàn tập, T. 3, tr.
198.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập,
T. 3, Chú thích 24, tr. 625.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập,
T. 3, tr. 505-506.
[9] Thanh Đạm: Sđd, tr. 215.
[10] 1) Thành viên của Hiệp hội
những phóng viên Trung Hoa trẻ, 2) Thông tín viên đặc biệt của Hãng
tin quốc tế, 3) Giấy phép đi lại cho cán bộ của Đệ tứ chiến khu (Báo
cáo của Trương Phát Khuê, Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 242).
[11] Về sau Nguyễn đã có dịp chỉ
trích đường lối tả khuynh đó như sau: “… chính sách Đại hội Macao
vạch ra không sát với phong trào cách mạng thế giới và trong nước
lúc bấy giờ (như định chia ruộng đất cho công nhân nông nghiệp, chưa
nhận rõ nhiệm vụ chống phát xít và nguy cơ chiến tranh phát xít”.
(“Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của
Đảng”, 11-2-1951. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, tr. 155 ).
[12] Trả lời một nhà báo nước
ngoài 22-6-1947: “Hỏi: Vì sao có người tin rằng Chính phủ Việt Nam
là Chính phủ cộng sản? - Trả lời: Tuyên truyền của thực dân phản
động Pháp nhất là Đo đốc Đác-giăng-liơ, đã lần lượt đặt cho chúng
tôi là cộng sản, phát xít, đế quốc, thân Nhật, bài ngoại, v.v… Điều
đó không có gì đáng lạ, vì họ không ưa chúng tôi, song tôi chắc rằng
nhân sĩ thế giới không ai tin họ; một là vì Chính phủ Việt Nam gồm
đủ các đảng phái và các nhân sĩ không đảng phái, hai là chính sách
Việt Nam rất rõ rệt: cốt làm cho nước Việt Nam thống nhất và độc
lập, làm cho dân được tự do và khỏi khổ khỏi chết”. (Hồ Chí Minh
toàn tập, Tập 5, tr. 155)
[13] Tướng Trần Tu Hoà thay mặt
Bộ tư lệnh Tưởng Giới Thạch, muốn đứng ra điều đình giữa các đảng
phái để lập chính phủ liên hiệp lâm thời. Hồ Chí Minh trả lời
19-12-1945 :“Việt Nam Độc lập Đồng minh không phải là một đảng mà là
một mặt trận đoàn kết toàn dân, bao gồm các đảng phái (đảng dân chủ,
phái xã hội), các phần tử Quốc dân Đảng, Đảng Cộng sản (đã tự động
giải tán) và các đoàn thể yêu nước không đảng phái như Hội Thanh
niên Cứu quốc, Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội Cơ đốc giáo Cứu quốc
v.v…” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, tr. 117).
[14] Thư gửi Nguyễn Hải Thần, Vũ
Hồng Khanh mời tham gia Tổng tuyển cử, báo Việt Nam
số 19, 6-12-1945 (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, tr. 112-113).
[15] Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó
Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần; Cố vấn: Vĩnh Thuỵ; Ngoại giao: Nguyễn
Tường Tam; Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng; Kinh tế: Chu Bá Phượng; Tài
Chính: Lê Văn Hiến; Quốc Phòng: Phan Anh; Xã hội, Y tế, Lao động:
Trương Đình Tri; Giáo dục: Đặng Thai Mai; Tư pháp: Vũ Đình Hoè; Giao
thông: Trần Đăng Khoa; Canh Nông: Bồ Xuân Luật; Kháng chiến uỷ viên,
chủ tịch: Võ Nguyên Giáp, Phó: Vũ Hồng Khanh (Hồ Chí Minh toàn
tập, Tập 4, tr. 193-194).
[16] “Trả lời các báo”, Cứu
quốc 28-12-1945: Hỏi: Tại sao có 70 đặc cách trong Quốc hội? -
Trả lời: Vì anh em Quốc dân Đảng không ra ứng cử. - Hỏi: Sao lại
trái nguyên tắc dân chủ vậy? - Trả lời: Muốn khi đi tới dân chủ
nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ: muốn đi tới hoà bình có khi
phải chiến tranh. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, tr. 125).
[17] “Tại Viện Bảo tàng Cách
mạng Việt Nam vẫn còn lưu giữ báo Việt Nam độc lập, cơ quan
Việt Minh Cao Bắc Lạng, do Bác Hồ sáng lập và điều hành. Trong tờ
báo này có một số bài viết và tin tức về hoạt động hợp tác Việt-Mỹ
trên chiến khu, có bài báo Bác Hồ ca ngợi Tổng thống Mỹ Roosevelt là
người anh hùng khi nghe tin ông qua đời vào lúc cuộc chiến tranh thế
giới lần thứ II sắp kết thúc. Nhưng trong tờ báo này có một phụ bản
rất độc đáo. Đó là một tranh vẽ gồm 8 bức hình hướng dẫn nhân dân
cách cứu phi công Mỹ. Phía trên những bức tranh ấy có vẽ hai lá cờ:
sao vạch của Hoa Kỳ và cờ đỏ Sao Vàng là cờ của Việt Minh. Ở giữa
hai lá cờ lại có một vần thơ: "Bộ đội Mỹ là bạn ta - Cứu phi công Mỹ
mới là Việt Minh". Bức tranh và câu thơ này đến nay vẫn được coi là
do Bác vẽ”. (Phan Thế Hải, VietNamNet 11-8-2004).
[18] Hồ Chí Minh toàn tập,
Tập 5, tr. 169-170.
[19] Hồ Chí Minh toàn tập,
Tập 6, tr. 161.
[20] Đảng Dân chủ: Thành lập
30-6-1944. Giải tán: 20-10-1988. Đảng Xã hội: Thành lập 22-7-1946.
Giải tán: 15-10-1988.
[21] Lenin toàn tập, Tập
41, Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tr. 24.
[22] Hồ Chí Minh toàn tập,
Tập 6, tr. 81-82
[23] Báo cáo trước hội nghị lần
thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II, ngày 25-1-1953 về Đại
hội 19 cuả Đảng CS Liên Xô (10-1952), ca ngợi cuốn sách của Stalin
Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô: “Quyển sách
ấy dạy chúng ta xem xét thêm sáng suốt tương lai của thế giới và làm
cho chúng ta càng chắc chắn về tiền đồ nhất định thắng lợi của chúng
ta. Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cần phải nghiên cứu những tài
liệu của Đại hội thứ XIX, nhất là quyển sách của đồng chí Xtalin và
phải biết áp dụng vào hoàn cảnh kháng chiến, kiến quốc của chúng ta”
(Hồ Chí Minh toàn tập Tập 7, tr. 10).
[24] Tóm tắt nội dung
Thực tiễn luận của Mao Trạch Đông, Nhân dân 19-7-1951
(Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6, tr. 247).
[25] Bài nói tại Hội nghị Nông
vận và Dân vận toàn quốc (5-2-1953): “Từ năm 1949 đã có sắc lệnh
giảm tô, đến nay đã 4 năm và vẫn chưa thực hiện triệt để. Xem đó thì
biết rằng giảm tô không phải là vấn đề giản đơn, nó là một bộ phận
của giai cấp đấu tranh, giai cấp nông dân đấu tranh với giai cấp địa
chủ. Đây cũng là một chiến dịch nhưng chiến dịch này to và rộng hơn
chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc vì nó mở ra khắp cả nước. Nó càng khó
hơn đánh giặc, vì đánh giặc thì đưa vũ khí ra mà đánh, trong chiến
dịch này nông dân không đưa súng đạn ra đánh với địch, nhưng phải
dùng một thứ vũ khí mạnh hơn, tức là lực lượng tổ chức và lực lượng
đoàn kết của hàng triệu nông dân. Đảng và Chánh phủ là Bộ Tổng tư
lệnh, Bộ Tổng Tham mưu của cuộc đấu tranh này” (Hồ Chí Minh toàn
tập, Tập 7, tr.26).
[26] Bài nói chuyện ở lớp chỉnh
huấn cán bộ trí thức (15-7 đến 26-9-1953): “Nghe nói các ngành, các
cá nhân ôn lại, xét lại những việc làm mình làm trong thời Pháp
thuộc, thấy thằng Pháp xấu xa và làm nhục mình.
Đặc biệt anh em thấy nó đối đãi, giáo dục mình là nhục nhã hơn.
Những thấy thế vẫn chưa triệt để. Thấy nhục là một bước, phải tiến
lên bước nữa: thấy tội của mình. Vì Pháp nhồi sọ, mua chuộc mình nên
đã đối đãi với nhân dân như thế nào, điều ấy anh em chị em chưa nghĩ
tới. Thấy mình nhục đã đành, còn phải thấy tội nữa.
Xin lỗi cụ Bùi (có tiếng cụ Bùi: “Không dám xin cụ cứ nói”) ví dụ:
thời trước cụ làm thầy giáo thì không có gì là tham ô, lãng phí của
nhân dân, vì dạy bao nhiêu giờ lĩnh bấy nhiêu tiền. Nay xét lại, lúc
đó dạy thì dạy gì, đào tạo người thì đào tạo cho ai? Vì “tôn sư
trọng đạo”, cụ ở địa vị ông thầy, nên được lớp trí thức trọng cụ,
dân cũng trọng cụ. Nhưng ông thầy lúc ấy nói gì? Nói chống Tây thì
nó đá đít. Dù muốn hay không, cũng phải nói đế quốc, phong kiến là
tốt. Như thế là có thể có tội với nhân dân rồi. Tôi nghe đây có 4
đời là học trò cụ. Như thế là tứ đại nô lệ.
Tóm lại, các ngành thấy Tây đối đãi với mình là nhục, nhưng phải
tiến lên bước nữa xét tội của mình đối với nhân dân. Để đi đến đâu?
Đi đến càng căm thù đế quốc phong kiến”. (Hồ Chí Minh toàn tập,
Tập 7, tr. 108-109).
[27] Xem Lữ Phương: “Huyền thoại
Hồ Chí Minh”, Thư Nhà tháng 5-2001
[28] Thư ngày 31-3-1935 của Hà
Huy Tập gửi QTCS đã nhắc đến Nguyễn Thị Minh Khai như là “vợ của
Nguyễn Ái Quốc”. Còn Minh Khai (bí danh là Fan Lan) đã khai trong lý
lịch dự Đại hội là “đã kết hôn” và tên chồng là “Lin” (bí danh của
Nguyễn Ái Quốc). Nhưng trong lý lịch của mình, không thấy Nguyễn
khai là đã có vợ (RC, 495, 201, 35; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr.
201).
[29] Về mối tình giữa Hồ Chí
Minh và Tăng Tuyết Minh, đã nói qua trong chú thích số 29, chương
III “Từ
Nga sang Trung Quốc”. Nay nói thêm một chút về đoạn kết
của cuộc tình ấy. Theo tác giả Hoàng Tranh, tháng 5-1950, thấy hình
và tiểu sử Hồ Chí Minh đăng trên Nhân dân nhật báo, bà Tăng
Tuyết Minh đã báo cáo với tổ chức và gửi mấy bức thư cho ông Hồ nhờ
Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh (bấy giờ là Hoàng Văn Hoan) chuyển.
Nhưng không có trả lời. Một cán bộ đã đến gặp bà, đưa bằng cớ xác
nhận Hồ Chí Minh đúng là chồng bà, ngày trước mang tên Lý Thuỵ,
nhưng lại giải thích tại sao “không tiện liên lạc“ và mong bà “lượng
thứ”, “yên tâm công tác”. Vẫn theo Hoàng Tranh, năm 1960, Hồ Chí
Minh đã nhờ lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu tìm tung tích Tăng Tuyết
Minh nhưng cũng không thấy kết quả gì. Được biết bà Tăng Tuyết Minh
làm nghề hộ sinh, gia đình theo đạo Công giáo từ đời ông nội, bà
“thường xuyên đi lễ” và có thói quen “ăn uống đạm bạc, không dùng
thịt cá”, “luôn luôn vui vẻ giúp người”. (Hoàng Tranh: “Hồ Chí Minh
với người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, tạp chí Đông Nam Á Tung
hoành số tháng 11-2001, xuất bản tại Nam Ninh. Bản dịch tiếng
Việt: Minh Thắng, đăng trên tạp chí Diễn Đàn (xuất bản tại
Pháp), số 121 tháng 9-2002).
[30] Đã nói rõ trong chương IV:
“Việc
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”.
[31] Trong những thư đầu gửi
thiếu nhi, Hồ Chí Minh xưng là “Già Hồ”: “Trung thu này, Già Hồ
không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn
thân ái” (“Tết Trung thu với nền độc lập”, Cứu quốc
17-9-1945). Sau đó khoảng một năm mới xưng là “Bác Hồ”.
[32] Trần Dân Tiên:
Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch (1948). Thường
được coi là cuốn tiểu sử do Hồ Chí Minh ký tên khác để viết về mình.
Sau này, có thông tin cho biết cuốn này do thư ký riêng của ông là
Vũ Kỳ viết. (Vấn đề này đã đề cập trong Chương 1: “Cuộc
ra đi của Nguyễn Tất Thành”).
[33] Thí dụ:
– Tân Sinh: Việt Bắc anh dũng, Tổng bộ Việt Minh xuất bản,
1948: “Ngay lúc bắt đầu kháng chiến, Hồ Chủ tịch ra lệnh: Trường kỳ
kháng chiến… Ngay trước khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, Hồ
Chủ tịch đã đoán trước: Địch sẽ cố chiếm lấy mấy thành thị và mấy
đường giao thông. Bộ đội chúng càng rải rác. Lực lượng chúng càng
mỏng manh, ta càng dễ tiêu diệt chúng.
Ngay lúc đầu Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Chỉ huy đã định dùng chiến
thuật du kích để tiêu diệt địch.
Càng ngày chíng ta càng thấy những ý định trên là sáng suốt, nhất là
trong cuộc địch tấn công vào Việt Bắc, chúng ta càng thấy rõ như
thế” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, tr. 341)
– Trần Lực: “Giấc ngủ mười năm”, Tổng bộ Việt Minh xuất bản, Việt
Bắc, 1949. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, tr. 605-623). Trong
truyện ngắn này, có khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ
tịch muôn năm!”.
– ZIN: “Chúng tôi vững tin vào thắng lợi cuối cùng của mình”, tuần
báo Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân,
bản tiếng Pháp 21-8-1953: “Việc học tập những vấn đề trên được thực
hiện trên cơ sở những tác phẩm của Mác, Angghen, Lênin, Xtalin và
báo cáo của đồng chí Malencốp tại Đại hội 19 Đảng CSLXô, những tác
phẩm của đồng chí Mao Trạch Đông, những bài viết của đồng chí Hồ Chí
Minh, những văn kiện của Đảng” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7,
tr. 101).
[34] “Các chế độ quân chủ sùng
kính Khổng Tử không chỉ vì ông không cách mạng mà vì ông đã tuyên
truyền cật lực cho các chế độ ấy. Nếu Khổng Tử sống đến ngày nay và
nếu ông ấy cứ bám mãi lấy những quan điểm ấy, ông ấy sẽ là phản cách
mạng. Có thể ông siêu nhân ấy sẽ nhân nhượng hoàn cảnh và nhanh
chóng trở thành môn đệ của Lênin… Đối với người Việt Nam chúng ta,
chúng ta hãy bồi dưỡng trí tuệ mình bằng cách đọc tác phẩm của Khổng
Tử, và cách mạng hoá mình bằng cách đọc tác phẩm của Lênin” (Xem
Huỳnh Kim Khánh: Vietnamese Communism, 1925-1945, Sđd, tr.
80).
[35] Hãy nhớ lại đoạn văn sau
đây trong sách của Trần Dân Tiên: “Ông có biết anh Ba hiện nay thế
nào không?” – “Không, tôi rất tiếc là tôi không biết.” – “Ông có
muốn tôi nói cho ông biết không?” – “Còn gì bằng nữa!” – “Ông quay
lại xem, anh Ba ấy đây kìa!” Tôi vừa nói vừa chỉ chân dung Hồ Chủ
tịch treo trên bàn thờ giữa những bình hoa, bình hương, đèn nến”. (
Trần Dân Tiên: Sđd, tr. 19).
Stalin cũng đã được bộ máy tuyên truyền cộng sản Đệ Tam nhiều nơi
xưng tụng là “le génial petit père des peuples” – “người cha già
nhỏ thiên tài của các dân tộc”! Quyền sinh sát của Stalin ghê
gớm nhưng vẫn chưa được đưa lên bàn thờ.
[36] Tôi được nghe kể một câu
giai thoại nhỏ về tính khiêm tốn của Hồ Chí Minh: khi nghe người ta
hô “Hồ Chí Minh muôn năm!”, ông bèn giễu lại: “Hồ Chí Minh muốn
nằm!”. Nghe có vẻ vui, nhưng cũng có vẻ “kịch”! Tính chất “kịch”
trong ứng xử của Hồ Chí Minh, nhiều người quanh ông đã nhận ra. Sau
đây là câu chuyện do một cán bộ thông tấn thuật lại. Trong đoàn
người khá đông tháp tùng theo ông Hồ đi thăm một vùng nông thôn miền
Bắc sau 1954, có ai đó đã vô tình đạp lên một vài khóm mạ vừa cấy
xong và bỏ đi luôn. Nhưng điều đó lại được ông Hồ chú ý, ông dừng
lại và tự mình vun lại khóm mạ cho ngay ngắn. Thuật lại chuyến thăm
viếng ấy trong một bài báo, người cán bộ thông tấn đã cố tình không
nói gì đến chi tiết khóm mạ bị đạp. Tác giả bài báo đã được tổng
biên tập mời đến cho biết chính Bác Hồ đã đọc bản thảo và hỏi tại
sao tác giả lại không nói gì đến chi tiết đó! Người cán bộ thông tấn
ấy lắc đầu và nói thêm: Ông Cụ rất rành về chuyện viết báo tuyên
truyền, muốn qua mặt Cụ một chút mà không được!
[37] Vũ Kỳ (thư ký riêng của Hồ
Chí Minh) xác nhận đã nói với bà Phan Thị Minh những lời sau đây:
“Bác thường không nói chính thức về quá trình hoạt động trước đây
cũng như những mối quan hệ của Bác trước đây. Hễ trực tiếp hỏi Bác
thường tránh không trả lời. Vì vậy các đồng chí Nguyễn Lương Bằng,
Tố Hữu v.v… thường nhắc tôi tìm cách gợi chuyện để Bác nói, trong
khi vui chuyện, trong bữa cơm chẳng hạn… Phải cố nhớ để sau này ghi
lại, nếu Bác thấy đưa giấy bút ra là thôi không nói nữa. Định bố trí
máy ghi âm ghi trộm cũng không làm được” (Phan Thị Minh: “Về quan hệ
giữa Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc”, trong Thu Trang:
Những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp 1911-1925, Sđd,
tr. 125)
[38] “Con đường dẫn tôi đến chủ
nghĩa Lênin” (1960), Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, tr. 128.
[39] Những nhà sùng bái thường
dựa vào hai câu nói này đưa ra luận điểm gọi là “kết hợp độc lập dân
tộc với chủ nghĩa xã hội”, coi đó là sự sáng tạo của “nhà lý luận
thiên tài” Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia: “Lời giới
thiệu bộ Hồ Chí Minh toàn tập”, Hồ Chí Minh toàn tập,
T. 1, Sđd, tr. X). Nhận định ấy dựa trên giả định về sự đồng hàng
của khái niệm “dân tộc” với “chủ nghĩa xã hội”. Như chúng ta đã phân
tích, điều đó không phù hợp với “Luận cương” của Lenin về vấn đề dân
tộc và thuộc địa, và cũng không phù hợp với sự tiếp thu của Hồ Chí
Minh đối với luận cương ấy của Lenin.
[40] “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung
kỳ, và Nam kỳ”, Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 1, tr.
466-467.
[41] Stalin đã diễn đạt quan
điểm đó của Lenin như sau: “Lênin đã nhìn thấy trong phong trào giải
phóng dân tộc ở những nước bị áp bức tiềm năng cách mạng và đã không
ngại sử dụng để chống chủ nghĩa đế quốc. Sở dĩ như vậy là vì về mặt
khách quan, phong trào đó có lợi cho cuộc cách mạng vô sản toàn cầu.
Có những phong trào không có giai cấp vô sản tham gia, cũng không có
những cương lĩnh cộng hoà, nhưng nếu có tác dụng làm suy yếu chủ
nghĩa đế quốc thì giai cấp vô sản vẫn ủng hộ. Trái lại cũng có những
phong trào, tuy có nguồn gốc vô sản, tự xưng là cách mạng dân chủ,
như bọn Đệ Nhị, nhưng khách quan làm lợi cho chủ nghĩa đế quốc thì
phải bị tẩy chay. Chỉ ủng hộ những phong trào dân tộc nào làm suy
yếu hoặc lật đổ chủ nghĩa đế quốc chứ không phải là duy trì và củng
cố nó”. (Staline: Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin (1924).
Trong Hélène Carrère: Sđd, tr. 250-253).
Lý luận thì như vậy, nhưng trong thực tế, đối với những người theo
chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa quốc tế vô sản chỉ là một khái niệm bình
phong: nó được sử dụng để các nước lớn lôi cuốn những nước đàn em
vào vòng khống chế của mình; trong khi đó thì những nước nhỏ này lại
làm ngược lại: lúc thì để mè nheo xin “giúp đỡ” khi thì để chống lại
sự o ép của các đàn anh. Bắt nguồn từ học thuyết của Marx, qua phong
trào quốc tế Đệ Tam, khái niệm quốc tế vô sản đã biến dạng thành một
ý thức hệ phản mác-xít hoàn toàn: thực chất đó chính là
chủ nghĩa dân tộc-cộng sản.
[42] Trong lý luận mác-xít, hai
khái niệm này (chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản) loại trừ
nhau với tư cách là những ý thức hệ. Để tránh phải đối diện trực
tiếp với những khó khăn về lý luận, những nhà ý thức hệ cộng sản
Việt Nam thường hết sức nhấn mạnh đến mấy chữ “chủ nghĩa yêu nước”
để từ đó “kết hợp” với “chủ nghĩa xã hội” với tham vọng tạo ra một
thứ ý thức hệ độc đáo cho Việt Nam (“tư tưởng Hồ Chí Minh”). Nhưng
có lẽ cảm thấy khái niệm này hơi gượng ép và có vẻ phi tư tưởng (bất
cứ cái gì có cái đuôi isme trong tiếng Pháp, dù có nội dung
như thế nào, cũng đều được dịch ra là “chủ nghĩa”), những nhà ý thức
hệ ấy đã “sáng tạo” một khái niệm mới mà có lẽ trên thế giới chưa ai
biết đến: đó là “tư tưởng yêu nước” hoặc “tư duy yêu nước”!
Khái niệm này đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hoá sử dụng hết sức
tuỳ tiện, nhưng ồn ào nhất có lẽ là ông Trần Văn Giàu, một người đại
diện tiêu biểu cho lý luận giấu mặt về chủ nghĩa dân tộc-cộng
sản của Việt Nam: “… chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không phải chỉ là
một tình cảm hời hợt, mà là cả một hệ thống tư tưởng rất phong phú,
cho đến nay hãy còn nhiều điểm nội dung đang chờ sức khám phá của
các nhà sử học và các nhà triết học” (Trần Văn Giàu: Trong dòng
chủ lưu của văn học Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, Nhà xuất bản
văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 1983, tr. 14).
[43] Ý “hơn hẳn” này là của
George K. Tanham, nhà phân tích chống nổi dậy của nhà nước Mỹ phục
vụ cho cuộc chiến tranh với Việt Nam. Xem George K. Tanham:
“Nationalism and Revolution”, Asia N. 4, Winter 1966, p. 42.
[44] Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn
tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), viết cho tạp chí Các vấn đề
phương Đông (Liên Xô) nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của V.
I. Lênin (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Sđd, tr. 128). Trả
lời Charles Fourniau báo L'humanité, nhân kỷ niệm ngày sinh
thứ 100 của Lenin (1969), Hồ Chí Minh đã chép lại rất nhiều ý cùng
với chữ “cẩm nang” trong bài viết cũ nói trên. (Hồ Chí Minh toàn
tập, Tập 12, Sđd, tr. 469-476).
[45] “Tất cả những người lao
động trên thế giới đều có một mục đích chung là thoát khỏi áp bức
bóc lột, được sống sung sướng tự do, tức là thực hiện chế độ cộng
sản” (“Thường thức chính trị”, ký Đ.X, 1953, Hồ Chí Minh toàn tập,
T. 7, tr. 209).
[46] Một phần của cái mô hình
ấy, đã được Stalin tổng kết sau này trong cuốn Những vấn đề kinh
tế xã hội ở Liên Xô và cuốn sách này đã được Hồ Chí Minh đem ra
giới thiệu với Đảng trong môt khoá họp Ban Chấp hành năm 1953, ngay
cả khi chưa hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, bằng những lời
lẽ hết sức sùng bái và chỉ thị cho Đảng “phải áp dụng vào hoàn cảnh
kháng chiến, kiến quốc của chúng ta”. (“Báo cáo trước hội nghị lần
thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng”, khóa II, ngày 25-1-1953 về Đại
hội 19 cuả Đảng CS Liên Xô (10-1952). Hồ Chí Minh toàn tập,
Tập 7, tr. 10.
[47] Lời giới thiệu bộ
Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. VIII.
Trở
lại Trang Lữ Phương
10-6-08 |