Cửa Việt - Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị, số 11 tháng chạp 1991

 

CÁI KINH TẾ VÀ CÁI VĂN HÓA

Lữ Phương

 

Trong ngôn ngữ kinh tế thị trường, những sản phẩm văn hóa tinh thần đã được xếp vào loại dịch vụ để phân biệt với hàng hóa: đó là những bức ảnh bày bán bên cạnh những máy ảnh. Nhưng dù có mang tính chất khác nhau (một bên là tinh thần, một bên là thuần vật chất), tất cả đều được tính vào tổng sản phẩm quy ra thành tiền mà một quốc gia đã tạo ra hàng năm.

Cái văn hóa, xét về phương diện này, cũng là cái kinh tế, theo nghĩa là cái không tự nhiên mà có – nó phải được sản xuất ra và phải tuân thủ các quy trình về sản xuất: phải có đầu tư, tiêu thụ và nhất là phải sinh lợi. Tất nhiên trong cơ chế thị trường mà thế giới đang sống hiện nay, không phải là không có người cứ nhất định không chịu sản xuất ra văn hóa: họ vẽ tranh chỉ để cho một số người nào ngắm chứ không bán, họ cũng có thể làm thơ để chỉ tặng người yêu hoặc viết tiểu thuyết rồi nhét vào ngăn kéo để dành cho… hậu thế! Nhưng xét một cách chung nhất thì đó chỉ là ngoại lệ: khách quan và vượt khỏi trường hợp từng cá nhân, vẫn tồn tại một thị trường văn hóa không khác gì một thị trường hàng hóa, thị trường chứng khoán…

Văn hóa vì vậy cũng đã trở thành một thứ hoạt động nuôi sống được con người và nhà văn (thí dụ) cũng đã trở thành nghề văn như bao nghề nghiệp khác: anh phải có kỹ năng để tạo tác phẩm, tác phẩm phải qua một cơ sở sản xuất rồi sau đó được tung ra thị trường để thử thách số phận của nó. Ðiều này có thể xúc phạm đến một quan niệm truyền thống nào đó về văn hóa, nhưng thực tế thì như vậy đấy: anh không muốn buôn văn bán chữ, nhưng khi chấp nhận hội nhập vào thị trường văn chương thì anh cũng trở thành người sản xuất văn chương.

Có lẽ cũng chẳng nên nhăn nhó về điều này. Văn hóa bao giờ cũng chỉ là một bộ phận của tổng thể. Trong một hoàn cảnh nào đó, chẳng hạn như vào thời kỳ chiến tranh và cách mạng, người ta có thể sẽ không sản xuất ra văn hóa – văn hóa trong trường hợp này sẽ là một thứ vũ khí chiến đấu, là phương tiện để tuyên truyền, là một thứ gì đó tương tự như truyền đơn để lôi mọi người về một phía. Thiển cận thì gọi đó là chức năng đời đời, thực tế thì gọi đó là cần thiết; nhưng dù sao thì quan niệm ấy sẽ không còn phù hợp với hoàn cảnh người ta chấp nhận thị trường như một cơ sở để phát triển – trong hòa bình không còn phải đổ máu nữa. Sự bao cấp toàn diện cho văn hóa ở đây sẽ cũng không còn thích hợp: văn hóa phải trở thành những hoạt động sinh lợi, góp phần tạo ra phát triển cho kinh tế bằng cách xem mình như một thứ hoạt động kinh tế trong lĩnh vực văn hóa.

Cũng không nên chê trách đó là sự hạ thấp chức năng của văn hóa. Cái đáng chê trách – và phải trừng phạt – ở đây không phải là việc văn hóa bị thương mại hoá mà là sự thương mại hóa một cách bất lương giống như mọi thứ kinh doanh bất lương khác thôi. Thị trường văn hóa cũng như thị trường nói chung không phải là sự bất lương để kết án; nó đòi hỏi những quy định chặt chẽ về mặt luật pháp, về cả những tư cách làm ăn của những chủ thể sản xuất, còn sản phẩm thì cũng phải được kiểm tra chất lượng trước khi đưa tới tay người tiêu thụ. Nếu làm ăn đàng hoàng, văn hóa cũng có thể làm cho người ta giàu lên một cách chính đáng – không riêng gì cho bản thân mà còn cho toàn xã hội nữa. Những cuốn phim, những cuốn truyện xuất hiện trên thị trường rồi sau đó nhận được những giải lớn và phổ biến khắp nơi chẳng phải đã chứng minh cho điều đó hay sao?

Vấn đề rốt ráo sẽ không còn phải là kết án thị trường văn hóa nói chung mà là xét xem, qua thị trường, người ta đã sản xuất ra những gì để được gọi là văn hóa. Quan sát những hoạt động của những nước đưa văn hóa vào thị trường lâu năm, chúng ta thấy nổi bật lên tính chất căn bản sau đây: đa dạng, nhiều chiều, nhiều xu hướng… Có những thứ sản xuất ra để giải trí, nhưng cũng có cái phục vụ cho nhu cầu học hỏi; có những cái rất thiết thực, nhưng cũng có cái nghiêng về hư cấu, mơ mộng; có những cái phù hợp với khu vực này, nhưng cũng có cái dành riêng cho một khu vực khác; có những cái chỉ cần liếc qua rồi quên đi ngay trong giấc ngủ, nhưng cũng có những cái làm cho người ta nhức đầu đến không ngủ được… Cái tối kỵ của thị trường là sự đơn điệu, nghèo nàn.

Tôi thích cải lương, nhưng tôi không thể buộc cả nước phải thích như tôi bằng cách chỉ sản xuất ra những thứ sản phẩm đại loại như cải lương. Ở nơi nào đó mà văn hóa chỉ có nghĩa là giải trí và tới lui chỉ có vài ba món giải trí tầm phào thì ở đó thị trường vẫn chưa thoát khỏi cái thời kỳ hoang sơ của nó. Cũng sẽ đưa đến một kết quả tương tự như vậy nếu như có ai đó định hy sinh những kiến thức cần thiết của con người để dành cho sự độc quyền của những lời giáo huấn chính trị nhạt nhẽo, mịt mờ. Chỉ chấp nhận sự định hướng chứ không dung thứ sự độc quyền, đó cũng là một trong những đặc tính của thị trường hiện đại.

Ðể tôn trọng tính nhiều vẻ trong nhu cầu của mọi người, thị trường cũng không thể chỉ biết chạy theo đồng tiền một cách thực dụng, thô thiển, mặc dù đồng tiền là huyết mạch của nó. Có cách kiếm tiền bằng việc buôn bán trái cây, nhưng cũng có cách kiếm tiền bằng sự trồng cây. Một nhà xuất bản không thể chăm chăm tính toán trường hợp nào cũng thu và được lợi nhuận tối đa: có khi in một cuốn sách nào đó không lời lại là cách rất có hiệu lực để tạo ra uy tín cho cuộc kinh doanh lâu dài. Cân bằng được những lợi ích khác nhau để tồn tại trong ổn định và phát triển đó cũng là cách làm ăn của một cơ chế thị trường đã có nhiều kinh nghiệm. Sự ổn định của một định chế quản lý dựa trên luật pháp ở đây đã trở thành cái quan trọng nhất. Tình trạng chạy theo lợi nhuận nhất thời bằng những thủ đoạn chụp giật là biểu hiện của một thị trường chưa định hình, chưa được luật pháp bảo vệ.

Sự bảo trợ văn hóa, xét theo chiều hướng trên, cũng không phải là điều gì xa lạ với thị trường. Lấy lợi nhuận từ phía này bù đắp sang phía khác, người ta vẫn có thể giúp đỡ cho sự ra đời của một xu hướng văn hóa thể nghiệm, tiền phong, với hy vọng xu hướng này trong tương lai có thể trở thành đại chúng: Sự kiện không ít sách bìa cứng (in giới hạn) đã chuyển sang sách bìa mỏng (in nhiều giá rẻ) đã chứng minh cho điều đó. Và cũng nhờ vào cung cách đó mà sinh hoạt văn hóa bên cạnh khu vực sinh lợi trực tiếp cũng đã nẩy sinh khá nhiều loại hình không sinh lợi trực tiếp. Những người trong hiệp hội nuôi ong bỏ tiền ra in một tạp chí nuôi ong chắc chắn không nhằm mục đích kiếm lời ngay bằng cách bán tạp chí ấy mà đã nhìn về sự phát triển lâu dài của ngành nuôi ong.

Hàng loạt những cái gọi là “quỹ tài trợ” do các xí nghiệp hoặc công ty lập ra để bảo trợ văn hóa cũng là nhắm đến những lợi ích lâu dài như vậy. Nhờ đó sinh hoạt văn hóa mới làm xuất hiện những công trình nghiên cứu có tác động cách mạng đối với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghiệp. Ấy là chúng ta chưa nói tới vai trò của nhà nước, với tư cách vừa là người trọng tài vừa là người đặt hàng, bảo trợ và đầu tư cho văn hóa. Có thể dẫn ra hàng loạt những thí dụ để ghi nhận sự đóng góp lớn lao của nhà nước vào sự nghiệp phát triển văn hóa, đặc biệt trong những lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, bảo vệ môi trường, khuyến khích văn hóa dân tộc, gìn giữ những loại hình hiếm, cao cấp… Mới nhìn qua người ta dễ tưởng đó chỉ là sự hy sinh để lấy tiếng, nhưng thực tế đó lại là sự đầu tư có tầm nhìn rất xa để tạo ra cái vốn về người cho thị trường và cho toàn xã hội.

Như vậy khi hòa nhập vào thị trường với tư cách là một cơ chế, văn hóa đã chịu sự tác động nhiều mặt của cơ chế ấy, không hề đơn giản.

Quan niệm đưa văn hóa vào thị trường sẽ làm mất tính đặc biệt của nó có lẽ không được đầy đủ. Ngược lại mới đúng: khi dấn thân vào hoạt động kinh tế, góp phần tạo ra của cải cho xã hội, văn hóa cũng nhờ đó mà tự phát triển: tầm phổ biến được rộng rãi hơn, ảnh hưởng sẽ mạnh mẽ hơn, nhất là khi nó vượt lên được những cái sàn sàn để trở thành những đỉnh cao. Về điểm này mà nói, thị trường không phải là nơi hủy hoại tài năng, tiêu diệt sáng tạo. Việc thị trường văn hóa chạy theo số đông, nghiêng về lượng hơn chất là điều dễ hiểu trong một thế giới mà đám đông đã có quyền cất lên tiếng nói của mình. Nhưng trong khi làm việc đó, thị trường vẫn không để cho số đông thống trị số ít; nó vẫn tự tạo ra từ trong cơ chế của nó những mảnh đất dành cho những thể nghiệm, tìm kiếm, vì vậy cũng đã thường xuyên ươm mầm cho những cái mới ra đời để đổi mới không ngừng bản thân và những cái xung quanh nó.

Ðứng về mặt thuần túy tinh thần mà xét, việc văn hóa phải chạy theo đồng tiền để hoạt động có thể bị xem là bị “vấy bẩn” bởi những cái tầm thường, không cao quý, nhưng xét cho kỹ thì điều đó có lẽ cũng không thực tế lắm. Ai cũng biết Balzac phải cặm cụi trên bàn viết của mình là do sự thôi thúc của những chủ nợ, nhưng những tiểu thuyết của ông không hề nhuốm mùi dung tục của đồng tiền. Hình dung ra một viễn cảnh ở đó văn hóa thoát khỏi được sự chế ngự của đồng tiền (và không phải chỉ của đồng tiền) là một điều rất đáng ước mơ. Nhưng cũng nên thực tế để thấy rằng đó vẫn chỉ là ước mơ. Trong một thế giới còn bị đè nặng bởi sự khan hiếm, ở đó đồng tiền còn là biểu tượng cho giá trị được tích lũy thì đồng tiền vẫn còn là động lực để người ta tích lũy một cách có hiệu quả. Vì tiền mà có thể đốt cả thế giới có lẽ không còn đúng với cung cách kinh doanh hiện đại, và trong thế giới hiện đại, đã có không ít người đã muốn đốt cả thế giới không phải chỉ vì tiền. Những nhân cách lớn ngày nay là những người chưa hề biết từ chối đồng tiền: họ chỉ là những người biết sử dụng đồng tiền như thế nào mà thôi. Và chính ở chỗ này mới là nơi thể hiện ra tính đặc thù của cái văn hóa.

Có lẽ sẽ không có ai hiểu biết chút ít về thị trường mà lại coi nó như một liều thuốc vạn năng: thị trường có lịch sử lâu đời của nó, phát triển qua thời gian cho đến nay giống như tất cả những gì mà con người làm ra, vẫn chưa phải là cái hoàn hảo.[1] Nhưng dù chưa hoàn hảo, nó vẫn mang đến cho chúng ta những phần tích cực rất thực tế của nó. Nó vẫn là sản phẩm của con người - một thực thể luôn luôn tìm kiếm tương lai cho mình, trong bất trắc và dọ dẫm. Bản thân nó đã là văn hóa hiểu theo nghĩa rộng nhất. Văn hóa chuyên biệt xét như một hình thái tinh thần không thể biểu hiện bên ngoài cái nền tảng đã sản sinh ra nó. Những giá trị gọi là dân chủ và nhân đạo cũng không thể tự thể hiện ở đâu ngoài cái mảnh đất đó. Tất cả cái còn lại đáng nói về văn hóa - với tư cách là một thứ hàng hóa đặc biệt - chỉ là ý thức và tự ý thức.

20.8.1991

L.P.

Cửa Việt - Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị, số 11 tháng chạp 1991.

 


 


[1] Về tính chất hai mặt của thị trường, xin xem Lữ Phương: “Thị trường và văn nghệ”, Văn nghệ (Thành phố Hồ Chí Minh) bộ mới, số 1, ngày 7.8.1991.