Nhân Tết cổ truyền, bàn đôi điều về
VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT
Lê Văn Thuyên
Trước tình hình băng hoại ngày càng trầm trọng về văn hóa- giáo dục- đạo
đức trong xã hội Việt Nam hiện nay, nếu không có chiến lược bảo vệ, xây
dựng và phát huy văn hóa gia đình một cách hợp lý và bền vững, thì sự
tan rã của gia đình là mầm mống dẫn đến đổ vỡ xã hội, là chuyện khó
tránh khỏi.
Ai cũng biết văn hóa chi phối
toàn bộ cuộc sống con người, cả tinh thần lẫn vật chất.Văn hóa là thước
đo có tính chuẩn mực để thẩm định, đánh giá về một con người, một tập
thể, một tổ chức…trong tất cả các mối quan hệ xã hội- cộng đồng của nó.
Vì vậy, những cách nói như “người thiếu văn hóa”, “gia đình vô văn hóa”…
thực chất là cách đánh giá của xã hội dựa trên tiêu chí văn hóa. Khi
người ta “chửi” nhau như vậy là rất nặng nề và đối với các gia đình có
nề nếp, có truyền thống gia giáo thì rất dị ứng với khái niệm “gia đình
vô văn hóa”, coi đó là sự xúc phạm nghiêm trọng không thể chấp nhận
được, là sự chà đạp thô bạo gia phong và danh dự gia đình. Chuyện đó chỉ
có thể xảy ra đối với những gia đình đã bại hoại gia phong, kiểu như:
“Nhà kia lỗi đạo, con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng” (Thơ
Trần Tế Xương). Thế nên, người Việt nói chung đặc biệt coi trọng gia
phong, gọi nôm na là nếp nhà. Gia phong, theo cách hiểu ngày nay chính
là văn hóa gia đình. Những gia đình Việt giàu truyền thống văn hóa, luôn
coi việc giữ gìn gia phong như “giữ gìn con ngươi của mắt mình” theo
phương châm “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Văn hóa gia đình thể
hiện chủ yếu trên các mặt: học hành, tu tâm dưỡng tính, quan hệ ứng xử,
sinh hoạt, công việc…
Trong quan hệ xã hội, phong cách ứng xử phải lịch thiệp, tinh tế, lễ độ,
chân tình. Thái độ đối nhân xử thế phải chuẩn mực. Trong quan hệ gia
đình cũng vậy. Chính chiếc nôi gia đình đã giáo dục cho con người phong
cách ứng xử như thế ngay từ khi còn nhỏ, nên khi lớn lên, những người
bình thường ai cũng coi trọng các mối quan hệ giữa các thành viên trong
gia đình, đối với người còn sống hay đã qua đời. Các mối quan hệ cha mẹ-
con cái, vợ- chồng, ông (bà)- cháu…thường rất tốt đẹp, được duy trì từ
đời này sang đời khác, thậm chí có những gia đình “tam đại đồng đường”,
“tứ đại đồng đường” chung sống với nhau hết sức êm ấm, hiếu thuận. Việc
con cháu phụng dưỡng chu đáo ông bà, cha mẹ lúc tuổi già; tổ chức mừng
sinh nhật, mừng tho, chúc Tết nhau, tổ chức tang lễ, giỗ chạp…là những
hành xử đầy nhân văn, là những nội hàm quan trọng trong văn hóa gia
đình.
Những gia đình có truyền thống văn hóa thường giáo dục các thành viên
trong gia đình rất kỹ về ý thức trong mọi sinh hoạt hàng ngày như ăn
uống, trang phục, đi đứng, nói năng, ứng xử…tất cả đều phải tuân thủ một
số quy định “bất thành văn” mà ai cũng phải tự giác chấp hành; bởi vì
ngay từ khi còn nhỏ đã được ông bà, cha mẹ dạy thế nào là “tiên học lễ,
hậu học văn”, đã được “học ăn, học nói, học gói, học mở’, nên khi lớn
lên những điều bảo ban ấy đã trở thành “nhập tâm”. Đó là vốn liếng đạo
đức ban đầu hết sức quan trọng để con người dần dần tự hoàn thiện mình,
tự tạo được cho mình lối sống lành mạnh, trong sáng, tử tế, lương thiện.
Gia đình nào cũng coi trọng việc học nên mới có truyền thống “tôn sư
trọng đạo”. Ngày trước, các gia đình theo Nho học chú trọng giáo dục con
cháu từ tuổi ấu thơ, thậm chí ngay từ khi đứa bé còn nằm trong bụng mẹ
(thai giáo). Trong các gia đình dân dã cũng vậy, người ta “dạy con từ
thuở lên ba”, ai cũng sợ bị xã hội chê là “vô học”. Chỉ trừ những kẻ
“súc sanh vô lại”, “đầu trộm đuôi cướp”, còn từ “bình dân” đến “quý
tộc”, “trong triều ngoài quận” ai cũng coi trọng việc học hành, tu tâm
dưỡng tánh, bởi vì “Nhân bất học bất tri lý; ấu bất học lão hà vi”
(người không học thì không biết gì về cái lý phải- trái; lúc nhỏ không
học, lớn lên thành đồ vô dụng). Nếu khẳng định việc học trước hết là để
làm người, để ích nước lợi nhà, thì điều đó hoàn toàn đúng với mọi thời
đại.
Gia đình là thành trì cuối cùng có khả năng loại bỏ các tạp chất, thanh
lọc và tiếp nhận phần tinh chất từ môi trường bên ngoài để tự bảo vệ
mình và làm phong phú thêm cho truyền thống gia đình, đó là một trong
những chức năng quan trọng nhất của văn hóa gia đình. Người xưa dạy
“Giấy rách phải giữ lấy lề”, dù có “sa cơ lỡ vận”, bị rơi vào hoàn cảnh
khó khăn nghèo khổ thì cũng không được làm ảnh hưởng đến danh dự, truyền
thống gia đình, dòng họ, mà phải sống sao cho phải đạo “Đói cho sạch,
rách cho thơm”. Mặt khác, hiện tượng gia đình tan rã hay tiềm ẩn nguy cơ
dẫn đến tan rã thời nào cũng có, vì khi đạo đức xã hội suy đồi thì thành
trì gia đình cũng bị đe dọa. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tan rã là sự
băng hoại các giá trị văn hóa- đạo đức gia đình. Đó là những gia đình
thật sự bất hạnh do cha mẹ bỏ nhau hoặc vô trách nhiệm đối với con cái;
con cháu ngược đãi cha mẹ, ông bà; anh em ruột thịt thù địch nhau; mâu
thuẫn nội bộ gia đình triền miên cùng với bao nhiêu thói hư tật xấu khác
như cờ bạc, rượu chè bê tha, tệ nạn xã hội…càng làm cho gia đình nhanh
chóng tan rã, dĩ nhiên hậu quả xã hội của nó hết sức nặng nề.
Muốn bảo vệ gia đình trước hết phải biết xây dựng, vun đắp, giữ gìn cái
gốc của nó là văn hóa gia đình. Một gia đình vô văn hóa thì nguy cơ tan
rã là khó tránh khỏi. Người chủ gia đình phải nhận thức đầy đủ, nghiêm
túc trọng trách đó trước xã hội. Cũng cần phải loại trừ cách hiểu rất
phiến diện và không chuẩn về văn hóa gia đình dựa trên chức tước, địa
vị, tài sản vật chất, tiền bạc, sự sang trọng xa hoa phù phiếm, sự háo
danh hám lợi…của không ít người chủ gia đình. Thế nên, phải làm cho xã
hội nhận thức một cách đầy đủ về bản chất, nội dung và tầm quan trọng
của văn hóa gia đình, trong đó người chủ gia đình phải là tấm gương hết
sức mẫu mực trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Có như vậy gia phong
mới bền vững.
Muốn xã hội tốt, trước hết phải có nhiều gia đình tốt, vì “gia đình là
tế bào của xã hội”. Sở dĩ xã hội có quá nhiều điều chưa tốt đẹp, nhiều
phần tử bất hảo (chữ “bất hảo” để chỉ loại người mất nhân cách, mất nhân
tính, thuộc thành phần cặn bã của xã hội), suy cho cùng, là do gia đình
“thải” ra mà thôi. Vì vậy, một trong những việc cần thiết và cấp bách để
làm cơ sở cho việc hoạch định đại chiến lược về gia đình là phải tiến
hành nghiêm túc một cuộc điều tra xã hội học sâu rộng về văn hóa gia
đình. Có như vậy mới có thể hiểu được một cách đầy đủ về “phần chìm của
một tảng băng nổi”.
Bàn về văn hóa Việt Nam nói chung trong đó có văn hóa gia đình, không
thể không xem xét ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, bởi
vì “Trong những nước đã chịu cái
văn hóa của Nho giáo, có nước Việt Nam ta đối với nước Tàu có cái mối
liên hệ mật thiết hơn cả…” (Trần Trọng Kim,
Nho giáo, nxb VHTT, HN, 2000,
trang 680). Nhưng đó là một đề tài sâu rộng, người viết không dám lạm
bàn ở đây. Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng dấu ấn sâu đậm của văn hóa
Nho giáo tồn tại trong văn hóa Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử biến
thiên đầy thăng trầm của nó- từ Hán nho, Đường nho đến Tống nho, đến nay
vẫn còn khá rõ nét, xét về cả hai mặt tốt và xấu. Có một hiện tượng
tưởng chừng như bất ngờ nhưng lại có nguyên nhân sâu xa từ chiếc nôi đã
sinh ra Nho giáo là đất nước Trung Quốc. Ấy là ngày nay Nho giáo ở Trung
Quốc đã được hồi sinh dưới chiếc áo mới, mà ta có thể gọi đích danh là
“Tập nho” ( cũng có thể gọi
là “Nho giáo mới”). Trong khoảng hơn nửa thập niên trở lại đây, việc
Trung Quốc “xuất khẩu” Viện Khổng Tử ra nhiều nước trên thế giới đã
chứng minh điều đó.
Trở lại với vấn đề văn hóa gia đình của người Việt, trong bối cảnh chung
của xã hội Việt Nam đương đại, nếu không thường xuyên cảnh giác cao độ
trước ảnh hưởng của “Nho giáo mới” tràn vào Việt Nam từ phương Bắc, thì
công cuộc “Xây dựng và phát triển
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như các nhà
lãnh đạo Việt Nam thường hô hào đến bao giờ mới “thành công tốt đẹp”?
Huế, 12/ 2018
|