Học
Sinh Giỏi Quốc Gia: Một Kỳ Thi Phải Bỏ
(Một góc nhìn từ người trong cuộc)
Lê
Uyên Phương
Cứ gần
Tết là có kết quả kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia. Đội tuyển Học sinh giỏi
mà tôi có tham gia giảng dạy, như mọi năm, vẫn bạn đậu bạn rớt, rớt
nhiều hơn đậu. Người rớt buồn bã và gượng gạo, người đậu vui mừng trong
ái ngại, thầy cô chia vui đứa này, động viên… năm sau thi tiếp đứa kia,
tình cảnh thật chẳng biết khóc hay cười. “Để làm gì cơ chứ?” - đó là
những câu hỏi cứ trở đi trở lại trong đầu tôi, từ khi còn là một học
sinh phổ thông đến khi là một giáo viên trường chuyên đồng thời là một
giảng viên đại học, từ khi chưa giảng dạy đến khi đã tham gia giảng dạy
đội tuyển. Nỗi băn khoăn nhiều khi biến thành đau lòng và phẫn nộ khi
những bạn học trò mà mình yêu mến trải nghiệm những cảm xúc không đáng
có ở tuổi các em. Tôi viết bài này để cung cấp một điểm nhìn, những suy
tư về những nguy cơ trước mắt và lâu dài của một trong những kỳ thi có
tuổi đời ngót nghét nửa thế kỷ, hao tốn tiền của và công sức bậc nhất cả
nước, từ điểm nhìn của một người làm giáo dục và tham gia trực tiếp vào
việc giảng dạy, tiếp xúc các bạn thí sinh cũng như các bạn sinh viên đã
bước ra từ kỳ thi này.
Chấp
nhận bước vào kỳ thi - một canh bạc lớn?
Các
bạn thi đậu kỳ thi chọn đội tuyển của tỉnh/thành phố được tập trung để
học môn chuyên trong 3 tháng. Thời gian đó, các bạn được nghỉ học ở
trường và tất cả những môn thi và kiểm tra trong học kỳ đó đều được 10
điểm như một sự “ưu đãi” cho những bạn đại diện và mang “vinh quang” về
cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, đừng vội nghĩ đơn giản đó là một sự bất công
với các bạn học sinh “bình thường” còn lại. Hãy nhìn vào sự “đánh đổi”
của nó: 3 tháng hoàn toàn không học môn gì trừ môn chuyên, khi quay lại
lớp sau, dù đã trở thành học sinh giỏi quốc gia hay không, các bạn hầu
như… ngơ ngác với những gì cả lớp đang học. Nhiều bạn trong đội tuyển
lại là học sinh lớp 12, vì với một đề thi quốc gia chung cho cả ba khối
ở từng môn học - gần như là rất khó để học sinh lớp 10 có thể cạnh tranh
với các anh chị lớp 11, 12. Rất nhiều bạn sinh viên đại học từng thi học
sinh giỏi quốc gia vào năm lớp 12 đã kể với tôi về hoàn cảnh của họ sau
khi thi xong: “Em chỉ giải được 30% đề thi thử trung học quốc gia môn
toán, mà 1 tháng nữa là thi”, “Em run sợ nghĩ đến việc thi rớt tốt
nghiệp”. “Được ăn cả, ngã về không” - trở thành học sinh giỏi quốc gia
hoặc không có gì cả và quay trở lại với một khoảng trống mênh mông về
kiến thức các môn toán, lý, hóa, sử, địa… - kỳ thi học sinh giỏi quốc
gia có khác gì một canh bạc lớn?
Biện
minh cho thực tế này, nhiều thầy cô có thể cho rằng đây là một sân chơi
để các bạn thử sức và trưởng thành, rằng bước vào cuộc chơi và chấp nhận
luật chơi của nó là “dũng cảm”. Có vấn đề “lựa chọn” và “chấp nhận cuộc
chơi” ở đây chăng, khi các bạn vẫn đang dưới 18 tuổi và được những người
lớn chung quanh bơm thổi về việc “theo đuổi và sống hết mình với đam
mê”, cho một “thanh xuân rực rỡ”? Trưởng thành bằng nỗi buồn mênh mông
vì “thi rớt”, trong một kỳ thi mà tính chính danh và chính đáng, sự cần
thiết và nội dung khoa học của nó vẫn còn gây tranh cãi - là một sự
trưởng thành “cần thiết” ư?
Những
hụt hẫng vì thi cử luôn để lại một vết thương rất sâu với những tâm hồn
mới lớn. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác kỳ thi Học sinh giỏi Olympic 30/4
tổ chức tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong dành cho các trường từ miền
Trung vào miền Nam mà tôi từng tham dự khi học lớp 10. Do có nhiều
trường từ xa đến nên cuộc thi diễn ra buổi sáng, thầy cô chấm thi buổi
chiều và trao giải vào sáng hôm sau. Bạn sẽ thấy như thế nào khi đội
tuyển trường gồm 3 người, 2 người đã được xướng tên lên nhận “huy
chương” mà không có bạn - tôi chính là người “còn lại” đó và ký ức về
thất bại luôn ám ảnh tôi.
Sâu xa
hơn, thi cử và “sống chết vì một kỳ thi” (hãy nghĩ đến các “Lễ xuất
quân” diễn ra dành cho các bạn sắp đi thi) là dấu vết của một nền giáo
dục mơ hồ về mục tiêu giáo dục. Thi cử đồng nghĩa với việc tôi bị người
khác đánh giá tôi, tôi bị đặt vào thế bị động. Tôi có thật sự cần một
người/tổ chức nào khác “xác nhận” để tôi biết tôi có giá trị/năng lực? -
Câu trả lời “Không nhất thiết!” cho câu hỏi này là một điều gần như bất
khả đối với một bạn thiếu niên 16, 17 tuổi. “Mình dở, mình kém”, “Mình
xui xẻo, mình không gặp thời”, “Mọi người đang nhìn mình và thương hại
mình” - đó là điều mà các bạn thất bại trong những kỳ thi sẽ nghĩ và
nghĩ rất lâu.
Học
đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia = Học trước các kiến thức ở Đại học
Các
bạn trong đội tuyển sẽ được học những gì? Những kiến thức rất hàn lâm
dành cho sinh viên đại học với người giảng dạy các chuyên đề đa phần là
các thầy cô giảng viên đại học. Nếu địa phương “có điều kiện”, các giáo
sư từ nhiều nơi sẽ được mời về (hoặc vài tỉnh sẽ cùng mời để san sẻ kinh
phí), nếu trường ít điều kiện hơn, các bạn trong đội tuyển sẽ tự đóng
tiền để lên Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh (và thường phụ huynh sẽ sẵn sàng
chi tiền vì đây là một “vinh dự” của gia đình).
Được
“học trước” đại học, sẵn với tư chất thông minh, hầu như đa số các bạn
thi học sinh giỏi quốc gia xong sẽ không theo đuổi môn chuyên của mình ở
các cấp học cao hơn. Nếu tiếp tục học môn chuyên đó ở trường đại học,
bạn đó hoặc sẽ hụt hẫng vì những bạn cùng lớp không “cùng trình độ” với
mình, các bạn sẽ không hứng thú nghe lại những gì mình đã được học rồi,
hoặc sẽ trở thành những “ngôi sao” đầy ảo tưởng ở trường đại học. Đây
liệu có thể được xem là một sự “chảy máu chất xám” (khiến Việt Nam thiếu
các chuyên gia sâu ở các lãnh vực), đồng thời đi ngược lại với triết lý
“giáo dục toàn diện” của giáo dục phổ thông? Việc phân chia trường
chuyên - lớp chọn và trường thường - lớp thường tạo ra một sự chia rẽ
không đáng có trong giáo dục phổ thông vốn nên đồng đều và công bằng với
tất cả mọi người. Các thầy cô ở ngay cả một số nước Đông Nam Á tôi từng
đến đều tròn mắt ngạc nhiên khi tôi nói rằng ở Việt Nam có một dạng
“high school for the gifted” (trường chuyên/ năng khiếu). “Để làm gì cơ
chứ?” - họ hỏi.
Tính
khoa học của đề thi cũng là một vấn đề gây tranh luận. Như tất cả các kỳ
thi quốc gia, môn Ngữ văn luôn được dư luận chú ý nhiều nhất (Các môn
Toán, Lý, Hóa thì quá đặc thù để có thể đánh giá rộng rãi), nên xin đơn
cử trường hợp đề thi Ngữ văn quốc gia hai năm trở lại đây. Đề thi năm
2019 là một câu hỏi về văn chương trong thời đại 4.0: ““Rồi
đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng
tạo văn học có còn là độc quyền của con người”?Bằng trải nghiệm văn học,
anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.”
Đề thi không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào về máy làm văn, viết
thơ, soạn nhạc cũng như nguyên tắc hoạt động của nó ra sao, nhưng lại
yêu cầu đánh giá và bình luận - đây phải chăng là một sự “đánh đố” với
thí sinh? Đề thi năm 2020 đưa ra một vấn đề rất kinh điển của lý luận
văn học là chức năng của văn chương: “Thời đại ngày nay, con người
phải đối diện với nhiều áp lực trong đời sống tinh thần. Liệu văn học có
giúp con người hóa giải những áp lực đó?”. Có vẻ như có một sự lần
lẫn ở đây ở giữa văn chương đích thực (thường khiến người đọc trăn trở
thậm chí hoang mang nhiều hơn là thanh thản) với dòng sách self-help
(dạy làm người) hay nghệ thuật đại chúng chăng? Tính chuẩn mực và khoa
học của đề thi vẫn còn gây tranh cãi, thì tiêu chí nào để chấm đây, và
những kết quả đưa ra liệu có thuyết phục được cả thí sinh lẫn công luận?
… đến
những trò mê tín kỳ dị chung quanh kỳ thi
Học
sinh thi đậu Học sinh giỏi Quốc gia sẽ mang đến vinh dự cho “tỉnh nhà”
nên sự đầu tư tiền bạc (từ ngân sách địa phương?) và niềm “kỳ vọng” là
không ít. Có một dạo, tôi đã được một phen cười ra nước mắt khi được các
bạn sinh viên kể lại những “nghi thức tâm linh” trong đội tuyển học sinh
giỏi của trường chuyên hay của tỉnh các bạn: nếu đó là đội tuyển địa lý,
mọi người sẽ cúng quả địa cầu hay quyển Atlas, đội tuyển toán thì cúng
máy tính hay cây compa, đội tuyển văn thì cúng bút, cúng vở. Một bạn nữ
kể: “Trước khi thi, cả trường sẽ được nghỉ để cúng danh nhân lịch sử
mang tên trường. Bạn học sinh đại diện được cầm một cây nhang rất to, có
lần em được đứng ở vị trí đó rồi, tự hào vô cùng”. Còn có những kiêng kỵ
rất độc đáo: đội tuyển “kiêng” một phòng học vì học ở đó thì thi rớt
nhiều; nếu thầy nào dạy đội tuyển mà năm đó “thất bát” thì khi đội tuyển
“ra quân”, thầy cô đó sẽ lấy cớ đi đâu xa, Đà Lạt, Vũng Tàu gì đó (?!).
Những tình tiết tưởng như vô thưởng vô phạt đó còn có thể nói với chúng
ta điều gì khác hơn là thói ham mê thành tích đến bệnh hoạn và mù quáng?
Chứng kiến và can dự tất cả những điều này, các bạn học sinh sẽ hình
thành một nhãn quan như thế nào về học vấn và xã hội?
Nếu
thi rớt, thì đó là do xui rủi và nên cầu cúng nhiều và đúng cách, nên
mời thêm các thầy cô ở “trung ương” để ôn luyện cho “đúng trọng tâm”
thi. Một lập luận thường được đưa ra nữa là dẫu kết quả không như ý, thì
“các bạn đã có 3 tháng tuyệt vời, hết mình với đam mê của mình”, các bạn
đã có một “gia đình nhỏ” hết lòng thương yêu nhau là các thành viên
trong đội tuyển,… Tạm gác qua vấn đề “thắng lợi tinh thần”, nếu chúng ta
xem “gia đình nhỏ” và “kỷ niệm đẹp” này là một quá trình/phương tiện, và
danh hiệu học sinh giỏi quốc gia là mục đích. Nếu mục đích đã không
chính đáng (như được phân tích ở trên) thì phương tiện có còn ý nghĩa
nữa hay không? Quá trình có biện minh cho mục đích được hay không?
***
Có ý
kiến cho rằng những quyền lợi nhận được từ cuộc thi rất lớn như danh
hiệu, giải thưởng, tuyển thẳng đại học… nên nhiều bạn học sinh vẫn “lao
vào” kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia. Tuy nhiên, là người tiếp xúc trực
tiếp với các bạn, tôi cảm nhận được tình yêu thật sự của các bạn dành
cho môn chuyên, nỗi tò mò và háo hức rất thơ trẻ của các cô cậu mới lớn
với tri thức - một thứ “lòng hiếu tri nguyên thủy” (ham học như một bản
năng) theo chữ dùng của triết gia Karl Jaspers. Những người lớn chúng ta
có trách nhiệm gì chăng, khi đã không những không trân trọng, vun đắp,
mà có thể còn đang “lợi dụng” (ý thức hoặc vô thức) tình yêu thơ trẻ
đáng mến đó để phục vụ cho một thứ ảo tưởng kỳ dị của chúng ta, trong
một nền giáo dục không có triết lý, không có mục tiêu, không có cả tình
yêu tỉnh táo đầy tự vấn khi đang ngày ngày làm việc với con người, với
cảm xúc và tương lai của họ.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 17-1-20 |