Sự va đập ký hiệu thẩm mỹ
trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái

 

Lê Thị Hường

 

 

 

Từ một cốt truyện nhại trinh thám

 Văn học của chúng ta đang hướng về sự hỗn loạn… Trong thời đại cực kỳ hỗn loạn ấy, có một thứ vẫn còn giữ, giữ một cách khiêm tốn, những giá trị truyền thống: đó là truyện trinh thám” (J. L. Borges). Ở Việt Nam, qua những biến động lịch sử, sau một gián đoạn khá dài, trinh thám từ chỗ là cận văn học, ngoại biên đã dịch chuyển vào trung tâm. Sự xuất hiện trở lại của truyện trinh thám tuy còn rải rác nhưng điều đáng lưu ý là cội rễ thể loại ngày càng đậm trong tiểu thuyết đương đại. Do tính đối thoại - một nguyên lý cơ bản của văn chương, nhại/nhại thể loại trở thành xu hướng phổ biến trong văn học. Mặt khác, với tính chất liên thể loại, giễu nhại như là một trò chơi cấu trúc. Trong tiểu thuyết nhại trinh thám, nhà văn tạo tình huống giống như thật (nghi phạm, điều tra, truy lùng, kết án…) - nhưng tất cả đều là những thao tác giả. Sự thật nằm sau những cái giả mà nhà văn đem ra giễu nhại này.

Trong những điều kiện mới, văn học Việt dần chuyển sang hệ hình hậu hiện đại, dung nạp cái hỗn loạn, phi tâm, cái hiện thực thậm phồn. Giễu nhại trở thành một phương thức, một giọng, một diễn ngôn chủ. Trong giọng điệu thời đại đó, Hồ Anh Thái là một điển hình. Với một nhà văn vài năm cho ra đời một tiểu thuyết, người đọc không tránh khỏi cảm giác vừa tò mò, vừa ngại ngần sợ một sự lặp lại. Tuy vậy, với Tranh Van Gogh mua để đốt, Hồ Anh Thái gây ấn tượng về sự lạ mới ngay từ nhan đề. Tên cuốn tiểu thuyết như một ký hiệu phản đề, một mã trinh thám - Tranh Van Gogh mua để đốt. Ai mua? Ai đốt? Đốt trở thành từ khóa gắn liền với biểu tượng lửa. Ai đã phạm tội hủy diệt văn hóa nhân loại? Mã nhan đề gắn với tình huống phạm tội, điều tra, truy tìm sự thật. Câu chuyện bức tranh suýt bị đốt hai lần được kể như một câu chuyện trinh thám đan xen các mã diễn ngôn trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái.

Nhưng Hồ Anh Thái không viết tiểu thuyết trinh thám. Nhà văn đang chơi cấu trúc. Cuộc chơi mở ra ngày từ đầu qua kỹ thuật “tung hỏa mù”, với cách kể chuyện nửa kín nửa hở, vừa lan man, ngẫu hứng, phi tâm, vừa có chất kết dính từ bên trong. Chiến lược trần thuật rất rõ qua mặt nạ tác giả, qua đối thoại với người đọc, qua việc giấu điểm nhìn. Nhà văn lên kế hoạch (“tác giả đã bàn với nhân vật”, “đã định…”); ván bài có vẻ đã lật ngửa nhưng vẫn hứa hẹn nhiều bất ngờ. Cuộc rượt đuổi nghi phạm (anh tổng biên tập - người cứu tranh) chưa đến hồi kết thúc mà nhân thân nguyên cáo (ông sếp - người đốt tranh) ngày càng lộ rõ.

Toàn bộ văn bản chuyện là sự dịch chuyển, lắp ghép. Dịch chuyển không gian địa lý, từ Đà Lạt chuyển sang Sa Pa, từ chợ tình đến sex tour; điện ảnh, văn học, hội họa, nghệ thuật sắp đặt; liên văn hóa; liên tôn giáo, tộc người (H’ Mông, lai Tây) …; từ những cuốn sách trắng, những tấm toan bôi trắng đến bức tranh đời sống loang lổ xám tối; từ một khuôn mặt người đến trùng điệp đám đông nhạt mờ. Tất cả dung chứa trong một văn bản tiểu thuyết ngắn, đôi chỗ có vẻ thừa, nhưng mọi mảnh ghép đều khớp mạch, dồn nén và bung phá. Suốt văn bản truyện hầu như không có đối thoại nhân vật. Lời thoại của nhân vật (rất hiếm) đều được  nhà văn - người viết truyện/người kể chuyện diễn đạt lại. Sự triệt tiêu/tỉnh lược đối thoại, để cho biểu tượng lên tiếng là đặc điểm của tiểu thuyết Hồ Anh Thái.  Đâu là phim, đâu đang là tiểu thuyết, khó phân định bởi một sự đan kết được nói rõ từ đầu nhưng úp mở qua một hệ thống ký hiệu mật mã, trong đó nổi bật là trắng/màu trắng gắn với những cổ mẫu/biểu tượng khác. Các mã diễn ngôn đó chỉ xoay quanh hai tình huống đốt/hủy diệt và cứu/tái sinh. Đốt tranh của Van Gogh và cướp/nhặt/cứu bức tranh vô giá cuối cùng chỉ còn màu trắng. Sự va đập, tương hỗ giữa các ký hiệu đã mở ra những bi hài cuộc sống. Đằng sau số phận của tài danh là bi kịch trí thức bị ruồng bỏ. Đằng sau câu chuyện bức tranh bị đốt là bi kịch hội họa hiện đại. Xoay quanh bức tranh nổi tiếng của danh họa Hà Lan là phi lý, vô nghĩa cuộc đời; là ngụy tín trong văn học nghệ thuật và những hệ lụy của nó trong đời sống con người. Âu lo, mất niềm tin, xa lạ… những chủ đề hiện sinh đậm rõ trong câu chuyện nhại trinh thám này.

 Từ chân dung Van Gogh đến bi hài trí thức

Đốt. Đốt hết. Lửa từ nhan đề và suốt văn bản. Đốt bức tranh nổi tiếng của danh họa Hà Lan mà cái tên đã làm thảng thốt người đọc. Nhà văn hoàn toàn không đề cập bi kịch cuộc đời của họa sĩ thiên tài nhưng ẩn sâu trong khuôn mặt khắc khổ, nhàu nhĩ của bác sĩ Gachet trong tranh là nỗi thống khổ cuộc đời Van Gogh. Và đằng sau nỗi cô-độc-kép đó là bi kịch lạc thời của trí thức nghệ sĩ, kể cả bi hài kịch của những kẻ trí thức giả, qua một chất giọng giễu nhại đã thành phong cách của Hồ Anh Thái.

Nhân vật của Hồ Anh Thái đủ mọi hạng người, phú quý sang hèn, đỉnh cao danh vọng hay dưới đáy, không có điểm nhấn, phi tâm. Nhà văn cũng chẳng ưu ái cho ai hoặc ghét bỏ ai, trừ sự tha hóa con người. Tuy vậy, qua nhiều tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, những kẻ sĩ trí thức thường lưu giữ người đọc lâu hơn. Nhà văn đã thổi mẫu hình trí thức của Kron (Thao thức) mà ông từng khâm phục vào những trang văn đậm chất black humour của mình. Hồ Anh Thái khái quát muôn mặt cuộc đời qua những mảnh lắp ghép rời rạc, hỗn độn, thực ảo đan xen. Cuộc rượt đuổi giữa người cố tình đốt tranh (sếp) và người vô tình cứu tranh (anh) dung chứa trong mạch ngầm của nó là bi kịch người trí thức bị ruồng bỏ. Đằng sau cuộc rượt đuổi (vô hình lẫn hữu hình) là chênh vênh giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm người trí thức. Cuộc đời anh là sự dịch chuyển - tổng biên tập của một tờ báo - giám đốc truyền thông - nhân viên của một tập đoàn lớn, nhưng anh gần với những chân giá trị. Khi cả đám đông lao vào trò chơi nhân đạo, chỉ có anh là khóc thật (dẫu cái sự khóc đó sau này cũng là hệ lụy truy bức anh); chỉ có anh là ám ảnh không dứt vì không cứu được người giữa dòng nước lũ, giữa biển nước mắt vô cảm của trò chơi từ thiện. Trước bức tranh sắp bị đốt, anh đã “linh cảm đây không phải là tranh chép”, “tim anh đập như đánh trống, mấy ngón tay anh run run, đầu óc anh xây xẩm…”. Và cũng chỉ có anh, khi bức tranh bị tẩy trắng, còn nhìn ra ký hiệu hình vú ở mặt sau, dấu tích của những năm tháng nghệ thuật bị vùi dập vì không theo thị hiếu đám đông. Chỉ có anh là không đeo mặt nạ nên nhiều lần bị chuyển đổi công việc; bị truy đuổi bởi sếp và trên sếp là những thế lực vô hình giăng bủa khắp nơi (lên núi xuống biển lấp mặt giữa đông đúc thị thành hay trốn trong hầm tối, đâu cũng có con mắt nhòm ngó của sếp). Sâu xa hơn, đằng sau anh là những hệ lụy gia đình, là câu chuyện dài về người bố - một trí thức giàu nhiệt huyết, du học nước ngoài trong niềm khát vọng tận hiến. Nhưng thực tế tỉ lệ nghịch với ước mơ hoài bão, cuộc đời anh kỹ sư trẻ là thuyên chuyển, là bất đắc chí, là mòn mỏi, là cái chết trong tủi nhục, trong bóng tối. Bi hài người trí thức còn đậm nhạt ở nhiều số phận. Đó là cô nhà báo mà “người ta nhắc nhiều đến tai nạn của cô hơn là số huy hiệu huy chương”; là cậu nghiên cứu sinh người Mỹ chung thủy với cô gái Việt, mong mỏi một lần, một khoảnh khắc được đặt chân lên mảnh đất tình yêu, nhưng luôn bị những rào chắn vô hình. Liên tưởng, lan man, phi tâm, không ai là nhân vật chính hay phụ, nhân vật thật hay ảo, nhà văn đã biến truyện thành phim ngay trong văn bản tiểu thuyết của mình. Nhân vật - diễn viên, nhà biên kịch - nhà văn nhòe mờ. Cảm giác như tất cả đều sắm vai. Tác giả sắm vai dẫn dắt các trường đoạn, sắm vai âm thanh đạo cụ. Vai diễn - vai thật ngoài đời lẫn lộn chẳng còn phân biệt thực hư. Những mảnh đời, những số phận đan chéo nhau, có khi phả lấp vào nhau trên nền một không gian rỗng/trắng đa nghĩa.

 Từ số phận một bức tranh đến những bức tranh

Những liên quan về bức tranh Chân dung bác sĩ Gachet của Van Gogh nhà văn sử dụng thông tin mạng như một hình thức liên văn bản (được vẽ trong thời kỳ khủng hoảng, bị che chắn lỗ thủng chuồng gà; một tỉ phú người Nhật mua tranh những 82,5 triệu USD chỉ để giấu trong ghế bành và sẽ đốt đi khi chết, một anh sếp Việt Nam đã lặn lội mua được bức tranh với giá gấp đôi, rồi cũng để đốt…). “Hẳn là bức tranh đã vô cùng chật vật mới thoát được ngọn lửa hỏa thiêu ở Nhật. Nó chạy trốn khỏi nước Nhật để sang Việt Nam gieo mình vào một đống lửa khác”. Những gì ẩn đằng sau bức tranh có số phận không bình thường đó mới là điều đáng nói.

Xoay quanh bức tranh bị che chuồng gà và những bức tranh trắng là thật giả lẫn lộn, các chân giá trị bị tiêu hủy, giả đạo đức, ngụy tín lên ngôi. Vấn đề là cả một đám đông không ai nhận ra sự giả trá. Cả đám đông chơi trò sáng mắt nhưng lại lạc vào cõi vô minh, vào “chốn sương mù”. Duy nhất chỉ có cô diễn viên/cô gái Mông lai Kinh là thấy chữ, thấy tranh. Gọi em là gì cũng được bởi em không có nhân thân (là cô học sinh mà chàng trai người Mỹ yêu cuồng nhiệt thủy chung, là người chị điên vì cái chết tức tưởi của đứa em trai, là cô gái H’Mông mắt xanh tóc vàng, cô gái có đứa con lai như một con búp bê Tây, cô diễn viên đẹp đóng vai im lặng, không đọc được kịch bản vì hễ thấy chữ là choáng váng). Gọi em là gì cũng được bởi em bị đánh vắng, đánh tráo, bị triệt tiêu tiếng nói trong cái mê-cung-trống-rỗng ấy: “Những giá sách cao ngất chạm trần”; “San sát. Tầng tầng lớp lớp… những vật thể chứa chữ… trưng bày tri thức của chủ nhà”. Gọi em là gì cũng không sai, nhưng duy nhất em là người nhìn thấy trong những quyển sách bìa cứng mạ vàng uy nghiêm trên kệ sách của ông sếp là những trang giấy hoàn toàn trắng. Cuốn nọ chồng xếp cuốn kia, tầng tầng lớp lớp trắng xóa, hoàn toàn không có chữ; nhưng những con chữ vô hình lại phát lên hình ảnh, âm thanh lôi cuốn cô gái hễ thấy chữ là đau đầu. Cô mải mê, đắm chìm trong một thế giới trắng đầy màu sắc, chuyện trò với chữ, sống trong từng con chữ không hiện hình. Kể cả những bức tranh cô phác họa cũng toàn là màu trắng. Những gì người khác không thấy cô lại thấy và vẽ lại bằng sự im lặng trắng. Ẩn sau những tấm toan bôi sơn dầu hoàn toàn trắng là bạo chúa Nero và cảnh thành Rome đang cháy, là “xoáy nước trong làng quê mùa lũ;… xoáy nước mùa mưa nước ngập đường phố”… Tất cả đều trắng kể cả lửa. Lửa màu trắng. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái thường có một cõi vô minh như thế. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi, trong “cái tăm tối mù lòa ngu dốt. Cả thế gian cùng lúc chìm trong vô minh” cũng chỉ Savitri - nữ thần đồng trinh - nữ thần dục vọng, là nhìn xuyên được cõi vô minh ấy. Còn với tôi - nhà nghiên cứu Ấn Độ “màn sương trắng vẫn bịt chặt lấy mắt”; “Tôi cũng không thấy gì qua lớp sương trắng xóa” (Đức Phật, nàng Savitri và tôi). Với cô gái nửa H’Mông nửa Kinh bị đánh tráo, không tên, từ chỗ ngộ chữ đến chỗ bừng ngộ - giữa cõi vô minh mù mờ, chỉ có em là sáng, là thật. Trắng như một trạng thái im lặng tuyệt đối. Từ sự im lặng trắng đó, dồn dập, đan xen, cùng va đập những âm thanh cuộc đời. Lạ thay cái thế giới ảo mà cô đang chìm đắm mới chính thực là cuộc đời - “những cuộc đời rất lạ. Những cuộc đời rất quen”. Đa dạng đời và hư vô đời. Trắng trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái biểu hiện hư vô đời người. Tính không xác định của màu trắng lại gợi bảng phổ quang cuộc đời, hiện hữu hỗn độn đó rồi mờ nhòe cũng đó. Trắng thể hiện một ảnh tượng siêu hình về ý nghĩa cuộc đời.

Những bức tranh trắng trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái nói lên bi kịch nghệ thuật lừa dối, hình thức, háo danh, những bức tranh như một sự đánh lừa thị giác. Màu trắng trong suốt lại trở thành tấm gương phản ánh những phi lý cuộc đời. Từ một bức tranh trắng nhân bội lên nhiều bức tranh. Cả một đám đông lao vào trò chơi sáng tạo, phê bình bôi trơn, đấu hót. Không ai nhìn nhận đây là những bức tranh trắng. Những trí thức nghệ sĩ xun xoe, khen ngợi, gọi lên những cái tên mỹ miều, bởi “hành nghề nghệ thuật thị giác mà thú nhận rằng mắt mình không thấy thì như đàn ông phải tự thú mình đang uống viagara”. Thế là trắng trở thành biểu tượng đa nghĩa, “tuôn ra những là Tảng băng trôi với Hôn lễ trắng, Góa phụ trắng, Hai bàn tay trắng, Cuộc tình màu trắng... Những bức tranh lần lượt đều có tên. Có bức vài ba cái tên. Thêm Giao hưởng trắng, Khói trắng, Những cuộc tình màu trắng. Nhiều trắng quá. Giả sử mở một cuộc triển lãm, tên triển lãm sẽ là Trắng. Một chữ thôi”. Trong không gian bị tẩy trắng đó khúc xạ nhiều sắc màu cuộc sống. Phì đại, lấn chồng. Trong vô vàn mảnh lộn xộn đó, trắng (vô hình vô dáng vô màu) hiện diện xuyên khắp, như một ký hiệu đa bội, gắn kết các mảnh, các mã văn hóa. “Trắng. Tổng hợp của tất thảy các màu trên thế gian này. Là màu của mọi màu. Là ánh sáng của mọi ánh sáng. Cảm xúc của mọi cảm xúc. Lời của mọi lời. Vua của màu sắc. Vua của thị giác. Vua của cảm giác. Vua của ngôn ngữ”.

           Thật bất ngờ lẫn trong những bức tranh trắng đa nghĩa là bức họa Chân dung bác sĩ Gachet hóa trắng “trống trơn trống rỗng trống vắng”. Nhưng những gì là chân giá trị vẫn tồn tại. Ký hiệu hình vú đã nói lên tất cả: “Một vết rách hình chữ V nằm ngang. Chính xác nó là thế này: >. Vết rách hình vú. Breast-shaped”. Đây là dấu hiệu của bức tranh thật (khi che chắn chuồng gà bức tranh bị một vết rách) từ một góc nhìn nó trở thành một ký hiệu thẩm mỹ, hủy diệt và tái tạo. “Nó đấy. Nó kia. Nó hiển hiện và bảo rằng tôi đây. Tôi đây”. Hơn ba trăm trang tác phẩm với ngổn ngang bi hài kịch khép lại bằng ký hiệu vết vá hình vú, tại thời điểm kết thúc một cuộc truy lùng. Dẫu bức tranh có bị trắng hóa thì Breast-shaped vẫn còn đó như một giá trị đích thực. Không gì xóa được. Đốt. Bôi trắng. Bằng mọi cách, tranh Van Gogh vẫn nhàu-nhĩ-nguyên-vẹn. “Thế này: >”.

Tạp chí Nhà văn và tác phẩm 4-2020

 

--- ---

Tranh Van Gogh mua để đốt, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, NXB Trẻ.