Những chuyện nghiêm túc
đằng sau một tác phẩm bông đùa Lê Thị Hường ĐH Sư phạm Huế
“Điều mà chúng ta cần không phải là các tác
phẩm lớn mà là những tác phẩm bông đùa (playful)… Một câu chuyện là một
trò chơi mà mỗi người có thể chơi bằng cách tham dự nó” (Ronald
Sukenich)[1].
Bông đùa, chơi, giễu trở thành phong cách thời đại. Không uyên bác,
không đứng cao hơn, biết rộng hơn những vấn đề đưa ra để bông đùa thì
tiếng cười của nhà văn sẽ lạc lõng, chẳng thức động một điều gì. Sau hơn
mười tiểu thuyết, và bốn mươi năm ghim ý tưởng trong đầu, với Năm lá
quốc thư, một lần nữa Hồ Anh Thái mang lại cho văn học tiếng cười,
phần hài nổi bật, phần bi khuất chìm, mang sức nặng của một tác phẩm
playful. Theo nhà văn, Năm lá quốc thư là “cuốn tiểu thuyết
đầu tiên viết về nghề ngoại giao và người ngoại giao trong cuộc sống
đương đại”. Chọn mảng vùng ngoại giao (mảnh đất thiêng) với những ngài
đại sứ (đẳng cấp cao) làm đối tượng để trào tiếu, giễu nhại, Hồ Anh Thái
gần như độc quyền.
Năm lá quốc thư
thể hiện rõ sự đa dạng trong tính thống nhất của phong cách Hồ Anh Thái.
Sau hàng loạt tiểu thuyết thuộc hệ hình hậu hiện đại mà mỗi tác phẩm là
một cách chơi, càng về sau, Hồ Anh Thái càng giấu trò chơi kỹ thuật, với
một lối viết “truyền thống trá hình”. Năm lá quốc thư thiên về
lối tự sự chính luận với bố cục theo tuyến tính, được phân đoạn rõ ràng
theo đánh số thứ tự (Lá quốc thư thứ nhất/hai/ba cộng một/tư và đoạn kết
là Lá quốc thư thứ năm…); nhưng nội dung không đơn giản là chuyện các lá
quốc thư, cũng không liền mạch thứ tự trước sau mà được ghép nối từ
những mảnh nhỏ, mỗi mảnh dung hợp nhiều vấn đề: liên văn hóa, ngoại
giao, lịch sử, điện ảnh, tộc người, căn tính dân tộc… Từ năm lá quốc thư
(cùng một bản sao chỉ thay đổi ngày tháng và tên họ) gắn liền với năm vị
đại sứ (cũng được đánh số thứ tự 1,2,3,4,5), người đọc có thể kiến tạo
nên một cốt truyện hoàn chỉnh hướng theo tinh thần nhân quả, một chủ đề
tư tưởng có tính xuyên văn bản trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái (Cõi
người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm, Đức Phật, nàng Savitri và
tôi, Những đứa con rải rác trên đường...) Lối trần thuật ngôi thứ ba
với sự xâm nhập linh hoạt của ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai thuận lợi cho
việc liên tục chuyển đổi mạch truyện, vừa gợi vừa gây bất ngờ. Cách gọi
tên nhân vật theo công việc, chức vụ khiến câu chuyện về giới ngoại giao
được soi chiếu nhiều mặt, cá nhân trở thành đại diện, thành đám đông.
Chọn những đại sứ, đẳng cấp cao của loài người để bông đùa, tác giả đã
chạm thấu căn cốt của người Việt xấu xí, nó không chỉ xuất hiện ở
một thời điểm mà vẫn tồn tại dai dẳng đâu đó, kể cả trong xã hội văn
minh. Cuộc sống, tính cách của những nhà ngoại giao mà “đường công danh
là một con đường cao tốc tiêu chuẩn quốc tế” hiển lộ đầy đặn với tất cả
những gì thuộc về bản tính Việt ở cả hai mặt tốt và xấu. Nhà văn bóc bỏ
mọi lớp giấy bóng mờ, phơi ra các ngóc ngách chỉ có người trong cuộc mới
nhìn thấu suốt. Từ những khoảng sáng tối đó, cái đẹp sau những kỳ thị,
vùi dập vẫn trồi lên, với một happy end kết cục có hậu dường như
không mấy quen thuộc với lối viết của Hồ Anh Thái.
Anh và năm lá quốc thư
Trong số những tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, đây là tác phẩm mà hình
tượng tác giả rõ nhất. Dẫu nhà văn có rào đón: “Tác giả sử dụng quyền hư
cấu để đưa người đọc bước vào một khung cảnh thuần túy tiểu thuyết” (Lời
nói đầu); và dẫu người đọc thông diễn tác phẩm từ đặc trưng tiểu
thuyết, vẫn nhìn thấy một cái tôi tự truyện, qua nhân vật, qua người kể
chuyện. Có khi nhà văn “ở trên đường ranh giới của thế giới do anh ta
sáng tạo” (Bakhtin). Có lúc, nhà văn kiêm luôn đạo diễn, đứng trên nhân
vật, điều khiển họ theo cách của mình. Cũng có khi tác giả gửi thân vào
nhân vật. Trong Năm lá quốc thư, Anh vừa là nhân vật, vừa là
người kể chuyện. Anh nói tiếng, nói giọng của nhà văn. Anh là một nhà
ngoại giao lịch lãm với bề dày văn hóa ứng xử, một nhà văn hóa am hiểu
mọi lĩnh vực tôn giáo, ẩm thực, địa lý, lịch sử nhiều vùng đất; thông
tuệ về văn học nghệ thuật đông tây kim cổ. Qua nhân vật Anh, cái tôi tác
giả tỏa bóng toàn tác phẩm như một người kể chuyện uyên bác, có mặt ở
mọi ngóc ngách, vừa quan sát vừa kể vừa luận bàn triết lý giễu cợt. Từ
đó, mọi lĩnh vực trong đời sống hiện dần đậm nhạt qua nhiều góc nhìn.
Qua Anh, nhà văn không giấu giọng của mình, một chất giọng rất riêng của
Hồ Anh Thái, xuyên suốt nhiều tiểu thuyết, làm nên phong cách khó lẫn
của nhà văn.
Anh là tâm điểm, là sợi dây kết nối toàn nhân vật trong câu chuyện về
giới ngoại giao. Anh gắn liền mật thiết với năm lá quốc thư của năm đời
đại sứ. Năm lá quốc thư là ẩn dụ về năm ngài đại sứ thuộc các thế hệ
khác nhau, những sứ giả vốn được xem là đại diện cho văn hóa Việt, với
kỹ năng giao tiếp đa văn hóa. Anh là thư ký đại sứ, người tháp tùng đại
sứ để trình quốc thư mà “đằng sau nó là cả một đất nước. Nó là quốc
thể”. Vì vậy, Anh xuất hiện cùng với chiếc cặp ngoại giao khư khư giữ ở
tay. Cái cặp xuất hiện với tần suất cao trong câu chuyện: “Cặp nhẹ mà
thành nặng vì là thư của chủ tịch nước gửi cho tổng thống”. Từ câu
chuyện ngoại giao (thuộc bí mật quốc gia), từ những cá nhân riêng biệt
(đại sứ), câu chuyện trở thành chung của toàn xã hội với sự xuống cấp
trầm trọng của các chuẩn mực giá trị. Cuốn tiểu thuyết phản ánh xã hội
Việt Nam trong giai đoạn vừa thoát ra khỏi chiến tranh, vừa xây dựng một
cuộc sống hòa bình còn nhiều bất trắc và thiếu thốn. Trong hoàn cảnh đặc
thù đó, một mặt, tâm lý hưởng thụ của con người trỗi dậy; mặt khác,
mặc-cảm-thiếu-hụt khơi dậy bản-năng-lấp-đầy (ông tham tán nghiện giấy vệ
sinh, những ông bà ngoại giao biến hành lang chung cư thành xó bếp, cơi
nới, lấn chiếm, trồng trọt chăn nuôi trên đất chung…) Tất cả đều phát
sinh từ sự thiếu thốn, thói xấu hình thành như một quán tính, một thứ vô
thức tập thể. Những con người đại diện cho quốc thể đó, đang sống ở
những vùng đất từng được xem là cái nôi văn hóa, đa phần lại làm nhục
quốc thể bằng tư duy tiểu nông vặt vãnh. “Sự vật hóa là thực tiễn của sự
tha hóa” (Hegel). Nhà văn hoán đổi, dùng đồ vật/sự vật để nói một kiểu
người, hơn cả thế, một kiểu đại diện cho sự biến đổi căn tính Việt.
Không gian đồ vật trương phình, được nhà văn phóng đại như một dụng ý
nghệ thuật nhằm tăng thêm ý nghĩa của sự tha hóa của con người. Đồ vật
nhân bội, lòng tham vặt cũng nhân bội: “… xe chất đầy bình xịt muỗi,
bình xịt nước thơm, xà phòng, nước rửa tay, nước rửa nhà, đến cả chục
cái chổi và đầy một xe giấy vệ sinh”; “Số giấy vệ sinh ấy có vừa ị vừa
lau tay lau chân cũng thừa cho cả vài chục người”. Kèm theo đó là “mỗi
tháng một tập giấy tờ nặng hai cân, là “các tập hóa đơn giả về việc
chiêu đãi”, đống hợp đồng thuê nhà, lượng visa khổng lồ… Đồ vật phì đại,
thói gian dối phình ra, sự thiếu hụt văn hóa cũng tỉ lệ thuận. Đại sứ
“người đại diện tốt cho đất nước mình” thu nhặt mọi loại giấy “những tập
sách giới thiệu khách sạn sách hướng dẫn du lịch thực đơn quảng cáo của
quán ăn, tập giấy góp ý cho khách sạn, ông vơ tất, đem vào toilet đốt
dần”. Chỉ để nướng mực. Trong bốn bức tường khép kín của khách sạn xứ
người, chỉ còn ta với ta, trút bỏ lớp mặt nạ ngoại giao, con người tiểu
nông “khó chẳng bằng khôn” lộ diện, lấp liếm, tráo trở. Nhà văn chua
chát “thì người Việt vẫn bảo. Được miếng nào xào miếng ấy”, “Cả một đời
công chức đã rèn cho họ một quán tính là moi tiền nhà nước, moi tiền nhà
nước, đục khoét nhà nước”… Trong một thế giới quyền lực, đầy mưu mô,
tranh chấp, lẫn lộn giả thật, Anh đại diện cho cái đẹp, cái tốt. Nhà văn
sắc sảo đến từng chi tiết khi phơi bày mọi mặt của giới ngoại giao, đồng
thời cũng thật lãng mạn khi viết về cái Đẹp, của các nền văn hóa, của
thiên nhiên, tâm hồn con người, đặc biệt khi viết về phụ nữ.
Anh – Rosa và cây vĩ cầm
đứt dây
Hồ Anh Thái ít “ưu tiên” cho phái nữ. Năm lá quốc thư không phải
là cuốn tiểu thuyết chủ yếu viết về bi kịch phụ nữ hay ngợi ca thiên
tính nữ. Tuy vậy, trong câu chuyện về ngoại giao, vẫn thấy những trang
văn lấp lóe cái nhìn thấu cảm với thân phận nữ, dẫu sự thấu cảm đó có
lúc giấu đi qua tiếng cười giễu nhại. Giữa những khoảng tối, thiên tính
nữ cứ ánh ngời làm mềm mại giọng điệu cứng cỏi, bỗ bã, thậm chí có lúc
tàn nhẫn của nhà văn (khi viết về sự tha hóa). Trừ Bà Đại Sứ (3), nữ
giới trong tác phẩm thật đáng yêu. Là Tạp Vụ Vợ hồn nhiên chết mà không
hề hay biết chính anh chồng bủn xỉn và anh bạn Hành Chính tham vặt đã
gây ra cái chết vì điện giật của mình. Cái chết của cô ám ảnh hai người
đàn ông - một “gói ghém ba đứa con và một cái bình tro về nước”, một (là
cái bóng lén lút hàng đêm mở bốn tủ lạnh của nhà người khác) xanh xám
hồi sinh. Một phải gửi vào trại cai nghiện và một được cử đi châu Phi
làm thủ trưởng một cơ quan đại diện. Như luật nhân quả, dẫu đôi lúc nhân
quả thật tàn độc và cay đắng. Đặc biệt, hai người phụ nữ trong mối quan
hệ giữa Anh – Rosa – Nàng đã làm nên cốt lõi nhân văn của câu chuyện bi
hài giới ngoại giao.
Giữa hỗn loạn chính trị của lãnh thổ Malastan, Rosa xuất hiện như một
chìa khóa mở ra mạch ngầm của câu chuyện tưởng như chỉ viết về các ngài
đại sứ nhiều thế hệ. Rosa xuất hiện không nhiều nhưng cái bóng của cô
gái vùng Trung Á ôm trùm tác phẩm. Nhà văn chỉ phác họa một vài nét,
thêm vào đó là đánh vắng nhân vật, nhưng Rosa trở thành tâm điểm thẩm
mỹ. Là mã văn hóa và liên văn hóa. Là đối kháng và dung hòa văn hóa.
Chính từ mối quan hệ giữa Anh và Rosa, nhà văn đã khắc họa diện mạo đặc
thù của một vùng đất với những cuộc đảo chính liên tục, trong đó người
phụ nữ bị coi rẻ. Roza là nạn nhân của những biến loạn do “những lực
lượng khủng bố mang tên Nhà nước Thánh chiến lợi dụng thời cơ để nổi dậy”.
Cha mẹ làm ăn ở Thụy Điển, Rosa nhiều lần muốn ra đi nhưng dưới chính
quyền mới cô mắc kẹt ở Malastan. Cô gái xuất hiện cùng với tiếng kêu cứu
và “tiếng quẫy đạp thình thình trong cốp xe” trong lần di tản. Gắn liền
với Rosa là chiếc vĩ cầm và chiếc khăn choàng sắc tộc. Đằng sau Rosa là
bóng dáng của những người đàn bà dưới áo choàng đen của một vùng văn
hóa. Là người đàn bà bị anh lính lịch sự, điển trai giáng vào mặt một
báng súng, vì những người lính cửa khẩu vừa “phát hiện ra bà ta là người
Malastan”, “người đàn bà ôm bộ mặt đầy máu lăn lộn như hóa điên” vì
không được ra khỏi đất nước mình; là Rosa bị “lôi xềnh xệch” khi chiếc
khăn đội đầu hóa trang tụt xuống, lộ mặt, với ánh mắt “thất thần tuyệt
vọng”; là “đôi ba bóng phụ nữ lặng lẽ lướt trên vỉa hè. Áo choàng đen
lùng nhùng. Vuông khăn đen kéo che ngang mặt. Chỉ còn hở đôi mắt”. Từ
Rosa, xoay quanh cô gái với chiếc đàn số phận đứt hết dây “kêu lên lần
cuối trước khi lặn xuống vĩnh viễn trong cõi âm thanh mơ hồ”, vấn đề về
phụ nữ của một số tộc người ở Tây Á, Trung Á và Nam Á đầy đặn dần qua
từng mảnh ghép. Chính quyền Malastan sau khi đánh đổ chính quyền quân
chủ đã trở nên cực đoan, kỳ thị phụ nữ - “đóng cửa các trường học của nữ
sinh, cấm đàn bà con gái đi học”; “… mạng che mặt và áo choàng đen che
kín từ đầu đến mắt cá chân”; “khăn đen là màu tôn giáo coi đức hạnh”. Do
quan niệm sắc đẹp của người phụ nữ chính là nguồn gốc của mọi tội lỗi:
“Tôn giáo ở đây không cho phép người lạ chụp ảnh phụ nữ, không được phép
công khai ca tụng nhan sắc phụ nữ của họ”. Bất bình đẳng diễn ra ở ngay
một đất nước cách mạng với những tấm biển nhắc nhở phụ nữ đặt nơi công
cộng, lối vào các công viên và các bảo tàng: “Hở tóc và lộ eo sẽ kích
động tính dâm dục của đàn ông”. Nhưng vượt qua bóng ma kỳ thị, vượt lên
những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, câu chuyện về Anh – Rosa là câu
chuyện đậm chất nhân văn. Cái đẹp chìm sau những lực lượng khủng bố của
nhà nước Thánh chiến, những sinh hoạt nhốn nháo của một thiểu số người
Việt ở xứ người, cứ từng chút một lại trồi lên.
Trực cảm về cái chân-thiện-mỹ khiến con người gần nhau, hiểu nhau. Những
giai điệu xuyên không gian, thời gian, tộc người đã kết nối những con
người không cùng màu da, tiếng nói. Gặp nhau lần đầu, dẫu Rosa không hề
chạm vào dây đàn, nhưng âm thanh của Khúc hát nàng Solveig, rồi
khúc Bi thương “trên cả âm thanh. Xuyên qua bóng tối. Nhỏ từng
giọt từng giọt da diết vào hai tâm hồn hòa đồng cách cảm”; “Anh tìm vai
cô trong bóng tối, siết chặt” giữa màn đêm dày đặc ở sân bay và tiếng
rít đanh nhọn của những quả tên lửa bay ngang đầu. Cái siết vai vội vàng
đó là nguyên nhân thôi thúc Anh luôn tìm kiếm Rosa. Sự mất tích của Rosa
là một tình huống hợp lý giữa lãnh thổ Malastan biến loạn, nhưng là dụng
ý đánh vắng nhân vật của nhà văn. Để thôi thúc kiếm tìm. Để thêm khao
khát vẻ đẹp thánh thiện giữa nhiều cạm bẫy. Để câu chuyện dài ra bằng
các mảng sáng lấp lánh giữa những khoảng tối. Anh đi tìm Rosa, trên
những đường phố đầy phụ nữ “che kín mặt”, qua những “ngõ hẻm hun hút”,
những “cái sân lát gạch ẩm ướt và u tối” với hy vọng Rosa sẽ tình cờ
nhìn thấy Anh “qua một ô cửa tối tăm nào đó”. Tình huống kiếm tìm và một
loạt biểu tượng gắn liền với Rosa lại xuất hiện khiến câu chuyện tình
yêu đầy ảo giác, như có như không: lá thư Rosa luồn qua khe cửa phòng
khách sạn; Rosa trên ô cửa sổ đối diện với gương mặt không che mạng,
sáng lên trên ô cửa tăm tối; chiếc vĩ cầm đỏ và âm thanh khúc Bi
thương “đắng. Chát. Trôi nổi phù du”. Khúc nhạc của Beethoven chưa
từng vang lên từ cây đàn số phận đứt hết dây, nhưng bám riết trong Anh,
mãi vang lên từ vô thức nhớ, sau hai năm, mười năm, và sau nhiều năm
nữa.
Lần gặp lại Rosa thực sự bằng xương bằng thịt (cô đã được đoàn tụ gia
đình, qua bao nhiêu lần binh biến máu lửa, cô trở lại Malastan để đầu tư
vào một xí nghiệp may mặc xuất khẩu) “họ ôm nhau ngay mà không tự ghìm
mình”. Dẫu Rosa vẫn choàng tấm khăn đội đầu, chỉ hở mỗi gương mặt. Dẫu
Anh vẫn biết cái ôm đó “không thể xảy ra ở một xứ tôn giáo nghiêm khắc”.
Sự liên cảm kỳ diệu giữa hai tâm hồn đã gắn kết Anh và Rosa vượt qua mọi
tôn giáo, sắc tộc, kể cả những bức hại. Rosa là biểu tượng liên văn hóa.
Rosa gợi trong Anh những suy tư, ám ảnh về thân phận con người, về lẽ vô
thường, sinh diệt: “Từ khi gặp Rosa trong thoáng chốc ở sân bay
Malastan, Anh hay nghĩ về cái bấp bênh của kiếp người, cái bản chất bất
ổn của thế giới này”. Sự thay đổi số phận của Rosa là sự dung hòa văn
hóa, kể cả cách ăn mặc của cô. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chú ý
miêu tả chi tiết và bằng biểu tượng: “Thời chưa cải cách, phụ nữ tất
thảy đều phải mặc áo choàng đen lùng thùng che hết eo ót và trùm xuống
tận mắt cá chân”. Còn Rosa của hôm nay, “bên trong chiếc áo măng tô hơi
rộng kia chắc chắn là một thân hình thanh thoát. Áo lửng đến đầu gối và
may hơi rộng để không quá lộ eo”; khuôn mặt không che mạng “đẹp mê hồn.
Lông mày và lông mi đều rậm và đen thẫm”. Cái bắt tay của Rosa cũng là
một sự thay đổi. Trước, phụ nữ Malastan không được bắt tay đàn ông, “giờ
thì ở nơi công cộng, phụ nữ đã chìa tay ra chủ động bắt tay đàn ông”. Kể
cả khúc vĩ cầm cũng không còn vô thanh bởi “sự cấm đoán nghiệt ngã của
một thời”…
Anh – Nàng và chiếc cặp ngoại giao
Nàng là một trong tám cô gái “xinh tươi làm nức lòng gần bốn chục chàng
trai” trong năm học đầu tiên ở trường Ngoại giao. Với Anh, Nàng là mối
tình trong trẻo thuở sinh viên. Như một coup de foudre, Nàng thu
hút Anh ban đầu bởi Adidas và soóc trắng. “Anh cảm ngay”. Cũng chính
Nàng là người đầu tiên gọi Anh là nhà văn và không đồng ý việc đổi tên
truyện ngắn Nói bằng lời của mình -“là thông điệp của người trẻ
gửi cho người trẻ, đừng có nói bằng tiếng nói của người khác, đừng có
theo con vẹt hay con sáo…” thành Bạn cùng lớp - “cái tên như thế
ai mà chẳng đặt được. Cái tên như thế, có cũng như không…” Cũng chính
Nàng phản biện, khi mới chớm yêu nhau đã bị gọi lên phòng tổ chức “uống
nước chè”: “Chúng cháu không biết rằng yêu nhau cũng bị coi là sai”;
“Chúng cháu không yêu đương lằng nhằng”. Những trường đoạn viết về Nàng
gần như là những trang tự thuật của nhà văn về tuổi trẻ của một thế hệ
đầy ước mơ hoài bão, thẳng thắn và chân thật; về tình yêu, đúng hơn là
“hình như là tình yêu” trong trẻo, tinh khôi.
Hai lần Anh - Nàng nằm bên nhau, thời sinh viên, do những tình huống
ngẫu nhiên, bị động, khao khát nhường kia mà trong trẻo nhường nào. Dẫu
thoáng bóng dáng “ngôn tình” trong nghệ thuật tạo tình huống truyện,
nhưng giọng hài hước, bông đùa lấn át khi câu chuyện được kể lại từ điểm
nhìn hiện tại (khi lần thứ ba họ nằm bên nhau): “Nằm. Hai lần. Và chắc
chắc là chỉ có nằm thôi, không có gì khác. Chính xác là kiểu nằm
platonic love, nằm chay tịnh”. Cái nhìn thiên vị khiến nhà văn khắc họa
chân dung một người nữ thật vẹn toàn. Nàng thật khác đối với thế giới
nhốn nháo, bẩn tưởi trong mọi chuyện của Hồ Anh Thái. Nàng hấp dẫn, hoàn
hảo. Nàng như thiên thần trong trẻo, ánh sáng còn lại của cái thế giới
bé nhỏ mà xám xịt của những nhà ngoại giao ở xứ người.
Lần thứ ba nằm bên nhau (khi nàng đã là một nhà ngoại giao trẻ, năng nổ
trung thực và đã trải qua quá nhiều sóng gió), không “chay tịnh” nữa,
giữa “tiếng loa cầu kinh vang vang bên ngoài”, khi Nàng “không còn là em
của ngày xưa nữa”, Anh mới lờ mờ hiểu thêm về Nàng. Cũng giống Rosa, dẫu
địa văn hóa có khác nhau, cả hai đều là nạn nhân của các thể chế - từ
khi nàng làm thư ký, tháp tùng Đại Sứ Bà sang một đất nước ở vùng Nam Á,
và một chớp mắt như mơ là đến quần đảo ở phía nam Ấn Độ Dương. Quên hết
ngoại giao, chính trị, danh vị, cõi lòng Nàng mở ra trước rừng lá phong
vàng lá phong đỏ bừng lên ở khắp đảo. “Nàng say sưa như chân không chạm
đất…”; “Nàng chạy tung tăng giữa rừng phong đang chuyển sắc đỏ và vàng”;
“Nàng nằm lăn ra giữa thảm lá. Nằm im. Im hoàn toàn”… “Cháu muốn ở
lại vĩnh viễn trên đảo này cô ơi”. Câu nói tha thiết trước cái đẹp
toàn bích, trong khoảnh khắc giao cảm kỳ diệu giữa con người và thiên
nhiên, giữa cõi lòng và cõi trời, không ngờ lại là cái bẫy đẩy Nàng hoàn
hảo đến thế thành “một tên phản động”, mang “tư tưởng vọng ngoại, gọi
chủ nghĩa tư bản là thiên đường”, “có biểu hiện thần kinh nặng”; thành
tội “đào ngũ lưu vong” phải “còng tay về nước”... dẫu không một văn bản
nào kết luận rằng Nàng có tội hay vô tội. Tất cả tội trạng mà cô gái đó
mang vác chỉ vì “quá hồn nhiên quá tin vào bà đại sứ” và những phản ứng
về các hóa đơn giả chồng chất của Đại Sứ Bà.
Hồ Anh Thái khái quát thành căn tính - “Gốc gác căn tính của con người
là lòng tham. Gốc gác của lòng tham là kinh tế”. Lòng tham đã đẩy Đại Sứ
Bà đến chỗ tận cùng tội ác. Mưu mô, thâm độc, quyền uy, Đại Sứ Bà đã
biến Nàng hoàn hảo đến thế, lãng mạn, hồn nhiên và chân thật đến vậy
thành cô gái trầm cảm, “ngẩn ngẩn ngơ ngơ”, như hóa thành người khác. Sự
thay đổi của Nàng, từ cô sinh viên trường Đại học Ngoại giao trong sáng,
cô thư ký đại sứ năng động, thẳng thắn đến chỗ mất niềm tin, chống cự và
thỏa hiệp với cái xấu, rồi bị coi là tâm thần khi Nàng ám ảnh day dứt về
sự thỏa hiệp của mình. Cũng chính Anh nhận ra “cú ngã ấy quá đau, nó như
một vết thương ở bên trong, âm ỉ và dai dẳng ở trong ấy. Và phải sau mấy
năm trời triền miên chịu đựng thì chất chồng dồn góp, nỗi đau mới lên
đến cực đỉnh”. Chính những
sang chấn tâm hồn đó, ghim sâu, dồn nén, bùng phát, khơi dậy ở Nàng
bản-năng-trả-thù. Một mặt, hành vi trả thù Bà Đại Sứ chính là kết quả
của “cái ấm ức tâm lý” (Freud) mà Nàng chịu đựng từ ngày bị còng tay về
nước. Mặt khác, với Nàng việc trả thù đó cũng thật “nhi nữ thường tình”:
sắp xếp, lên kế hoạch “yêu” để cướp
lá quốc thư. Nhà văn vừa tạo tình huống như truyện trinh thám để kể lại
những âm mưu, dàn cảnh rất phụ nữ của Nàng, vừa lý giải căn nguyên. Lần
thứ ba Nàng nằm bên Anh, vì Anh thì ít mà chính là vì chiếc cặp ngoại
giao - “trong cặp chỉ đựng đúng một lá quốc thư”, mà quốc thư là quốc
thể, không thể thuộc về Đại Sứ Bà.
Nhưng “yêu” thì thỏa mãn, còn hành vi trả thù thì bất thành. Cái còn lại
là cảm giác bẽ bàng khó nói của hai người. Anh nhìn thấy “vẻ tuyệt vọng
cùng cực trên mặt nàng. Tuyệt vọng và thất vọng”. Với nàng, thêm một
sang chấn nặng nề vì mất niềm tin - “Không âm thanh và không lời lẽ nào.
Vô thanh và vô ngôn. Có cả vẻ tuyệt tình làm cho Nàng chết sững”. Cảm
xúc đóng băng cho thấy tổn thất lẫn mặc cảm nặng nề ở một thiếu phụ muốn
lấy lại niềm tin chứ không phải muốn trả thù. Còn anh - “anh cũng chết
sững” và sau đó là cảm giác hụt hẫng vì đã đánh mất nàng chỉ để giữ lại
lá quốc thư thứ ba “có một góc nhàu và một vết ố”.
Hoài bão thời trẻ tuổi, bản chất tốt đẹp, đầy bản lĩnh khiến Nàng mãi là
một biểu tượng cho cái đẹp của người phụ nữ Việt. Nàng và Rosa, thuộc về
hai đất nước, hai nền văn hóa khác nhau đã gặp nhau ở bản chất nhân văn
của loài người. Lần mất hút Nàng, lẫn Rosa (chỉ vì lá quốc thư thứ ba)
Anh ngẫm ngợi về kiếp nhân sinh: “Ôi những người đàn bà. Mà không chỉ
những người đàn bà. Ôi những con người trên thế gian này… Họ đã gây nhân
rồi gặt quả, triền miên tiếp nối”. Lần gặp lại cả hai người phụ nữ (đã
có nhiều thay đổi) ngay chính mảnh đất còn đầy biến loạn, Anh lại bật
thốt: “Trời ơi những người phụ nữ này…” Những người phụ nữ bất kể màu
da, cứng cỏi là thế mà nhân hậu, dịu dàng đến thế. Nơi súng đạn hoảng
loạn ở xứ người, Anh nhận ra Nàng nhờ một mái tóc dài tung bay, “chỉ mái
tóc dài Việt Nam mới không trùm khăn và tung bay kiểu như thế”. Còn lại
trong Anh là “gương mặt Nàng đỏ hồng và sáng bừng lên cho đến khi xa
dần”. Với Rosa, điều còn lại nơi Anh là những khúc nhạc vĩ cầm. Những âm
thanh đã từng vang lên trong im lặng, trong “tăm tối chiến tranh và sự
bức hại ngăn cản con người”. Những âm thanh hoàn chỉnh, thiết tha, vang
vọng: “Thanh thoát tiếng đàn. Và rì rầm rì rầm tiếng dòng sông”.
Thật bất ngờ, Đại Sứ Năm (ở Hamania, một nước Đông Âu) chính là Anh. Và
cũng thật bất ngờ, quốc thư thứ năm không còn những dòng chữ bóng bẩy,
rập khuôn, lặp đi lặp lại đến giả dối, bởi Đại Sứ Năm không cần những
lời giới thiệu hoa mỹ. Chỉ còn lại trong Anh khi nghĩ về Nàng và Rosa,
“thân gái dặm trường. Một người phụ nữ, bằng ấy biến động đã quá đủ cho
cả đời người”.
[1]
Trích
dẫn từ Patricia Waugh, Siêu hư cấu - Lý thuyết và thực hành
về lối viết truyện tự ý thức, Phạm Tấn Xuân Cao dịch từ
Metafiction: The Theory anh Practice of Self-Conscious Fiction,
London & New York: Routledge (1984, 2001), tr 61. |